23/02/2011 09:24 (GMT+7)
Số lượt xem: 1838
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bài viết "Cải đạo, một biến tướng của sự cuồng tín tôn giáo" (Giác Ngộ số 573, ngày 22-1) đã nhận được nhiều ý kiến, chia sẻ với thông điệp chung

: "Người Phật tử cần có chánh kiến rõ ràng, tư duy sâu sắc, đừng nghe lời dụ dỗ, mụ mị bằng những hình ảnh, giáo lý na ná của Phật hoặc bằng sự "cứu rỗi" nào đó mà vội tin theo, vội đánh mất gốc rễ tâm linh của mình…".

- Hiểu và tin

Vì sao chúng ta chọn Phật giáo là tôn giáo gửi gắm niềm tin, thực tập theo giáo lý mầu nhiệm ấy? Câu trả lời phải là chúng ta hiểu sâu sắc lời Phật dạy là "con thuyền" giúp ta vượt thoát bến mê, đưa mình tới bờ giác. Chân lý sâu sắc nhất chính là lý nhân quả, chủ thuyết ấy xuyên suốt trong từng bài pháp của Đức Phật, và khi có sự chiêm nghiệm thì chúng ta sẽ thấy luật nhân quả đúng trong từng sát na, giúp cho chúng ta nhận diện được nhiều giá trị cao quý, phù hợp với nhân tâm con người như: làm lành lánh dữ, gieo gió gặt bão…

Niềm tin vào lời Phật dạy chính là niềm tin được chứng thực bởi đời sống hàng ngày, nên chúng ta đừng vội nghe những gì người ta dụ dỗ, những lời hứa vật chất hoặc dùng thần quyền quyến rũ mà chạy theo rồi bỏ tổ tiên tâm linh của mình…

HẢI TRIỀU (trieuhai05…@yahoo.com.vn)

- Kiểu truyền giáo cực đoan!

Muốn người ta từ bỏ gốc rễ tâm linh để đi theo mình bằng cách dụ dỗ, đem những miếng mồi vật chất "câu nhử" là một hành động mang tính cực đoan. Đạo Phật không như vậy, làm gì và độ ai cũng tùy duyên, Phật không ép người ta đến với mình, và cũng không hứa sẽ cứu rỗi ai cả. Phật chỉ chỉ con đường, và khẳng định đó là con đường giải thoát, ai có duyên với con đường đó thì tự đi, tự cảm nhận sự an lạc, giải thoát của mình. Bởi theo Phật, ai cũng có Phật tánh nên ai cũng có khả năng thành Phật như Ngài. Tuy căn cơ mỗi người mỗi khác, vì trong tâm bị mây che nhiều hoặc ít nên không thấy được con đường. Mây ở đây chính là tham dục, sân giận, si mê nhiều hay ít mà con người có hạnh phúc hay không. Lời dạy của Phật là hãy buông xả, nhận diện mọi khổ đau đều do tâm tạo, cũng do tâm diệt. Do vậy để chữa "vết thương" (tức sự khổ đau) nhằm đạt đến Niết bàn giải thoát phải bắt đầu từ việc quay về quán chiếu nơi tâm, "dọn dẹp" những ô uế nơi tâm chứ không phải cầu xin, vọng lụy một cách mù quáng.

Nếu một chủ thuyết nào đi ngược lại chân giá trị ấy mà còn tìm cách cải đạo người khác bằng những "tuyên ngôn" đầy chất khiêu khích thì đều cực đoan. Hễ cực đoan thì làm gì có hạnh phúc? Những người truyền giáo không có hạnh phúc thì giáo thuyết ấy làm sao mang được hạnh phúc cho con người?

NGUYỄN THANH SƠN (sonhd@...)

-Tôn trọng niềm tin tôn giáo của người khác

Tôi rất thích quan điểm của tác giả Thích Thanh Thắng: "Tôn trọng niềm tin tôn giáo của người khác chính là tôn trọng mình". Và tôi càng kính trọng hơn khi biết HT Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng dạy với đại ý rằng: Mỗi người phải tôn trọng gốc rễ tâm linh của người khác. Đừng bắt buộc người khác bỏ gốc rễ tâm linh của họ! Theo tôi, đó chính là góc nhìn thể hiện cái tâm thanh lương, trong sáng của những người có tầm và có một niềm tin đúng đắn.

Chúng ta cần có những niềm tin để sống và sống tốt. Đối tượng của niềm tin có thể dị biệt nhưng bản chất của niềm tin có sự tương đồng đó là giúp cho con người có nghị lực và có điểm tựa tinh thần. Nếu ai đó cố "bẻ gãy" niềm tin của người khác hòng mong người ta tin theo mình chính là thái độ của kẻ tham lam, mưu đồ. Dụng tâm như vậy thì có đáng được tôn trọng không?

CHÂU TRƯỜNG VŨ (Long Thành, Đồng Nai)


Âm lịch

Ảnh đẹp