26/01/2011 08:59 (GMT+7)
Số lượt xem: 4036
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trước đây người Việt đã có mặt trên khắp thế giới - đặc biệt tại Mỹ, Pháp, Đức, Úc, Nga, Đông Âu v.v..

là do các chương trình du học hoặc làm việc trong các tòa đại sứ hoặc đi lính cho Pháp từ thời Thế Chiến I, nhưng con số không nhiều. Chỉ từ sau năm 1975 con số bỗng vọt lên tới trên 3 triệu do các đợt “di tản”, “thuyền nhân” (Boat People), “đoàn tụ gia đình” và “hợp tác lao động”.

Trái với người Da Đen ở Phi Châu bị bán qua Hoa Kỳ hoặc qua các thuộc địa của các Đế Quốc Anh, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hòa Lan v.v.. để làm nô lệ họ không có gì để mang theo ngoài sức lao động. Lúc đó, những người Da Đen này chỉ là những thổ dân sống trong các bộ lạc, chưa hình thành một quốc gia với kỷ cương và nhất là một nền văn học, văn hóa và tâm linh (tôn giáo) thịnh trị, cho nên họ bị đồng hóa ngay với tôn giáo và văn hóa bản địa. Giống như người Trung Hoa và Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Kampuchia, Miến Điện, người Việt khi đi ra nước ngoài đã mang theo cả phong tục tập quán, văn hóa, lịch sử và nhất là tôn giáo như Phật Giáo - đã thấm vào xương tủy gần hai nghìn năm.

Phải nói, thân phận của những người Việt trong những ngày đầu mới định cư thật cay đắng. Họ phải làm đủ mọi nghề để sinh sống… như bồi bàn, rửa chén, lau chùi quét dọn nhà cửa, bán xăng cho các trạm xăng, may quần áo, khá hơn một chút thì làm assembler (thợ lắp ráp điện tử) v.v..Nói tóm lại - tất cả là những nghề gì thuộc tay chân mà không cần đến tiếng Tây, tiếng U gì ráo trọi. Có khi cả vợ chồng con cái phải thức hôm thức khuya để cầm những chiếc “súng bắn nhựa nóng” (glue gun) để gắn những bông hoa, những mảnh vải, những nút áo v.v..mà công lao nhà thầu chỉ trả 2 cent hay 3 xu (cent) một cái. Thế rồi ban ngày phải đi học thêm và hầu như họ không có ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật hay ngày lễ! Hầu hết những người thành công về mặt học vấn, thương mại   tuổi sắp sĩ ngoài sáu mươi tại Hoa Kỳ hôm nay, đều đã trải qua những giai đoạn gian khổ như thế. Còn về đời sống, muốn ăn  nước mắm có khi phải lái xe khoảng 40 dặm (trên 60km) để vào những siêu thị của người Tàu. Ngày nay những người “sang sau” hoặc từ Việt Nam du lịch sang Hoa Kỳ  hoặc Úc Châu, thấy chùa chiền và đời sống phồn thịnh, sẽ không hiểu nổi những gian nan của người Việt trong những ngày đầu vào những năm 1975-1980.

Sống trong lòng một xã hội xa lạ về ngôn ngữ, tập quán, văn hóa mà chung quanh là một dòng chính, khoảng 75% là Ca-tô Giáo La Mã (Roman Catholic), Ca-tô Giáo Ly Khai (Protestant) và Do Thái Giáo - gọi chung là Christianity - với sức cuốn hút hừng hực mà khối người này không mất gốc Phật Giáo…thật là chuyện phi thường. Nó phi thường ở chỗ lúc đó chưa có Chùa, chưa có Thầy mà chỉ có “Ông Phật trong tâm” và dòng máu Phật Giáo, giòng máu Việt âm thầm luân lưu trong huyết quản. Nói tóm lại trong Tam Bảo chỉ còn Phật Bảo. Còn Tăng Bảo và Pháp Bảo thì không có.

