05/03/2011 10:38 (GMT+7)
Số lượt xem: 3485
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Rồi đây, người ta sẽ lại đặt câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai nếu cụ rùa ra đi. Câu hỏi này luôn đeo đẳng đằng sau những câu chuyện kinh tế, xã hội, văn hóa xảy ra ở nước ta.

Những ngày gần đây "bỗng nhiên" cụ rùa ở Hồ Gươm được quan tâm đặc biệt bởi cụ nổi lên mình đầy thương tích. Lúc cụ nổi lên khi ngậm phải móc câu, lúc lại cõng trên lưng rùa tai đỏ, và có khi cụ gác chân lên vách hồ với bàn chân da tróc rỉ máu...

Hình ảnh thân thể cụ rùa đầy vết thương là "nỗi đau" con người nhìn thấy. Nhưng còn "nỗi đau" tận sau tâm can của cụ rùa vẫn cô đơn, đau đáu bao nhiêu năm nay thì không ai biết đến. Bởi hàng ngày cụ chứng kiến những hành vi vô cảm xả rác của con người ngày ngày dạo chơi quanh hồ, cụ sống trong môi trường nước ô nhiễm bấy lâu nay. "Nỗi đau" đó đeo bám dai dẳng cộng với tuổi già cho đến một ngày cụ không còn đủ sức chịu đựng nữa.

Chứng kiến cụ mấp mé trên mặt nước với ánh mắt như muốn nhắn nhủ điều gì đó đến con người đủ thấy cụ đang yếu dần đi. Với những người có tình cảm yêu thương một linh vật cô đơn giữa biển hồ rộng lớn, giữa những thời khắc vui vẻ, tiếng cười đùa râm ran của con người ngày ngày đi qua mà thấy sao xót xa. Thương xót nỗi cô đơn cụ vẫn gặm nhấm, thương xót sức chịu đựng gồng mình, và thương xót một sinh vật hiền lành lẳng lặng chứng kiến bao câu chuyện buồn vui của đất nước.

Từ sau tết, đây có lẽ là lần thứ hai cụ rùa đặt bàn chân lên bờ - Ảnh: Nguyễn Khánh

Liên tiếp các hội thảo khoa học, hội đồng được thành lập từ năm 2007, vậy mà từ đó cho đến nay cụ lại mang nhiều thương tích hơn. Chỉ khi tấm thân cụ nổi lên mặt nước liên tiếp có dấu hiệu bất thường, bỗng chốc nhiều tổ chức lao vào cuộc. Nào là Hội đồng chữa trị rùa hồ Gươm sẽ trực liên tục ba ca để bắt, dẫn rùa về nơi lưu giữ, chăm sóc và tổ chức chẩn đoán, khám cho rùa. Rồi Công ty Thoát nước thành phố tiến hành dọn vệ sinh khu vục xung quanh tháp Rùa. Công ty Nước sạch Hà Nội bổ sung nguồn nước sạch vào hồ và thường xuyên cùng các chuyên gia, kiểm tra mẫu nước đảm bảo an toàn cho rùa...

Có lẽ, điều cụ cần không phải là những lời hô hào, những ánh mắt đứng nhìn năm này qua năm khác, mà cụ cần một bàn tay chữa trị với một tấm lòng yêu thương. Rùa cũng là một loài sinh vật như bao loài khác. Khi một loài sinh vật sống trong mỗi ngôi nhà của chúng ta thì lúc chúng bị ốm, đi lạc, hoặc bị ai đó bắt mất có lẽ không ít người thương khóc nhiều ngày, huống chi là một "linh vật"của đất nước thì lại chẳng mấy ai mảy may đoái hoài.

Khi tấm thân yếu ớt nhô lên khỏi mặt nước với ánh mắt buồn bã xa xăm của cụ rùa không ít người lại thốt lên giá mà chính quyền và người dân quan tâm và chăm sóc cụ từ nhiều năm nay thì bây giờ cụ sẽ không ra nông nỗi này. Rồi có ý kiến cụ rùa già rồi nên chết là chuyện bình thường, không có gì phải ầm ĩ lên cả. Lại có quan điểm khác cụ rùa mất đi là điềm không lành...Tất cả đều xôn xao luận bàn ra vào hiện tượng của cụ rùa mà không tự bản thân hãy đặt câu hỏi mình đã có ý thức bảo vệ môi trường sống xung quanh cụ rùa hay chưa?! Nếu ý thức được điều đó thì cụ rùa đã không phải sống thảm thương như ngày hôm nay.

