Hai hình thức ham muốn này đưa đến hai loại giá trị khác nhau, một
giá trị đích thực và một giá trị giả tạo. Giá trị đích thực của các sản
phẩm tiêu dùng nhằm nuôi dưỡng thân tâm, trong khi giá trị giả tạo của
các sản phẩm tiêu dùng chỉ nhắm thõa mãn lòng ham muốn khoái lạc, nói
theo thuật ngữ Phật Giáo, chỉ nhằm thỏa mãn ngũ dục.
Khi xét đến giá trị của một sản phẩm, chúng ta phải đánh giá xem các
sản phẩm này nhằm thoả mãn Tanha hay Chanda. Các loại quần áo thời
trang, nữ trang sặc sỡ, các xe mắc tiền là những sản phẩm phục vụ những
người có cái ngã lớn thích khoe khoang. Một xe mắc tiền cũng làm nhiệm
vụ di chuyển như một xe rẻ tiền khác nhưng chủ xe muốn cho mọi người
biết mình giàu sang hay chỉ muốn đua đòi. Gia đình Smiths có xe mới thì
gia đình Jones cũng phải có xe mới, như trong một ngạn ngữ Tây Phương.
Hiện nay có bao nhiêu sản phẫm như các phim ảnh bạo động, các trò chơi,
các thức ăn junk food chỉ nhằm thỏa mãn ngũ dục. Các sản phẩm này gây ra
những nguy hại cho xã hội (con người càng ngày càng bạo động và thường
ủng hộ các hành vi bạo động) và cá nhân (ăn junk food có thể gây ra
những bịnh chết người kinh niên như tiểu đường và tim) Để kích thích
lòng ham muốn tối đa, các nhà kinh tế khai thác kỹ thuật tiếp thị bằng
cách dùng các hình thức quảng cáo hấp dẫn (thông dụng nhất là dùng các
người mẫu sexy ngay đến cả sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như ice cream!)
Các quảng cáo này dùng các yếu tố tâm lý khiến người ta nghĩ rằng chạy
các xe mắc tiền, mặc các quần áo thời trang brand name (Versace, Nike …)
là những người thượng lưu, thành công và … hạnh phúc! Phật Giáo dĩ
nhiên là một phản đề của các định nghĩa các ý niệm về giá trị của kinh
tế tiêu thụ này. Theo Phật giáo con người cần có được những sản phẩm
tiêu dùng để thỏa mãn nhu cầu căn bản, chớ không phải thoả mãn ham muốn,
bởi ham muốn không bao giờ có thể thoả mãn trọn vẹn đưọc. Nhà nho có ý
niệm tri túc. Gandhi ngày xưa khuyến khích dân Ấn dùng khung cửi tự dệt
vải, không phải là muốn chống các tiến bộ về kỹ thuật, mà muốn nước Ấn
tự lực để xạy dựng một nền kinh tế độc lập. Kinh tế không độc lập thì
không có chuyện đôc lập về chính trị và chủ quyền. Không cầu thì không
lụy. Chỉ nhìn các quốc gia chậm tiến cả đời ngửa tay xin viện trợ sẽ
thấy đưọc chân lý giản dị này của Gandhi. Dưới thời thực dân Pháp, Cu Đồ
Chiểu từ chối dùng xà bông cũng nhằm thể hiện thái độ này. Những kẻ cúi
đầu làm tôi mọi thực dân thường là những người nghiện xâm banh sữa bò.
Tiêu thụ
Câu hỏi về ý niệm tiêu thụ cũng giống như câu hỏi về giá trị. Tiêu
thụ được xem như là một ý niệm chính trong kinh tế. Không có ai tiêu thụ
sản phẩm sẽ không có hoạt động kinh tế! Tuy nhiên cái nhìn của các nhà
kinh tế hiện đại và Phật Giáo đối với vấn đề tiêu thụ rất khác nhau.
