Mai vườn Đông Mỹ còn không?


Tác giả: Nhà thơ Hải Như
30/01/2013 15:34 (GMT+7)
Số lượt xem: 113666
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ngoại thành phía nam Hà Nội có một vườn mai quí gồm trên trăm cây của một gia đình có dòng dõi xưa tham gia Đông Kinh nghĩa thục, chẳng biết nay còn không?


Vườn mai của cụ Nguyễn Ngọc Quỳnh thừa hưởng của cha một danh sĩ nổi tiếng quanh vùng năm đầu thế kỷ, vừa dạy học vừa chữa thuốc chuyên trị những bệnh nan y.

Xuất xứ của vườn mai theo lời kể của chủ nhân do nhà sư pháp danh Tăng Cang tặng giống để tạ ơn được chữa khỏi bệnh trọng. Đó là một giống mai của nhà chùa chiết tặng, từ một cây đã nhân giống lên hàng trăm cây để lưu giữ. Giống mai quí bởi nở từng chùm hai trái ta gọi là "song mai" khác với các cây mai ở chùa Hương cho một trái. Vườn mai của gia đình cụ Quỳnh ở thôn Đông Mỹ nên mọi người đặt tên là vườn mai Đông Mỹ xã Ngọc Hồi.

Giới anh em văn nghệ Hà Nội có lẽ không ai là không biết, không đặt chân một lần tới vườn mai quí Đông Mỹ để thưởng thức một loài hoa đã đi vào thơ phương Đông. Ví như "Thánh Quát" nhà thơ họ Cao người Thăng Long ở làng Phú Thị bên kia sông Hồng đã tôn mai với hai câu thơ chữ Hán:

"Thập tải luân giao cầu cổ kiếm

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa"

Tôi xin phép phỏng dịch:

" Mười năm bạn hiếm như gươm báu

Một đời riêng phục có hoa mai"

Ảnh minh họa. trunghocnguyenbatong.com

Hoa mai được các nhà thơ phương Đông từ đời Tống, đời Đường và ở ta từ đời Trần, đời Lê đều lấy làm biểu tượng của tâm hồn cao thượng thanh khiết, một cốt cách mang tính đặc trưng của kẻ sĩ phương Đông. Với dáng đứng mà chỉ loài mai mới có: quắc thước, đầy góc cạnh, không nhẵn nhụi phẳng phiu mà gân guốc xù xì, vỏ cây lốm đốm màu rêu phong cổ kính.

Ngày ấy thời chống Mỹ ở Hà Nội, khu tập thể Nguyễn Công Trứ tôi ở hình thành một nhóm anh em làm báo chí, văn học, nghiên cứu do hợp tính tình và trọng nhau nhân cách, tìm đến nhau đi lại gặp gỡ bàn luận trao đổi chuyện văn chương. Căn gác tầng ba nhà H1 tôi ở được coi như nơi hội tụ. Những người anh lớn, những người bạn vong niên như nhà báo Phùng Bảo Thạch (cùng thế hệ làm báo với Hoàng Tích Chu, Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng...) thường không đến một mình mà rủ thêm nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, nhà sử học Đào Duy Anh, kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện cùng đến ngồi xếp bằng tròn trên chiếu căn gác của tôi.

Đã thành thông lệ vào mùa đông hàng năm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh cùng nhà nghiên cứu Đào Phan, nhà báo Lê Bách tự "phân công" theo dõi tiết "đại hàn" trên lịch, có nhiệm vụ "tiền trạm" đạp xe xuống vườn mai Đông Mỹ gặp cụ Quỳnh, ấn định ngày tổ chức cho anh em xuống "ngủ dưới mai". Nhóm chúng tôi được chủ nhân cho dựng một lều cỏ, một lán tranh ở giữa vườn để mùa hoa xuống ngủ lại đêm.

Giống như sen "tịnh đế" một cuống nở hai bông, mai quí vườn Đông Mỹ dài hoa có hai nhị cái, Lúc hoa mới đơm thì hai nhị cái chụm đầu vào nhau sau mới tách ra làm hai. Giống mai Đông Mỹ của chính chúng ta chứ không phải từ Trung Quốc như có người lầm tưởng. Bên Trung Quốc cũng có "song mai" nhưng thuộc một giống khác mà họ kêu là "song thọ" cũng ra một chùm hai trái. Chúng ta đem hoa ra đối chiếu: bông mai "song thọ" có sáu cánh còn hoa mai vườn Đông Mỹ chúng ta chỉ có năm.

Chủ nhân- cụ Nguyễn Ngọc Quỳnh không trồng một loài cây nào khác cho dù có thu hoạch cao mà chỉ giồng đơn thuần có mai. Chủ nhân đào ao lấy bùn đắp đất thành gò uốn lượn, tạo cho trăm gốc mai những thế đứng khác biệt.

