13/06/2012 11:21 (GMT+7)
Số lượt xem: 64182
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

22 năm làm nghề viết thư thuê là ngần ấy thời gian ông Dương Văn Ngộ gắn bó với góc bàn thân thuộc của tòa nhà Bưu Điện trung tâm Sài Gòn. Khách hàng biết đến ông không chỉ là người viết hơn 1.000 bức thư tình xuyên thế kỷ mà họ còn biết đến ông ở sự tài năng, sự nhiệt tình và tận tâm.

Chiếc đồng hồ già gói ghém tình người

Ông Nguyễn Văn Ngộ (83 tuổi), xuất thân từ một gia đình gốc Sài Gòn, Gia Định. Thủa nhỏ học trường Tiểu học Phú Lâm. Xong bậc tiểu học, ông vào học trường Pettru Ký thêm 2 năm nữa. Nhờ học cùng vời những người Pháp và thầy dạy tiếng Pháp nên giờ vốn tiếng Pháp của ông cũng khá. 16 tuổi, ông xin được một chân cặp rằn nhỏ tức là lao công nhỏ chịu trách nhiệm trông coi, quản lý bộ phận lao công ở bưu điện. Năm 17 tuổi, ông được vào làm trợ lý thư ký bưu điện sau đó một năm ông được nhận làm thư ký chính thức cho tới khi nghỉ hưu.

Góc bàn thân thuộc gắn với ông Dương Văn Ngộ những năm tháng ngồi viết thư thuê

Năm 1990, tức sau hơn 30 năm phục vụ trong ngành Bưu điện, ông xin nghỉ hưu, lúc này ông đã 60 tuổi. Nguyện vọng của ông là xin một góc nhỏ trong dãy ghế dành cho khách hàng để làm cái việc mà ông cho là  làm vui cho thiên hạ. Lúc bấy giờ có cả thảy 7 người cùng làm nghề như ông, họ thay phiên nhau trực để phục vụ khách hàng có nhu cầu. Bây giờ thì tất cả đã viên tịch chỉ còn mình ông ngồi còm cõi giữa biển người mênh mông trong một tòa nhà rộng lớn này.

Hành trang của ông trong những năm ngồi viết thư thuê chỉ vỏn vẹn có 2 cuốn từ điển Việt - Anh và Việt - Pháp đã bạc màu. Một chiếc kính lúp, một cây bút nguyên tử và một xấp giấy tập học sinh. Bộ đồ nghề ông đựng trong chiếc cặp sách màu đen cũ kĩ, hỏng khóa, ông lấy dây kẽm buộc vào để kéo, chiếc hộp bút thì đã chuyển màu mực lấm lem. Tất cả được ông trân trọng gói ghém cẩn thận trong những chiếc bọc ni lông. Ngày ngày, ông đạp xe từ Thị Nghè tới nơi làm việc mất khoảng 15 phút.

Ông kể: "Cách đây 4 năm Đài truyền hình Việt Nam tặng tôi chiếc xe đạp điện nhưng chỉ đi được đúng 5 ngày là tôi lại chuyển sang chạy xe đạp cũ". Theo ông giải thích thì chạy xe đạp điện thì khỏe nhưng đường Sài Gòn kẹt xe "những lúc dắt lên vỉa hè thì tôi không đủ sức. Tôi thấy day dứt lắm vì người ta có lòng tốt tặng mình mà mình lại không dùng thì áy náy. Hiện giờ tôi đang cất giữ chiếc xe ấy cẩn thận chờ cho đứa cháu ngoại tròn 16 tuổi tôi cho nó đi".

Giữ nhịp những cánh thư không mỏi

Mới sáng sớm, tôi được chứng kiến vị khách đặc biệt của ông. Cụ bà 83 tuổi lặn lội từ Đồng Nai lên đây nhờ ông viết thư cho đứa con trai đang làm việc ở nước ngoài. Bà cụ lụ khụ bước vào đặt lên bàn ông một cây chả lụa còn nóng  rồi nói: "Ông còn ra đây sớm hơn tôi nhỉ? Tôi cứ lo tới đây không gặp được ông thì mất công cho tôi lắm". 

Ông luôn tập trung cao độ cho công việc

Ông giới thiệu luôn với tôi về bà cụ vừa đến nhờ viết thư: "Đây là vị khách đặc biệt của tôi, bà ấy ở cách đây 70 cây số kia. Lặn lội lên được tới đây tìm tôi là mừng lắm rồi nên bằng mọi giá tôi phải giúp bà. Tôi chưa tự ý viết thư cho ai khi không biết được mục đích hay nội dung bức thư gửi đi là gì. Tôi chỉ là người ghi lại thôi. Nhưng bà này thì tôi giúp. Bà chỉ việc kể là bà muốn viết thư cho con hay cháu là tôi biết phải ghi như thế nào rồi. Hơn nữa bà không biết chữ, thư chỉ mang nội dung thăm hỏi nên tôi giúp bà".

