1. Phật giáo, toàn cầu hóa và tính hiện đại
"Toàn cầu hóa" (globalization) trong bối
cảnh đa văn hóa không còn đơn thuần là sự kiện mà đã trở thành “một
tiến trình,” mà tính tất yếu của nó đã trở thành vòng xoay của thiên
niên kỷ thứ 3. Toàn cầu hóa đã tác động lên mọi phương diện của cuộc
sống hiện đại từ triết học, chính trị, văn hóa, tôn giáo v.v…
Khi nói về hiện đại, người ta thường
nghĩ đến “toàn cầu hóa” và “hội nhập.” Khi hội nhập đã trở thành tiến
trình tương tác thì toàn cầu hóa xuất hiện như một quy luật có tầm ảnh
hưởng đa chiều. Hội nhập tạo ra hai chiều vào và ra, tiếp thu các giá
trị tích cực mang tính hiện đại, đồng thời quảng bá các giá trị dân tộc
vốn có với thế giới xung quanh.
Các khám phá và phát minh của khoa học
hiện đại đã trở thành nguồn thách thức các giá trị về niềm tin chân lý
trong các tôn giáo nhất thần và đa thần. Trong khi đó, trước cơn lốc
toàn cầu hóa, vị thế của đạo Phật lại được nâng lên hơn bao giờ hết, như
triết gia Krishnamurti phát biểu: “Có thể tìm thấy Phật giáo ở những
nơi không có đạo Phật”.
Các trào lưu hiện đại (modernism) một
mặt mang lại các giá trị về tính hiện đại (modernity) thúc đẩy các thay
đổi về xã hội, mặt khác mang theo các trận cuồng phong và những cú sốc
về văn hóa (culture shock) đến khắp mọi nơi. Dù tính hiện đại là cần
thiết cho mọi sự phát triển, nhưng sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu
tính hiện đại được “mê tín hóa” như cán cân chân lý vĩnh hằng, buộc mọi
giá trị truyền thống, trong đó có giá trị tôn giáo, cần tuân thủ và xoay
quanh.
Khi xem tính hiện đại là thươc đo chân
lý, các nhà hiện đại sẽ trở thành những con người độc tôn và trong chừng
mực nào nó, họ trở nên hẹp hòi không kém gì những nhà tôn giáo bảo thủ.
Thách đố về thước đo chân lý đã làm cho nhiều nhà tôn giáo kháng cự
tính hiện đại vì xem nó như vật chướng ngại. Khi lý tính độc tôn được sử
dụng như công cụ tiếp cận chân lý, chân lý được lên ngôi đó không có
giá trị hiện thực khách quan và do vậy không thể ngự trị trên ngai vàng
của hiện thực.
Nếu toàn cầu hóa, thế tục hóa và dân chủ
hóa đang trở thành hiện tượng phổ biến ở phương Tây, thì các giáo hội
cơ chế truyền thống thuộc nhất thần giáo đang gặp phải nhiều khó khăn và
thách đố. Tại nhiều nước phương Tây, phong trào thế tục hóa và dân chủ
hóa đã kéo theo sự đóng cửa của nhiều nhà thờ và cơ sở tôn giáo, mở ra
phong trào tâm linh hóa tôn giáo ngoài cơ sở tôn giáo, nhằm giúp con
người có thêm tự do trải nghiệm các giá trị tâm linh thuần túy.
Phật giáo không thuộc nhóm tôn giáo nhất
thần hay đa thần, không bị tính hiện đại thách đố như các tôn giáo
khác. Phật giáo không phải đối chọi với tính hiện đại của chủ nghĩa hiện
đại, vì Phật giáo có thể thích ứng và đồng hành với nó dễ dàng từ bản
chất học thuyết đến thực tiễn hành trì.
Phật giáo có lối đi riêng, mà theo đức
Phật, đặc điểm lời dạy của ngài là “thiết thực hiện tại” (sandiṭṭhiko),
“siêu việt thời gian” (akāliko) và có khả năng hướng thượng (opanayiko)
con người. Thiết thực hiện tại chính là tính hiện đại. Siêu việt thời
gian cũng chính là hậu hiện đại. Ở tính hiện đại, Phật giáo phục vụ nhân
sinh ở thì hiện tại. Ở tính hậu hiện đại, Phật giáo tiếp tục phục vụ
con người ở thì tương lai. Vì phục vụ nhân sinh chính là tinh hoa minh
triết của Phật giáo, nhằm giúp con người giải phóng nỗi khổ niềm đau,
hướng về mục đích an lạc và hạnh phúc. Đây chính là những đặc điểm tạo
nên Phật giáo (opanayiko).