Tiẻu thụ nhằm thỏa mãn nhu cầu và ham muốn. Kinh tế hiện đại định
nghĩa tiêu thụ như là việc sử dụng sản phẩm và dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu
cầu cũng như ham muốn mà không cần để ý đến hậu quả của sự tiêu thụ
này. Phật Giáo trái lại, dựa trên ý niệm Chanha hay Tanha, tiêu thụ
những sản phẩm và dịch vụ chỉ nhằm để duy trì đời sống của con người về
mặt vật chất cũng như về tâm linh, chớ không phải chỉ để thoả mãn lòng
ham muốn, nhất là ham muốn Tanha. Đối với một nhà kinh tế hiện đại, tiêu
thụ trở thành mục đích của chính, tiêu thụ để tiêu thụ và tiêu thụ càng
nhiều càng tốt. Các hoạt động kinh tế lớn mạnh nhờ sản xuất tối đa để
đáp ứng với nhu cầu tiêu thụ tối đa. Cung đáp ứng đủ với cầu để thỏa mãn
ngưòi tiêu thụ. Ai không ham muốn trở thành lạc hậu, quê mùa, thuộc
giới hạ lưu trong xã hội. Các trẻ em da đen nghèo mạt ở Mỹ, vẫn muốn cha
mẹ mua giày Nike “Just Do It!”(and don’t ask questions!) cho giống với
thần tượng Michael Jordan! Các xã hội hay quốc gia không khích thích
tiêu thụ tối đa là những quốc gia phản tiến bộ, phản kinh tế. Kết quả là
các nước nghèo Nam Mỹ, Phi Châu và một số các quốc gia Á Châu, có hàng
triệu người sống với lợi tức 1 đồng đô Mỹ mỗi ngày, mà chánh phủ vẫn cổ
động việc uống Coca hay Pepsi. Có ít ai chịu hỏi là ở Mỹ có bao nhiêu
người da đen giàu có như Michael Jordan hay Michael Jackson!
Phật Giáo không chống tiêu thụ, không chống một đòi sống dư dã về vật
chất, không cỏ võ cho nghèo đói như nhiều người ngộ nhận, hay có tình
ngộ nhận. Bao nhiêu người đã dùng hiểu biết về Phật Giáo của nhà nho
Trần Trọng Kim hay Phan Văn Hùm, để chế nhạo Phật Giáo chủ trương diệt
dục. Diệt dục, tức là không còn nhu cầu, ham muốn thì làm gì còn hoạt
động kinh tế! Từ ăn no đến ăn ngon, từ ăn ngon đến ăn uống xa xỉ chỉ để
thoả mãn khẩu vị, bất kể là các thực phẩm này làm hại cơ thể như thế
nào, là hai chuyện khác nhau. Từ mặc ấm, đến mặc đẹp, từ mặc đẹp đến ăn
mặc thời trang mà giá mỗi bộ quần áo tương đương với một năm lương của
một người lao động bình thường, là một sự xa xỉ không có thể bào chữa
được.
Lòng ham muốn không bao gìờ có thể được thoả mãn trọn vẹn được. Được
voi đòi tiên. Đứng núi này trông núi nọ. Cỏ xanh hơn ở cánh đồng bên
kia! Đông Tây đều đồng ý nhau về điểm này. Điều nghịch lý càng tiêu thụ
nhiều chừng nào thì con người càng thấy không thỏa mãn chừng đó. Không
thoả mãn thì lại muốn tiêu thụ thêm. Càng tiêu thụ thì càng phải làm ra
tiền để có phương tiện tiêu thụ và càng tuỳ thuộc vào thói quen tiêu
thụ. Đến lúc con người trở thành con người một chiều, đồng hoá và bám
víu chế độ xã hội đó. Bởi nếu xã hội đó tan rã chính cá nhân của người
tiêu thụ cũng tan rã, theo triết lý của Herbert Marcuse. Con người chỉ
còn là một thứ nô lệ dục vọng, và theo Phật Giáo, bị hướng dẫn bởi vô
minh. Bám víu tức là nguyên nhân của khổ đau, chân lý thứ hai của đạo
Phật. Tri túc không có trong tự điển kinh tế tiêu thụ và không phải là
thái độ sống của đám đông trong các xã hội tiêu thụ. Chỉ có mấy ông đồ
gàn và các nhà chân tu mới có thể sống quanh năm với tương chao cà muối
và hai ba bộ nhật bình nâu sồng giản dị. Phật Giáo cho thấy là có càng
ít nhu cầu, con người càng ít tiêu thụ thì khỏi phải lao tâm khổ trí để
dành dựt lợi danh và do đó người Phật Tử càng có nhiều thì giờ để thực
hiện các nhu cầu tâm linh.