Nói về những gian nan của Phật Giáo hải ngoại trong những ngày đầu, vào thập niên 1980, có những đại đức trẻ ban ngày phải đi làm để kiếm sống trả tiền thuê chùa (nhà), rồi học part time (bán thời gian) để trau dồi thêm kiến thức. Chùa đóng cửa cả tuần, có khi chỉ mở ngày Thứ Bảy hay Chủ Nhật hoặc những ngày lễ của Hoa Kỳ. Một số chùa do Phật tử thành lập lại không có thầy. Tới một ngôi chùa mà không thấy ni/sư trụ trì thì nó lạnh lẽo và buồn chẳng khác nào “Con không cha, nhà không nóc”. Trong nỗ lực phi thường đó, Phật Học Viện Quốc Tế (Nam California) có lẽ là cơ sở Phật Giáo đầu tiên tại hải ngoại.

Còn đối với hàng cư sĩ và Phật tử, sau khi đã tạm ổn định đời sống, thì nhu cầu tâm linh, tu học, làm sống lại Phật Giáo và cũng là để giữ gìn bản sắc dân tộc sống dậy như một thôi thúc. Một người Việt Nam qua Mỹ, Âu Châu, Úc Châu, Canada có đi lễ nhà thờ thì chuyện đó chẳng lạ dưới con mắt người bản xứ. Nhưng cũng người Việt Nam đó qua đây lại đi lễ chùa, ăn chay, cúng giỗ ông bà tổ tiên, giữ gìn đạo hiếu (qua Lễ Vu Lan) và thờ “Buddha” vẫn còn xa lạ với đất nước họ thì đó mới là chuyện lạ. Còn các cựu huynh trưởng Gia Đình Phật Tử dù mái tóc đã bạc, cũng vén tay áo vun trồng, gầy dựng lớp măng non trong bộ áo lam. Các nhóm Phật tử, các hội cư sĩ, nguyệt san, đặc san, chương trình phát thanh, sau này là các website, weblog, băng CD, kinh sách phát không xuất hiện khắp nơi và hàng cư sĩ đóng góp mạnh mẽ vào sinh hoạt Phật sự, hộ pháp, luận giải kinh điển, phiên dịch …phải nói là rất nhiều, trong đó phải kể tới những tên tuổi như Cố GS. Nguyễn Đăng Thục, Cụ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng, BS Nguyễn Văn Thọ, Cụ Bảo Thông Lê Thái Ất, GS. Tiến Sĩ Thái Sơn (Viện Trưởng Đại Học Đông Phương, Pháp), dịch giả Phạm Kim Khánh, Cư Sĩ Trần Quang Thuận, Cư Sĩ Thiện Phúc tác giả cuốn Từ Điển Phật Học Việt-Anh (1) mà tôi nghĩ rằng phải để ra ít nhất từ 15 tới 20 năm để hoàn tất. Và còn rất nhiều “bồ tát tại gia” khác đã đóng góp không mệt mỏi cho đạo pháp mà không ai có thể biết hết. Trong số này phải kể thêm những vị điều hành các website, nội dung không phải 100% Phật Giáo nhưng đã có tới 1 triệu lượt độc giả thăm viếng.

Nhưng một trong những cư sĩ mà tôi đề cập sau đây, lại thuộc thế hệ con hay em của các cây cổ thụ nói trên, đó là Cư Sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải.  Phan Tấn Hải sinh năm 1952 tại Sài Gòn, vừa là một nhà báo, một nhà thơ, đã từng học đạo với quý Hòa Thượng  Thích Tịch Chiếu (Chùa Tây Tạng, Bình Dương), Hòa Thượng  Thích Thiền Tâm (Đại Ninh, Lâm Đồng) và Hòa Thượng Thích Tài Quang  (Phú Nhuận, Sài Gòn), là tác giả và dịch giả của một số sách Phật Giáo như: Vài Chú Giải Về Thiền Đốn Ngộ xuất bản năm 1990, Thiền Tập (biên dịch), Ba Thiền Sư của John Stevens, Chú Giải Về Phowa của Chagdud  Khadro và Lời Dạy Tâm Yếu Về Đại Thủ Ấn. Vào ngày 31/7/2010 anh cho triển lãm 42 bức tranh vẽ chân dung Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Nam Cali nhân sinh nhật thứ 75 của Ngài. Vào Tháng 12 cùng năm, anh cho xuất bản ba cuốn sách song ngữ: 1) Những Lời Dạy Của Từ Các Thiền Sư Việt Nam Xưa là một tập hợp bao gồm những bài pháp, bài thơ và kệ của các thiền sư trải dài 16 thế kỷ, từ Thế Kỷ 3 tới Thế Kỷ 19 mà anh dịch ra Anh Ngữ và bình chú dưới tựa đề Teaching From Ancient Vietnamese Zen Masters. 2) Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) dịch ra Anh Ngữ và bình chú với tựa đề The Wisdom Within: Teaching and Poetry of the Vietnamse Zen Master Tue Trung Thuong Si (1230-1291. 3) Trần Nhân Tông: Đức Vua Sáng Tổ Một Dòng Thiền dịch ra Anh Ngữ và bình chú với tựa đề  Tran Nhan Tong: The King Who Founded A Zen School. (2) Trong cả ba cuốn sách này, nơi những trang đầu, anh đã bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với Thiền Sư Thích Thanh Từ, GS. Tiến Sĩ Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Học Giả Trúc Thiên, Sử Gia Trần Đình Sơn vì những công trình nghiên cứu mà những tác phẩm này đã  dựa vào đó để tham khảo và bổn sư Thiền Sư Thích Tịch Chiếu.” Đây là ba cuốn sách song ngữ đối chiếu trình bày rất trang nhã, mỗi cuốn dày khoảng 200 trang, lợi ích cho thế hệ trẻ Việt Nam không am tường tiếng mẹ đẻ và cho các nhà nghiên cứu cũng như Phật tử ngoại quốc muốn tìm hiểu về Thiền Tông Việt Nam.

