rên đây là một đoạn đối thoại giữa triết gia Heidegger, đóng vai như một người hỏi (F: Fragende, trong phần dịch viết tắt là H:), với một học giả Nhật Bản (J: Japaner, trong phần dịch viết tắt là N:). Cuộc đối thoại này được ghi chép thành tiểu luận "Aus einem Gespräch von der Sprache" (Từ cuộc song thoại về ngôn ngữ) trong cuốn Unterwegs zur Sprache
(Trên đường về Ngôn ngữ). Trong bài viết này, tôi muốn dùng cuộc song
thoại đó như một điểm quy chiếu nhỏ để ta có dịp nhìn lại "tiến trình Âu hóa con người và trái đất"
đang diễn ra trên toàn cõi địa cầu, và quan trọng nhất là trong chính
nếp suy tư của chúng ta, mà có lẽ người Việt Nam là dân tộc cảm nhận
mạnh nhất sức hủy hoại khốc liệt của nó, khi đất nước suốt gần trăm năm
qua bị lịch sử biến thành "trường sở trụ" cho sự hoàn tất của tư tưởng phương Tây(2).
Điều dễ dàng cảm nhận nhất của "sự Âu hóa"
trong tư tưởng người Việt là tình trạng tiếng Việt đang bị bộ môn ngữ
pháp tàn phá tận cội nguồn trong chương trình giáo dục ngày nay, khi các
nhà ngôn ngữ học cố nhồi nhét tiếng Việt vào những phạm trù hoàn toàn
xa lạ của ngữ pháp phương Tây. Một việc làm cực kỳ vô lý, do thiếu sự
cảm nhận chân thực về ngôn ngữ, nhưng lại được tiến hành một cách trịnh
trọng theo hệ thống mang tính hàn lâm. Điều đó đang khiến cho một ngôn
ngữ phong phú và giàu nhạc điệu như tiếng Việt trở thành què quặt, dị
dạng. Triết gia Heidegger - người suốt một đời trầm tư một cách sâu thẳm
về yếu tính của ngôn ngữ - đã phải thốt lên với học giả người Nhật:
"Thế giới người Nhật hiểu gì về từ ‘Ngôn ngữ’
(Sprache)? Hỏi một cách thận trọng hơn thì: Trong ngôn ngữ các ông có từ
nào tương ứng với cái mà chúng tôi gọi là Ngôn ngữ hay không? Nếu không
thì làm sao các ông thể hội được điều mà từ Ngôn ngữ mà chúng tôi muốn
nói?" (3)
Đến khi nào các nhà ngữ pháp Việt Nam mới lắng nghe ra được câu nói đó? Heidegger cho rằng ngay cả khái niệm "ngôn ngữ" (Sprache)
theo cách hiểu của người phương Tây vẫn không tồn tại trong tiếng Nhật
(cũng có thể hiểu là tiếng Việt), thì thử hỏi đâu là mô hình ngữ pháp
chung để nối kết hai bờ ngôn ngữ Đông tây? Do đó, ông khẳng định:
"Một thời gian ngắn trước đây tôi đã gọi, một cách
khá vụng về, rằng Ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu tính [tính thể của vạn
hữu]. Nếu như con người, thông qua ngôn ngữ của mình, mà an trú được
trong yêu sách của hữu tính thì người Âu châu chúng tôi hẳn ở trong một
ngôi nhà hoàn toàn khác với người Á Đông"(4).
Trên bình diện tư tưởng, các bậc thức giả lại cứ muốn xây dựng một "ngôi nhà" y hệt phương Tây để làm "chỗ an trú cho tính thể của vạn hữu"
thì mới có thể yên tâm là hiện đại, là theo kịp đà tư tưởng phương Tây.
Trên bình diện ngữ pháp thì các nhà ngôn ngữ học lại hì hục vay mượn
các khái niệm xa lạ của phương Tây để xây dựng "ngôi nhà ngữ pháp"
dị dạng cho tiếng Việt. Giống như Bá Nhạc trị ngựa, các nhà ngôn ngữ
học cắt xén không thương tiếc lông cánh của con chim Việt ngữ bay lượn
nhởn nhơ ngoài đồng nội, để nhét nó cho lọt vào cái lồng sắt ngữ pháp
khô cứng theo kiểu phương Tây thì mới yên tâm là "mang tính khoa học"!