Trung Đạo
Điểm căn bản của Đạo Phật là con đường Trung Đạo. Kinh tế hiện đại
cho rằng chỉ có một cách kiềm soát nhu cầu tiêu thụ là…nạn khan hiếm,
không đủ sản phẩm cung cấp trên thị trường. Thỉnh thoảng các nhà sản
xuất làm ra nạn khan hiếm giả tạo để có dịp đầu cơ tích trữ và tăng giá
hàng. Tại các nước giàu có như Úc, một số các nông gia đã huỷ hoại nông
phẩm và nhiều khi giết các súc vật như bò và cừu để giữ giá thị trường.
Phần lớn các nông gia cũng đồng ý sản suất một số lượng định sẵn (quota)
cũng chỉ nhằm kiểm soát giá cà. Với số ngưòi thiếu ăn hiện nay trên thế
giới, hành động này gần như là một tội ác. Phật Giáo đã đề nghị những
phương cách tiết dục một cách hiệu quả. Tiêu thụ chỉ là một phương tiện
để làm bảo vệ và duy trì đời sống, chớ không phải để thỏa mãn ngũ dục.
Con người có thể tìm thấy sự thỏa mãn khi thực hiện được an lạc của thân
tâm trên con đường tu tập tâm linh. Khi thỏa mãn tinh thần, con người
sã tìm thấy hạnh phúc đích thực vì hạnh phúc này không phụ thuộc vào
những điều kiện bên ngoài. Dĩ nhiên đem lý luận này ra nói với một người
thiếu ăn thiếu mặc là một hành động thiếu khế cơ, nhưng khi đã ăn no,
mặc ấm, nhu cầu tinh thần là một nhu cầu không thể nào thiếu được. Nghe
một bản nhạc, làm một bài thơ, ngắm cảnh hoàng hôn vân vân, vừa không
tốn tiền nhưng có thể cho con người những lạc thú không thể nào so sánh
được. Các nhà sư trước khi ngọ trai đã niệm những lời sau đây, cho thấy
thái độ Trung Đạo của Đạo Phật:
Chúng tôi nhận thức ăn Đàn Na Tín Thí, không phải với mục đích vui
thú, chìm đắm trong hương vị của thức ăn, mà với mục đích duy trì cơ
thể, duy trì sự sống, để tránh đau đớn của thân thể khi bị đói khát và
để vươn lên một đời sống cao cả hơn. Khi ăn chúng tôi muốn khắc phục
những cảm giác đau khổ khi đói, và đồng thời ngăn ngừa cảm giác đau khổ
vì ăn uống quá độ. Chúng tôi muốn sống một cuộc đời tính khiết, không
lỗi lầm và thoải mái. (Dịch theo bản tiếng Anh, không phải nguyên văn. Tỳ Kheo nào theo Nguyên Thủy xin hiệu đính dùm, tác giả xin đa tạ)
Con đưòng Trung Đạo này không phải chỉ dành cho các vị tỳ kheo, mà
còn có thể áp dụng cho bất cứ một người nào. Khi ăn, khi uống, khi dùng
điện, dùng giấy vân vân… chúng ta có thể quán niệm những sự hủy hoại
môi sinh khi sản xuất các món tiêu dùng này (ví dụ bao nhiêu rừng bị đốn
để làm ra giấy in một cuốn sách, bao nhiêu than đá dùng để sản xuất ra
điện) và do đó đừng bao giờ phung phí sản phẩm tiêu dùng, đúng theo một
ngạn ngữ Tây Phương Waste Not Want Not. Đạo Phật không khuyến
khích khổ tu (Đức Phật đã bỏ năm anh em Kiều Trần Như vì lý do này)
nhưng cũng khuyến khích các đệ tử của mình “tam thường bất túc”. Những
giới cấm đầu tiên của Đức Phật nhắm tới thái độ sống giản dị này: nhà
Chùa không có bếp, tỳ kheo phải đi khất thực, ăn một ngày một bữa, tỳ
kheo không được đụng tiền, không được có tài sản riêng như trong Lục
Hòa. Dĩ nhiên các giới này nên thay đổi để hợp với hoàn cảnh sinh hoạt
bận rộn hiện nay của tăng sĩ, theo tình thần khế cơ, tuy nhiên tinh thần
tam thường bất túc phải nên duy trì.
Không Tiêu Thụ
Thiếu chiều sâu tâm linh, các nhà hinh tế hiện đại cổ võ việc tiêu
thụ tối đa. Thực phẫm được sản xuất dưới nhiều hình thức quyến rũ và
tiện lợi để thúc đẩy mọi người ăn thật nhiều bữa, sáng trưa chiều tối.
