04/10/2010 17:53 (GMT+7)
Số lượt xem: 5579
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

SGTT.VN - Ngày 20.10 tới, triển lãm ký hoạ chân dung gần 300 bà mẹ Việt Nam anh hùng mang tên Hành trình nét thời gian của hoạ sĩ Đặng Ái Việt tại bảo tàng Phụ nữ Nam bộ sẽ là món quà tri ân dâng tặng cho đức hy sinh của những bà mẹ Việt .

 Để thực hiện cuộc triển lãm này, người nữ hoạ sĩ 62 tuổi đã một mình xuyên Việt bằng chiếc Chaly cũ nát. Đây cũng là hành trình của lòng tin và tình yêu thương.

Một mình rong ruổi qua 25 tỉnh thành để ký hoạ 278 bà mẹ Việt Nam anh hùng, hành trình thực hiện tâm nguyện đời mình đã mang lại cho chị điều gì quý giá nhất?

Vẽ 278 bà mẹ là được ôm 278 ngọn gió lành ấm áp đã thầm lặng vượt qua bao giông bão, mất mát của cuộc đời để làm rạng danh đất nước này. Tôi không ngồi trong xe hơi, mà đi trong gió trong mưa, để đến với các mẹ, để tận hưởng cái cảm giác ít ai có được, là chia sẻ với những vẻ đẹp hy sinh của biết bao người mẹ trên đất nước đau thương này. Vì thế mà chẳng thấy gian nan cực khổ gì. Biết chiến tranh khi còn nhỏ, tôi cảm nhận rất sâu nỗi niềm của những người mẹ có chồng con ra trận. Tôi luôn ấp ủ chờ ngày đất nước yên bình sẽ đi khắp đất nước vẽ chân dung các bà mẹ anh hùng để tỏ lòng tri ân với mất mát mà các mẹ đang gánh chịu. Đâu ngờ mãi đến năm 62 tuổi mới làm được điều đó. Vẽ về lòng hy sinh, dũng cảm của người mẹ chính là đề tài mà tôi tâm nguyện, bởi còn biết bao những bà mẹ bình thường khác có con chết trận mà đâu có được tôn vinh, trong số đó không ít người mẹ đã qua đời. Đó không chỉ là tình cảm của riêng mình, mà còn để trả nợ đời, nợ nghiệp.

Nhưng để có sức khoẻ, vượt qua bao đèo dốc, gió bão, đến từng huyện, về tận xã, ấp mà chiếc xe không hề “trở chứng”, không hề có sự cố nào, tôi nghĩ có lẽ mình được bao linh hồn chiến sĩ phù hộ. Đi sáu tháng trời không đổ bệnh ngày nào, về đến nhà mới bệnh quá trời, kể cũng lạ!

Trong hội hoạ, vẽ chân dung là một thử thách nghề nghiệp. Chị có sợ khi vẽ nhiều, vẽ nhanh như thế, lại… không giống, không đẹp?

Đúng là rất khó để giống trước đã, càng khó hơn khi vẽ các mẹ già, vì trên gương mặt các mẹ hằn rõ vết thời gian, những nỗi đau chồng chất… Tôi không vẽ các mẹ quá đau khổ, tôi vẽ về sức chịu đựng tuyệt vời, về vẻ đẹp khí khái, can trường, về sự kỳ diệu của thời gian, như một liều thuốc giúp các mẹ nguôi ngoai phần nào nỗi mất mát. Nhưng thực sự có những mẹ mà liều thuốc thời gian cũng không có tác dụng gì. Có mẹ lẩn thẩn ngồi bên bờ tường chờ chồng chờ con trở về mấy chục năm trời. Tôi nhớ mãi người mẹ ngồi bán khoai lang ngoài chợ, tôi vẽ ngay ở chợ luôn, vì nếu mời mẹ về nhà, thì gánh khoai lang đó ai bán... Có những bà mẹ bị mù, không thể đi đâu được. Nhiều mẹ không còn minh mẫn… Tận mắt chạm vào những cảnh đời, những nỗi đau tột cùng ấy, lòng tôi nhói đau, nghẹn ngào. Có lúc oà khóc ôm lấy mẹ, chẳng thể nào vẽ được. Có lẽ nhờ thế mà mình chạm được vào cái thần, cái tâm của mẹ bộc lộ trong khoảnh khắc.

Kim Anh, bạn chiến đấu cũ:

“Ngay từ thời thiếu nữ, là hoạ sĩ trình bày báo Phụ Nữ Giải Phóng, Ái Việt đã rất can trường, mạnh mẽ, làm gì là quyết làm bằng được. Báo làm xong lúc nào là cô ấy băng đèo lội suối mang đi in lúc đó, chẳng sợ đêm tối một mình trong rừng. Càng nguy hiểm cô ấy càng xông tới, không ai có thể cản được. Bây giờ lại một mình băng qua Trường Sơn với chiếc Chaly tồi tàn, nhưng rất tháo vát, giỏi giang, tự sửa xe, vá xe… Cô ấy làm gì cũng khéo léo, độc đáo, với tất cả chân tình”.

