Khoa học và Phật giáo


Giáo sư Trịnh Xuân Thuận
24/03/2012 18:48 (GMT+7)
Số lượt xem: 72911
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đối với tôi, Phật giáo trước hết là một con đường dẫn đến Giác ngộ, một hoạt động chiêm nghiệm với cái nhìn chủ yếu hướng nội. Hơn nữa, khoa học và Phật giáo sử dụng các phương pháp nghiên cứu thực tại một cách hoàn toàn khác nhau.


Với tư cách là nhà vật lý thiên văn nghiên cứu sự hình thành và tiến hóa của các thiên hà, công việc khiến tôi thường xuyên phải tự vấn về các khái niệm như thực tại, vật chất, thời gian và không gian. Là một người Việt Nam lớn lên trong truyền thống Phật giáo, tôi không thể không tự hỏi rằng Phật giáo nhìn nhận các khái niệm này như thế nào. Nhưng tôi không chắc rằng một phương pháp nhằm đối chiếu khoa học và Phật giáo có thể có một ý nghĩa nào đó.

Tôi biết, trước hết, khía cạnh thực tiễn của Phật giáo là giúp người ta hiểu được được chính mình, tấn tới về tinh thần, trở thành một người tốt hơn. Đối với tôi, Phật giáo trước hết là một con đường dẫn đến Giác ngộ, một hoạt động chiêm nghiệm với cái nhìn chủ yếu hướng nội. Hơn nữa, khoa học và Phật giáo sử dụng các phương pháp nghiên cứu thực tại một cách hoàn toàn khác nhau. Trong khoa học, trí tuệ và lý trí đóng vai trò chính. Bằng cách phân chia, phân loại, phân tích, so sánh và đo đạc, nhà khoa học biểu diễn các quy luật của tự nhiên bằng thứ ngôn ngữ hoàn thiện là toán học. Trực giác chắc chắn không vắng bóng trong khoa học, nhưng nó chỉ có ích nếu nó có thể hòa chảy vào một phát biểu toán học chặt chẽ. Ngược lại, trực giác – trải nghiệm bên trong – lại đóng vai trò hàng đầu trong phương pháp chiêm nghiệm. Nó không cố gắng phân đoạn thực tại, mà tìm cách lĩnh hội thực tại trong tổng thể của nó. Phật giáo không sử dụng các dụng cụ đo đạc cũng như các quan sát tinh vi vốn cung cấp cơ sở thực nghiệm cho khoa học. Các phát biểu của Phật giáo có bản chất định tính hơn là định lượng. Tôi đồ rằng Phật giáo chỉ có rất ít thứ để nói về bản chất của thế giới hiện tượng, vì đó không phải là mối bận tâm chính của Phật giáo, trong khi đó nó lại là mối quan tâm cơ bản của khoa học.

Nhiều thí nghiệm vật lý đã chỉ cho chúng ta thấy tính tổng thể của thực tại này. Trong thế giới nguyên tử và dưới nguyên tử, các thí nghiệp kiểu EPR (xem mục từ này) nói với chúng ta rằng thực tại là “bất khả tách”, rằng hai hạt ánh sáng đã tương tác với nhau vẫn sẽ tiếp tục là bộ phận của một và chỉ một thực tại: dù khoảng cách giữa chúng có là bao nhiêu chăng nữa, thì hành trạng của chúng cũng tương liên tức thì mà không cần bất kỳ một sự truyền thông tin nào. Còn về thế giới vĩ mô, tính tổng thể của nó đã được chứng minh bằng con lắc Foucault (xem mục từ này) có hành trạng không phải phù hợp với môi trường địa phương, mà là với toàn vũ trụ. Cái được tổ chức trên Trái đất chúng ta đã được quyết định trong mênh mông bao la của vũ trụ.