Tỷ lệ những người bị binh phì nộn (Obese), bịnh tiểu đường, bịnh nhiều
mỡ trong máu lên con số kỷ lục. Các nhà kinh tế Phật Giáo biết rằng
‘không tiêu thụ’ nhiều khi có thể giúp ích cho cơ thể lành mạnh. Các tỳ
kheo tiểu thừa chỉ ăn một bữa ăn trước giờ ngọ, nên buổi tối thân thể
của họ nhẹ nhàng, đầu óc tỉnh táo và chú tâm vào thiền quán. Trong các
ngày chay tịnh, các Phật Tử được khuyến khích ăn chay, hay nhịn ăn để
dồn nổ lực vào việc tu tập. Trong đời sống hiện nay, chư tăng có thể
phải vận động và làm việc nhiều, nên theo khế cơ, họ có thể được phép ăn
bửa tối, tuy nhiên vẫn phải là những bữa ăn nhẹ. Việc nhịn ăn có thể là
một phương tiện làm tỉnh thức để Phật Tử nhớ là trên thế giới còn hàng
triệu trẻ con ở Á Châu, Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh còn thiếu ăn hay
chết đói. Không chịu để ý đến những đau khổ của người chung quanh, đạo
Phật không còn là đạo Phật nữa.
Tiêu thụ quá mức
Xã hội chúng ta thường đưọc gọi là xã hội tiêu thụ. Đứng ra nên gọi
là xã hội tiêu thụ quá mức. Không có tiền mua các sản phẩm tiêu thụ thì
các ngân hàng úng trước qua các credit cards. Xài trước trả sau. Không
trả nổi thì kéo cầy trả tiếp, nhiều khiphải ‘cày’ hai ba công việc khác
nhau, không có cả thì giờ sống với gia đình, huống chi là thì giờ giải
trí. Sự tiêu thụ quá mức đưa đến một hậu quả quan trong là, mục tiêu của
tiêu thụ đã bị phá hủy. Chúng ta ăn là nhằm bảo tồn và tăng mức lành
mạnh của cơ thể. Nhưng khi ăn quá nhiều, nhất là các thức ăn junk food,
cơ thể thêm bịnh hoạn. Đó là chưa kể việc tiêu thụ các sản phẩm nguy hại
như rượu, thuốc lá, cần sa ma túy đã làm hủy hoại cơ thể, huỷ hoại gia
đình và xã hội. Các nhà kinh tế biện hộ họ không phải là nhà đạo đức.
Nhiệm vụ của họ là làm dân chúng tiêu thụ tối đa bằng những phương pháp
tiếp thị hấp dẫn, bằng quảng cáo khêu gợi về sex, ngay cả trong những
sản phẩm không có dính líu gì đến sex và phần lớn người tiêu thụ là trẻ
em (Như các quảng cáo các cô người mẫu liếm ice cream khơi động tình
dục) Ngăn ngừa các hậu quả tai hại là nhiệm vụ của các nhà đạo đức và
các chuyên viên y tế cộng đồng. Nếu bịnh hoạn thì đã có Bác Sĩ lo. Một
điều nghịch lý là, trong khi các đại công ty thế giới (Corporations) về
thuốc lá và rượu bỏ hàng tỷ đồng để quảng cáo và quyến rủ người tiêu
thụ, chánh phủ bỏ hàng tỷ đồng khác để giáo dục quần chúng, và các tổ
chức tư nhân bỏ nhân lực và tài lực (thưòng nhỏ nhoi) để tranh đấu lại
các đại công ty. Chánh phủ không bao giờ dám ra lịnh kiểm soát việc sản
xuất một phần vì nhận những món tiền thuế lớn lao từ các công ty này,
một phần vì các đại công ty bỏ tiền mua các người có thế lực và các đại
diện dân cử tham dự vào các quyết định này.