 Khi nhận được ba cuốn sách, tôi đã gọi điện thoại cũng như gửi điện thư tán thán công đức và ca ngợi khả năng dịch thuật của anh. Dịch thơ Việt sang Anh, Pháp đã khó mà dịch thơ Thiền và kệ tụng lại càng khó hơn, bởi ý thơ Thiền mông lung, huyền diệu và rất nhiều ẩn dụ. Để nguyên tiếng Việt cũng đã khó hiểu huống hồ dịch sang ngoại ngữ. Tôi nghĩ rằng anh đã hoàn thành những tác phẩm này – nói theo thế thường – như đam mê của một nghệ sĩ. Còn nói theo ý đạo - như một hạnh nguyện xiển dương chánh pháp mà Thiền Tông đang được thế giới coi như viên kim cương của Phật Giáo với muôn ngàn màu sắc. 

Qua những đóng góp của hàng cư sĩ tại gia cho Phật Giáo, chúng ta có thể ví: Phật tử như gốc, tăng ni như thân cành, còn cư sĩ thì như hoa trái. Cây mất gốc tức không tín đồ, thì cây đổ. Cây không thân cành là cây chết vì chỉ còn trơ gốc rễ. Nhưng cây không hoa trái là cây không đẹp. Ba yếu tố này không thể tách rời nhau, đó là nét đặc thù của Phật Giáo.

Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao tôi lại có ý phân biệt giữa Phật Tử và Cư Sĩ? Họ khác nhau như thế nào? Xin thưa, Phật tử là những tín đồ bình thường. Họ có thể là quý cụ, quý ông quý bà, thanh niên, thiếu nữ hoặc các đoàn sinh Gia Đình Phật Tử, Câu Lạc Bộ Thanh Thiếu Niên Phật Tử quanh năm sinh hoạt,  đi lễ chùa. Họ cũng có thể một năm chỉ đến chùa một lần trong ngày hái lộc đầu Xuân hoặc chảy hội Chùa Hương. Họ có thể chỉ đến chùa để làm lễ cầu siêu khi cha mẹ họ qua đời, hoặc làm đám cưới. Họ cũng có thể chỉ đến chùa mỗi năm trong ngày Lễ Vu Lan để báo hiếu cha mẹ. Họ đóng góp rất nhiều cho chùa như tài chánh, công quả, ấn tống kinh sách v.v…nhưng tâm hồn họ hồn nhiên, vô tư và không bao giờ ray rứt về tương lai và sự tồn vong của Phật Giáo. Còn hàng cư sĩ thì có khác. Hàng ngũ Ưu Bà Di, Ưu Bà Tắc năm xưa chính là các đệ tử của Đức Phật. Họ chỉ khác với Tăng Già (Sangha) là: Một bên tu tại chùa (ngày xưa là các tịnh xá) một bên tu tại nhà. Hàng ngũ cư sĩ này, phần lớn là những nhà trí thức hoặc những vị nắm giữ những chức vụ quan trọng trong xã hội. Họ ưu tư tới sự tồn vong và sự thích nghi của Đạo Phật theo đà tiến triển của nhân loại. Họ theo dõi các chuyển động tôn giáo nói chung trên toàn thế giới, họ nhiệt tình với đạo pháp và hết lòng hộ pháp, hoằng dương chánh pháp. Những đỉnh cao chói lọi của hàng cư sĩ trong quá khứ phải kể tới tỷ phú Cấp Cô Độc, Vua A Dục của Ấn Độ, Lương Vũ Đế của Trung Hoa, Vua Lý Thái Tổ của Việt Nam. Và lịch sử Việt Nam cận đại phải ghi công các bậc cư sĩ lỗi lạc như Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Lê Đình Thám, Nguyễn An Ninh… đã cùng với chư tăng trong nỗ lực chấn hưng Phật Giáo vào thập niên 1930 khi ngôi nhà Phật Giáo gần như đổ nát dưới gót giày xâm lược của Thực Dân Pháp.

