Đạo của xóa tan bao khổ
buồn quá khứ, nên đức Di Đà luôn tiếp dẫn kẻ trầm luân, Đạo là đường đến
Niết Bàn tịch tịnh trong hiện tại, nên Đức Thích Tôn Bạc Già Phạm ứng
thế độ sanh, Đạo của tương lai không bao giờ mất được, làm niềm hy vọng
cho bao người duyên chưa đủ, nên xuân về đức Đương Lai Di Lặc lại tươi
cười chờ những lộc chồi của Phật Pháp ngày mai.
Người học Phật đón xuân cũng có
niềm vui không kém gì trần thế, cũng bánh, cũng trà và mứt tết ngọt
thơm. Thế nhưng Xuân của người học Phật có thêm giọt mật của an lạc và
giải thoát, đôi khi cũng cộng vào chút ít hương vị đắng cay. Vui cùng
xuân là ý thức sống tỉnh giác trong từng phút giây hiện tại, hương vị
cay đắng của cuộc đời là niệm sống cảnh tỉnh ở tương lai, nên gọi là xuân thiền.
Lão Thiền Ông ngồi nhìn những chiếc lá
thu cuối cùng rơi trong khoảng chiều vàng nghe man mát, gió nhẹ gọi đông
về từng giọt khô lạnh, buốt giá đến rồi ư? Đông đến cho mọi ý nguyện
như ngưng nghĩ, để khoảng thời gian chậm lại, rồi tính từng ngày để đón
xuân sang. Xuân là thế, là nỗi chờ háo hức, là ấm nồng, là mật ngọt của
ước mơ, là hy vọng của tương lai cho những điều tốt đẹp, là an lạc trong
phút giây đầu không một niệm âu lo.
Thiền thất chiều hạ từng giọt mưa, mưa
không ngừng rơi gõ đều trên mái, tí tách từng giọt đều nghe như tiếng mõ
niệm Kinh. ánh tà dương cuối trời yếu ớt như lặng im dần để bóng tối
tràn qua. Bổng ầm một tiếng sấm rồi ánh chớp giăng qua ngang trời làm
sáng cả một khoảng trời không, Thiền Ông im lặng ghi nhớ.
Chiều lại một chiều nữa, bên tách trà
xông hương hỏi đạo, gió ngoài hiên xào xạt, ao sen trước chùa chỉ còn
trơ lại những cành lá vàng khô khắc, từng bước chầm chậm con cò già ngơ
ngác tìm lại những gì còn sót lại của hạ vừa sang, sơ xác từng chiếc lá
vàng cố níu lại thời gian. Rơi rơi thời gian của thu như không ngừng
lại. Thiền Ông im lặng ghi nhớ.
Rồi Đông sang như hiu hắt, cành mai
trước sân chùa chỉ còn trơ lại những cành già da dẽ sần sùi im đậm nét
hình hài cát bụi thời gian. Thiền Ông đứng trước hoa rồi nhìn mình chẳng
khác gốc mai già là mấy, tóc dã điểm sương chân chùn gối mõi, trên thân
thêm một chiếc áo lạnh dày để chống chọi cùng khí lạnh chiều đông. Một
lần nữa Thiền Ông im lặng ghi nhớ.
Tiếng chuông khuya vang lên, Lão Thiền
Ông đã ngồi trước bàn Phật, lò trầm hương một nén, khói nhẹ nhàng bay
bay, ánh sáng của ngọn đèn khuya lập loè phá tan bóng đêm cô lạnh, Thiền
Ông nhìn Phật tượng, Phật tượng nhìn Thiền Ông, cả hai bỗng nhiên như
là một, tượng hay là ông, ông hay là tượng có gì đâu sai khác, miên mang
với niềm diệu chợt Thiền Ông bỗng giật mình, nắng váng từng vệt nhỏ,
soi sáng cả Thiền đường, làng gió xuân âm ấm, thổi ngang trước cửa chùa,
lòng nghe từng giọt nhẹ làm ấm áp cõi lòng, nhìn ra trước sân mai vàng
đả nở rộ, giọt sương cuối cùng đọng trên lá sen đã bắt đầu khô lại, ngộ
rồi. Vạn Hạnh Thiền Ông đáp xuân một lời Thiền:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thạnh suy vô bố úy
Thạnh suy như lộ thảo đầu phô
“Thân người ánh chớp, có không hạ mưa chiều.
