Vốn
là vùng rừng núi bạc ngàn nằm trên nóc nhà thế giới, Hy Mã Lạp Sơn là
nơi thâm u bí hiểm với sơn lam chướng khí trùng trùng và vô số loài thú
dữ cư ngụ sẵn sàng lấy mạng người để làm thức ăn. Thời đó, thổ dân
Dravidian không có đủ vũ khí hùng mạnh để chống cự với các loài mãnh thú
và tự bảo vệ mình. Từng người vào rừng săn tìm thức ăn đã không thấy
trở về. Độc địa nhất không phải chỉ là những hổ, cọp, gấu, beo nằm lồ lộ
chờ mồi bên bờ suối, dưới gốc cây hay trong khe đá, mà ngay bên dưới
lớp lá khô mục của đường rừng là những loài rắn nguy hiểm chực chờ bước
chân người.
Trong
số rắn độc lấy mạng nhiều thổ dân Dravidian nhất là loài mãn xà hung
bạo. Chúng không những ở trên mặt đất mà còn ở dưới nước của sông, suối,
khe, lạch, ao, mương. Người Dravidian còn cho rằng loài mãn xà có khả
năng gọi mưa, thổi gió để trừng phạt con người. Thổ dân sợ loài rắn đó
lắm. Họ không biết làm sao để đối phó hay trốn tránh chúng. Họ chỉ biết
cầu nguyện. Và rồi họ nghĩ rằng cách hữu hiệu nhất là lập đền thờ rắn để
cầu khẩn thần rắn tha mạng cho họ. Thần Nàga xuất hiện từ đó. Nàga
không đơn giản là tên gọi một loài rắn bình thường mà còn biểu đạt sức
mạnh siêu nhiên của thần linh có khả năng tàn hại hay cứu mạng con
người. Huyền thoại Ấn Độ cổ thời cho rằng Thần Brahma rất sủng ái và tin
tưởng hoàng tử rắn là Sesha nên giao nhiệm vụ cưu mang và bảo hộ thế
giới cho hắn.
Không
những thế, huyền sử cổ thời của các dân tộc khác cũng có tục thờ thần
rắn, như tại vùng sông Nile của Ai Cập, vùng lưỡng hà của Ba Tư, hay tại
lãnh địa của dân tộc Cam Bốt, v.v… Đặc biệt tại Trung Quốc nàga đã hóa
thân thành rồng với sắc thái đặc dị và linh thiêng mà các vị vua Trung
Quốc đều lấy đó làm biểu tượng cho vương triều của họ. Rồng Trung Quốc
về hình thức thì có khác với thần rắn Nàga của Ấn Độ nhưng về đặc tính
siêu nhiên và thần thoại thì không khác mấy.
Sử
thi Mahabharata (xuất hiện vào thế kỷ thứ 9 trước tây lịch) của Ấn Độ
kể chuyện làm sao rắn và diều hâu trở thành kẻ thù truyền kiếp để từ đó
xảy ra các cuộc thiêu sống loài rắn. Chuyện kể rằng, ngày xưa vua diều
hâu Garuda và rắn Nàga vốn là anh em họ. Nhưng đến đời thánh Kasyapa thì
chuyện xục đục giữa hai nhà bắt đầu phát sinh. Lý do là vì ông thánh
Kasyapa này có tới 13 bà vợ. Một trong 13 bà vợ đó có 2 bà tên là Kadru
và Vinata. Kadru muốn có nhiều con, ngược lại Vinata thì chỉ muốn có ít
con nhưng đứa nào cũng phải đầy quyền lực. Rồi thì cuối cùng cả hai bà
đều được toại nguyện. Kadru đẻ ra một ngàn con rắn, và Vinata đẻ hai
người con mà một người là Surya, thần mặt trời và người con kia là
Garuda, con chim diều hâu mang nửa cốt người nửa cốt chim mà thần Vishnu
thường cỡi trên lưng bay đi. Trong một cuộc đánh cá mà cổ thi gọi là
ngu xuẩn, Vinata bị bắt làm nô lệ cho chị mình là Kadru. Nhưng oái ăm
thay, nợ mẹ mà con phải gánh. Do đó, Garuda là con của Vinata đã bị buộc
làm theo mệnh lệnh của rắn. Garuda bực tức và đã thề rằng không bao giờ
buông tha. Khi Garuda hỏi con rằn làm sao để cứu được mẹ, Vinata bảo
Garuda phải mang linh đơn, thần dược bất tử tới. Garuda bèn ăn cắp thần
dược từ vị thần và mang tới cho các con rắn để hoàn thành yêu cầu của
chúng, nhưng những con rắn đã không thực hiện lời hứa. Từ đó về sau,
Garuda xem những con rắn là kẻ thù và bắt để ăn.
