15/02/2011 08:21 (GMT+7)
Số lượt xem: 1764
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bài viết này đã được cắt bỏ một phần, vì một trong những ý chính có trong bản thảo đã được độc giả ký tên là Mộng Du đề cập, qua ý kiến trích dẫn lại lời của phản hồi bài viết “Hộ pháp: cần tầm nhìn sáng suốt và xa rộng

của Hòa thượng Thích Trí Quang, nói về việc không nên có sự phân biệt các đối tượng Phật tử khác nhau theo trình độ (theo Tâm Ảnh lục).

Cũng rất mừng và rất biết ơn quý độc giả đã quan tâm, tham gia ý kiến về việc hộ pháp, khiến tiếng nói hộ pháp ngày càng vang lên mạnh mẽ.

Những ý còn lại của bài viết được trình bày dưới đây đề cập đến trách nhiệm của tăng ni đối với việc giữ gìn Phật tử trong chánh pháp và không thể có sự phân biệt về trình độ.

Những tinh thần nền tảng của đạo Phật là bố thí, quảng đại, bình đẳng, không phân biệt kỳ thị giàu nghèo, sang hèn, khôn dại, tinh chuyên đạo Phật hay không tinh chuyên đạo Phật…

Để cho một Phật tử cải đạo là khiến cho một người không còn được hưởng pháp vị của đạo Phật, dù cho Phật tử đó có trình độ đạo Phật thế nào.

Vì họ chưa am hiểu đạo Phật, chưa thuần thành trong đạo Phật, chưa thụ hưởng tinh túy, mầu nhiệm của đạo Phật mà cải đạo, thì chúng ta phải thương những người đó hơn, tập trung pháp thí và sự hóa độ, giúp đỡ tu tập cho nhóm Phật tử đó, hơn là bỏ mặc, để tìm lấy một sự tinh lọc nào đó, chỉ dành cho một thiểu số nhỏ nhoi tinh hoa.

Trách nhiệm đó là đương nhiên và trước hết đối với chư vị xuất gia, giữ vai trò hàng đầu trong việc hoằng pháp, hành đạo ở các chùa, là  một trong ba ngôi quý mà Phật tử nương tựa,  cầu học, thụ pháp.

Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh, là trách nhiệm đó, hơn cả một nghĩa vụ quy định phân công trong đạo pháp, mà trước hết là một món nợ phải trả, là ân nghĩa phải đền đáp.

Chúng ta đều biết đến giai thoại “hạt gạo nhà chùa đè chìm chiếc áo cà sa”, nói lên trách nhiệm nặng nề của bậc xuất gia khi thụ hưởng sự cúng dường của đàn na tín thí.

Trong việc cúng dường của Phật tử, không có sự phân biệt giữa Phật tử có trình độ Phật học cao, uyên thâm giáo lý, và Phật tử có trình độ Phật học thấp, chưa hấp thu được tinh hoa của đạo Phật.

Thành phần có trình độ Phật học cao chắc chắn chỉ là thiểu số so với Phật tử nói chung.

Thế nhưng trong việc cúng dường, và việc thọ nhận cúng dường của tăng ni, đâu có sự phân biệt theo trình độ Phật học.

Số đông Phật tử chưa am hiểu nhiều về giáo lý, nói một cách thận trọng, chính là số đông Phật tử cúng dường Tam bảo, trong đó có quý tăng ni, chiếm tỷ trọng cao, so với thiểu số uyên thâm Phật học.

Những doanh nhân, chủ những doanh nghiệp lớn, hay những người tiểu thương buôn bán nhỏ, hay những công chức…, thường không có nhiều thì giờ để đọc, để học, để nghiền ngẫm giáo lý như những học giả Phật giáo chuyên nghiệp.

Họ chỉ kính ngưỡng đạo Phật theo niềm tin, theo truyền thống, theo lý tưởng từ bi của đức Phật.

Có thể có những tăng ni vẫn thọ dụng sự cúng dường từ những Phật tử, chưa phải là thành phần tinh hoa của đạo Phật, nhưng lại quay lưng với những Phật tử có nhiều đóng góp cho đạo pháp trong việc cúng dường đó, tỏ ra không cần đến họ trong đạo pháp, sẵn sàng để mặc họ thối thất bồ đề tâm, Phật tử cải đạo mà thầy vẫn an nhiên, tự tại,bình thản.

