16/01/2011 19:31 (GMT+7)
Số lượt xem: 2466
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tứ tự là từ Hán Việt dùng gọi một dạng câu 4 chữ trong tiếng Hán, mà tết đến dùng như loại hình trang trí, nhưng có yếu tố truyền thông, vì mang chất “khẩu hiệu”, thể hiện ước muốn, “mục tiêu phấn đấu” nhân dịp đầu năm.


Tứ tự là một phong tục người Hoa, viết các câu chữ Hán có 4 chữ (bốn âm tiết) trên giấy đỏ, theo phong cách thành ngữ Trung Quốc, để dán trong nhà, trước cửa nhà trong dịp tết.

Trước tết khoảng 2 tuần, ở Sài Gòn, đã có những người viết chữ thuê, viết tay các bản tứ tự theo yêu cầu ngồi tập trung gần tượng Khổng Tử, Quận 5. Còn các câu thông dụng được in sẵn.

Nội dung của phần lớn tứ tự là những lời chúc lành, điều muốn hướng đến, có thể kể qua như:
-    Ngũ phúc lâm môn (Năm thứ phúc tới cửa)
-    Kim ngọc mãn đường (Vàng ngọc đầy nhà)
-    Xuất nhập bình an (Đi về bình an)
-    Tân xuân đại cát (Xuân mới có điều tốt lớn)
-    Cung hạ tân hỷ (Chúc niềm vui năm mới)

Tứ tự viết bằng nguyên tự chữ Hán, người không biết đọc chữ Hán cũng mua về trang trí khắp nhà, dán ở cửa treo, cành mai (dưới dạng chữ viết 2 mặt trên tấm hình thoi nền đỏ xâu thành chuỗi treo).

Theo tôi, đây là một hình thức có thể ứng dụng vào đạo Phật, chỉ cần chuyển hướng Phật giáo hóa.

Tứ tự có thể viết theo chiều đứng hay theo chiều ngang màu vàng trên giấy đỏ, hình chữ nhật. Thay bằng chữ Hán, chúng ta có thể thay bằng chữ Việt cùng màu sắc.

Cũng như câu đối, chúng ta có thể thỉnh chư tôn đức trưởng lão, hoặc mời các nhà thơ, nhà văn Phật giáo viết các mẫu tứ tự, để sau đó viết thư pháp hoặc in sẵn.
Chi phí in tứ tự là  rất rẻ, vì nó nhỏ hơn cả câu đối tết, lớn hơn khổ A4 cắt lại một chút, nhưng chứa đựng lời chúc tết, điều mong ước đầu năm cô đọng, súc tích, đậm chất văn học, nên nếu quý Phật tử tổ chức in ấn cúng dường các chùa để quý thầy cô làm quà lì xì cho khách lễ chùa thì sẽ rất có ý nghĩa.

Chúng tôi không biết nhiều chữ Hán, nên không dám đề xuất tứ tự, nhưng một số tứ tự thông dụng có thể điều chỉnh nội dung chút ít hoặc dùng những câu trong chính kinh Phật để làm tứ tự Phật giáo:

Thí dụ:
-    Hoa khai kiến Phật (Hoa nở thấy Phật)
-    Phật nhật tăng huy (Mặt trời Phật thêm sáng)
-    Phong điều vũ thuận (Mưa thuận gió hòa)
-    Lục thời cát tường (Sáu thời an lành)
-    Minh tâm kiến tính (Sáng tâm thấy tính)
-    Phúc huệ song tu (Phúc huệ tu song song)
-    Phúc đức nhuận thân (Phúc đức làm thân tươi tốt)…

Tứ tự treo dán trong dịp tết, theo tập quán, không hẳn cần nói đến mùa xuân, năm mới, mà chỉ cần nói đến điều tốt, điều lành, điều hi vọng, nên khả năng “sáng tác” rất phong phú.

Thực tế, chúng tôi thấy ngày tết một vài chùa treo trên cây mai những tứ tự bán sẵn như “Kim ngọc mãn đường”, “Ngũ phúc lâm môn”…, có thể, chưa thật sự phù hợp với nhà Phật.

Chư vị tăng ni có thừa năng lực để sáng tác những tứ tự phù hợp với tinh thần nhà Phật để chùa chiền, tư gia Phật tử treo dán trong dịp tết. Tứ tự không nhất thiết phải là câu Hán Việt, mà có thể là những câu tiếng Việt (tuy nhiên, có lẽ do tập quán, việc này chưa được nghĩ tới).

MT



Âm lịch

Ảnh đẹp