30/01/2011 01:54 (GMT+7)
Số lượt xem: 3286
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở
Việc đời trước mắt luôn đi mãi
Trăm năm đầu đã bạc tóc rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai (1).


maiKhông nói ai cũng biết đó là bài thơ của Mãn Giác Thiền Sư (1052 – 1096)(2) , cứ mỗi độ xuân về tết đến thường được vang lên khắp đó đây. Bài viết này lúc đầu tôi không có ý định viết lại vì ai ai cũng đều biết và thuộc nằm lòng bài thơ tuyệt tác và đầy ý nghĩa này. Thế nhưng, khi đặt bút lên trang giấy thì ý định đó không đủ sức mạnh tồn tại thêm lâu hơn, và bài thơ lại được viết ra như là một tiền đề không thể thiếu, không thể cưỡng lại với bất kỳ lý do nào, bởi tự thân bài thơ là cả một mùa xuân trọn vẹn của đất trời, của quê hương đất nước mà trong bốn ngàn năm văn hiến vẻ vang, có hai ngàn năm Phật giáo Bi Hùng Lực song hành chưa bao giờ ngừng nghĩ.

Đúng vậy, bài thơ quá hay, quá ý nghĩa, hiểu được nhiều góc độ khác nhau. Chính hai yếu tố này đã thành lực tác mạnh mẽ, chắp đôi cánh cho nó đáp nhẹ vào tâm hồn người dân Việt chúng ta hằng bao nhiêu thế hệ, để làm cương lĩnh sống và phấn đấu vươn lên, vượt qua ngàn gian lao khó nhọc. Chính vì giá trị này bài thơ còn hạ cánh, đậu hiên ngang vào trang sách giáo khoa mà ngày nay học sinh cấp III cũng thuộc nằm lòng tinh thần nhân văn tuyệt vời của Mãn Giác Thiền Sư.

Việc đời cứ trôi đi mãi theo nhịp độ thời gian, kéo theo bao cơn lốc vô thường ;xóa rồi bày trong luân chuyễn. Thế mà Mãn Giác Thiền Sư lại nắm bắt được mùa xuân dừng lại, bảo mùa xuân phải là mãi mãi, bảo hoa mai cứ thong dong tự tại, thi nhau đua nở suốt bốn mùa, làm lá chắn tinh thần dõng mãnh , đương đầu với mọi khổ đau trần thế. Để rồi Mãn Giác Thiền Sư gởi lại mùa xuân trường lưu ấy vào trong mỗi tâm khãm chúng ta, như là một bảo vật, để muôn đời sau chúng ta gìn giử. Các thế hệ cháu con mai này cũng tín cẩn, vinh hạnh cất giử, khi cần sẽ mở ra cho mùa xuân tràn ngập, cho hoa mai thi nhau đua nở mỗi khi trường đời vấp ngã đau thương.

Con người ta ở đời thường hay nói chuyện xui của năm cũ, chuyện tốt của năm mới và chúc nhau những lời tốt lành rập khuôn, đôi khi trong một hoàn cảnh nào đó nó lại là mỹ từ, sáo ngữ không hơn không kém.

Mùa xuân ở đây chỉ là ba ngày tết thôi sao ? Sao lại sớm quên đi một mùa xuân mãi mãi mà Mãn Giác Thiền sư đã tín cẩn giao phó cho chúng ta cất giử hằng bao lâu nay !Mùa xuân đó mới đích thực là mùa xuân của an vui, tự tại , lúc nào, khi nào nó cũng sẵn sàng đến với chúng ta. Đó không phải là một thứ “phép lạ”rẻ tiền dành cho kẻ cuồng tìn mê sảng mọi thời đại, mà Mãn Giác Thiền Sư ban cho chúng ta. Vì không phải là “phép lạ”nên bài thơ không có chút linh hiển huyển hoặc nào có thể giúp chúng ta nhe răng cười mãi với niềm vui riêng của mình và đạt cho nó cái tên MÙA XUÂN.

Mùa xuân của Mãn Giác Thiền Sư ngự trị trong tâm thức mỗi chúng ta. Tâm của tỉnh thức ;tỉnh thức chứ không mê mờ, bởi lẽ do mê mờ nên luôn bị lường gạt bởi cái gọi là MÙA XUÂN của ngoại cảnh. Mùa xuân này luôn động, luôn hối hả, chộn rộn tất bật để chào đón chính nó. Thở không ra hơi mà miệng cứ tuôn ra những lời chúc tốt lành “Nhân Mùa Xuân Mới”.Những đối đãi không thật do chính nó tạo ra và ươm mầm cho tương tác trùng điệp sản sinh.

Mùa xuân của Mãn Giac Thiền Sư vì là mùa xuân của tâm thức chúng ta nên không có phạm trù “Xuân Cũ”hay “Xuân Mới” và “Xuân Đi” hay “Xuân Đến”.Từ ý nghĩa đó chúng ta không quá ngạc nghiên khi bài thơ nói về MÙA XUÂN (Thật ra đây là bài kệ dãy chúng) mà lại mang một cái tên “ xui xẻo”, đối nghịch : CÁO TẬT THỊ CHÚNG !(Trên giường bệnh dạy chúng).Và nó được Mãn Giác Thiền Sư cất cao giọng đọc trước khi…thị tịch ! Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy sự đối kháng chan chát với MÙA XUÂN ngoại cảnh.