Đối với chỉ ở mức đạo lý thế gian đó đã là điều không thể chấp nhận, huống chi trong đạo lý nhà Phật, ơn đàn na tín thí là một trọng ân.

Mà để đáp trả trọng ân đó, trước hết là gìn giữ chánh tín cho họ, gìn giữ họ trong chánh pháp khiến họ được hưởng đạo vị cam lồ lâu dài.

Những người Phật tử không am hiểu đạo Phật đó, có thể, chỉ tu tập bằng cách đơn giản là đem những số tiền hiếm hoi mà họ dành dụm chắt chiu cúng dường lên Tam bảo, để cầu mong đạo pháp được trường tồn, tăng ni có thuận duyên tu học.

Một chị bán xôi, một anh làm phu khuân vác, kiếm được năm ba chục ngàn một ngày, đầu tắt mặt tối, một nắng hai sương, quần quật lao động cả tháng, để chỉ tu bằng cách ngày rằm mùng một lên chùa thắp cây nhang, quỳ lễ Phật, đặt lên bàn thờ mâm lễ vật, gói ghém tiền dành dụm đặt vào thùng công đức, hay mang xuống nhà trù bao gạo, thùng mì cúng dường tăng ni tu học.

Vì hoàn cảnh, họ chỉ tu được như vậy, quý lắm chứ, thương lắm chứ!

Tôi đọc đến gần ngàn quyển sách Phật, viết được hơn trăm bài cho báo Phật, vẫn thấy mình không xứng với những Phật tử chỉ tu bằng một trình độ đơn giản kia cúng chùa thùng mì, bao gạo, hay những vị đại thí chủ không ăn chơi xa hoa cho xứng với số tiền họ kiếm được, mà để một phần gia tài cúng dường Tam Bảo, cúng dường tịnh tài hàng chục tỷ đồng.

Tuy tôi chưa bao giờ nhận tịnh tài cúng dường của số đông Phật tử, nhưng tôi vẫn cảm thấy mắc nợ họ, và có trách nhiệm đền đáp bằng những bài viết của mình.

Vì nhờ những Phật tử tu tập bằng cách đơn giản như vậy, rất thương, rất quý như vậy, mà Phật của tôi, Pháp của tôi, Tăng ni của tôi còn trên đất nước Việt Nam cho đến giờ này.

Tôi biết có dì Phật tử đau ốm bệnh tật, được con cháu cho tiền dặn mua thuốc ngoại nhập để chữa bệnh, nhưng lại lén dấu con dấu cháu mua thuốc rẻ tiền trong nước để uống, góp nhặt phần tiền dư ra để cúng Phật. Dù dì, không biết chữ, không đọc được sách Phật, không hiểu gì về lý Bát Nhã, tánh không…, chỉ biết đốt nhang vái lại.

Tôi biết có những chú Phật tử Khmer, cũng không biết chữ, tất nhiên không có được một cuốn sách giáo lý trong nhà, chỉ lo lúa thất, sợ đến mùa không chở gạo lên chùa cúng đủ như số cúng mọi năm.

Xin quý tăng ni thương lấy những người Phật tử chỉ biết tu hành như vậy, nhớ lấy hạt gạo, cây nhang mà họ cung kính mang lên chùa với tấm lòng thành với Phật, với Pháp, với Tăng.

Nếu lỡ khi họ thất mùa, thiếu nợ, bị người khác dùng tiền mua đạo trong lúc ngặt nghèo hay bệnh trạng trở nên trầm trọng, có người vừa giúp đỡ vừa tráo đổi tình cảm tôn giáo, thì quý tăng ni, hãy vì lòng từ bi mà thương họ, đừng bỏ mặc họ, đừng nghĩ với cách nghĩ bất cần họ, chỉ vì trình độ Phật học thấp kém của họ.

Quay lưng với những Phật tử như vậy, ngoài sự hẹp hòi, thiển cận, còn là sự lỗi đạo, vong ân, có nợ nhưng quên đi nghĩa vụ đáp đền bằng sự gìn giữ họ trong chánh pháp, trong vòng tay từ bi của đức Phật.

MT

 

 


Âm lịch

Ảnh đẹp