Thế giới ý niệm của phương Tây như một sa mạc lan dần, âm thầm tàn phá
tư duy của người Đông tận cội nguồn. Và điều đó hiện nay càng trở nên
trầm trọng hơn nữa khi mà mọi người ai nấy đều sính các chữ "hiện đại" và "khoa học",
để khỏi bị xem là lạc hậu. Chúng ta cứ hì hục cố gắng nhét con tượng
vương khổng lồ phương Đông cho lọt vào cái chuồng khái niệm của phương
Tây mới cam lòng, mới yên tâm là không thua sút (?). Điều đó cũng chẳng
khác nào đánh giá con sư tử bằng khả năng bơi lội giữa biển, hay đánh
giá con kình ngư bằng khả năng chạy bộ trong sa mạc.
Cùng với sự chiến thắng vượt trội không thể chối cãi
của nền khoa học kỹ nghệ Âu châu trên phạm vi toàn cầu, nếp suy tư theo
kiểu phương Tây hầu như đã chi phối toàn bộ não trạng của chúng ta,
khiến biết bao thế hệ hoàn toàn lạc lõng với nguồn cội phương Đông.
Không ít bậc thức giả thế hệ trước mang nhiều mặc cảm, luôn cố nhìn
phương Đông qua lăng kính phương Tây và cho rằng chỉ có cách nhìn đó là
đúng, là "được đào tạo theo bài bản", hoặc hì hục cố tìm cho ra
một vài điểm tương đồng với nền triết học phương Tây để có thể yên tâm
rằng nền minh triết phương Đông chưa đến nỗi lạc hậu, cũng có cái để
sánh vai với tư tưởng của bè bạn năm châu! Đó là hiểm họa mà triết gia
Heidegger đã cảnh báo là "tiến trình Âu hóa con người và trái đất đã gây tổn hại đến những điều tinh yếu ở tận cội nguồn"
(die Europäisierung des Menschen und der Erde alles Wesenhafte in
seinen Quellen anzehrt). Thật là oái ăm khi sự thật rất đau xót đó lại
chỉ được cảm nhận sâu sắc bởi một triết gia lỗi lạc phương Tây - người
mà theo nhà thơ Bùi Giáng là một loại Pháp Vân Địa Bồ tát của phương
Đông.
Tôi xin trích tiếp một đoạn đối thoại nữa, khi triết
gia Nhật Bản - người muốn tiếp nối công trình của bá tước Kuki - cố gắng
dùng các khái niệm mỹ học của phương Tây để tìm hiểu thi ca, nghệ thuật
Nhật Bản.
H: Mỹ học và những gì nó gọi tên đều xuất phát từ tư
tưởng Âu châu, từ triết học. Do đó, những quan niệm mỹ học, về cơ bản,
rất xa lạ với nếp suy tư Á Đông.
N: Ông nói hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, người Nhật chúng tôi vẫn phải nhờ tới mỹ học.
H: Để làm gì vậy?
N: Nó cung cấp cho chúng tôi những khái niệm cần thiết để nắm bắt được ý nghĩa của nghệ thuật và thi ca.
H: Các ông cần đến những khái niệm đó sao?
N: Có lẽ là cần. Bởi vì từ khi tiếp xúc với tư tưởng Âu châu, điểm yếu trong ngôn ngữ chúng tôi càng hiện rõ ra.
H: Yếu ở mức độ nào?
N: Nó thiếu khả năng phân định để sắp xếp các đối tượng cho có lớp lang thứ tự trên dưới, trước sau.
H: Ông cho điểm yếu đó là sự khiếm khuyết nghiêm trọng trong ngôn ngữ của các ông?
N: Qua sự tiếp xúc không thể tránh khỏi giữa thế giới Á đông với Âu châu, câu hỏi của ông chắc chắn đòi hỏi sự cân nhắc kỹ càng.