Một trong những nguyên tăc của kinh tế cổ điển là giá trị của sản
phẩm tùy thuộc vào khả năng làm người tiêu thụ thỏa mãn. Kinh tế Phật
Giáo cũng đồng ý là giá trị của sản phẩm tuỳ thuộc vào mức thoã mãn
người tiêu thụ trong những nhu cầu thiết yếu và việc àm tăng phẩm chất
của đời sống. Phật Giáo không hề phản đối một đời sống trong đó mọi
người sống tiện nghi hơn (điện khí hóa, sản xuất nước sạch để uống, nhà
cửa thoáng khi và sạch sẽ, hệ thống giáo dục tốt…) vì những tiện nghi
này tăng phẩm chất đời sống. Nước là một nhu cầu sinh tử của con người,
Tuy nhiên uống nước sạch, hay “trưởng giả’ hơn là uống trà có thể làm
con người thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ nước trong cơ thể. Tuy nhiên không
nhà kinh tế Phật Giáo nào khuyến khích trẻ con uống Coca hay Pepsi thay
thế cho nước lã, cũng như khuyến khích trẻ em ăn junk food như là thức
ăn căn bản hàng ngày (staple food). Ở Úc theo một cuộc điều tra gần đây,
40% (bốn chục phần trăm!) trẻ em dưới 15 tuổi bị những chứng phì nộn
(tôi dịch chữ Obese với dụng ý!). Các nhà kinh tế thị trường không cần
biết tới những hậu quả này. Và ít thấy có chánh phủ nào của các quôc gia
đang phát triển dám chống lại những Cartels quốc tế này. Các Cartel này
chỉ cần dùng viện trợ, Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế làm áp
lực (xem phần Toàn Cầu Hóa ở các chương kế tiếp). Nếu ai còn nghi ngờ
đây chỉ là những luận điệu “chống tư bản” một cách quá khích. cứ nhin
gương hai quốc gia Indonesia và Brazil thì rõ.
Thỏa Mãn
Ý niệm thỏa mãn thực ra không phải là một ý niệm thuần túy kinh tế và
thường bị ngộ nhận. Các nhà kinh tế tuy không nói ra những nghĩ là khi
‘cung’ đáp ứng đầy đủ với ‘cầu’ sẽ làm thỏa mãn ngưòi tiêu thụ. Nếu mức
‘cầu’ tăng lên, và các nhả sản xuất lại cố gắng sản xuất cho đủ nhu cầu,
và cái vòng lẩn quẩn này sẽ kéo dài vô tận, như hình ảnh con chó đuổi
theo cái đuôi của chính nó. Theo Đạo Phật đuổi theo nhu cần Tanha là dấu
hiệu đầu tiên của đau khổ. Các nhà kinh tế thường nói là nếu không có
ham muốn, tất cả những hoạt động kinh tế sẽ bị ngưng trệ. Không phân
biệt giữa Tanha và Chanda, nhiều người chỉ trích là Đạo Phật muốn diệt
dục, và theo họ, điều này hoàn toàn không tưởng. Một số ngưòi khác dùng
sự hiểu biết thiếu sót hay sai lạc của chủ trương diệt dục chỉ trích
Đạo Phật là yếm thế, trốn đòi, không tưởng và ngăn cản sự tiến bộ. Không
phải chỉ có những người hiểu sai lạc về Đạo Phật dán nhãn hiệu ‘phản
tiến bộ, phản kinh tế, có một số Phật Tử “thuần thành” vẫn còn bị giam
cứng trong ý niệm sai lạc này.
Những người cảm thấy thỏa mãn thường bao giờ cũng có ít nhu cầu hơn
những người cảm thấy chưa thỏa mãn. Và sau khi đã thỏa mãn với các nhu
cầu tối thiểu, con ngưòi có thể tìm cách thỏa mãn những nhu cầu hướng
thượng. Chưa đủ ăn thì không thể nào đủ chú tâm để nghe giảng pháp. Đức
Phật có lần ngưng thuyết pháp cho đến khi một người trong đại chúng được
cung cấp một bửa ăn. Khổng và Phật đều đồng ý chỗ này. Tuy nhiên cứ
tưởng tượng một người sống chỉ để ăn uống, rượu chè, trác táng, mua các
sản phẩm tiêu thụ chỉ để thỏa mãn vơí bản tính khoe khoang, rồi lại làm
việc cật lực để trả nợ, cuộc đời của họ chắc hẵn rất chán chường. Một
thế giới không có âm nhạc, thi ca, sách vỡ, nghệ thuật chắc là buồn thảm
lắm. Phẩm chất đời sống không tùy thuộc vào các loại xe mắc tiền, các
quần áo thời trang giá bằng một năm lương của một người nhân công trung
bình. Tệ hơn nữa là có nhiều người vẫn tiêu thụ quá mức khi không có khả
năng tài chánh để trang trãi. Đức Phật dạy là, một trong những yếu tố
hạnh phúc trong đời sống của một cư sĩ là không thiếu nợ. Có bao nhiêu
Phật Tử không thiếu nợ các credit cards hiện nay? Điều này sẽ đưa đến
một câu hỏi tối hậu mà chúng ta cần hỏi vào cuối bài: “Đời sống này có ý
nghĩa nào hay không?” Các nhà kinh tế tiêu thụ dĩ nhiên từ chối thảo
luận về vấn đề siêu hình vì họ bị chứng ‘mù lòa về siêu hình’ như
Schumacher đã chỉ trích.
