29/01/2011 17:37 (GMT+7)
Số lượt xem: 2960
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ngày xuân, nhiều thiện nam tín nữ thường nô nức đi lễ chùa. Vào dịp này ai cũng có thể cảm nhận một cảnh giới nghi ngút hương trầm linh diệu.

Những ngôi chùa dù có lặng lẽ, u trầm suốt những tháng đông lạnh giá vẫn trầm tích văn hóa tín ngưỡng trên từng mái ngói cổng chùa, tượng gỗ, tượng đất, gác chuông…

Đến giêng hai thì khách thập phương lại tìm về tham quan các chùa và lễ Phật. Cũng như các Phật tử thuần thành, tôi vẫn thường “lên” chùa lễ Phật, cũng là dịp để hái lộc đầu năm.

Dọc dài trên những nẻo đường đất nước, tôi đã “lên” chùa từ thời niên thiếu. Trong ký ức tôi vẫn còn ghi dấu những ngôi chùa lớn tại Huế mà tôi hằng ngưỡng mộ.


Những ngôi chùa danh tiếng đã có hàng trăm năm như chùa Thiên Mụ, Từ Đàm, Từ Hiếu, Diệu Đế, Thiền Tôn, Tra Am… Còn in dấu trong ký ức tôi “Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”. Vẫn còn lung linh những đêm hoa đăng trên sông Hương trước chùa Thiên Mụ.

Trong nhiều lần khác nhau, tôi đã lặn lội vô thăm chùa Phúc Kiến tại Hội An để rồi ngẩn ngơ trước mái chùa cong lợp ngói xanh mang dấu ấn kiến trúc của người Hoa.

Lần đầu tiên bước vào động chùa Huyền không trên dãy núi Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng, tôi có cảm giác như đang đến một cảnh giới khác.

Nhiều năm sau, tôi hành hương phương Nam, tham quan các ngôi chùa cổ. Tôi nhớ mãi lối kiến trúc chùa Hang ở Trà Vinh mang dấu ấn của người Khmer – Nam Bộ. Mấy năm gần đây, tôi đã có nhiều dịp đến tham quan chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc tại Hà Nội.

Đi nhiều, biết được nhiều về chùa Việt Nam, tôi vẫn yêu kính các ngôi chùa cổ ở khắp các vùng miền của đất nước. Không thể làm một cuộc so sánh nào về vẻ đẹp của hàng ngàn, hàng vạn ngôi chùa, từ những ngôi chùa làng, chùa thôn, chùa sóc… đến những ngôi chùa lớn, danh tiếng, quốc tự. Với góc nhìn riêng của mình sau các chuyến đi điền dã, tôi có biết chút ít về các ngôi chùa cổ mà tôi hằng tôn kính và ngưỡng vọng.

Trên vùng “Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ” (thơ Quang Dũng), ngôi chùa Thầy đã được xây lên vào thời vua Trần Nhân Tông – đầu thế kỷ 12. Qua cầu Nguyệt Tiên, có con đường nhỏ lên núi, trên ấy có hai ngôi: chùa Cao và chùa Bối Khê.

Người hướng dẫn đoàn làm phim tài liệu thăm chùa Thầy, nói “Chùa Thầy còn có tên là Thiên Phúc Tự, là chùa Cả, tọa lạc trên núi Sài Sơn. Buổi đầu chùa Thầy chỉ là một cái am nhỏ do ngài Từ Đạo Hạnh lập ra để tu hành”.

Ngày này, chùa Thầy là một danh lam thắng cảnh ít có nơi nào sánh kịp. Từ trên sườn núi trở xuống có chùa Thượng, chùa Trung và chùa Hạ làm thành một chữ Vương. Phía trước chùa có hồ bán nguyệt, ở giữa có nhà thủy đình làm nơi diễn múa rối nước. Hai bên chùa có hai chiếc cầu lợp mái ngói được đặt tên là Nhật tiên và Nguyệt tiên.

Tôi đã đi qua cầu Nguyệt tiên rồi men theo con đường nhỏ lên núi. Đường dốc đá trơn lượn lờ rất có đi. Càng lên cao thì cảnh sắc càng biến ảo. Trên đỉnh cao hoa sứ nở trắng như bức tranh thủy mặc. Khách tham quan, viếng cảnh như đàn cò tìm về đậu trên núi.

Đứng ở trên cao nhìn xuống Thủy Đình giữa hồ bán nguyệt mới thấy hết vẻ u tịch và thanh nhàn. Lên chùa Bối Khê được nghe kể truyền thuyết về ba kiếp của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chùa thờ các tượng Kim Cang, La Hán bên cạnh tượng Từ Đạo Hạnh khoác chiếc áo vàng.

Tôi nán lại ở chùa Thượng. Thời gian có thể đã mười thế kỷ đi qua nhưng vẫn còn để lại dấu vết, dấu vết trên từng cấu trúc của chùa. Những cột gỗ đường bệ đã bị thời gian xối mòn nhưng những mái ngói âm dương vẫn còn giữ được dấu ấn thời gian. Tôi còn biết thêm về ngôi chùa Cả u trầm này.

Từ thế kỷ 17, ban đầu chỉ có ba chùa, đến đời ông Phùng Khắc Khoan đã xây thêm hai chiếc cầu lợp mái ngói nên mới được ấm áp và thơ mộng như thế. Đến nay, chùa Thầy vẫn giữ được vẻ dáng kiến trúc truyền thống, độc đáo, hiếm có của Việt Nam.

Chùa Thầy nằm trong “quần thể” du lịch – văn hóa suốt bốn mùa trong năm. Quần thể gồm có núi Sài Sơn nổi tiếng, chung quanh là những ngôi làng cổ còn giữ nét quê xưa. Vẻ đẹp văn minh của thời nông nghiệp hàng trăm năm vẫn còn lưu giữ trong từng cái cổng làng, từng cái ao làng, trong từng viên đá ong khô, trong tầng tầng gian nhà nối liền nhau, trên những con đường làng, trong những khu vườn trái cây…

Về thăm chùa Thầy, tôi như trở về với cội nguồn. Mùa xuân này, có bao nhiêu người nữa sẽ được tắm mình trong cảnh giới linh diệu của chùa Thầy?

Theo: Văn hóa Phật giáo tết Tân Mão


Âm lịch

Ảnh đẹp