H: Ông vừa khơi dậy một vấn đề tranh luận, mà
tôi thường trao đổi với bá tước Kuki, đó là vấn đề: liệu có cần thiết và
đúng đắn không, khi người Á đông phải chạy theo hệ thống khái niệm của
Âu châu (5).
Thật là một điều khó hiểu vì sao những câu nói thống thiết "những quan niệm mỹ học, về cơ bản, rất xa lạ với nếp suy tư Á đông" và "liệu có cần thiết và đúng đắn không, khi người Á đông phải chạy theo hệ thống khái niệm của Âu châu"
vẫn không đủ sức để cảnh tỉnh chúng ta, trong khi triết gia Heidegger
trịnh trọng nói rằng tất cả những công trình của ông chỉ là nỗ lực sửa
soạn cho phương Tây có đủ điều kiện để bước vào cuộc song thoại với
phương Đông trong tương lai. Khi đọc các tác phẩm về Thiền của Đại sư
Suzuki, ông còn phát biểu "Nếu tôi hiểu được tác gia này một cách
chính xác thì đó chính là những gì tôi đã cố gắng phát biểu trong tất cả
các tác phẩm của mình" ("If I understand this man correctly, this is what I have been trying to say in all my writings").
Có lẽ chúng ta dễ thấy choáng ngợp trước cung điện
duy lý đồ sộ của phương Tây với những hệ thống khái niệm phong phú, mà
không hiểu rằng các bậc chân nhân phương Đông từ ngàn xưa đã xem đó là
những thứ phù phiếm không đáng phải bận tâm. Những thứ "chủ nghĩa", những thứ "ism"
trong hệ thống khái niệm của phương Tây, những hiện tượng luận, thông
diễn học, hậu hiện đại v.v… vẫn có những giá trị riêng của nó đối với
não trạng phương Tây. Nhưng chúng cũng chẳng phải là cái gì tân kỳ ghê
gớm lắm, mà nhiều học giả cứ cho rằng thiếu chúng thì người phương Đông
chúng ta xưa nay không thể đọc nổi và không thể hiểu nổi các kháng thư
thâm áo. Làm như ở phương Đông, hơn mấy ngàn năm qua các bậc chân nhân
đã không dạy ta lắng nghe ra được "huyền ngoại chi âm", hay "đắc ngư vong thuyên"
để đọc được phần vô ngôn trong ngôn ngữ. Làm như phải hiểu được các
phạm trù mỹ học Tây phương thì chúng ta mới có thể cảm nhận được thế nào
là vẻ đẹp, mới có thể hiểu được thế nào thi ca, hội họa. Chỉ cần nhìn
một cánh hoa đào hé nở như Thiền sư Linh Vân, hay chợt nghe tiếng một
hạt sỏi chạm vào thân tre như Thiền sư Hương Nghiêm cũng đủ khiến mọi
thứ kiến thức phù hoa rơi lả tả. Chỉ một ngọn nến tắt của Sùng Tín cũng
đủ để nhà sư học giả Đức Sơn đốt tất cả những bản chú sớ đầy các kiến
giải uyên bác về kinh Kim Cương. Con người hễ càng đọc sách và
bám vào thế giới khái niệm theo kiểu phương Tây thì càng ham mê thuyết
thoại, và không bao giờ hiểu được cõi tư tưởng mênh mông "Thuật nhi bất tác" hay "Hữu dư, bất cảm tận" của Khổng Tử, càng không thể cảm nhận được cảnh giới im lặng "Niêm hoa vi tiếu" của Đức Phật.