Khái niệm sự phụ thuộc lẫn nhau nói rằng các sự vật hiện tượng không thể được định nghĩa một cách tuyệt đối, mà chỉ tương đối so với các sự vật hiện tượng khác. Về bản chất, chính ý tưởng này cũng là định nghĩa của nguyên lý tương đối về chuyển động trong vật lý, được Galileo phát hiện, và sau đó được Einstein lấy lại và phát triển lên tột đỉnh. “Chuyển động như không”, Galileo từng nói. Ý ông muốn nói ở đây là chuyển động của một vật không thể được xác định một cách tuyệt đối, mà chỉ là so với chuyển động của một vật khác. Không một thí nghiệm hay phép đo nào được thực hiện bởi một hành khách trên một toa tầu chạy không có tiếng động với vận tốc không đổi và tất cả các rèm cửa sổ đều được buông xuống khiến anh ta không thể biết được toa tầu của mình đang đứng im hay chuyển động. Chỉ bằng cách kéo rèm lên và nhìn khung cảnh trôi qua thì hành khách đó mới nhận ra. Chừng nào còn chưa có một sự quy chiếu với bên ngoài, thì chừng ấy chuyển động là tương đương với không chuyển động. Phật giáo nói: các sự vật không có tồn tại tự thân, mà chỉ có so với các sự kiện khác. Còn nguyên lý tương đối nói: chuyển động chỉ có thực tại so với khung cảnh trôi qua.

Thời gian và không gian cũng đã mất đi tính tuyệt đối mà Newton đã trao cho chúng (xem: Không-thời gian). Einstein nói với chúng ta rằng chúng chỉ có thể được định nghĩa một cách tương đối, tức là đối với chuyển động của người quan sát và cường độ của trường hấp dẫn tại nơi mà anh ta đang ở. Tại điểm kỳ dị của một lỗ đen (xem mục từ này), lực hấp dẫn mạnh tới mức ngay cả ánh sáng cũng không thể thoát ra khỏi, thì một giây có thể dài bằng cả thiên thu. Giống như Phật giáo, thuyết tương đối nói rằng sự trôi của thời gian, với một quá khứ đã qua và một tương lai còn chưa tới, chỉ là ảo giác, vì tương lai của tôi có thể là quá khứ của một người khác và là hiện tại của một người thứ ba: tất cả phụ thuộc vào chuyển động tương đối của chúng ta. Thời gian không trôi, nó đơn giản chỉ tồn tại ở đó mà thôi.

Bắt nguồn trực tiếp từ khái niệm phụ thuộc lẫn nhau mà có khái niệm trống rỗng. Trống rỗng không có nghĩa là hư không, mà là sự vắng bóng tồn tại riêng. Bởi vì tất cả phụ thuộc lẫn nhau, nên không gì có thể được xác định cũng như tồn tại tự thân. Khái niệm về các tính chất nội tại tồn tại tự chính chúng và bởi chính chúng cũng không còn đúng nữa. Nhưng chú ý! Phật giáo không nói rằng các sự vật không tồn tại, bởi vì chúng ta có trải nghiệm về nó. Phật giáo không có thái độ hư vô mà người ta thường gán một cách sai lầm cho nó. Phật giáo khẳng định rằng sự tồn tại này là không tự lập, mà phụ thuộc lẫn nhau, và như vậy tránh được quan điểm duy vật về thực tại. Phật giáo chấp nhận quan điểm trung dung, theo đó một hiện tượng không có tồn tại tự lập, nhưng không vì thế mà không tồn tại, và có thể tương tác và vận hành theo các quy luật nhân quả: đó là điều mà Phật giáo gọi là “Trung Đạo” vậy.

Một lần nữa, vật lý lượng tử cung cấp cho chúng ta một ngôn ngữ tương đồng một cách đáng ngạc nhiên. Theo Bohr và Heisenberg, chúng ta không thể nói về các nguyên tử hay electron như các thực thể thực có các tính chất rất xác định, như vận tốc hay vị trí nữa. Chúng ta phải xem chúng như tạo thành một thế giới không có các vật và các sự kiện nữa, mà chỉ có các tiềm năng. Chính bản chất của vật chất và của ánh sáng cũng trở thành một trò chơi của các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau: nó không còn có tính chất nội tại nữa, mà có thể thay đổi bởi tương giác giữa người quan sát và vật được quan sát. Bản chất này không còn duy nhất nữa, mà là lưỡng tính và bổ sung cho nhau. Hiện tượng mà chúng ta gọi là “hạt” lại có dạng sóng khi người ta không quan sát nó. Nhưng ngay khi có phép đo hay quan sát, là nó lập tức khoác trở lại tấm áo hạt. Nói về một hiện thực nội tại đối với một hạt, một hiện thực tồn tại mà ta không quan sát nó, là không có nghĩa, vì người ta không bao giờ có thể lĩnh hội được nó. Tán đồng quan niệm của Phật giáo về samskara (nghĩa là “sự kiện”), cơ học lượng tử tương đối hóa một cách triệt để khái niệm vật bằng cách bắt nó phụ thuộc vào khái niệm đó, nghĩa là khái niệm sự kiện. Hơn nữa, sự nhòe mờ lượng tử áp đặt một giới hạn cơ bản cho sự chính xác của phép đo hiện thực này: sẽ luôn tồn tại một sự bất định nào đó hoặc là trong vị trí, hoặc là trong vận tốc của một hạt. Vậy là vật chất đã mất đi thực thể (substance) của nó.