Cùng với người anh họ là cụ Nguyễn Hữu Bằng, hai cụ thừa hưởng "ân trạch" cha ông để lại, đã sáng tạo ra một "rừng mai" thu nhỏ để theo lời hai tác giả hàng năm được đón những sĩ phu Thăng Long về kết bạn. Vào mùa mai nở, kể cả những năm chiến tranh. Khi giặc Mỹ nhằm thủ đô làm mục tiêu đánh phá ác liệt, còi báo động rú liên hồi, những khách "tao nhân" vẫn không quên hẹn hò nhau kéo về vườn mai Đông Mỹ. Nhiều nhất là những họa sĩ, những nhà nhiếp ảnh, quay phim và các văn nghệ sĩ nhiều chủng loại.

Mùa mai vườn Đông Mỹ để lại trong tôi một ấn tượng khó quên là mùa mai năm Hà Nội đánh thắng B52 không lực hoa kỳ. Nhóm "văn bút" xóm Nguyễn Công Trứ chúng tôi kéo nhau xuống vườn mai cụ Nguyễn Ngọc Quỳnh tổ chức ăn mừng chiến công lịch sử của Thăng Long vào vận hội mới. Hoa mai năm ấy tôi có cảm tưởng sắc và hương cũng cảm thông với lòng người, trắng khác thường và thơm kỳ lạ.

Buổi sáng dậy, trời rét già. Đứng trước một trăm cây mai cùng nở trắng xóa cả vườn. Nhà sử học Đào Duy Anh kéo tay nhà báo Phùng Bảo Thạch reo vui "Trời bỗng tuyết!". Ôi những bông tuyết ở đây lại ngào ngạt một mùi hương tao nhã, tỏa rộng lan xa để khách tới thăm được "gột rửa" tâm hồn.

Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, những người bạn vong niên khả kính mỗi năm một vắng bóng, những cây "lão mai" trong tôi có nhiều kỷ niệm. Vườn mai Đông Mỹ lúc này còn không? Và tác giả "rừng mai" thu nhỏ tạo cho các sĩ phu Thăng Long một vườn chơi tao nhã, nếu còn giờ đây đã cao tuổi. Xin cho nhà thơ Hà Nội vào sống ẩn ở Sài Gòn, qua bài viết này cầu chúc Nguyễn chủ nhân một tuổi già toại nguyện.

Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu thơ của nhà thơ Hải Như:

* VÀNG THAU

"Ngờ đâu đời thịnh bỏ tài nằm trơ"

Dịch thơ Nguyễn Trãi

 

Nhân cách Đào Duy Anh mãi mãi còn đây

Tôi thầm nhủ khi nghe tin anh ra đi mãi mãi

Bao giờ nữa chúng ta mới lại có một Đào Duy Anh. Cây đại thụ uyên thâm

Người khôi phục lại

Không chỉ khuôn mặt cha ông mà cốt cách tâm hồn

Tôi biết nhiều giông bão đời anh

Một chuỗi những trang buồn

Nhưng đã không để những trang buồn vây cản

Đào Duy Anh - trái tim đầy tự tin trong sáng

Chẳng đợi gặp mắt xanh anh mới hiến dâng đời

Câu thơ chữ Hán Nguyễn Trãi "Thịnh thế thùy chi hữu khí tài"

Tôi vui dịch tặng anh

Anh đón nhận với nụ cười rất trẻ

Đi bên anh tôi xin được làm đứa em nhỏ bé

Đào Duy Anh - anh không nhìn tôi "bé nhỏ" bao giờ.

Anh đã đưa đến gặp tôi khách quí - một nhà vua

Giới thiệu chúng tôi làm quen nhau

Hà Nội năm còn chống Mỹ

Người khởi xướng Thiền phái Trúc Lâm - Trần Thái Tôn thi sĩ
Qua bản dịch "Khóa hư lục" của anh sát nghĩa từng lời.

Anh đã cho thế hệ chúng tôi

Chìa khóa mở tung cánh cửa mọi chân trời

Tác giả từ điển lớp đầu tiên

Nhà ngôn ngữ học đầu tiên

Người chép sử không chịu uốn cong lịch sử

Mô hình nhân cách học giả Việt Nam trong Đào Duy Anh hội đủ

Một nhân cách còn sót lại hôm qua

Một nhân cách mới cũng bắt đầu...

 

Anh và tôi

Chúng tôi tin mai đời không lẫn lộn vàng thau

* CAO XUÂN HUY

Người có chìa khóa riêng mở kho báu tư tưởng phương Đông

Tựa những đích thực Người hiền

Sống và hiến dâng thầm lặng

Nhà không cao. Cửa không cao. Ghế ngồi cũng không cao

Nhưng chỗ đứng Cao Xuân Huy

Nhà đạo học chủ toàn chẳng có vật cản nào che lấp nổi

Người đến cũng như đi không xịch cửa

Đời giật mình tiếc muộn Một vì sao!

(Sài Gòn, 3/4/1996)

* Giáo sư Cao Xuân Huy, Người thầy- Nhà tư tưởng

 

http://tuanvietnam.net/thu-thang-long/2013-01-28-mai-vuon-dong-my-con-khong-


Âm lịch

Ảnh đẹp