Điều kỳ dị là trong khi ở phương Tây, các nhà tư
tưởng đã cảm nhận được triết học đã đi đến hồi chung cục, thì ở phương
Đông lại lịch kịch nảy sinh ra các loại triết gia! Đọc trên báo chí hoặc
trên mạng, ta thấy không thiếu các vị học giả cả đời chỉ chuyên tầm
chương trích cú, song vẫn luận giải rất "hệ thống" về thi ca để chê ông
Nguyễn Du dùng chữ còn vụng về, tư tưởng còn đầy mâu thuẫn; chê ông Bùi
Giáng tư duy còn lung tung, sai sót; hoặc lên giọng trịnh trọng về triết
học để phê phán ông Trần Trọng Kim là "tầm chương trích cú", là "tư duy còn hời hợt". Cũng không thiếu các nhà nghiên cứu phê phán kinh Dịch mang những tư tưởng biện chứng còn "sơ khai non nớt" hoặc "thô sơ tự phát", nói chung là chưa được bài bản, chưa có "hệ thống hợp lôgic",
nên chưa đủ trình độ để so sánh với nhiều nguồn tư tưởng phương Tây
khác. Đọc những trang sách biên khảo đó - với nội dung nô lệ sách vở từ
chương tận xương tủy, luôn dùng hệ thống khái niệm phương Tây làm chuẩn
mực để đánh giá mọi cội nguồn tư tưởng, chúng ta dễ nghe tê cóng cả linh
hồn và cảm nhận thêm thảm trạng "tiến trình Âu hóa con người và trái đất đã gây tổn hại đến những điều tinh yếu ở tận cội nguồn" đang diễn ra trầm trọng đến mức độ nào. Thử hỏi, nếu không có bộ Nho giáo
của Trần Trọng Kim mở ra một thông lộ kỳ tuyệt giữa trận đồ biên khảo
ngổn ngang gò đống nặng óc duy lý theo kiểu phương Tây thì liệu chúng ta
có tìm được một đường đi chính xác về nguồn cội tư tưởng hôm nay? Nếu
không có bản dịch Nam hoa kinh của Nhượng Tống với lời chú giải
của Lâm Tây Trọng- mà nhiều học giả chê là còn thô ráp (!) - thì liệu
chúng ta còn lịch kịch theo đuôi các học giả để tìm hiểu Trang Tử, Lão
Tử cho đến bao giờ? Nếu không có Bùi Giáng mở ra một thông đạo dị thường
để nhiếp dẫn Truyện Kiều đi về giữa cuộc đối thoại của tư tưởng Ðông
Tây hiện đại, thì liệu chúng ta có thực sự hiểu được Nguyễn Du, và từ đó
nghe ra được nhiều nguồn tư tưởng khác? Những thứ đó vĩnh viễn không
bao giờ lọt vào "cái nghe" ồn ào "full of sound and fury" của các nhà biên khảo.
Chúng ta càng hiểu vì sao Heidegger phải chấp nhận yên lặng trước bao lời công kích để sống cô đơn với căn nhà nhỏ nơi Rừng Đen
hiu quạnh với một vài vần thơ của Hoelderlin và vài triết ngôn còn sót
lại từ thời Hy Lạp cổ đại, giã từ chốn triết học trường trại ồn ào.
Chúng ta càng hiểu vì sao Bùi Giáng lại rất coi thường các học giả gàn
mà chỉ tôn trọng những con người tài hoa sáng tạo. Chỉ cần học chữ "Như thị" của Phật giáo bằng tất cả tâm nguyện "tín, giải, thọ, trì"
cũng giúp ta đủ công lực để gác bỏ mọi thứ luận giải phù phiếm của các
học giả về hiện tượng luận, về thông diễn học hay hậu hiện đại qua một
bên, mà đi thẳng vào các tác phẩm bằng những suy niệm chân thành để tiếp
cận với suối nguồn chân thực của nó, cái suối nguồn còn nguyên vẹn tinh
khôi, chưa hề bị hủy hoại bởi "tiến trình Âu hóa con người và trái đất", và do đó, không hề bị khô cạn.
Có lẽ chỉ khi suy tư bằng những suy niệm chân thành
thì con người mới không còn vướng vào mạng lưới lý luận phương Tây luôn
giăng ra như thiên la địa võng. Đến lúc đó ta mới có thể thong dong đi
vào những phương trời lộng gió của phương Đông, để nêu bâng quơ một câu
hỏi, như nhà thơ thiên tài Tô Đông Pha đã dùng để hỏi Bản trưởng lão -
một vị danh tăng ở đất Tam Ngô thời Bắc Tống - : "Hà thời trượng sách tương tùy khứ, Nhậm tính tiêu dao bất học Thiền? (Khi nào chống trượng theo ngài nhỉ? Mặc tính tiêu dao chẳng học Thiền).