Phan Gia Hương, nhà điêu khắc:

“Một hoạ sĩ hết lòng với nghề nghiệp, một người mẹ, người vợ chu toàn. Tranh của chị lúc nào cũng tràn đầy sức sống, rất trong sáng, tình cảm, giàu lòng nhân ái. Chọn hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng để làm hình tượng nghệ thuật, cũng là để chị thể hiện tấm lòng tri ân của đất nước này đối với những người mẹ trong cuộc chiến tranh bất khuất của dân tộc. Tôi rất cảm phục chị, một nghệ sĩ kiên cường như một chiến sĩ”.

Tôi vốn là giảng viên dạy về cơ thể học, nên mạnh nhất là vẽ chân dung. Ở tuổi này, sau bao nhiêu năm giảng dạy trong nghề, tôi cảm thấy hoàn toàn tự do, cứ đi, cứ vẽ mà không lo lắng gì, miên man trong cảm giác như người có lỗi, hy vọng việc làm bé nhỏ của mình có thể khơi dậy một ngõ khuất nào đó trong tâm hồn mỗi người.

Chị quan niệm thế nào về cái đẹp?

Tôi vẽ rất gần gũi, không bay bướm hoa mỹ. Cái đẹp là cái đơn giản nhất, như thể cuộc đời vậy.

Trong cuộc sống riêng, chị nổi tiếng trong đám bạn bè vì yêu một người đàn ông duy nhất, suốt đời, và coi đó là thần tượng của mình – nghệ sĩ Phạm Khắc, nguyên giám đốc đài Truyền hình TP.HCM...

Khi anh Khắc còn sống, anh thường nói với tôi: người nghệ sĩ muốn nổi danh thì cuộc đời phải bầm giập, sóng gió lắm. Riêng tôi, duyên nợ đã cho tôi được sống trong tình yêu đầm ấm suốt 39 năm trời với anh, tôi luôn tự nhủ mình xấu xí thế mà sao được ông trời thương quá. Anh lớn hơn tôi mười tuổi, lúc tôi đến với anh, anh mới 25 tuổi, nhưng đã nổi tiếng là “vua chiến trường”, một tay quay phim mưu trí, dũng cảm, thần tượng của nhiều thiếu nữ trong rừng. Vậy mà không hiểu sao anh lại yêu tôi. Có lẽ vì yên ấm quá mà mình cũng không sáng tác được. Nhìn lại đời mình quá trầm lặng, giữa chúng tôi không hề có cãi vã lớn tiếng gì trong ngần ấy năm trời. Sau bao thăng trầm, tôi nghiệm ra rằng khi hạnh phúc tới, phải ráng mà giữ lấy, đừng có điên dại mà buông ra. Chính vì thế mà tôi hết lòng yêu thương anh, tự nguyện đứng phía sau để anh có điều kiện đóng góp cho đất nước. Bây giờ, khi anh đã ra đi, tôi mới “buông gôn”, lên đá tiền vệ cho xứng đáng chứ (cười hóm hỉnh).

Làm thế nào chị có thể vượt qua nỗi mất lớn nhất trong đời là mất anh? Những biến cố nào trong đời đã rèn luyện cho chị tính cách như nam tử, để có thể tìm lại sự lạc quan?

Anh mất đi, trong một năm trời tôi sút 15kg. Chính chuyến đi xuyên Việt này đã giúp tôi dần dần hồi phục. Tôi hiểu mỗi người có một nỗi đau khác nhau, tốt nhất là đừng khơi dậy, đừng nhắc lại, cứ để nó trôi đi, khuất lấp đi…

Tôi có một nghị lực sống mạnh mẽ là nhờ cha. Gia đình tôi không có con trai nên từ nhỏ cha đã cho tôi mặc đồ con trai, vác tôi trên vai đi nhậu, dạy tôi tính khí như nam tử. Tuy nhiên, mình vẫn là phận đàn bà. Ngoài vẽ, tôi còn sáng tác kịch bản, những bài ca cải lương, làm thơ… con cóc. Tôi còn đang dự định viết kịch bản cải lương về người mẹ… Chính những việc ấy giúp tôi tìm lại được sự lạc quan.

Phải chăng thời tuổi trẻ quá đẹp trong chiến khu là chất keo giúp anh chị mãi dành cho nhau những điều ấm áp?

Để có sức khoẻ, vượt qua bao đèo dốc, gió bão, đến từng huyện, về tận xã, ấp mà chiếc xe không hề “trở chứng”, không hề có sự cố nào, tôi nghĩ có lẽ mình được bao linh hồn chiến sĩ phù hộ. Đi sáu tháng trời không đổ bệnh ngày nào, về đến nhà mới bệnh quá trời, kể cũng lạ!