Cứ ghi xong một đoạn, ông ngừng lại đọc cho bà nghe xem đã đúng và đủ ý chưa. Ông căn dặn bà cụ rất kỹ: "Tôi viết vào thư hỏi xem các con có số điện thoại thì cho má, rủi má có chết thì hàng xóm còn biết mà báo tin. Khi người ta có tuổi rồi thì phải lường trước tất cả. Bà nhớ nhé". Hai người già trong một tòa nhà cũng "già" lắm rồi, họ ngồi cặm cụi người trình bày, người ghi. Viết xong, ông đưa cho bà ký tên, bà luống cuống, tay run run cầm bút không biết ký như thế nào, ông cầm tay bà đưa từng nét ký.

Bà cụ rút trong bọc nilon ra tờ 50 ngàn đưa cho ông, ông vội vàng xua tay: "Bà giữ lấy đi, phần tôi khi khác đưa cũng được, hơn nữa bà đưa tờ đó tôi không có tiền thối lại. Sau cùng bà cụ lục tìm trong túi ra đâu 4 -5 tờ tiền lẻ mệnh giá 1000, 2000 ngàn dúi vào túi áo ông rồi nói: "Ông cầm lấy đi, tôi ở xa lắm đâu phải khi nào cũng lên chỗ ông được". Bước ra về rồi bà cụ còn quay lại nói: "Tôi thấy ông yếu lắm rồi, khổ quá!..".

Ông rút ra một tập báo photo đưa tôi xem. “Đây là những bài báo viết về tôi, có cả báo Mỹ, báo Đức, báo Nhật. Viết xong họ gửi báo tặng tôi, tôi phô tô ra thành nhiều bản rủi có thất lạc thì vẫn còn mà dùng”. Quả thật trên bàn làm việc của ông luôn sẵn có những giấy tờ, bằng chứng mà hễ nói tới đâu là ông đều có bằng chứng để chứng minh điều mình vừa nói. Nào là Giấy chứng nhận kỉ lục Guinness về người viết thư thuê lâu năm nhất ở Việt Nam, những bức thư cảm ơn từ nước ngoài gửi cho ông, những tấm hình người ta chụp ông... Có những thứ đã rách mép, cũ nát rồi mà ông vẫn trân trọng giữ gìn như một báu vật. Ông cẩn thận, phân loại và gói từng món vào những bọc ni lông.

Bút tích ông Ngộ còn lưu giữ trên những trang viết làm kỷ niệm

Những bức thư của ông góp phần kết nối cho những tâm hồn đồng điệu, nhưng xa nhau về ngôn ngữ, địa lý. Nguyên tắc làm việc của ông là không viết giúp những bức thư có nội dung bất nghĩa, bất nhân. Không rêu rao bí mật người khác, không bịa đặt vẽ rắn thêm chân. Ông có thể dịch bất cứ thư tin nào từ tiếng Việt sang tiếng Pháp hoặc tiếng Anh và ngược lại.

Trong suốt 82 năm cuộc đời và 22 năm viết thư thuê, ông Ngộ đã cho đi rất nhiều và ông cũng nhận lại rất nhiều. Đó là tình yêu thương, quý trọng của bạn bè trong nước và quốc tế dành cho ông. Là sự biết ơn bằng ánh mắt bằng lời cảm ơn của những người già, người nghèo được ông giúp đỡ. Trong một bức thư gửi cho người bạn ngoài Hà Nội là tác giả bài báo viết về ông, có đoạn ông viết:  “Ông đã tặng tôi 3 cuốn sách Người Hà Nội và một bao trà đặc biệt. Vật chất đó quý nhưng cách xử sự của ông còn quý hơn nhiều. Nhưng tôi không biết gì hơn là thành thật cảm ơn ông nhiều lắm. Xin kính chúc ông luôn khỏe để phục sự báo chí, một nghề mà không phải ai muốn cũng làm được”. 

Tôi đi sau ông, nhìn theo dáng ông đi còm cõi, nhỏ bé mà không khỏi chạnh lòng. Đôi bàn tay bàn chân ông nhỏ nhắn, nhăn nheo, xám xịt. Gò vai nhô cao vời vợi không che khuất được mái đầu bạc trắng. Tôi xót xa nhìn ông cặm cụi làm việc. Mỗi lần có đoàn khách nước ngoài tới chụp hình, ông liền đứng dậy, bỏ kính ra cười thật tươi trước ống kính khách du lịch. Mệt lắm nhưng phải cố gắng.

Theo Người đưa tin

Âm lịch

Ảnh đẹp