17/08/2010 09:38 (GMT+7)
Số lượt xem: 5754
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ở nơi “đất cao hơn trời ”, những giáo viên rẻo cao xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn, Nghệ An) sợ nhất là thiếu nước. Ở đây, từng giọt nước được chắt chiu, tái sử dụng.

Nửa chậu nước, tắm... xả láng

Buổi sáng, trên con đường vào vùng đai biên giới xã Huồi Tụ, thời tiết như một thiếu nữ vừa chớm yêu: nắng mưa thất thường, sương giăng đôi đoạn lạc lối. Gã xe ôm đi đường đèo dốc thuộc diện “lì” nhất thị trấn Mường Xén chở tôi vào.

Mỗi sáng sớm, giáo viên lại lỉnh kỉnh đồ đạc xuống núi kéo nước

Con đường cấp phối đến hết xã Tà Cạ bắt đầu dốc núi quanh co, dựng đứng uốn lượn, chênh vênh trong sương mây dài khoảng 40km, phía dưới là vực sâu thăm thẳm. Ngọn núi Piềng Na ở Huồi Tụ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, bốn mùa chìm trong biển sương.

Nắng ngả sang chiều, chúng tôi mới có mặt tại Trường THCS Huồi Tụ 2.

Đến nơi, thấy can đựng nước to, chúng tôi cứ vô tư xối ào ào, dùng rửa mặt, rửa tay trước những ánh mắt rất khó tả của nhiều thầy cô giáo. Tôi đang ngạc nhiên, thì nhận được cái vỗ lưng nhè nhẹ của thầy Nguyễn Tất Chinh, hiệu trưởng nhà trường. Thầy nói, giọng rụt rè: Các anh thông cảm, nước ở đây hiếm lắm, đem đổi vàng ròng chưa chắc các thầy cô đồng ý.

Nghe vừa hóm hỉnh, vừa chạnh lòng, hiệu trưởng Chinh kể: Nước sạch lấy từ khe suối về, các cô giáo dùng vo gạo, sau đó đem rửa mặt, rửa rau, rửa chân. Cuối cùng là tưới rau hoặc cho bò uống.


Tan học, nhiều học sinh tranh thủ xuống núi xách nước dự trữ

Các cô giáo cười khúc khích kể về “luật” tự phong: Đã tắm thì khỏi phải đánh răng, mà đã rửa mặt thì khỏi pha trà... Mỗi khi có cô giáo trẻ miền xuôi lần đầu lên đây, “giáo án” đầu tiên mà các giáo viên lão làng dạy là phải biết cách tiết kiệm nước.

Phương thức hiệu quả nhất được lưu truyền để đảm bảo vừa tắm xả láng, vừa tiết kiệm nước là đứng vào chậu to, nước xối qua người, chảy xuống chậu, tiếp tục múc lại xối tiếp. Cứ thế, chỉ cần nửa chậu!

Chuyện tắm rửa còn xa xỉ hơn với các giáo viên nam. Có khi vài tuần tắm một lần, thậm chí cả tháng. "Bẩn quá thì dùng khăn thấm nước lau qua lại sạch liền", thầy Chinh nói. Và mỗi khi có cơ hội xuống thị trấn Mường Xén, mấy thầy giáo không quên gửi tiền dặn dò đồng nghiệp mua hộ mấy lọ nước hoa về dùng cho... thơm.

Chưa hết, mỗi khi học sinh khát nước, giáo viên lại phải bấm bụng nhường nước sạch cho học sinh.

Bò cũng phát ốm vì kéo nước

Đêm. Huồi Tụ trăng treo ngoài bìa rừng, sương buông trắng bạc thung lũng. Giọng hát giáo viên nữ mang theo lời của gió nỉ non: “Anh ở xa dù cách ba con suối, bốn ngọn đồi, anh hãy về gánh nước cùng em".


Dòng suối cung cấp nước cũng dần cạn kiệt

Thầy Chinh kể, vào những mùa nắng, vùng đất khát Huồi Tụ như cái túi đựng nắng, gió Lào. Mỗi sáng sớm, khi màn sương chưa ráo mặt thì các thầy cô lỉnh kỉnh xếp can nhựa cột yên xe, đạp lạch cạch đi lấy nước, đủ cho cả ngày.

Thầy Trần Quốc Việt, đã 2 năm công tác tại đây than thở, từ đây xuống dưới điểm lấy nước gần nhất là bản Huồi Khe, gần 5km đường dốc dựng đứng. Ở đây có con dốc Chồng Pó nổi tiếng nhất của Kỳ Sơn, dốc dựng đứng, đôi đoạn gấp khúc như khuya cài áo, đường trơn trượt.

Các giáo viên cứ co chân bước là đầu gối chạm ngực. Mỗi lần xách can lấy nước, giáo viên lại phải ngậm miệng, thở bằng mũi cho tiết kiệm sức mới mang nổi nước về nhà.

Các thầy cô từng có sáng kiến góp tiền lương, mua bò về kéo nước. Nhưng bò kéo được dăm bữa, nửa tháng cũng lăn đùng ra ốm. Mọi người cứ nói vui: Trường có 20 giáo viên thì tất cả số giáo viên này đều kiêm luôn nhiệm vụ... của bò.

Nguyên hiệu trưởng trường, thầy Nguyễn Hữu Hoàng bảo, sống ở đây buồn nhất là những đêm lạnh, gió thổi lùa vào từng vách nhà, nhiều giáo viên không ngủ được dậy đốt lửa thức thâu đêm. Nhiều người làm quen với nỗi sầu bằng cách uống rượu…Hiệu trưởng Chinh đắn đo thở dài: “Ở đây quanh năm mây cuốn, suốt ngày bầu bạn với núi rừng hoang vu, khổ mấy giáo viên cũng cắn răng cam chịu được nhưng thiếu nước thì bó tay. Biết đến bao giờ giọt nước sạch mới đến được với giáo viên vùng cao và đám học trò nơi miền biên viễn ở Huồi Tụ !?”.

Trân Châu (theo bee.net.vn)

Âm lịch

Ảnh đẹp