Khi lấy nhau chúng tôi có ba điều “ký kết”: không được đánh nhau, vì chỉ có kẻ thù mới đánh nhau; nếu một trong hai người sống với người khác thì vẫn đối với nhau tử tế; và ba là không bao giờ được ghen tuông. Vì khi mình ghen tuông là vô tình xúi người ta làm tầm bậy. Mà đàn bà ghen thì xấu xí lắm. Khi gả con trai, tôi kêu mấy cô con dâu đến dặn dò cẩn thận: “Má sanh con ra đủ chân đủ tay, nuôi nấng con trai má học hành đàng hoàng. Đây là tài sản quý nhất của đời má, từ đây má giao nó cho các con, các con phải biết gìn giữ. Nó có sứt mẻ, hư hỏng là do các con đó…” Mấy thằng con trai tôi khi có vợ là cho ra ở riêng liền, các cháu đem cả gia đình vợ về nuôi, ấm cúng vô cùng. Nhờ thế không bao giờ có chuyện lộn xộn giữa mẹ chồng nàng dâu.

Như bao bà mẹ khác, tôi luôn dạy các con sống lương thiện, sống bằng sức lao động của mình. Các con tôi cũng hiểu điều đó, nên biết tằn tiện, lo học hành. Có lẽ nhờ hưởng được hạnh phúc của bố mẹ mà các con biết nương theo đó để giữ gìn hạnh phúc của riêng mình.

Bí quyết nào giúp chị giữ được nội lực, sự dẻo dai và trái tim đầy rung cảm như thế?

Là sống giản đơn, không hề thù hận ai cả, và yêu thương tất cả mọi người.

Trong cuộc sống, chị coi trọng điều gì nhất?

Hoạ sĩ Đặng Ái Việt giữa đường xuyên Việt.

Điều này thật khó nói, mỗi người đều có một triết lý sống cho riêng mình, riêng tôi việc chung và việc riêng đều coi trọng như nhau, không bỏ cái nào. Với cái chung, khi đã nhận lãnh bất cứ nhiệm vụ nào phải có trách nhiệm hoàn tất một cách tốt nhất. Con người tôi vốn làm cái gì cũng đến nơi đến chốn. Có lẽ vì thế mà tôi trọng niềm tin. Người ta sống với nhau phải có niềm tin, ngờ vực nhau thì khổ sở lắm. Con tôi hay bảo má thật dễ tin. Tôi có thể sai lầm, nhưng không thể yêu thương ai đó mà không tin. Có lẽ nhờ thế mà mình lúc nào cũng vui… Triết lý sống của tôi là đã tin thì không ngờ, mà đã ngờ thì không dùng.

Sống trong giai đoạn mà niềm tin trở thành một giá trị… xa xỉ như bây giờ, có bao giờ chị thấy nản lòng?

Tôi nhìn người ít khi sai. Mình không phản bội ai, sống trải lòng, không giấu giếm, nên bạn bè đến với mình cũng chân thành. Không trải lòng với nhau thì làm sao trao nhận được lòng tin. Cuộc đời là quy luật của sự tồn sinh, đâu có gì đứng yên, những giá trị chuẩn mực cũng đang đứng trước sự phân hoá rất cao, nhưng tôi tin trong lòng bất cứ người dân Việt Nam nào cũng tràn đầy tình yêu nước. Nếu đất nước có mệnh hệ gì thì tất cả nhân dân đều đứng về phía chính quyền. Có trách là trách chính quyền đã không làm tròn trách nhiệm của mình.

Chị có tin vào sức mạnh của tâm linh?

Tôi là người rất khoa học, nhưng tôi tin vào tâm linh. Đến một lúc nào đó khoa học sẽ tiệm cận với tâm linh, để mang lại vẻ đẹp mới cho triết học. Chuyến đi xuyên Việt của tôi nếu không có sự ủng hộ quan tâm của những người khuất mặt khuất mày thì làm sao tôi có thể vượt đường xa bằng chiếc Chaly cọc cạch? Tôi theo đạo Phật, năm sáu tuổi đã cạo đầu ba vá đi tu ở chùa Dược Sư, thuộc kinh làu làu. Đến năm mười tuổi về quê, vì sư thầy nói tôi có căn mà không có duyên. Lớn lên, tôi dần hiểu đừng làm điều ác, sống trọn đạo ở đời, chỉ làm điều thiện để phúc cho con chính là tu rồi.

thực hiện Kim Yến
chân dung hội hoạ Hoàng Tường
ảnh nhân vật cung cấp

http://sgtt.vn

Các tin đã đăng:

Âm lịch

Ảnh đẹp