Quan niệm của Phật giáo về sự phụ thuộc lẫn nhau là đồng nghĩa với trống rỗng, đến lượt nó, trống rỗng lại đồng nghĩa với vô thường. Thế giới như một luồng khổng lồ các sự kiện và các dòng chảy động, tất cả đều kết nối với nhau và tương tác liên tục với nhau. Quan niệm về sự thay đổi liên tục và hiện diện khắp nơi này giống với những điều mà vũ trụ học hiện đại nói. Tính bất biến của trời theo Aristotle và vũ trụ tĩnh của Newton không còn nữa. Tất cả đều chuyển động, tất cả đều thay đổi, và tất cả đều là vô thường, từ nguyên tử nhỏ nhất cho tới các thiên hà, các ngôi sao, con người và toàn vũ trụ. Được đẩy bởi một vụ nổ khởi thủy, vũ trụ loãng dần đi. Bản chất động này được mô tả trong các phương trình của thuyết tương đối. Với lý thuyết Big Bang, vũ trụ có một lịch sử. Nó có một khởi đầu, một quá khứ, một hiện tại và một tương lai. Một ngày nào đó nó sẽ chết trong một lò lửa địa ngục cháy rừng rực hoặc trong sự lạnh lẽo băng giá. Tất cả các cấu trúc của vũ trụ - các hành tinh, sao, thiên hà hay đám thiên hà – cũng đều chuyển động liên tục và tham gia vào một vũ điệu vũ trụ khổng lồ (xem mục từ này): chuyển động quay quanh mình nó, quay quanh các thiên thể khác, rời xa hay sáp lại gần nhau. Chúng cũng có một lịch sử: chúng sinh ra, tiến hóa và chết. Các sao tuân theo các chu kỳ sinh tử đo bằng hàng triệu, thậm chí hàng tỉ năm

Thế giới nguyên tử và dưới nguyên tử cũng không là ngoại lệ. Cả ở đó cũng vậy, tất cả đều vô thường. Các hạt có thể thay đổi bản chất: một quark (viên gạch cơ bản của vật chất) có thể thay đổi họ hoặc “vị”, một proton có thể trở thành một nơtron kèm theo sự phát ra một positon (phản hạt của electron) và một nơtrino (xem mục từ này), vật chất có thể biến thành năng lượng thuần túy. Chuyển động của một hạt có thể biến thành hạt, hoặc ngược lại. Nói cách khác, tính chất của một vật có thể biến thành vật. Nhờ sự mờ nhòe lượng tử của năng lượng, không gian bao quanh chúng ta có một số lượng lớn không thể tưởng tượng nổi các hạt gọi là “ảo”, tồn tại hư ảo và ngắn ngủi. Xuất hiện và biến mất trong các chu kỳ sinh tử vô cùng ngắn, chúng là những bằng chứng rõ ràng nhất của sự vô thường.

Khi trình bày các quan niệm tương đồng này về thực tại, ở đây tôi không hề có ý định gán cho khoa học các dấu ấn thần bí cũng như không hề bênh vực Phật giáo bằng các phát minh của khoa học. Khoa học vận hành một cách hoàn hảo và đạt được mục địch mà nó đã đề ra (hiểu được các hiện tượng) mà không hề cần một giá đỡ triết học nào của Phật giáo hay của một tôn giáo nào khác. Phật giáo, bản thân nó, là một khoa học về Giác ngộ, và dù Trái đất có quay quanh Mặt trời hay ngược lại cũng chẳng làm thay đổi gì. Nhưng bởi vì khoa học và Phật giáo đều đại diện cho một cách tìm kiếm chân lý mà các tiêu chí của chúng đều là: xác thực, chặt chẽ và logic, cách nhìn nhận thực tại tương ứng của chúng chắc không dẫn đến sự đối lập không thể giải quyết được mà, ngược lại, sẽ bổ sung cho nhau một cách hài hòa. Tôi chỉ có thể tán đồng với nhà vật lý Werner Heisenberg khi ông viết: “Tôi cho rằng tham vọng vượt qua các mặt đối lập, bằng cách đưa vào sự tổng hợp thâu tóm cả sự hiểu biết lý tính và trải nghiệm thần bí về sự thống nhất, là mythos, là sự tìm kiếm, được nói ra hay không nói ra, của thời đại chúng ta”.