Trong
cuộc cá độ, để giành phần thắng, Kadru, thủy tổ của rắn, yêu cầu con
cháu bà phải tìm mọi cách để cho bà thắng. Nhưng con cháu rắn của bà đã
không chịu làm thế, cho nên Kadru nổi giận và thề bắt chúng phải bị chết
thiêu trong lễ tế rắn của Vua Janamejaya. Vua Janamejaya sinh ra mang
theo mối hận vua cha bị rắn giết nên thề không đội trời chung với loài
rắn. Do vậy ông thực hiện lễ thiêu sống rắn gọi là Sarpa Satra. Các cuộc
tế lễ thiêu sống rắn được thực hiện bên bờ sông Arind tại Bardan, ngày
nay là Parham. Và ngôi đền do Vua Janamejaya xây lên để tế sống rắn ngày
nay vẫn còn tại vùng Mainpuri, ở Ấn Độ. Sau đó vị vua rắn Vasuki tỉnh
thức trước lời thề và biết rằng những anh em của ông phải cần đến một vị
anh hùng để giải cứu. Vasuki bèn đến vị đạo sĩ Jaratkaru với đề nghị
kết hôn với nữ thần rắn là Manasa, chính là em gái của Vasuki. Cặp vợ
chồng đạo sĩ Jaratkaru và nữ thần rắn Manasa sinh ra người con trai
Astika chính là cứu tinh của rắn. Astika đến khuyên can Vua Janamejaya
để chấm dứt cuộc tàn sát loài rắn và Vua Janamejaya làm theo.
Khi
văn hóa Ấn Độ lan truyền sang vùng Đông Nam Á vào thế kỷ thứ 3 trước
tây lịch đi theo đó là làn sóng truyền bá của Bà La Môn Giáo hay Ấn Độ
Giáo. Trong số những quốc gia vùng Đông Nam Á hấp thụ nền văn hóa Bà La
Môn của Ấn Độ sâu đậm và lâu dài nhất là Cam Bốt.
Rắn
Nàga của Ấn Độ khi đến Cam Bốt đã hóa thân thành người. Huyền thoại này
kể rằng, người con gái của Vua Rắn Nàga trong một tình cờ đã gặp được
chàng thanh niên giòng dõi Bà La Môn của Ấn Độ có tên là Kaundinya. Hai
người yêu nhau và lấy nhau, rồi sau đó sinh ra những người con để tạo
thành dân tộc Cam Bốt tồn tại cho đến ngày nay. Trong nền văn hóa Cam
Bốt, Rắn Nàga được tạc thành tượng 7 đầu để thờ trong các đền thờ như
Đền Đế Thiên Đế Thích. Theo văn hóa Cam Bốt, 7 đầu tượng trưng cho 7 màu
của cầu vòng. Người Cam Bốt còn giải thích Rắn Nàga có số đầu lẻ tượng
trưng cho phái nam với năng lực, vô hạn, vô biên, và bất tử. Rắn Nàga có
số đầu chẵn tượng trưng cho nữ giới với thể lực, hữu hạn, tạm bợ và
trái đất.