Vì hàng cư sĩ có khi chỉ “tu tại gia”, không gắn bó với chùa hoặc thầy nào, tức không bị ảnh hưởng bởi “phe phái” cho nên sự đóng góp của họ cho ngôi nhà Phật Giáo Việt Nam không bị chướng ngại. Ngoài ra, số lượng cư sĩ Phật tử trẻ tại hải ngoại cũng gia tăng đáng kể do ảnh hưởng của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Thiền Sư Nhất Hạnh, do khả năng tiếp cận với Phật Giáo qua Anh Ngữ, Pháp Ngữ…vốn là sở trường, thay vì phải tìm hiểu Phật Giáo bằng vốn liếng Việt Ngữ rất hạn chế. Do đó, nói một cách chủ quan, theo tôi, nếu dùng cách đếm số lượng người “có đi lễ chùa hoặc quy y” để lượng định thực lực của Phật Giáo là phương pháp hoàn toàn sai lầm. Câu nói “Phật tại tâm” khiến người Phật tử không câu nệ hình thức, không khoe khoang rằng “tôi có đạo đây” để cho người khác biết. Người Phật tử cũng như cư sĩ, do ảnh hưởng bởi giáo lý thanh tịnh cho nên họ đều “keep low profile” tức ít đeo hình tượng, không ồn ào, hoặc công khai bày tỏ lý lịch Phật Giáo ở nơi chốn công cộng. Cho nên gặp một người bình thường ngoài đời, chúng ta khó có thể biết họ là Phật tử. Trong khi đó, nếu gặp tín đồ của các tôn giáo khác, dù chỉ một lần, chúng ta có thể biết ngay gốc tích tôn giáo của họ.

Còn hệ thống Tăng Già hải ngoại thì như thế nào? Sau 35 năm, chưa bao giờ số lượng tăng ni và tự viện gia tăng như vậy. Theo ước lượng chủ quan của tôi, và căn cứ vào con số địa chỉ phổ biến, trên toàn thế giới có trên 300 ngôi chùa Việt Nam. Riêng tại thành phố San Jose, California có khoảng 20 ngôi chùa trên địa bàn dân số khoảng 100, 000 - mà Phật tử không phải 100%. Một số “Giáo Hội” và “Tổ Đình” đã ra đời. Riêng tại Hoa Kỳ do không thống nhất được lãnh đạo, do ảnh hưởng bởi các biến động chính trị, đã có ít nhất bốn “Giáo Hội” đang hoạt động. Theo tôi dù là “giáo hội” gì đi nữa nó cũng vẫn chỉ là Sự vận hành trong cái bao la của tức “Phật Giáo Việt Nam”.  Các “Giáo Hội” ví như sóng, còn “Phật Giáo Việt Nam” ví như nước. Sóng có sóng to, sóng nhỏ, sóng ngầm, sóng cồn, sóng bạc đầu, sóng vỗ bờ, sóng thần… sóng nọ đè lên sóng kia… nhưng thể của nó vẫn là nước. Hàng cư sĩ và Phật tử đã từng nghe, từng đọc lời dạy của chư tăng ni về Lý Sự Viên Dung Vô Ngại Pháp Giới. Vậy thì có bao giờ Sự tách rời khỏi Lý và ngăn ngại với Lý không? Nói khác đi, có thể nào “sóng không phải là nước?

