|
Ba mươi sáu mùa xuân lần luợt đi qua cũng là ba sáu năm tôi rời xa quê mẹ. Ảnh minh họa: Văn Nguyễn |
Tôi mất đi một người mẹ khi quy luật tạo hóa đã cướp
người đi vĩnh viễn. Còn Mẹ Việt Nam, tôi đã chối bỏ Người từ khi xóa đi
cái tên Lê Thanh Bình để thay vào đó cái tên Yves Le trong tờ chứng minh
thư Pháp quốc.
Từ trên Biển Đông quê hương, tôi được đưa đến miền Nam
nước Pháp, bắt đầu sống những chuỗi ngày lưu vong vô thức trong một
ngôi làng nhỏ cách thành phố Toulon hơn 70 km.
Tôi đến nơi này đơn độc, chỉ có hình hài mà mẹ tôi đã
tạo ra và hành trang là một mớ kiến thức mà Mẹ Việt Nam đã trang bị cho
tôi. Từ đó tôi đã sống, làm việc và đã cố gắng thật nhiều để trang bị
cuộc sống và tương lai cho cuộc đời mình. Nhưng vẫn còn đó một điều rất
mơ hồ mà tôi không thể nào tìm kiếm được nơi đây, đó là hương vị quê
hương.
Sau bao năm bôn ba nơi đất khách, tôi đã tìm được cho
mình một bến đỗ và tôi lập gia đình với một người con gái Pháp. Tôi yêu
em vì tôi tìm thấy nét dịu dàng, đầm thắm, yêu kiều nơi em và điểm nổi
bật nhất ở em là mái tóc dài quá hông, dẫu đó là mái tóc vàng óng ả. Cho
đến hôm nay em vẫn mãi giữ lại cho tôi hình ảnh yêu thương này.
Những năm sau đó, chúng tôi có với nhau ba đứa con,
một con gái đầu lòng và hai cậu nhóc láu lỉnh. Hai mươi sáu năm trước,
khi lần đầu tiên bồng đứa con gái đầu lòng trong vòng tay, thoáng một
chút buồn khi hôn vào mái tóc vàng hoe của cô con gái yêu với đôi mắt
tròn xoe đang nhìn ba như muốn nói "con có một nửa Việt Nam của ba đó".
Chỉ vì thiếu đi mái tóc đen thôi mà sau này Kathy luôn
phân bì với các em “sao ba, mẹ không cho con mái tóc đen như các em?".
Mãi cho đến bây giờ khi đã trở thành một cô bác sĩ trẻ, con vẫn còn bá
cổ mẹ và đòi mãi mái tóc đen...
Thế rồi một gia đình Việt Nam nhỏ hình thành. Vợ chồng
tôi phải giã từ những ngày tháng thảnh thơi để bù vào đó là những ngày
tháng bận rộn với công việc, lo toan mọi thứ. Roseline, em mang bản tính
của cô gái nông thôn nước Pháp, thích vun vén và chăm sóc cho gia đình.
Chính vì thế, cuộc sống gia đình tôi luôn hạnh phúc và đầm ấm bên nhau
vào những ngày cuối tuần.
Về quê
Tạm gác lại những lo toan trong cuộc sống, tôi đưa em
về thăm quê hương tôi. Tôi đưa em đến những nơi mà tôi từng đi qua. Mỗi
nơi chúng tôi đến lại dậy lên những kỷ niệm và nỗi nhớ ngút ngàn của kẻ
lưu vong.
Chúng tôi xuôi theo quốc lộ 4 rẽ vào huyện lỵ Thủ
Thừa, tỉnh Long An. Nơi đây, ngày ấy ba tôi đã đi xuồng tam bản xuôi
dòng sông Tiền về tận Trà Vinh để đón người con gái Hậu Giang về chung
sống cùng người.
Chúng tôi tiếp tục xuôi theo con kênh đào An Dương
Vương để vào Mộc Hóa , Tháp Mười hái bông Điên Điển màu vàng tươi như
những chùm hoa Mimosa của nước Pháp. Em, một cô gái của xứ trời Tây đã
ngất ngây chiêm ngưỡng cảnh đẹp của quê hương tôi. Em không thể hình
dung được bạt ngàn những chiếc lá xanh chen lẫn những đóa sen trong nước
ửng hồng.
Những cánh đồng lúa bạt ngàn đã sản sinh ra hạt gạo
trắng ngần, đã nuôi sống tôi và cũng nơi đây trong mùa nước nổi, cô y tá
của trường Nữ hộ sinh Huỳnh Thúc Kháng Nam bộ đã sinh ra một bé trai.