2. Phật giáo và tính khoa học
Các vấn đề thế giới quan, thuyết tương
đối, vật lý lượng tử, thuyết big bang, thuyết tiến hoá và nhiều vấn đề
quan trọng khác của khoa học được trình bày khá lý thú trong nhiều tác
phẩm Phật học hiện đại khác nhau. Các nghiên cứu so sánh giữa Phật giáo
và khoa học về các lãnh vực vũ trụ học, vật lý nguyên tử, vạn vật học,
đã giúp cho giới Phật giáo hiểu sâu hơn về các phương diện khoa học được
đề cập trong kinh. Đồng thời, giúp cho giới khoa học có cơ hội khám phá
kinh điển Phật giáo nhằm phát hiện và ứng dụng các tư duy khoa học của
đức Phật. Cả hai phương diện đều góp phần tháo mở các niềm tin mê tín
(như các dây tầm gửi vốn có gốc rễ từ các tôn giáo bản địa), ra khỏi
thân cây bồ đề của đạo Phật.
Mục đích của Phật giáo không nhằm đánh
đồng Phật giáo với khoa học, vì khoa học chỉ là một phương diện mà Phật
học sử dụng để minh chứng về thế giới hiện thực, chứ chưa phải là tổng
thể Phật giáo. Các nhà Phật học hiện đại cũng không có dụng ý chứng minh
khoa học là Phật giáo, vì khoa học có đối tượng nghiên cứu riêng và mục
đích cứu cánh của nó là khám phá thế giới, không nhằm giải quyết nỗi
khổ niềm đau của con người, như khoa học tâm thức của Phật giáo.
Điểm tương đồng giữa khoa học và Phật
giáo là mục đích tìm hiểu chân lý. Phương pháp luận và giá trị đạt đến
chân lý của khoa học và Phật giáo không hẳn giống nhau, mặc dầu có thể
bổ sung cho nhau. Đóng góp chính của khoa học là tìm hiểu và khám phá
chân lý và đây chính cũng là giới hạn của nó. Lịch sử khám phá của khoa
học cho thấy chân lý khoa học là tương đối, và trong nhiều tình huống,
chúng được thay thế bằng những phát hiện và định luật mới khả tín hơn.
Chân lý Phật giáo tuy dựa vào thế giới hiện thực nhưng nhằm vào giải
quyết các vấn nạn của kiếp người, có khuynh hướng ứng dụng vào nhận thức
luận (epistemo-logy) và đạo đức học (ethics) hơn là bản thể luận
(ontology).
3. Phật giáo và chủ nghĩa dân tộc
Việc nhầm lẫn hiện đại với phương Tây sẽ
dẫn đến các hậu quả chấp nhận tất cả những gì có gốc rễ từ nước ngoài
đều là tốt. Tính hiện đại thường là tính phổ quát, đang khi phương Tây
hóa, hay phương Đông hóa chỉ là một hiện tượng của toàn cầu hóa, mà giá
trị của nó chỉ được xác định trong từng bối cảnh cụ thể. Nếu thế giới
phương Tây có khuynh hướng phát triển về đời sống vật dục thì Phật giáo
nhấn mạnh đến sự tu dưỡng nhân cách và tâm linh. Do đó, để đưa đất nước
theo hướng phát triển bền vững, tính hiện đại cần phải song hành với
tính dân tộc, để tránh tình trạng mất gốc các giá trị văn hóa truyền
thống trong quá trình hội nhập.