Luận về thịnh suy của đạo pháp, chúng ta phải thấy rằng trong Tam Bảo thì Phật Bảo và Pháp Bảo không bao giờ bị hoen ố. Chỉ có Tăng Bảo là có thể bị hoen ố. Sự chia rẽ giữa các cấp lãnh đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sau Pháp Nạn 1963 khiến Phật Giáo suy yếu mà hệ quả của nó còn kéo dài cho tới ngày nay - sau 48 năm - gần nửa thế kỷ - là bài học cay đắng cho Phật Giáo Việt Nam nói chung. Chúng ta nên nhớ rằng Phật và Pháp không bao giờ phá hòa hiệp tăng, chỉ có Tăng là có khả năng phá hòa hiệp tăng mà thôi. Do đó sinh mệnh của Phật Giáo Việt Nam nằm trong tay tăng ni chứ không ai khác và cũng không một ai có khả năng thay thế việc này dù hàng cư sĩ và Phật tử có nỗ lực như thế nào đi nữa. Bởi một khi “Tăng Già” đã phân liệt, tan rã thì lấy chỗ đâu để hàng cư sĩ và Phật tử hộ pháp? Có lẽ lúc đó chỉ còn cách ôm mặt khóc ròng ?

Nói về tầm mức quan trọng của hòa hiệp tăng, Đức Phật đã dạy như sau “Này thiện nam tử! Nếu Phật ra đời chứng đặng vô thượng bồ đề, dầu có hàng đệ tử hiểu nghĩa đại thừa rất sâu, cũng có hàng bạch y đàn việt (3)  hết lòng kính tin tôn trọng Phật pháp, mà các đệ tử sanh nhiều tranh tụng hơn thua phải quấy lẫn nhau, Phật lại nhập niết bàn, thời chánh pháp chẳng ở lâu nơi đời. Trái lại các đệ tử thật hành pháp hòa kính, chẳng hơn thua phải trái, tôn trọng lẫn nhau, dầu Phật nhập niết bàn nhưng chánh pháp vẫn ở lâu chẳng diệt.” (4)

Một thực tế không thể phủ nhận là Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại đang thực sự lớn mạnh và đóng góp công sức lớn lao cho nhu cầu phục vụ tâm linh và giữ gìn bản sắc dân tộc cho khối Phật tử người Việt hải ngoại. Thế nhưng Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại đóng góp như thế nào cho ngôi nhà Phật Giáo Việt Nam nói chung, tức sinh mệnh của Phật Giáo -  lại là một vấn đề vô cùng phức tạp. Nhưng câu hỏi đặt ra là: vì “vô cùng phức tạp” cho nên chúng ta chịu bó tay sao? Chúng ta đã từng nghe các bài pháp, nhờ những bài pháp này một số thầy đã cứu vãn sự đổ vỡ của nhiều cuộc hôn nhân, nhiều gia đình. Quý thầy chữa “bệnh đổ vỡ” cho người thì được, nhưng tại sao quý thầy không thể chữa bệnh cho chính mình? Thật phi lý khi một bác sĩ chữa bệnh cho người thì được, còn chữa bệnh cho chính mình lại không được! Sự ngăn ngại là do “cảnh” (yếu tố ngoại lai) hay do chính tâm ta? Theo Lục Tổ Huệ Năng thì chẳng có “kỳ động” hay “phong động” mà chính tâm ta động. Để đóng góp vào dòng sinh mệnh của Phật Giáo Việt Nam, tất cả chúng ta, ngoài sự nỗ lực hy sinh cho đạo pháp không ngừng nghỉ, cũng cần theo lời dạy của Hương Hải Thiền Sư:

Ngu nhân trừ cảnh bất trừ tâm

Làm sao chúng ta có thể trừ được “cảnh” đang trùng trùng điệp điệp diễn từng sát-na? Mà “cảnh” thì nghìn đời lúc nào cũng giống nhau, vốn sinh ra bởi gốc rễ Tham-Sân-Si. Vừa trừ được “cảnh” này thì “cảnh” khác lại hiện ra, bởi vì “ Ngưu đầu một mã đầu hồi” (Đầu trâu vừa vào thì đầu ngựa lại ra, giống như một sân khấu vậy) (5)

 Cho nên kẻ “ngu phu” mới lăng xăng tìm cách “trừ cảnh” mà không chịu trừ ngay cái “tâm động” tức cái tâm mê muội, tâm vọng chấp của mình.