Với một niềm hạnh phúc vô biên và sự vui mừng của tất cả những chiến
hữu, cô đặt tên cho con là Thanh Bình - một ước mơ mà tất cả mọi người
trong cuộc chiến đều mong ước.
Hai mươi ba năm sau kể từ ngày cậu bé Thanh Bình ra
đời, những chiến hữu của ba mẹ tôi vẫn còn sống để được thấy đất nước
thanh bình và niềm mơ ước đã trở thành hiện thực. Nhưng họ không được
chứng kiến cậu bé mà họ đã gửi gắm bao nhiêu ước mơ ở đó trưởng thành.
Ôi mẹ của tôi và những người cha thần thánh của tôi!
Đã ba mươi sáu năm qua tôi xa rời quê hương, xa rời cả
hai bà mẹ. Ba mươi sáu mùa xuân lần luợt đi qua, ba mươi sáu cái Tết
đến với muôn nhà, muôn người Việt Nam với niềm vui đoàn tụ. Dẫu bươn
chải tìm kế sinh nhai ở bất cứ nơi đâu trên những nẻo đường của đất
nước, ai ai cũng tìm đuợc đường về với mái ấm, nhóm ngọn lửa truyền
thống nấu nồi bánh tét, bánh chưng, quét dọn, sơn sửa lạị căn nhà thân
thương, trang hoàng bàn thờ tổ tiên. Rồi ngày đầu xuân đến, những lời
chúc tụng tốt đẹp, những phong bì đỏ đuợc trao cho nhau trong hân hoan.
Mọi người quây quần chén chú chén anh. Còn tôi, còn tôi??
Bữa cơm Tết đầu tiên trên đất Pháp
Tôi nhớ mãi một ngày vào tháng hai của hai mươi bảy
năm về trước. Khi đó, nhà tôi vui mừng báo tin đứa con đầu lòng của
chúng tôi đã và đang hiện diện trong cơ thể mẹ. Niềm vui sướng và hạnh
phúc trong tôi cứ như những đứa trẻ nhỏ được lì xì ngày Tết. Niềm vui vì
sự mong đợi của chúng tôi đã đến như mùa xuân. Niềm vui này đến trong
khoản khắc cận xuân nơi quê cha của nó.
Tôi vượt hơn trăm cây số để đến được một tiệm tạp hóa
Việt Nam. Đến đây, tôi mới biết được mùng một Tết năm nay sẽ đến vào
ngày thứ tư. Nỗi nhớ quê hương da diết chợt ùa về trong tôi. Tôi muốn
làm một bữa cơm Việt Nam để đón Tết và cũng là món quà đặc biệt cho nhà
tôi và đón con tôi, nhưng buồn làm sao khi hương vị chính gốc quê hương
Việt Nam tôi lại không có được ở nơi đây.
Loay hoay tìm kiếm cho mình một món gì mang đậm hương
vị Việt Nam. Kia rồi! Một chai nước mắm với dòng chữ Việt "Nước mắm nhỉ"
nhưng tiếc thay lại là "Made in ThaiLand", thôi đành vá víu để còn thấy
có quê hương.
Năm đó, bữa ăn trưa của vợ chồng tôi do chính tay tôi
nấu. Bữa cơm này được tôi coi là bữa ăn Tết đầu tiên của tôi trên đất
Pháp. Đón Tết chỉ ở trong tâm của tôi thôi vì phải đợi đến chủ nhật thì
đã trễ mất 4 ngày. Đành chịu vậy thôi, biết làm sao được vì mình đang ở
xứ người.
Bữa cơm Tết nói cho oai vậy thôi chứ tôi có mua được
gì đâu, có biết làm gì đâu. Chỉ đơn giản là nhân dịp này khai trương
luôn cái nồi cơm điện bé xíu mà tôi vừa mua tặng bà xã. Tôi cúc vào nồi
hai chén gạo, Roseline chăm chú và thích thú khi nhìn tôi vo gạo và dùng
lóng tay trỏ của mình để đo mực nước. Lần đầu tiên món ăn của quê hương
tôi đến với nhà em.
Em ngạc nhiên với món thịt kho trứng hay còn gọi là
thịt kho tàu, món ăn phổ biến mà hầu hết đều có với mọi nhà trong ngày
Tết quê tôi. Em nhăn mặt với mùi của nước mắm sau đó lại xuýt xoa với
mùi thơm của nồi thịt kho. Túi cải chua được cắt lát cùng dưa leo và bữa
cơm Tết Việt Nam chỉ vỏn vẹn có thế thôi nhưng ngon lắm và đầm ấm lắm,
Việt Nam lắm lắm!