Dân
tộc Thái Lan và Lào cũng tôn thờ thần rắn nàga vì họ cho rằng thần rắn
nàga là chúa tể cai quản dòng sông Mekong. Hàng năm người dân Thái Lan
và Lào đều tổ chức lễ cúng tế thần rắn nàga. Người dân Thái và Lào sống
dọc theo sông Mekong tin rằng cúng tế thần rắn nàga sẽ được thần rắn bảo
hộ tai qua nạn khỏi lúc làm ăn trên sông, trên nước. Mỗi năm vào ngày
15 tháng 11 theo lịch Lào, một buổi lễ cúng tế thần rắn nàga được tổ
chức trọng thể tại quận Phonephisai thuộc tỉnh Nong Khai của Thái Lan
với pháp bông rực rỡ vào ban đêm.
Rắn
nàga hóa thành người ở Cam Bốt và được tôn làm thần linh ở Ấn Độ, Thái
Lan, Lào là huyền thoại đầy bí nhiệm, nhưng vẫn chưa bằng huyền thoại
rắn nàga thành Phật trong kinh Phật. Tuy nhiên, trước khi kể chuyện rắn
nàga thành Phật, xin kể về chuyện rắn nàga giữ kinh Phật ở thủy cung hay
long cung.
Chuyện
là thế này, lịch sử Phật Giáo Ấn Độ có một nhân vật mà sau này được tôn
xưng là đệ nhị Thích Ca, tức là chỉ đứng sau đức Phật Thích Ca mà thôi.
Nhân vật đó là Bồ Tát Nàgarjuna (xuất hiện vào thế kỷ 2 sau tây lịch
tại miền nam Ấn Độ) mà các nhà Phật học Trung Quốc dịch là Long Thọ. Bản
thân của ngài Long Thọ chứa đầy những huyền thoại ly kỳ mà cho đến nay
các nhà sử học cũng không có cách lý giải. Ngài Long Thọ là người truyền
bá tư tưởng Phật Giáo Đại Thừa mạnh mẽ và hữu hiệu nhất tại Ấn Độ đặc
biệt là hệ thống giáo nghĩa về Bát Nhã Tánh Không. Chuyện kể rằng khi
chưa xuất gia đầu Phật, ngài Long Thọ là người bác học tinh thông mọi
thứ từ triết lý tư tưởng, tôn giáo đến y học, thuật số và phép tắc thần
thông. Ngài đã từng chữa lành bệnh nan y cho nhiều người. Sau khi xuất
gia ngài thông suốt khắp các kinh luận của những bộ phái Tiểu Thừa và
biện tài vô ngại. Tiếng đồn thấu tới tận long cung của vua rắn Nàga. Vua
rắn Nàga mới cho người thỉnh ngài Long Thọ xuống long cung để trao kinh
Phật. Nguyên là khi đức Phật còn tại thế đã giao cho vua rắn cất giữ bộ
Kinh Bát Nhã ở long cung chờ đến khi có đủ duyên và người xứng đáng để
trao lại. Ngài Long Thọ xuống long cung và được vua rắn Nàga dẫn vào thư
phòng chứa bộ Kinh Bát Nhã để giới thiệu. Ngài Long Thọ ở lại mấy tháng
để đọc bộ Kinh Bát Nhã này và nằm lòng trong bụng. Sau khi trở về nhân
gian, ngài Long Thọ chép lại Kinh bằng tiếng Phạn và viết nhiều bộ luận
để xiển dương giáo lý Bát Nhã Tánh Không của Đại Thừa. Trong số các bộ
luận do ngài Long Thọ sáng tác có nhiều bộ rất phổ biến và còn lưu
truyền đến ngày nay như Trung Luận, Thập Nhị Môn Luận, Đại Trí Độ Luận,
v.v…
Bây
giờ xin kể chuyện con gái của vua rắn nàga thành Phật. Chuyện này được
kể trong Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa – Mahayana Saddharma Pundarika
Sutra, phẩm Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) thứ 12 theo bản dịch Hán ngữ của
ngài Cưu Ma La Thập – Kumàrajìva -- từ bản tiếng Phạn vào năm 406 sau
tây lịch tại Trung Quốc. Bộ Kinh này cũng đã được dịch sang tiếng Việt
bởi Hòa Thượng Thích Trí Quang và Hòa Thượng Thích Trí Tịnh. Bản dịch
sau được phổ biến rộng rãi trong các Chùa Việt. Kinh kể rằng trong Hội
Pháp Hoa, Bồ Tát Trí Tích hỏi Bồ Tát Văn Thù (Manjusri) lâu nay ở trong
thủy cung của vua rắn đã độ được bao nhiêu con rắn. Bồ Tát Văn Thù nói
rằng ngài đã thuyết Kinh Pháp Hoa và độ vô số chúng sinh trong loài rắn.