Cỏ cây xuân tươi tốt, thu qua lại rụng rời,
Cuộc đời thạnh suy đến, có gì sợ ai ơi,
Chẳng khác chi giọt nước, khô trên ngọn cỏ thôi.”
Không biết từ bao giờ xuân trong cửa
Thiền luôn là niềm háo hức, đón xuân, chúc xuân, xuân thiền, xuân an
lạc, xuân Di Lặc.v.v… vô số các cụm từ chỉ cho xuân, như làm cho xuân
thêm niềm vui mới, như ấm lại cảnh thiền qua một khoảng trời đông. Ánh
xuân rơi nhẹ trước sân chùa làm cho biết bao Thiền Lâm lão nạp phải thốt
lời tán thán.
Gốc mai trước sân Phương Trượng theo
từng đợt gió đông về cây cành gần như trụi lá, tiểu đồng quét những
chiếc lá cuối mùa để chuẩn bị đón xuân sang, bâng quơ rồi lại bâng quơ
tiểu nghĩ hoài không thấu, hoa Mai đâu hết rồi? bao giờ hoa nở lại, quét
tới rồi lại lui, lá cũng như tiểu không biết ngày nào lại đâm chồi trở
lại, Tiểu lại bạch thầy hoa Mai bao giờ nở? Để chén trà xuống, Thiền Ông
im lặng mĩm cười.
Sáng nay sân chùa lại vang tiếng chổi,
tiếng sạo xạc cũng như thường ngày, trong Trượng thất Thiền Ông nghe
được tiếng quét đều như nhẹ và nhanh hơn, bổng có tiếng reo: “hoa Mai đã
nở” tiểu lại chạy đến bạch thầy nụ mai vàng đã hé nở sáng nay. Thiền
Ông vấn tiểu: “sao không mặc áo ấm” chợt Thiền Ông im lặng mĩm cười,
xuân đã đến rồi đây.
Tết này Thiền Ông không nghe tiếng chú
tiểu reo mừng khi thấy mai vàng nở nữa, gió xuân từng đợt thổi vào sân
chùa làm lay động những cánh mai xuân, nắng xuân vàng ươm soi sáng cả
một góc thiền đường, ngoài ô cửa sổ con chim họa mi đang líu lo ca hát,
tiếng con cá dưới ao sen quẩy đuôi chào buổi sáng, Thiền Ông chợt thấy
bóng dáng của mình ẩn hiện trong làng nước trong xanh. Đã lâu không còn
bận tâm với bóng hình mình nữa, nay nó bổng ẩn hiện, nếp thời gian in
hình trên diện mục, tóc đã điểm màu trắng xóa bản lai, Thiền Ông ngắm
nhìn bổn lai diện mục của một cuộc đời “Vân Thủy Tam Thiên” .
Thiền tư, Tức niệm: “Bạch Thầy” tiếng ai
nghe như thân quen, kéo những niệm đầu quay về với hiện tại, quỳ trước
mặt Thiền Ông một Tăng tướng trang nghiêm, chăm chú nhìn một lần nữa
người nhận ra rồi “chú tiểu mừng Mai nở” thoát đã bao nhiêu tuế nguyệt
mà con đã lớn chừng này, chả trách ta đã là Lão Tăng bạch phát. Tăng vấn
Thiền Ông “Sanh tử sự đại” Ông đáp Tăng rằng: “tứ tướng giai không”
.Mãn Giác Thiền Ông như nhận được quà tết, Người cảm ơn xuân bằng mấy
vận thiền thơ:
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá ,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
“ Xuân bỏ đi hoa còn đâu nữa,
Nay xuân về từng đóa nở vàng tươi.
Việc đời qua trước mắt,
thoáng chốc tóc bạc rồi.
Đừng lo xuân tàn hoa rụng hết
sân chùa đêm vắng, cành mai nở vàng.”