Và đọc lại bài kệ tụng cũng của Ngài Hương Hải Thiền Sư:

Phản văn tự kỷ mỗi thường quan.

Thẩm sát tư duy tử tế khan.

Mạc giáo mộng trung tầm tri thức

Tương lai diện thượng đổ sư nhan.

Dịch nghĩa:

Mỗi ngày nên xem xét lại mình.

Suy nghĩ cho kỹ

Đừng tìm tri thức (đạo) trong mơ mộng.

Sẽ thấy ông thầy hiện ra trên đầu mình.

 

Và nghiền ngẫm lại sự huyền diệu của Lý Sự Vô Ngại Pháp Giới trong thế giới trùng trùng duyên khởi của Hoa Nghiêm. Tất cả chỉ là Một nhưng hiện ra muôn ngàn hình tướng, hợp tan, tan hợp, nhận lấy, bỏ đi, có đó rồi mất đó, yêu đó rồi ghét đó, tôn sùng đó rồi mạt sát đó, trong từng sát-na. Tất cả tưởng chừng như thật nhưng không có gì thật cả. Chỉ có cái Chân Không, hay Chân Tâm, hay Phật Tánh là hằng hữu. Hạ thấp xuống một tầng theo tư tưởng nhập thế thì mọi “danh hiệu, danh xưng” đều là sắc tướng - đều là pháp hữu vi - đều tạm bợ - chỉ có “Phật Giáo Việt Nam” là miên viễn vì Phật Giáo Việt Nam gắn liền với tâm linh, lịch sử, bản sắc và vận mệnh dân tộc.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tăng ni, Phật tử, cư sĩ ở hải ngoại phải làm gì để tiếp thêm sinh lực cho dòng sinh mệnh Phật Giáo Việt Nam? Muốn biết phải làm gì, chúng ta hãy theo dõi những tin tức nóng bỏng về những chuyển động tôn giáo trên toàn thế giới. Do chiều hướng suy thoái của các tôn giáo cổ truyền ở Âu Châu (6) kể cả Bắc Mỹ, Úc Châu… để tìm một sinh lộ, hiện nay một số tôn giáo đang có những kế hoạch và âm mưu cải đạo tín đồ Phật Giáo Á Châu một cách khốc liệt. Trong cuộc phỏng vấn của báo Le Point (Pháp) Đức Đạt Lai Lạt Ma đã lên án những âm mưu này và coi đó như “Là một hình thức chiến tranh chống lại các dân tộc khác và các nền văn hóa khác”.(7) Trong cơn lốc “chiến tranh tôn giáo nơi thì lộ liễu nơi thì ngấm ngầm “đó, nếu Phật Giáo suy tàn trên quê hương mình thì tăng ni, Phật tử, cư sĩ ở hải ngoại này có sống cũng như chết.

Đào Văn Bình

(California 23 Tết Tân Mão Tháng 2, 2011)

(1) Từ Điển này đã đưa lên website Quảng Đức

(2) Sách tặng không bán. Quý vị có thể hỏi sách tại:

 Tu Viện Pháp Vương 715 Vista Ave. Escondido, CA 92026 ĐT: (760) 739-8063

(3) Phật tử, thí chủ

(4) Kinh Đại Bát Niết Bàn, bản dịch của HT. Thích Tri Tịnh

(5) Kệ tụng của Thiền Sư Tuyết Đậu

(6) Nước Pháp được coi như “Trưởng nữ của Giáo Hội”, theo tài liệu của Wikipedia, thống kê Tháng Giêng 2007 cho biết chỉ còn 51% người Pháp nhận mình là Ca-tô Giáo La Mã trong đó chỉ còn phân nửa tin vào Thượng Đế, 31% là Vô Thần, 9% là Hồi Giáo, 3% là Ca-tô Giáo Ly Khai (Protestan) và 1% là Do Thái Giáo: A January 2007 poll found that 51% of the French population describe themselves as Catholics (and only half of those said they believed in God), 31% as atheists, 9% as Muslims, 3% as Protestants and 1% as Jews.[13]

(7) Nguồn tin: http://www.phattuvietnam.net/5/67/12674.html

 

 

 


Âm lịch

Ảnh đẹp