Khi ngài Văn Thù nói như vậy thì có vô số bồ tát từ dưới biển vọt lên
và đến núi Linh Thứu nơi đức Phật đang nói Kinh Pháp Hoa. Bồ Tát Trí
Tích hỏi lại Bồ Tát Văn Thù rằng Kinh Pháp Hoa là vua trong các Kinh nội
dung cao sâu vi diệu không phải ai cũng có căn cơ đủ để tu hành mà
thành Phật mau được. Ngài Văn Thù liền kể rằng có người con gái của vua
rắn ở long cung mới có 8 tuổi mà “căn tính lanh lẹ, có trí tuệ, khéo
biết các căn tính hành nghiệp của chúng sinh, được pháp tổng trì, các
tạng pháp kín rất sâu của các Phật nói đều có thể thụ trì, sâu vào thiền
định, rõ thấu các pháp. Trong khoảnh sát na phát tâm Bồ Đề được bậc bất
thối chuyển, biện tài vô ngại, thương nhớ chúng sinh như con đỏ, công
đức đầy đủ, lòng nghĩ miệng nói pháp nhiệm mầu rộng lớn, từ bi nhân đức
khiêm nhường, ý chí hòa nhã, nàng ấy có thể đến bồ đề.”
Khi
ngài Văn Thù kể đến đó thì Bồ Tát Trí Tích không tin, nên ông phát biểu
cảm nghĩ rằng đức Phật Thích Ca cũng đã trải qua vô lượng vô số kiếp tu
hành khổ hạnh thì mới thành Phật được, lẽ nào một con rắn con mới có 8
tuổi lại có thể mau thành Phật như thế. Trong lúc Bồ Tát Trí Tích còn
đang giải thích suy nghĩ của mình cho ngài Văn Thù nghe thì con gái của
vua rắn hiện ra trước pháp hội đến đảnh lễ đức Phật và đứng qua một bên.
Lúc bấy giờ ngài Xá Lợi Phất là đệ tử có trí tuệ đệ nhất của đức Phật
Thích Ca còn nghi ngờ chuyện con gái vua rắn thành Phật nên hỏi người
con gái của vua rắn rằng, việc đó có đúng như vậy chăng. Con gái vua rắn
không nói gì mà đem hột minh châu đắt giá tặng cho đức Phật Thích Ca.
Đức Phật tức thì hoan hỷ nhận hạt minh châu của cô bé con vua rắn. Cô bé
rắn quay qua ngài Xá Lợi Phất và Trí Tích Bồ Tát hỏi rằng việc cô tặng
hạt minh châu và Phật nhận có mau không? Cả hai vị đều nói là rất mau.
Cô bé rắn giải thích với 2 vị này rằng việc cô thành Phật còn mau hơn
nhiều. Và rồi cô bé con vua rắn tức thì biến thành thân con trai và bay
qua cõi nước Vô Cấu ở phương nam, ngồi lên tòa sen và thành Phật với ba
mươi hai tướng tốt không khác gì các đức Phật. Bồ Tát Trí Tích và ngài
Xá Lợi Phất chỉ còn biết im lặng và tin là thật mà không nói được lời
nào.
Truyền
thuyết về con rồng cháu tiên của dân tộc Việt có phải cũng từ huyền
thoại rắn nàga mà ra và người Việt Nam phải chăng cũng là con cháu của
nhà rắn thần linh này? Dẫu sao thì dòng dõi Lạc Hồng cũng hơn các dân
tộc khác ở chỗ có một nửa cốt cách là tiên.
Huỳnh Kim Quang