Lao Động
Các nhà kinh tế hiện đại xem lao động như là một ‘điều xấu’ cần
thiết. Không có lao động thì không ai làm ra sản phẩm, do đó chủ nhân
tìm đủ mọi cách để giảm nhân công và tìm cách để tăng hiệu năng bằng
phương pháp dây chuyền hay tự động hóa. Trong hoàn cảnh ‘toàn cầu hóa’
hiện nay, các hãng sản xuất đi tìm nguồn nhân công rẻ nhất và dùng các
guồng máy chính quyền địa phương để hợp thức hoá mức lương rẻ mạt này.
Khi hãng Nike lập các xưởng sản xuất giày tại Việt Nam và InĐô và thuê
nhân công trong những điều kiện nô lệ, điều nghịch lý là, chỉ các tổ
chức bên ngoài Việt Nam mới tranh đấu để phơi bày sự bốc lột này, trong
khi các viên chức nhân dụng ở các nước sở tại vẫn bình chân như vại. Một
phần vì hể có các công ty ngoại quốc đem công ăn việc làm đến là chánh
quyền địa phương mừng rồi, ‘trả lương bao nhiêu cũng được’. Một phần nữa
là vì các viên chức lao động tham nhũng. Đạo Phật xem lao động như là
một loại thức ăn cần thiết cho sự tăng trưởng của con người về vật chất
cũng như tâm linh. Một người không có việc làm sẽ không những không có
lợi tức và sẽ chìm đắm mãi trong cảnh nghèo đói vì phải sống nhờ vào an
sinh (nếu quôc gia này may mắn có hệ thống an sinh), anh ta còn héo hắt
về mặt tâm linh, như một cây thiếu nuớc và mặt trời. Kinh tế Phật Giáo
muốn (hay mong ước) thiết lập một hệ thống kinh tế mà ai cũng có thể
kiếm được việc làm, nếu họ THỰC SỰ muốn làm việc. Lao Động không phải
chỉ để có một tiền lương hay là một trở ngại cho một người MUỐN đi tìm
lạc thú. Làm việc là một lạc thú. Những người nào bị thất nghiệp dài hạn
sẽ có cái cảm tưởng chán ngán, vô vị, đời sống không có một ý nghĩa nào
và họ không còn tự tin nữa. Nếu một người đi làm chỉ với mục đích kiếm
tiền để mua các sản phẩm tiêu dùng và để có phương tiện ‘mua’ lạc thú,
họ không bao giờ thỏa mãn với công việc làm của chính họ, cho dù là việc
làm đó có tốt đến bao nhiêu. Một công nhân chỉ cảm thấy thỏa mãn khi
làm việc nếu anh ta “yêu việc yêu nghề” Trong một nền kinh tế tiêu thụ,
phần lớn các công việc làm đều vụn vặt không ý nghĩa và thường làm công
nhân bất mãn, tuy nhiên nếu nhận ra được yếu tính của lao động, ít nhất
công nhân cũng có thể giảm nổi chán chường và tăng mức thỏa mãn khi làm
việc. Những công việc làm thúc đẩy bởi Chanda bao giờ cũng đem đến vui
sướng, dù mức lương cao hay thấp. Những người làm việc cho các tổ chức
từ thiện quốc tế, những Physicians Without Borders, có thể minh chứng
cho lập luận này
Sản xuất
Trên thực tế sản xuất không có nghĩa là tạo một sản phẩm từ không ra
có, mà là chỉ là một quá trình thay đổi từ hình thái hay năng nượng này
qua một hình thái và năng lượng khác. Thường muốn tạo ra sản phẩm các kỹ
nghệ phải phá hủy một hình thái-năng lượng cũ để tạo ra một sản phẩm
mới. Một sự sản xuất ‘tốt’ khi hình thái-năng lượng sản xuất có giá trị
và cần thiết hơn là cái cũ trong mục đích cải thiện phẩm chất của đời