Vì thế, cứu chữa cụ rùa là một chuyện, nhưng còn một câu chuyện khác đáng phải bàn hơn đó là cứu chữa hồ Hoàn Kiếm nói riêng, ao hồ Hà Nội nói chung thóat khỏi ô nhiễm. Bởi nếu không có ý thức giữ gìn hồ nước trong sạch, không khí thoáng đãng thì một ngày nào đó, những sinh vật sống khác cũng lại phải tiếp tục hứng chịu những hậu quả tương tự như cụ rùa mà thôi.

Trên hết là tiếng chuông cảnh tỉnh với các nhà chức trách và ý thức của người dân về vấn đề ô nhiễm các hồ nước Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung. Mỗi du khách phương xa, khi đến Hà Nội được hỏi về bản sắc thành phố nghìn năm tuổi, đều không ngần ngại trả lời: Hà Nội đẹp vì nhiều hồ. Hệ thống ao hồ đã trở thành một nét đặc thù không thể thiếu của thành phố hòa bình.

Mặc dù có một vai trò khó có thể thay thế trong cuộc sống thường ngày của đời sống đô thị, giống như "lá phổi xanh" điều hòa không khí cho thành phố, nhưng ao hồ Hà Nội đã bị bức tử liên tục trong nhiều năm. Mải mê chạy theo lợi nhuận, người ta đã không ngừng lấn chiếm, san lấp hồ để lấy đất cất nhà, xây khách sạn, chung cư...65% diện tích sông hồ ở Hà Nội đã biến mất chỉ trong vòng vài chục năm qua. Những Hồ Gươm, Hồ Tây đẹp đẽ trong lòng người Hà Nội và khách phương xa thì bải hoải vì ô nhiễm. Đến khi giật mình nhận ra thì đã quá muộn.

Rồi đây, người ta sẽ lại đặt câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai nếu cụ rùa ra đi. Câu hỏi này luôn đeo đẳng đằng sau những câu chuyện kinh tế, xã hội, văn hóa xảy ra ở nước ta. Lần này, xin hãy thử đừng quy kết lẫn nhau, mà mỗi người hãy tự trải lòng mình nhìn nhận trách nhiệm, ý thức của cá nhân trong việc bảo vệ môi trường sống xung quanh để không phải hối tiếc khi có những câu chuyện tương tự khác xảy ra. Nói như GS Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, phó Chủ tịch hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam, cứu cụ rùa cũng là cứu chính ý thức mỗi con người chúng ta.

Mời các bạn xem lại toàn bộ quá trình câu chuyện cụ rùa dưới đây:


Cụ Rùa mắc lưỡi câu chùm lần thứ nhất ngày 1/8/2010. Ảnh: PGS Hà Đình Đức


Ngậm dây cao su ngày 22/11/2010. Ảnh: PGS Hà Đình Đức


4/2/2011 (tức mồng 2 Tết Tân Mão). Ảnh: PGS Hà Đình Đức


Cụ Rùa cõng rùa tai đỏ trên lưng ngày 18/12/2010. Ảnh: PGS Hà Đình Đức



Từ sau tết, đây có lẽ là lần thứ hai cụ rùa đặt bàn chân lên bờ - Ảnh: Nguyễn Khánh



Lãnh đạo Chi cục Thủy sản Hà Nội cùng các nhà khoa học thị sát việc xây dựng đường lên gò tháp Rùa - Ảnh: Nguyễn Khánh


Ven hồ Gươm phía đường Đinh Tiên Hoàng vẫn ngập rác bẩn - Ảnh: Nguyễn Khánh


Sau khi dựng khung và gắn lưới sắt, toàn bộ phần rào chắn được phủ một lớp bạt xanh trước khi lắp đặt bể bơi thông minh. Ảnh: Xuân Long


Hệ thống lọc nước được bố trí ven hồ để cung cấp nước sạch - Ảnh: Tiến Thành


PGS Hà Đình Đức cùng lãnh đạo Chi cục Thủy sản Hà Nội du thuyền khảo sát mực nước hồ Gươm và lấy mẫu nước về nghiên cứu - Ảnh: Tiến Thành


PGS Hà Đình Đức cho biết việc đưa rùa hồ Gươm lên bờ cứu chữa vẫn chưa thể biết được - Ảnh: Nguyễn Khánh


Âm lịch

Ảnh đẹp