Chưa hết, bài thơ này của Mãn Giác Thiền sư ra đời vào tháng 11 âm lịch(niên hiệu Hội Phong thứ 5-1096) nào phải đang độ giữa MÙA XUÂN ! Rõ là nghịch lý ! Cái lý của thế gian. của ngoại cảnh.

Nhưng, từ những nghịch lý đó, sản sinh tiếp theo một nghịch lý khác nữa, đó là bài thơ lại được nhắc đến nhiều nhất vào mỗi dịp …MÙA XUÂN ! Xuân ngoại cảnh ! Và tất cả chúng ta hiện vẫn đang sống trong MÙA XUÂN ngoại cảnh này. Không sao cả, vì chúng ta đã ý thức được điều đó. Từ trên nền tảng này chúng ta hiểu bài thơ của Mãn Giác Thiền sư như là một lời nhắc nhở cần thiết trước bao nỗi khổ đau của con người, mượn MÙA XUÂN ngoại cảnh để làm điểm mốc rủ bỏ những phiền muộn suốt một năm trường lận đận bôn ba vật vả. Cjho nên bài thơ trong ý nghĩa náy còn gởi gấm ước vọng thầm kín sâu xa là mong muốn mùa xuân còn mãi, như để lưu giử những may mắn, vui tươi ở bên mình và ở mọi lúc mọi nơi .

Tôi đã có lần chứng kiến một “Đại Gia” do làm ăn thất bát, nọ tín phiếu ngập trời do không ít lấn sụp sàn chứng khoán. Anh ta nâng ly bia cụng vào ly tôi đang cầm, cất giọng lè nhè hai câu thơ cuối mà đôi mắt ngấn lệ rưng rưng : ”Chớ Bảo Xuân tàn Hoa Rụng Hết-Đêm Qua Sân Trước Một Cành Mai”! Họ gởi gấm niềm hy vọng vào ý nghĩa câu thơ như để tự an ủi cho chính mình. Tôi lúc đó vì cám cảnh của anh cũng góp vui :”Chớ Bảo Sụp Sàn là Mất Hết – Đêm Qua Còn Có Một Niềm Tin “. Rồi cả nhóm lại lao vào bàn luận bài thơ như chưa bao giờ có nỗi buồn.

Lần khác, người chị bạn tên Giàu, có nhờ tôi đứng làm chủ hôn họ nhà trai và xuống tận Thốt Nốt-Hậu Giang đón dâu. Một lão nông họ nhà gái tiếp ly rượu lễ xin nhập gia của tôi một cách vui vẻ nhưng lại vỗ vai tôi nói “Qua già rồi, giờ lại lo cho con cháu. Nhưng đừng tưởng Qua hỏng biết gì ráo trọi à nghe. Nghe nè (ngâm)

XUÂN KHỨ BÁCH HOA LẠC -
XUÂN ĐÁO BÁCH HOA KHAI -
SỰ TRỤC…”

khiến tôi giật mình vì đã có ý nghĩ xem nhẹ sự hiểu biết của ông ta.

Cách đây hai mùa xuân, có một chàng thanh niên thuộc thế hệ 8X têm Lâm, chuyên viên ngành tin học, đến nhờ tôi viết mấy chữ thư pháp. Khi anh ta nói ra ý định nội dung muốn nhờ khiến tôi ngạc nhiên nhưng giã đò lần lựa khuyên anh ta tìm câu khác. Anh ta nhất định không và nói “Em thích câu này từ khi còn học trung học. Rất tiếc không biết tác giả của nó là ai “.Anh ta mừng rở ra mặt khi tôi nói tác giả của câu thơ này và đọc cho anh ta nghe toàn bộ bài thơ. Anh ta vô cùng phấn chấn và lại muốn được tôi viết tặng toàn bộ bài thơ này. Tấm thư pháp này hiện đang được vẫn còn treo trang trọng trong phòng khách nhà anh ta.

Một vài chuyện nhỏ trên cho thấy bài thơ có sức sống và tác động nhiều mặt trong xã hội trên bình diện MÙA XUÂN ngoại cảnh. Và hôm nay bài viết này cũng chỉ góp phần cho mùa xuân ngoại cảnh, bằng một bài thơ của MÙA XUÂN NỘI TÂM.


Chú thích (I):

NGUYÊN ÂM

Xuân khứ bách hoa lạc – Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá – Lão tòng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
 

(Cố Hòa thượng Thích Thanh Kiểm đã dịch thơ như sau :)

Xuân đi mang cả một mùa hoa
Xuân đến hoa lòng nở với ta
Muôn sự thăng trầm qua nước mắt
Một dòng tuổi mộng lại đi qua.
Đâu phải xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.

Chú Thích (2):

Thiền sư họ Nguyễn, tên Trường. Quê ở Lũng Chiền, Lảng An Cách. Thân Phụ là Hoài Tổ, làm chức Trung Thơ Viên Ngoại Lang.

Mãn Giác là tên Thụy do vua ban lúc ông thị tịch.

Link: http://www.giaodiemonline.com/noidung_detail.php?newsid=5521



Âm lịch

Ảnh đẹp