sống. Có nhiều sản phẩm chỉ nhắm tới một mục đích duy nhất là phá hoại
môi sinh và tàn hại con người, thí dụ như kỹ nghệ vũ khí. Trong trường
hợp này không sản xuất tốt hơn sản xuất và không tiêu thụ thì tốt hơn là
tiêu thụ! Cứ đi hỏi nông dân Việt Nam, Cam Bốt, Bosnia và gần đây là
nhân dân Iraq thì biết. Bất hạnh thay những nước sản xuất vũ khí là
những nước hùng mạnh nhứt, và nhằm ‘khuyến khích’ tiêu thụ, nếu không có
một cuộc chiến này, sẽ có một cuộc chiến khác. Để có thể bán vũ khí,
các nước sản xuất vũ khí phải tạo ra lo sợ triền miên, lo sợ thực hay
tưởng tượng (như võ khí có tầm sát hại tập thể ở Iraq hay hiện nay khả
năng nguyên tử của Bắc Hàn). Các kinh tế gia định nghĩa sản phẩm chỉ khi
nào chúng có thể mua bán. Những nụ cười thân thiện, những bài pháp
thoại, những cử chỉ thân thiện chỉ là những sản phẩm phi kinh tế, không
đáng để ý tới. Trong quá trình sản xuất các kỹ nghệ đã phải sử dụng
nhiên liệu, và thường sử dụng một cách hoang phí các nhiêu liệu không
tái tạo được (than đá, dâu lửa, phá rừng để sản xuất nông nghiệp ở các
nước đang phát triển). Hậu quả là môi sinh bị tàn phá mạnh mẽ hơn bao
gìờ hết. Và không phải tất cả những sản phẩmđều cần thiết. Trong khi còn
hàng triệu người chưa có nước sạch để uống, người ta tự hỏi liệu những
sản phẩm như Coca, Pepsi có thực sự cần thiết cho trẻ con ở Việt Nam hay
Nam Mỹ không? Những biển quảng cáo sản phẩm tiêu thụ đã hiện diện tại
trung tâm thành phố Hà Nội, có một bài báo trên tờ Time châm biếm là,
sau hơn 20 năm chiến đấu chống sự can thiệp của ngoại bang, ai mới là
người thực sự chiến thắng. Quá trình toàn cầu hoá không thể nào đảo
ngược được vì thế lực các Cartel với sự hổ trợ của các cường quốc, tuy
nhiên với một chánh sánh không ngoan, mức tàn hại của một xã hội tiêu
thụ có thể được giảm bớt. Lý tưởng của Đạo Phật, trung đạo và con đường
tâm linh, có thể góp phần tích cực trong việc hình thành chánh sách này.
Ý nghĩa cuộc đời
Dĩ nhiên là ý niệm này hoàn toàn không hề được các nhà kinh tế đè cập
tới vì đây là một sản phầm ‘phi kinh tế’ liên hệ đến các truyền thống
tâm linh và tôn giáo. Tuy nhiên chúng ta có thể hỏi mục tiêu của các
hoạt động kinh tế là gì? Tại sao chúng ta lại cố gằng sản xuất cho thật
nhiều, bán buôn cho thật nhiều, tiêu thụ sản phẩm cho thật nhiều? Chúng
ta sinh ra trên đời chỉ để tiêu thụ?
Trong bát chánh đạ, Phật đặt chính kiến vào hàng đầu. Cái nhìn về
cuộc đời đưa đến một ‘triết lý’ sống và triết lý này chi phối mọi tư
tưởng và hành động của chúng ta. Thuyết trùng trùng duyên khởi cho chúng
ta thấy đây mà một liên hệ hai chiều, ba chìều, năm chiều, như trong
mạng lưới Đế Thích (Indra Net) Cái này phản chiếu cái kia, ảnh hưởng cái
kia trong một vòng tròn sinh động. “Kiến” là một dòng sông trôi chảy
lẫn lộn nhân quả. Ở bình diện cá nhân đó là cái nhìn về đời sống. Ở bình
diện quốc gia, đó là ý thức hệ hay lý thuyết chính trị làm nền tảng vận
hành guồng máy.
