27/01/2011 17:59 (GMT+7)
Số lượt xem: 3627
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Từ lâu đời, mỗi năm cứ vào khoảng giữa tháng chạp là người kinh kỳ lại thấy những người ở làng trồng đào Nhật Tân vác cành đào nguễu nghện trên vai hãnh diễn đi ngoài phố bất kể gió bấc, mưa phùn, giá rét họ cũng khoác áo tơi đi khắp các phố phường. bây giờ thì đa số họ đi xe đạp hoặc xe máy chở bốn hoặc năm cành phía sau.


Đặc biệt, nét mặt họ luôn ẩn dấu một nụ cười tự tin. Niềm tin của người đang đem cái đẹp đến cho mọi người hay nụ cười tự hào của người đã phơi sương, tắm gió quanh năm để chăm chút cho một vườn hoa chỉ để chờ ngày này mang phục vụ nhân gian.

Vì vậy, bất cứ bạn đã gặp người bán hoa đào nào đi rong trên đường phố hay bày bán hàng loạt trong chợ hoa chạy dài trên các phố Hàng Luợc, Hàng Rươi, Hàng Khoai thì các cuộc mua bán dù được hay không vẫn diễn ra vui vẻ.

Từ hàng ngàn năm qua, hoa đào đã là biểu tượng văn hóa của mùa xuân, là sứ giả trong giao tiếp. Do đó khi đến với hoa đào cả người mua lẫn người bán dường như đã tự điều chỉnh cách văn hóa ứng sử của mình sao cho xứng với cái đẹp của một loài hoa đã được mệnh danh là chúa của mùa xuân.

Bích đào dù chỉ có một bông nở trên bất cứ cành to hay cành nhỏ đều toát lên một vẻ kiêu sa đến nao lòng. Nụ hoa ví như đôi môi chúm chím người con gái, khi cánh hoa nở thì rực rỡ như người con gái đang cười.

Nào nụ, nào hoa chen nhau trên những cành hoa tạo nên một màu hồng thắm rất đặc biệt. Dù dưới mưa phùn, hay dưới nắng xuân thì đào bích vẫn có một vẻ đẹp kiêu hãnh, bất cứ ai đã nhìn cũng lưỡng lự khó bỏ qua.

Người Thăng Long xưa thường mua hoa đào về cắm trong hai lọ lục bình đặt phía trên hai bên tủ chè hoặc cắm lọ đặt trên bàn tiếp khách. Các cụ còn mua hoa đào tỉa về cắm trên bàn thờ gia tiên. Các cơ quan thì mua đào cây, đào thế về đặt tại phòng khách. Khách đến thăm ngày đầu năm thấy hoa đào là cảm thấy hạnh phúc và may mắn đã đến với mình.

Vẻ đẹp tuyệt mỹ của hoa đào được ví như người con gái hương sắc hoặc với những mỹ nhân truân chuyên như nàng Kiều là “Phận má đào” hoặc những cô gái đẹp được phái hào hoa để ý là “Số đào hoa” hay các cô gái trong gia đình quyền quý không phải lao động chân yếu tay mềm được ví là “Đào tơ liễu yếu”…

Người Thăng Long xưa hay người Hà Nội ngày nay vẫn yêu, vẫn quý hoa đào nhất là đào bích. Mỗi mùa xuân về là dịp những người yêu hoa lại bỏ hẳn một buổi lên Nghi Tàm, Nhật Tân hoặc lững thững trong chợ hoa để xem hoa và chọn hoa.

Chơi hoa đào giống như con người tìm lại người bạn tri kỷ tri âm. Chơi hoa trong những ngày tết là để quên đi những ngày vất vả quanh năm, để tái hiện những hình ảnh mỗi thời đã qua trong mảnh đời mỗi người.

Lưu lại những nét đẹp để nhân lên trong cuộc sống, như hoa đào mỗi năm vẫn trải qua những thời tiết khắc nghiệt để tặng cho thế nhân những nét đẹp đầy tính văn học, hội họa và thi ca trong suốt mấy ngàn năm qua.

Theo: Unesco Ẩm thực Việt


Âm lịch

Ảnh đẹp