Mặc dù tính hiện đại là cần thiết cho
các phát triển, nhưng phát triển theo hướng hiện đại hóa mà bỏ rơi các
giá trị truyền thống của dân tộc chỉ là sự tự kết liễu những gì đặc thù
mà các dân tộc khác không có. Nếu hiện đại hóa là một hành trình đầy thử
thách thì tính hiện đại tích cực sẽ có thể trở thành sự lựa chọn tốt
đối với các mối quan tâm mà con người cần có. Trong quá trình hội nhập
để có được tính hiện đại, chúng ta đâu cần phải loại trừ các tính đặc
thù, cá biệt của dân tộc bao gồm các giá trị nhân văn vốn tạo nên chất
lượng đời sống. Để tính hiện đại trở thành một lựa chọn tích cực cho mọi
giới, cần loại bỏ đẳng thức sai lầm rằng hiện đại được hiểu là kỹ
thuật, máy móc, văn hóa giải trí. Đang khi tính hiện đại trong một xã
hội là giá trị cần có, việc mất gốc truyền thống sẽ làm ta đánh mất các
giá trị văn hóa lâu đời.
Trong các đất nước có nhiều giá trị văn
hóa truyền thống lâu đời như Việt Nam, chính sách mở cửa cho “hiện đại
hóa” một cách vũ bão mà thiếu sự chắt lọc sẽ dễ dẫn đến tình trạng tiếp
nhận những cái mới mà không phải cái nào cũng là tính hiện đại có giá
trị thì các di sản văn hóa dân tộc có cơ hội bị thay thế hoặc loại bỏ
theo thời gian.
Bất cứ nơi nào Phật giáo được truyền
vào, tồn tại và phát triển, trong quá trình dựng nước và giữ nước, Phật
giáo luôn cổ xúy chủ nghĩa dân tộc (nationalism). Chủ trương này càng
được thể hiện rõ nét trong các quốc gia bị thực dân xâm lược. Phật giáo
đã đồng hành với dân tộc với lời kêu gọi nhập thế (engaged) vào các
phương diện chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa và giáo dục. Chủ nghĩa
nhập thế Phật giáo (engaged Buddhism) đã trở thành khuynh hướng phát
triển đạo Phật trên toàn cầu. Thiền sư Nhất Hạnh là người có công giới
thiệu đạo Phật nhập thế của Việt Nam cho thế giới phương Tây thời hiện
đại, góp phần tạo ra một đạo Phật có nhiều tính hiện đại.
Xây dựng một đạo Phật trong lòng dân tộc
là chủ trương của đức Phật. Tính đồng hành giữa Phật giáo và dân tộc đã
trở thành lối ứng xử đậm đà bản sắc dân tộc của đạo Phật. Nếu hiện đại
hóa dân tộc là nhu cầu để tiếp thu những cái tiến bộ thì dân tộc hóa
hiện đại là một quá trình giới thiệu những giá trị đặc thù của dân tộc
ta ra thế giới, để thế giới có thể cảm nhận và hội nhập. Do đó, tính dân
tộc và tính hiện đại một mặt thể hiện sự đồng hành giữa truyền thống và
hiện đại, mặt khác được xem như tính đặc trưng của một đất nước tiến
bộ. Hội nhập thế giới thường bắt đầu từ giao lưu, tương tác và cộng
hưởng các giá trị của nhau. Mỗi dân tộc thông qua hội nhập sẽ đóng góp
cho thế giới tinh hoa và bản sắc văn hóa của mình, ngược lại có thể tiếp
thu những di sản chung của nhân loại. Tình trạng “ngăn sông cấm chợ” là
vật cản của hội nhập và toàn cầu hóa. Các giá trị hiện đại do trở ngại
này không thể mở rộng biên cương lan tỏa của mình.
Để tính hiện đại được tiếp nhận thì quá
trình hiện đại hóa không được tách rời khỏi dân tộc tính. Nhiều giá trị
của dân tộc tính chẳng hạn sự đoàn kết quốc gia trong thời chiến cũng
như thời bình đã trở thành nguồn lực bảo vệ độc lập và chủ quyền của đất
nước, mà còn góp phần không nhỏ vào việc phát triển đất nước theo hướng
hiện đại và bền vững.
4. Phật giáo và trách nhiệm đạo đức
Theo
đức Phật, mục đích của đời sống không phải là hưởng thụ mà là sống tốt,
sống lành mạnh, sống đạo đức, sống văn hóa và sống tâm linh để thấy
được các giá trị tích cực của kiếp người. Đạo Phật có mặt là vì con
người, phục vụ con người và giải quyết các vấn nạn con người. Để mang
lại kết quả hòa bình và phát triển, theo đức Phật, đạo đức cá nhân và xã
hội cần phải được tôn trọng tuyệt đối.