Không dùng dao, nĩa và đĩa, em mày mò với đôi đũa, đưa
từng hạt cơm vào miệng, há hốc nhìn tôi và cơm. Em cũng bắt chước tôi
bưng chén cơm để và, thật là cực khổ cho em quá. Cơm vương vãi ra khắp
bàn và chúng tôi cùng cười xòa thật vui trong ngày Tết Việt đầu tiên tại
nước Pháp. Chúng tôi thầm cảm ơn mùa xuân đã đến và nhẹ nhàng mang lại
niềm vui trong tôi.
Mười năm sau, vào mùa nghỉ đông của trường học, gia
đình chúng tôi đã có năm thành viên, cùng nhau xuống thành phố mua sắm.
Ngạc nhiên chưa khi tôi nhìn thấy một tấm bảng hiệu ghi bằng dòng chữ
Việt Nam: Á Đông đầy ngạo nghễ và oai phong gắn trên một căn phố lớn.
Quê hương tôi đấy ư? Quê Việt tôi đã vươn mình và lớn mạnh như thế này
sao? Chúng tôi bước vào đấy. Hồn Việt là đây! Lòng tôi rạo rực hơn khi
thấy mùa xuân quê nhà hiện diện đầy đủ nơi đây!
Vợ và các con tôi say sưa ngắm nhìn các tác phẩm tại
gian hàng trưng bày sản phẩm mỹ nghệ từ khắp các vùng miền của đất nước
tôi, còn tôi thì say sưa ngắm nhìn và lựa chọn những món ngon Việt Nam
mà đã từ rất lâu tôi đã chưa được thưởng thức.
Tấc cả những món ngon với hương vị Tết quê tôi hiện
diện cả nơi đây, nào là hộp mứt dừa trắng phau đến từ BếnTre, hộp mứt
tròn đủ lọai, đủ màu thanh nhã đến từ thành phố Hồ Chí Minh, hộp trà
xinh xắn đến từ thành phố cao nguyên Đà Lạt, gói mè xửng quyến rũ của xứ
Huế, gói ô mai mơ đặc sản của Hà Nội, cốm dẹt Hải Phòng.
Và đây rồi, con tôm càng của vùng Đồng Tháp, con tôm
bạc của Minh Hải, hủ mắm lóc Châu Đốc, hộp bánh phồng tôm Sa Giang.
Không cần phải tìm kiếm và đi đâu nữa. Tổ quốc tôi đã hiện diện nơi đây,
các món ăn mang đậm chất quê hương được làm từ tay những bà mẹ đã được
đưa đến khắp nơi trên thế giới. Mẹ đã mang mùa xuân cùng dòng sữa ngọt
đến cho các con đang sống lưu vong trên khắp miền viễn xứ.
Năm đó Tết Việt đến đúng vào mùa nghỉ đông của gia
đình tôi. Các con tôi háo hức cùng ba mẹ một lần nữa sửa sọan đón Tết
Việt trên đất Pháp. Tôi chặt hai nhánh cây trụi lá và đây cũng là tác
phẩm của mùa đông khắc nghiệt nơi đây, khác với quê nhà tôi mùa Tết là
mùa của muôn hoa đua nở, đâm chồi nảy lộc. Vợ tôi cùng các con điểm lên
hai nhánh cây kia những bông hoa đào màu hồng hạnh phúc và những cánh
mai vàng rực rỡ khoe sắc xuân, những chiếc nụ hoa nhỏ xinh cùng những
chiếc lá xanh biếc biểu tượng cho tương lai. Hạnh phúc sẽ mãi tràn ngập
trong gian nhà nhỏ ấm cúng của gia đình tôi.
Tôi lục cà lục cục thế mãi cũng làm được cái bàn thờ
tổ tiên. Bàn thờ được bố trí ở ngăn trên cùng của kệ sách, với hai cây
đèn cầy giả bóng điện, thay thế cho bộ lư hương, đĩa trái cây trang
trọng nhưng hợp chủng như gia đình tôi vậy. Kathy nhất quyết cống hiến
cái ly xinh đẹp nhất dùng để cắm nhang, nhà tôi thì tỉ mĩ chăm chút cho
bình hoa tươi. Phần tôi thì chuẩn bị bộ tách trà và hộp trà xanh Thái
Nguyên .
Bàn thờ được trang hoàng xong nhìn cũng oai phong lắm.
Các con tôi rất thích thú ngắm nhìn. Tôi vui lắm và nói với các con
"Hãy nhìn lên đi các con, các con sẽ thấy cờ Việt Nam đang tung bay. Mẹ
Việt Nam của ba cùng ông, bà nội đang mỉm cười trên ấy"...
