“Xuân mang đến bao nguồn vui khôn xiết,
Xuân tưng bừng bao yến tiệc trò vui,
Suốt năm dài an ủi chỉ xuân thôi,
Xuân Tết đến, đời tôi thêm nguồn sống.”
(Ý nghĩa xuân Tết - HT. Thích Đức Niệm)
Theo cái nhìn tuệ giác của nhà Phật, khi mùa xuân đến, chúng ta có
thêm một tuổi, có nghĩa là chúng ta giảm bớt đi một năm tuổi. Đời sống
của con người, chúng ta tạm quy định, có khoảng tám chục năm tuổi. Ví
dụ, hiện giờ chúng ta sống được hai chục năm tuổi, có nghĩa là chúng ta
giảm bớt hai chục năm tuổi, chúng ta chỉ còn sáu chục năm tuổi nữa thôi.
“Sáng nay đều nói thêm một tuổi,
Tôi bảo ngày này bớt một năm.”
(Thiền sư Thiên Tùng)
Trong hai chục mùa xuân đã qua và trong sáu chục mùa xuân sắp tới và
đang tới, những gì chúng ta đã làm, đang làm, và sẽ làm, đều không vượt
ra ngoài các mục đích chính, đó là, đem đến lợi ích cho mình, đem đến
lợi ích cho người, và đem đến lợi ích cho tất cả, thì chúng ta vui vẻ
làm. Ngược lại, những gì chúng ta nói, nghĩ, và làm không đem đến lợi
ích cho mình, không đem đến lợi ích cho người, và không đem đến lợi ích
cho tất cả, thì chúng ta quyết định không làm.[1]
Chúng ta biết đời người sinh diệt trong từng hơi thở, chúng ta cố gắng
tinh tiến tu học vững chãi trên đường đời, thăng tiến trên đường đạo để
đem lại an lạc, hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân.
“Ngày nay đã qua,
Đời sống ngắn lại,
Hãy nhìn cho kỹ,
Ta đã làm gì?
Đại chúng, hãy cùng nhau tinh tấn,
Thực tập hết lòng,
Sống cho sâu sắc và thảnh thơi,
Hãy nhớ vô thường,
Đừng để tháng ngày,
Trôi đi oan uổng.”[2]
Là đệ tử Phật, chúng ta tu học giáo pháp của đức Thế Tôn, chúng ta biết thân người do bốn đại và năm uẩn[3]
tạo thành, sinh diệt trong từng sát na, chúng ta cứ vững tâm học pháp,
hiểu pháp, hành pháp, hộ pháp, và hoằng dương chánh pháp.
“Thân như bóng chớp chiều tà,
Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời,
Xá chi suy thịnh cuộc đời,
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.”
(Thiền sư Vạn Hạnh)
Trải qua các mùa xuân, chúng ta nói những gì Phật nói, nghĩ những gì
Phật nghĩ, và làm những gì Phật làm, chúng ta hiểu biết và có niềm tin
chân chánh, chúng ta vững chãi nương tựa Phật, Pháp, Tăng, và ý thức hộ
trì giới không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, và
giới không sử dụng rượu, bia, các chất ma tuý, và hút thuốc. Ý thức và
thực hành được như vậy, đời sống an vui và hạnh phúc, chúng ta thực sự
đem lại xuân an lạc tới cho muôn loài. Chúng ta cùng nhau cất lên tiếng
hát xuân Di Lặc:
“Xuân đến rồi ngàn hoa thắm muôn nơi,
Sen hé nở bé thơ vang tiếng cười,
Xuân lên chùa toả ngát nét tâm hương,
Xuân Di Lặc lòng chung lòng yêu thương.
Xuân đến rồi mừng câu hát thanh lương,
Tôn kính Phật hái hoa em cúng dường,
Xuân yêu đời trong nắng ấm quê hương,
Xuân Di Lặc là xuân lòng muôn phương.
Xuân đến xuân vui mai vàng khắp lối,
Người hỡi đừng quên nhân lành vun trồng,
Bố thí từ hoà nhẫn nhục cảm thông,
Muôn lòng nối kết người người quỳ dưới.
Xuân đến xuân đi xuân còn mãi mãi,
Người đến người đi mang niềm an lạc,
Sức sống nụ cười ấp ủ tình thương,
Mau cùng thắp sáng đạo vàng quê hương.”
(Nhạc Xuân Phật Giáo)
Chúng ta biết khi mùa xuân tới, trăm hoa đua nở, muôn vật trong vũ
trụ đều thay hình đổi dạng, nhưng có những cái bất diệt không thay đổi,
đó là tấm lòng, đạo pháp, đạo tâm, và tình huynh nghĩa đệ…
“Vài mươi năm trước thì ta chưa có,
Vài mươi năm sau có cũng hoàn không,
Cuộc đời có có không không,
Chỉ còn động lại tấm lòng rứa thôi.”
(Cổ Đức)
“Hương thiền toả ngát gần xa,
Vườn hoa đạo pháp nở hoa bốn mùa.”
“Mặc dù đi vạn đường trần,
Đạo tâm không để một phần phôi phai.”
Hoặc: “Dù xa vạn dặm đường trường,
Tình huynh nghĩa đệ muôn phương cũng gần.”
(Cổ Đức)
Thật vậy, cái tấm lòng, đạo pháp, đạo tâm, và cái tình huynh nghĩa
đệ, chúng ta có đủ thì muôn việc chúng ta làm gì cũng được, thiếu những
thứ ấy ắt chúng ta không dễ thành tựu trong mọi lãnh vực cuộc sống của
chúng ta. Trên lộ trình giác ngộ và giải thoát tâm linh, mỗi chúng ta
biết cách vun xới và tưới tẩm những hạt giống tươi mát ấy, thì mùa xuân
trong tôi và trong bạn nở rộ khắp muôn phương và chúng ta cùng nắm tay
nhau dạo chơi trong sinh tử tử sinh.
“Tâm xuân vũ trụ đều xuân,
Tâm bình thế giới đâu đâu cũng bình.”
(Tư tưởng Kinh Di Ma Cật)
“Ngày xuân xuân trong núi
Việc xuân thảy đều xuân
Hồ xuân ánh xuân chiếu
Khí xuân hết mây xuân
Khách xuân lòng xuân động
Thi xuân xuân càng tươi
Chỉ có xuân biết xuân
Muôn kiếp một mùa xuân.”
(Thiền sư Thanh Viễn Phật Nhãn đời tống)
Tết dân tộc trở về nhắc chúng ta nhớ tới Ông bà cha mẹ, quê cha đất
tổ, nơi mình chôn nhau cắt rốn. Hướng về quê hương, chúng con thành tâm
kính chúc chư Tôn thiền đức tăng ni và quý Phật tử gần xa hưởng trọn mùa
xuân Di Lặc-an lạc và hạnh phúc.
“Xuân có đến rồi đi nhưng xuân lòng bất diệt,
Hoa có nở rồi tàn nhưng hoa đạo vẫn luôn tươi,
Chúc cho người và cũng chúc cho tui,
Xuân Di Lặc là xuân vui muôn thuở.”
(HT. Thích Trí Quảng, Giác Ngộ 156)
[1] Kinh Trung Bộ, tập I, kinh số 19.
[2] Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2004, tr. 223
[3]
Bốn Đại gồm có đất - chất cứng, nước - chất lỏng, lửa - chất nóng, và
gió - chất chuyển động. Năm uẩn gồm có sắc, thọ, tưởng, hành, và thức.
Bản dịch tiếng Anh