Không có chính kiến tất cả triết lý cuộc đời cũng như hành động sẽ
tại ra những nghiệp bất thiện. Một cá nhân chỉ tạo biệt nghiệp cho mình
trong khi ý thức hệ quốc gia có thể gây ra cộng nghiệp vì gây ra những
tàn phá lớn lao không lường được. Chỉ cần nhớ đến những Đội Quân Thánh
Giá (Crusades) chủ nghĩa quốc xã, chủ nghĩa Stalin và gần đây chủ nghĩa
“đánh trước tính sau” của TT Bush và các ngưòi lãnh đạo
Neo-conservatives thì thấy ngay những hậu quả này.
Vậy thì “kiến’ của các nhà kinh tế tiêu thụ là gì? Các tiến bộ trên
bình diện kinh tế, xã hội, chánh trị, khoa học trên nguyên tắc giúp cho
mọi người theo đuổi hạnh phúc.Tuy nhiên khi định những tiêu chuẩn hạnh
phúc, ý kiến khác nhau bắt đầu sinh ra. Hạnh phúc như cái bóng, càng
đuổi càng xa. Muốn có hạnh phúc chúng ta phải thấy những nguyên nhân lẫn
hậu quả của hạnh phúc và đau khổ. Quan điểm Đạo Phật rất giản dị: chạy
theo Tanha, thỏa mãn ngũ dục mà thôi là bước đầu trầm luân trong đau khổ
và bám víu vào ngũ dục là nguyên nhân đích thức của đau khổ, sự thực
thứ hai trong Tứ Diệu Đế. Xã hội sản xuất và tiêu thụ lớn nhất là Mỹ.
Dân chúng Mỹ có thực sự đạt đến hạnh phúc? Tờ Life có lần chụp một tấm
hình tình cờ của các người chờ đèn xanh để qua đường. Mặt mũi ai nấy đều
căng thẳng, lo âu, không có vẻ gì là nét mặt của những ngưòi sung
sướng. Dùng những chỉ số xã hội, kinh tế và chánh trị để đo lường, các
nước có ‘hạnh phúc’ nhất là các nước Bắc Âu và Úc đứng hàng thứ năm.
Trong 10 nước đầu không có nước Mỹ dù là GDP của Mỹ là số một.
Theo Phật Giáo, nguyên nhân lớn nhất của đau khổ là bám víu những gì
mình có. Bám víu là một ‘hành’ từ bên trong. Phá vỡ được các bám víu này
tức là phá được xiềng xích đau khổ. Trên bình diện thực tế, Đạo Phật
không chống lại sự phồn thịnh giàu sang, không ca ngợi nghèo khổ, tuy
nhiên Đạo Phật khuyến khích con người buông xả những cái vô thường bên
ngoài. Đức Phật có lần dạy một cư sĩ cách tiêu tiền: tiêu tiền cho cá
nhân, tiêu tiền để giúp đỡ cho gia đình, để dành phòng khi trái gió trở
trời và phần còn lại giúp vào việc từ thiện công ích. Hạnh phúc không
phải là nhắm mắt tiêu thù bừa bãi. Tiêu thụ chỉ là một phương tiện để
đáp ứng với nhu cầu căn bản và có một đời sống thoải mái và do đó con
người có nhiều cơ hội theo đuồi các nhu cầu tinh thần và tâm linh. Dĩ
nhiên hạnh phúc tối hậu là giải thoát. Giác ngộ nghĩa là tìm thấy hạnh
phục tuyệt đối, vì những yếu tố bên ngoài như tiền tài, sự nghiệp, danh
vọng không còn làm động tâm mình nữa. Nói như Đào Tiềm, chúng ta không
còn đem tâm để hình hài sai khiến.
Quán Như viết theo Buddhist Perspectives on Economic Concepts
trong Mindfulness in the Market Place do Allan Hunt Badiner biên tập,
Parallax Press, Berkeley, California, xuất bản vào năm 2002.
Tỳ Kheo P.A. Payutto là một nhà sư-học giả Thái, tác giả hơn 150
tác phẩm viết bằng Thái Ngữ và Anh Ngữ. Tác phẩm nổi tiếng nhất là
Buddhadhamma. Tỳ kheo được mời đọc diễn văn tại Nghi Hội Của Các Tôn
Giáo Hoàn Cầu vào năm 1993.