Huỳnh Ngọc Chiến ( Nguyệt San Giác Ngộ 177)
(1) J: Man findet die unantastbare Herrschaft
Ihrer europäischen Vernunft durch die Erfolge der Rationalität
bestätigt, die der technische Fortschritt stündlich vor Augen führt.
F: Die Verblendung wächst, so daß man auch nicht mehr zu sehen vermag,
wie die Europäisierung des Menschen und der Erde alles Wesenhafte in
seinen Quellen anzehrt. Es scheint, als sollten diese versiegen.
(Heidegger, Unterwegs zur Sprache, Vittorio Klostermann, Frankfurt am
Main, 1985, tr.99. Dưới đây sẽ gọi tắt là UzS).
(2) Cf. Heidegger, Zur Sache des Denken, GA 14, Vittorio Klostermann,
Frankfurt am Main, 2007, tr.71 (Die Metaphysik ist Platonismus.
Nietzsche kennzeichnet sein Phisolophie als umgekerten Platonismus. Mit
der Umkerhrung der Metaphysik, die bereits durch Karl Marx vollzogen
wird, ist die äuβerste Möglichkeit der Phisolophie erreicht. Sie ist in
ihr Ende eingegangen : Siêu hình học chính là triết học Platon.
Nietzsche xem điểm đặc thù trong triết học mình như là triết học Platon
đảo ngược. Cùng với sự đảo ngược của siêu hình học, vốn đã được hoàn tất
bởi Karl Marx, triết học đã đạt đến khả năng tối hậu. Triết học đang đi
đến hồi chung cục) .
(3) "Was versteht die japanische Welt unter Sprache? Noch vorsichtiger
gefragt: Haben Sie in Ihrer Sprache ein Wort für das, was wir Sprache
nennen? Wenn nicht, wie erfahren Sie das, was bei uns Sprache heißt?"
(Heidegger. UzS, op.cit., tr.108)
(4) "Vor einiger Zeit nannte ich, unbeholfen genug, die Sprache das Haus
des Seins. Wenn der Mensch durch seine Sprache im Anspruch des Seins
wohnt, dann wohnen wir Europäer vermutlich in einem ganz anderen Haus
als der ostasiatische Mensch." (ibid. tr.80)
(5) F: Der Name [Ästhetik H.N.C] und das, was er nennt, stammen aus dem
europäischen Denken, aus der Philosophie. Deshalb muß die ästhetische
Betrachtung dem ostasiatischen Denken im Grunde fremd bleiben.
J: Sie haben wohl recht. Allein, wir Japaner müssen die Ästhetik zu
Hilfe rufen.
F: Wofür?
J: Sie verschafft uns die nötigen Begriffe, um das zu fassen, was uns
als Kunst und Dichtung angeht.
F: Benötigen Sie Begriffe?
J: Vermutlich ja; denn seit der Begegnung mit dem europäischen Denken
kommt ein Unvermögen unserer Sprache an den Tag.
F: Inwiefern?
J: Es fehlt ihr die begrenzende Kraft, Gegenstände in der eindeutigen
Zuordnung zueinander als wechselweise über-und untergeordnete
vorzustellen.
F: Halten Sie dieses Unvermögen im Ernst für einen Mangel Ihrer Sprach?
J: Bei der unausweichlich gewordenen Begegnung der ostasiatischen Welt
mit der europäischen verlangt Ihre Frage gewiß eine eindringliche
Überlegung.
F: Sie rühren jetzt an eine Streitfrage, die ich mit Graf Kuki oft
erörterte, die Frage nämlich, ob es für die Ostasiaten nötig und
berechtigt sei, den europäischen Begriffssystemen nachzujagen. (ibid.
tr.77)