Vậy là có người chở ông tới
và bỏ ông lại đây, không ai ngoài con cái hay thân thích của ông. Lâu
nay thỉnh thoảng người ta thấy có những thiếu phụ sinh con rồi đem con
bỏ vào thùng rác, nhưng chưa thấy ai đem cha mẹ vứt bỏ ngoài đường. Ông
già chỉ cười vu vơ, trí nhớ của ông đã suy kiệt, nếu không ông sẽ đau
khổ biết chừng nào?
Trước đây người ta kể chuyện có người chở bà
mẹ già bỏ ở cây xăng, tôi không tin, tưởng là chuyện đùa, nhưng bây giờ
thực sự lại có người "đem cha bỏ chùa".
|
Đâu phải ai nuôi con cũng nghĩ tới lòng cha mẹ. |
Cũng
lại câu chuyện của một người già. Tháng trước, trong một dịp đưa người
thân đi Việt Nam, tại quầy vé China Airline ở phi trường Los Angeles tôi
đã chứng kiến một cảnh khá đau lòng. Trong khi mọi người đang xếp hàng
trình vé, cân hàng thì một bà cụ người Việt cứ loay hoay lúng túng trước
quầy vé với các thứ giấy tờ vương vãi, bề bộn trên sàn nhà. Bà ngồi bệt
xuống đất hết móc túi này đến túi nọ, vẻ mặt lo lắng. Một nhân viên an
ninh phi trường thấy tôi cũng là người Á Đông, ngỏ ý muốn tôi lên giúp
bà cụ. Nhân viên quầy vé cho biết bà có vé máy bay, một visa nhập cảnh
Việt Nam nhưng không có passport hay thẻ xanh. Tôi giúp bà moi từ đống
giấy tờ ra chỉ thấy một cái hộ chiếu của Việt Nam cấp cách đây mười mấy
năm khi bà đến Mỹ đã hết hạn và một cái ID của bà do tiểu bang Florida
cấp. Bà mới từ Florida đến phi trường Los mấy giờ trước đây một mình và
trình giấy tờ để lên máy bay đi Việt Nam.
Cuối cùng, bà cũng lên
được máy bay, nhưng bà sẽ không bao giờ có thể trở lại Florida nữa vì
trong tay bà không có passport của Hoa Kỳ, không thẻ xanh, không "entry
permit". Đây là trường hợp một bà mẹ già, quê mùa bị con cái "mời khéo"
về Việt Nam. Tội nghiệp cho bà đã ngồi trên máy bay năm sáu tiếng đồng
hồ để đến phi trường LAX, sắp tiếp tục chặng đường về Việt Nam nhưng
không biết là mình không thể trở lại Mỹ và lòng bất nhân của con cái.
Hình
ảnh bà già này cứ ám ảnh tôi mãi. Bà vụng về, quê mùa, có lẽ cũng chẳng
giúp ích được gì cho con cái mà chỉ thêm gánh nặng. Thôi để cho bà đi,
khi biết mình không trở lại Mỹ được thì chuyện đã rồi. Tuổi bà có nằm
lại trên quê hương cũng phải, sống chẳng giúp ích gì được cho ai, chết ở
đây bao nhiêu thứ tốn kém.
Hai vợ chồng sang Mỹ từ hai mươi năm
nay, đi làm nuôi con, mua được căn nhà đã pay off. Khi các con đã có
gia đình ra riêng thì ít năm sau ông cụ cũng qua đời. Thấy mẹ hiu quạnh
trong một căn nhà khá lớn, mà giá nhà đang lên, các con bàn với mẹ bán
nhà đi rồi về ở với các con. Bà mẹ bán nhà, thương con chia đều cho mỗi
đứa một ít, còn dăm nghìn dắt lưng, rồi về ở với con. Bà không biết lái
xe, không biết chữ nghĩa, cũng không biết trông cháu làm bài tập về nhà,
nên cha mẹ chúng phải nhờ người đưa đón. Bà thích nấu ăn, gói bánh, kho
cá, nhưng sợ nhà hôi hám, con cái không cho. Lúc đầu thì chẳng sao, lâu
dần mẹ thành gánh nặng.
Buổi chiều, đứa con gái xô cửa trở về
nhà, thấy mẹ đang gồi xem TV, nó hất hàm hỏi: -"Có hiểu gì không mà thấy
má ngồi coi suốt ngày vậy?" Có lúc chuông điện thoại reo, đứa con nhấc
máy, bên kia không biết ai hỏi gì, trước mặt bà già, nó trả lời nhát
gừng:-"Bả đi khỏi rồi!"
Một bà mẹ khác, ở chung nhà với một đứa
con nhưng nhờ một đứa con khác đưa đi bác sĩ. Xong việc, nó đưa mẹ về
rồi nhanh nhanh vọt xe đi làm. Bà già vào tới cửa, móc túi mãi không tìm
ra cái chìa khóa nhà. Bà không có chìa khóa, không cell phone, cũng
không có tiếng Anh, sợ sệt không dám gõ cửa hàng
xóm. Bà ngồi đó, trên bục cửa cho tới chiều, khi đứa con ở chung nhà đi
làm về, thì bà đã kiệt sức vì khô nước, phân và nước tiểu đầy mình.
Đời
xưa, người ta kể chuyện trong một gia đình, có hai vợ chồngï đối xử với
ông cha già đã run rẩy của mình tệ bạc, cho cha ăn trong cái "mủng
dừa". Một hôm hai vợ chồng đi làm về thấy đứa con nhỏ của mình đang hì
hục đẽo một cái gáo như thế, được cha mẹ hỏi, nó "thành thật khai báo"
rằng "để dành cho cha mẹ lúc về già".
Đâu phải ai nuôi con cũng nghĩ tới lòng cha mẹ, cũng như nhớ chuyện "trồng đậu có đậu, trồng dưa có dưa".
Tác giả: Huy Phương