Sau lần đón Tết đó, hàng năm gia đình tôi đều có một
ngày đón Tết Việt Nam. Dẫu sớm hơn hay muộn hơn ngày Tết Nguyên đán ở
quê nhà, đến ngày đó tự các con tôi sẽ nhắc nhở lẫn nhau. Chúng tự tìm
hiểu ngày Tết cổ truyền trên Internet, điều tôi tự hào là các con tôi
dùng ngôn từ "ăn Tết" chứ không nói là "Nouvel an chinois".
Món quà của Kathy
Bằng sự nỗ lực của chính tôi và sự góp sức của vợ tôi
nên các con tôi có thể nghe, nói , đọc và viết được một chút tiếng Việt.
Bên cạnh đó, thành tựu đầu tiên mà chúng tôi gặt hái được là cô con gái
đầu lòng Kathy đỗ vào đại học y khoa ở Marseille.
Niềm vui này xen lẫn những nỗi lo lắng cho những bậc
làm cha mẹ, khi con mình vừa tập tễnh vào đời đã phải xa gia đình, phải
bươn chải kiếm thêm chút thu nhập cho bản thân ngoài giờ học. Có làm cha
mẹ mới biết thương cha mẹ, nhưng đôi lúc đến khi nhận biết ra thì đã
muộn mất rồi.
Như tôi đây. Mẹ tôi suốt đời nhấm nháp món trầu cau,
nuốt vào lòng những vị cay, nồng, đắng của cuộc đời, nhả ra những ngụm
nước đỏ hay phun ra những giọt máu đỏ thắm từ trái tim. Mẹ tôi, người đã
sinh ra tôi, nuôi nấng và chăm sóc cho tôi đến ngày tôi khôn lớn và
trưởng thành, nhưng bà có ăn được miếng ngon nào từ tôi đâu, dù đó chỉ
là một thanh chocolate nhỏ bé xíu. Bà có được nuốt chút vị ngọt nào từ
tôi đâu. Mẹ ơi…
Bữa cơm Tết 2009 của gia đình tôi kết thúc trong tràn
ngập niềm vui có một chút hương vị quê nhà. Ngày này vào những năm sau
đó, chúng tôi có đầy đủ mọi thứ mang nhiều hương vị Tết quê hương. Các
con tôi nay đã lớn, đã vào được đại học. Chúng từng buớc, từng bước
trưởng thành như quê hương tôi. Con gái tôi Kathy hôn từ giã tôi lúc rời
nhà về ký túc xá và thì thầm vào tai tôi "hè này con sẽ có một món quà
bất ngờ dành cho ba".
Mùa hè đến, tôi đã bật khóc vì vui sướng. Món quà của
cô con gái cưng dành cho ba là món quà có ý nghĩa rất lớn đối với tôi và
cả gia đình tôi. Đó không phải là tấm văn bằng tốt nghiệp bác sỹ của
con mà là một chiếc vé máy bay của Kathy. Con gái tôi sẽ về Việt Nam làm
công tác Thiện nguyện y tế tại Hà Nội.
Trong đôi mắt nhạt nhòa, tôi đã thấy lá cờ Việt Nam
tung bay trên chiếc vé của hãng hàng không Vietnam Airlines. Một ngày
không xa, chuyến phi cơ với biểu tượng bông sen vàng sẽ đưa Kathy của
tôi về với đất tổ. Tôi thầm cảm ơn cánh chim sắt Việt Nam và các viên
hoa tiêu đã nối liền nhịp cầu Âu – Á.
Con gái của ba ơi, sau giấc ngủ dài hơn hai mươi bảy
năm trời xa xứ, mai này con sẽ thức dậy và đón bình minh nơi quê cha đất
tổ. Hãy rảo bước chân chim đi vào hồn dân tộc. Hãy dùng bàn tay bé nhỏ
góp phần giảm bớt những đau thương tật nguyền và hãy lắng nghe người cựu
chiến binh kể lại những gian nan, nhọc nhằn cũng như những chiến tích
của một thời chinh chiến.
Hãy cùng những ngưới bạn trẻ chia sẽ ước mơ và cùng
chung vai nâng ước mơ của tuổi trẻ các con thành hiện thực. Và nơi đất
bắc, con hãy hướng về phương nam và nói với nội "Bà ơi, cháu đã về đây!"
Mẹ ơi! Mẹ Việt Nam ơi! Con xin lỗi! Con sẽ về quê mẹ yêu thương!
Toulon ngày 25 tháng 01 năm 2013
Kính dâng hương hồn Ba, Mẹ, và các bác, các cô.
Nguyễn Tấn Lực