Hành vi thiện trên động cơ thiện được
xem là mối quan tâm hàng đầu đối với đạo đức Phật dạy. Dù là các loài
động vật hay thực vật, lòng từ bi, khoan dung chính trị và tôn giáo được
xem là điểm son trong giáo pháp Phật mà con người cần phải áp dụng và
ứng xử với nhau. Nương tựa tự thân, thực tập thiền định có khả năng
chuyển hóa phiền não, giúp con người phát triển trí tuệ, nhờ đó từ bỏ
mọi sự rắc rối và nghiệp chướng. Đây chính là nghệ thuật “sống theo
chánh pháp”.
Người làm chủ mình và nhân quả sẽ là nhà
quy hoạch cuộc đời mình, vị kiến trúc sư khôn ngoan về cấu trúc tâm lý,
nhận thức và hành vi cuộc sống, và là người kế thừa trực hệ gia tài
năng lực hành vi đã được tích tập một cách có ý thức. Nhận thức quy luật
nhân quả chi phối các nguyên lý từ vô cơ, hữu cơ cho đến tâm lý học,
nhận thức luận, đời sống luân lý xã hội và ngay cả đời sống tâm linh của
con người, hành giả Phật giáo sẽ là người làm chủ bản thân mình bằng
các nỗ lực chuyển hoá quán tính hành vi ngày càng tốt đẹp hơn, để vượt
thoát khỏi mọi xiềng xích của nghiệp đã tác tạo. Nhờ hiểu nhân quả, con
người có trách nhiệm với các hành vi đạo đức và ứng xử của bản thân, nhờ
đó, không tạo ra các ảnh hưởng tiêu cực cho tha nhân, góp phần mang lại
an lạc và hạnh phúc cho con người.
Phật giáo kêu gọi các ý thức trách nhiệm
về hành vi đạo đức bản thân, gia đình, xã hội, cộng đồng, quốc gia và
toàn thế giới. Không ai có thể tránh khỏi quả báo của một hành động đã
đến lúc chín mùi, vấn đề là sự tùy thuộc vào các yếu tố thời gian và
điều kiện. Một thông điệp khác là kêu gọi tinh thần nhân bản, tương thân
tương ái, lánh dữ làm lành, phụng sự tha nhân trong các cảnh huống bất
hạnh và khổ đau là đáng và nên thực hiện bằng tấm lòng vô ngã và vị tha.
Niềm tin về kiếp sau có năng lực khai sáng các hành động đạo đức và
nhân đạo của chúng ta ở kiếp này.
Khi thấy rõ tái sinh lá có thật mỗi
người trong chúng ta hãy sống trọn vẹn ý nghĩa của kiếp người, để hưởng
được chất lượng phước báo và hạnh phúc của kiếp người, để mỗi khi nghĩ
vế quá khứ khi cần thiết, ta có thêm niềm hãnh diện, hoặc mỗi khi nghĩ
về tương lai ta có thêm niềm tự tin đi tới, hoặc đang khi ở hiện tại, ta
sống hết mình bằng trí tuệ, đạo đức nghề nghiệp, năng lực và tính trách
nhiệm. Quan niệm và sống như thế sẽ làm cho kiếp sống này trở nên có ý
nghĩa và giá trị hơn.
Qua vài điều trình bày trên, ta thấy chủ
trương “lấy con người làm trung tâm” của đạo Phật là một chủ nghĩa nhập
thế theo đúng nghĩa của từ này. Do đó, triết lý đạo Phật là nhằm phục
vụ con người, hướng con người đến mục đích an vui và hạnh phúc. Vì lời
Phật dạy mang tính “thiết thực hiện tại” và giá trị đạo đức và xã hội
của đạo Phật là “siêu việt thời gian”, chủ trương nhập thế của Phật giáo
mang dấu ấn thời đại (tính hiện đại) trong bối cảnh đồng hành với dân
tộc nói riêng và nhân loại nói chung. Các giáo hội Phật giáo trên toàn
cầu, dù theo pháp môn nào, trong các bối cảnh văn hóa khác nhau, đều
phụng sự cho nhân loại trong thời đại hôm nay và mai sau, nhằm góp phần
mang lại một thế giới hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.
(Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay số 14)