Xin nhấn mạnh, vấn đề nằm ở điều
kiện phải cắt đứt liên hệ với chùa chiền, tăng ni, chứ không nằm ở hoạt động hộ
niệm. Nếu chỉ hộ niệm thuần túy, không điều kiện, tụng niệm đúng nội dung kinh
sách của đạo Phật, thì đó là một việc làm tán thán, đáng được ghi nhận công đức,
dù ban hộ niệm có nhận hay không nhận phẩm vật biếu tặng cảm tạ từ gia chủ.
Còn ra điều kiện tiên quyết phải
đoạn tuyệt với chùa chiền, tăng ni như vậy, thì đó là mượn hình thức hộ niệm để
khống chế người. Điều đó hoàn toàn trái ngược với tinh thần đạo Phật, không có
chút gì để có thể bào chữa.
Trong bài này, chúng tôi xin
nói đến một hình thức tiếp cận tín đồ Phật giáo, nhằm mục tiêu dụ dỗ, lôi kéo
vào tôn giáo mới. Đó là việc tổ chức đi “chùa”.
Chuyện xảy ra hồi tôi còn là
sinh viên. Một người quen, biết tôi là Phật tử, nên mời tham dự một chuyến hành
hương chùa chiền. Nói là miễn phí thì cũng không hẳn, nhưng tiền vé cả chuyến rất
thấp, không đáng vào đâu với tiền xe, bao ăn, bao ở (nghỉ lại “chùa”).
Lên xe, tôi thấy ngay sự khác
thường. Những “bổn đạo” tổ chức chuyến đi “chùa” chuẩn bị những chiếc áo sặc sỡ
xanh đỏ để cúng “Mẹ Hiền Nam Hải” (họ không dùng từ Bồ tát Quan Thế Âm).
Xe đi ra Bà Rịa - Vũng Tàu đúng
như thông báo, nhưng không tới chùa, mà tới một loạt am, cốc có thờ Bồ tát Quan
Âm. Người trong coi thờ tự thường là phụ nữ mặc áo tràng, áo vạt mẻ, nhưng
không cạo tóc. Ở những am, cốc đó, trong hệ thống cơ sở của họ, nghi lễ “mặc áo
cho mẹ” được cử hành trước tượng Bồ tát Quan Thế Âm, mà họ gọi là “Mẹ Hiền Nam
Hải”.
Họ không tụng kinh Phật, mà đọc
một thứ văn lục bát vần vè, đại ý là đàn con nay về với mẹ, xin “Mẹ Hiền Nam Hải”
phù hộ, độ trì.
Ở ngôi “am” đầu tiên, tôi lịch
sự chắp tay tham dự. Nhưng đến ngôi am thứ hai tôi không dự lễ mà bỏ ra ngoài.
Lên xe, tôi chất vấn người dẫn
đầu đoàn hành hương, một người trung niên có vẻ đồng bóng, mỗi khi hành lễ mặc
một kiểu áo tràng xanh lè.
Tôi hỏi thẳng: “Mấy ông bà
không phải đạo Phật, vậy thực ra các ông bà theo đạo nào?”.
“Đúng! Chúng tôi không theo đạo
Phật. Đạo của chúng tôi là… “…vô vi”.
Tên đạo có bốn âm tiết, trước từ
“vô vi” là hai từ gì đó, có thanh ngang không dấu) mà đến nay tôi không nhớ,
hình như là “linh căn vô vi”, hay “thiêng liêng
vô vi” gì đó, tức là không hẳn chỉ là “vô vi”.
“Tôi mong các anh chị tìm hiểu
đạo chúng tôi và thường xuyên đi Bà Rịa –Vũng Tàu cúng “Mẹ Hiền Nam Hải” với
chúng tôi”. Người dẫn đầu đoàn nói với một số thanh niên nam nữ được mời đi với
giá vé rẻ như tôi. Những người khác thì vô tư, nhưng tôi lộ vẻ không hài lòng,
vì tôi muốn đi chùa Phật giáo, không phải đi cốc, cúng “Mẹ Hiền Nam Hải” Vô Vi.
Nhưng tôi nói thêm: “Tôi sẵn
sàng tìm hiểu đạo của các ông bà”.
Câu nói của tôi có một tác dụng
mà tôi không ngờ. Từ câu nói đó, những bổn đạo của họ như rùng mình chuyển
sang… một hội kín!
Đến Vũng Tàu, tôi cũng bỏ ra
ngoài không hành lễ.
Tình cờ gặp một người Nga trung
niên ngồi nghỉ dưới bóng cây ven đường. Tôi bắt chuyện với anh ta để giết thời
gian. Thấy tôi nói tiếng Nga với “người Liên Xô”, nhóm bổn đạo “… vô vi” lại
càng dè dặt hơn nữa. Họ hủy bỏ đi đến những am, cốc khác, đổi lộ trình về đảo
Long Sơn, thăm Thánh địa Nhà Lớn của đạo Ông Trần (một dạng tôn giáo mới nội
sinh đầu thế kỷ XX, nhưng chỉ phát triển ở một địa phương tại Bà Rịa – Vũng Tàu).
Dường như, họ không muốn cho biết
các cơ sở của họ nhiều thêm nữa. Người bạn bán vé đi “chùa” cho tôi cũng bối rối,
trách tôi: “Mày nói chuyện với Liên Xô chi mà người ta tưởng mầy là công an,
khiến đi không đủ “chùa”!”
Tôi bảo người bạn tôi giải
thích rõ, tôi không phải công an, tôi học tiếng Nga ở đại học để chuẩn bị học với
đạo diễn Liên Xô. Nhưng có điều đã lộ ra, họ
sợ công an. Vì họ là tôn giáo mới!
Đến nay, tôi không biết đạo “…
vô vi” đó ra sao, nhưng sau đó có lần đi Vũng Tàu, nhìn vào cơ sở của họ của họ
ở núi ông Trịnh, tôi thấy tượng Bồ tát Quan thế Âm lại khoác một tấm vải mới đỏ
bóng, chóe lửa dưới ánh mặt trời.
Cái kiểu sửa “Bồ tát Quan Thế
Âm” thành “Mẹ Hiền Nam Hải” phải chăng là một dạng sửa “Nam Mô A Di Đà Phật”
thành “A Mi Đà Phật” để tạo một chỉ dấu phân biệt nào đó?
Có lẽ, cũng như vậy, trong đạo
Thanh Hải, tu “Quan Âm pháp” thì lại niệm Thanh Hải!
Cũng một điều, là dù sợ bóng sợ
gió “công an”, chỉ vì mấy câu “tiếng Liên Xô” mà phải thay đổi lộ trình để giữ
bí mật cơ sở, nhưng họ vẫn nhất quyết không đi chùa, dù ở Bà Rịa-Vũng Tàu rất
nhiều chùa, mà kéo cả đám xuống thuyền vào Thánh địa Nhà Lớn.
Họ không muốn gặp Tăng Ni.
Câu chuyện đi “chùa” thành đi cốc
này tôi đã quên, nhưng do câu chuyện ban hộ niệm kiểu tôn giáo mới khiến tôi nhớ
lại.
Dường như, cả hai đều có mẫu số
chung:
-
Họ cũng mượn tiếng Phật giáo để truyền bá tôn
giáo mới.
-
Họ cũng thờ Phật, nhưng cố ý “cải
biên” đi cho có yếu tố khác biệt.
-
Họ cũng cố hết sức để không liên hệ
tới Tăng Ni!
- Và họ sợ công an.
Minh Thạnh