Sau các tranh luận với Matthieu Ricard, tôi càng khâm phục cách Phật giáo phân tích thế giới các hiện tượng. Phật giáo thực hiện điều đó một cách sâu sắc và độc đáo. Nhưng không được quên rằng mục đích tối hậu của khoa học và của Phật giáo là không giống nhau. Khoa học dừng lại ở nghiên cứu và giải thích các hiện tượng, trong khi đối với Phật giáo mục đích là chữa trị. Bằng cách lĩnh hội bản chất thực của thế giới vật lý, chúng ta có thể giải phóng mình khỏi những đau khổ sinh ra từ sự chấp trước của chúng ta với thực tại biểu kiến của thế giới bên ngoài và tiến lên con đường Giác ngộ. Khoa học, bản thân nó là trung tính: nó không quan tâm đến đạo đức hay luân lý; những ứng dụng kỹ thuật của nó có thể là thiện hoặc ác đối với chúng ta. Ngược lại, sự chiêm nghiệm có mục đích là tạo những biến đổi bên trong chúng ta và phát triển trong chúng ta lòng trắc ẩn, để chúng ta có khả năng giúp đỡ người khác. Khoa học sử dụng các công cụ ngày càng hoàn thiện hơn, nhưng trong chiêm nghiệm, tinh thần là công cụ duy nhất. Chiêm nghiệm xem xét sự vận hành của các tư tưởng và tìm cách hiểu các tư tưởng này xâu chuỗi với nhau như thế nào để cuối cùng gắn kết với nó. Nó quan sát các cơ chế của hạnh phúc và đau khổ, và cố gắng nhận diện các quá trình tinh thần mang lại sự bình yên bên trong và sự thỏa mãn, để phát triển chúng và những quá trình, ngược lại, phá hủy sự bình yên đó, để loại trừ chúng. Khoa học mang lại cho chúng ta thông tin, nhưng không có liên quan gì với sự tiến bộ về tính thần cũng như sự thay đổi bên trong của chúng ta. Ngược lại, cách tiếp cận chiêm nghiệm phải gây ra trong chúng ta một sự thay đổi cá nhân sâu sắc trong cách tri giác thế giới và tác động lên thế giới. Phật tử, khi ý thức được rằng các vật không tồn tại một cách tự lập, đã giảm bớt sự chấp trước của mình với chúng, và như vậy sẽ làm cho người đó bớt đau khổ hơn. Trước cùng một nhận định, nhà khoa học bằng lòng với việc coi nó như một tiến bộ trí tuệ mà không đặt vấn đề xem xét lại thế giới quan sâu sắc cũng như cách sống của mình.

Trước các vấn đề đạo đức hay luân lý cấp thiết – chẳng hạn như trong lĩnh vực di truyền - nhà khoa học phải cần đến tâm linh để giúp anh ta không quên nhân tính của mình. Einstein đã thể hiện điều đó hết sức đáng khâm phục: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Nó sẽ phải vượt lên trên ý tưởng về một Thiên Chúa nhân hóa, và thoát khỏi các giáo điều và thần học. Bao trùm cả cái tự nhiên lẫn cái tinh thần, nó sẽ phải dựa trên một ý nghĩa tôn giáo sinh ra từ sự trải nghiệm tất cả các sự vật, tự nhiên cũng như tinh thần, coi như một tổng thể có ý nghĩa… Phật giáo đáp ứng được mô tả này… Nếu tồn tại một tôn giáo có thể phù hợp với các đòi hỏi cấp bách của khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật giáo”.

Trích: Trịnh Xuân Thuận, Từ điển yêu thích Bầu trời và các Vì sao, NXB Tri thức, 2011


Âm lịch

Ảnh đẹp