Theo
các nhà khoa học thì mèo rừng đã được thuần hoá thành mèo nhà cách đây
ít ra cũng gần vạn năm! Đến chừng ấy thời gian nên mèo rất gần gũi với
con người, và vậy mà tập quán của mèo đã biến thành những thành ngữ khá
phong phú, biến thành chuyện cổ tích, thành lời ru, lại len lỏi vào sách
giáo khoa trong những bài học vỡ lòng:“Con mèo trèo lên cây cao / Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà / Chú chuột lặn lội đường xa / Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.”
Mèo
thuộc họ… Mèo, có nanh nhọn, có vuốt sắc, có những động tác lanh lẹ của
loài thú ăn thịt; nhưng khi thưởng thức con mồi, mèo không hùng hổ cắn
xé từ mảng thịt lớn, mà chậm rãi nhấm nháp từng miếng nhỏ. “Ăn nhỏ nhẹ như mèo” là vậy! “Ăn như mèo hửi”
là để chỉ những người ăn ít như mèo! Trong tướng số học, người nữ phải
“ăn như mèo” mới là đắc cách, đó là tướng sang trọng, tướng mạng phụ,
còn người nam thì phải ăn hùn hục như cọp mới là tướng đại quyền; ngược
lại thì hỏng, vì “nam thực như hổ, nữ thực như miêu!” )
Bắt được chú chim chú chuột nào thì mèo ta “có chi dùng nấy”, không hề xin thêm chút muối cho vừa miệng, đó là thói quen “ăn nhạt như mèo”.
Thực ra, mèo không hề ăn nhạt, vì lượng máu trong con mồi đã đủ cung ứng lượng muối cho cơ thể mèo. Thành ngữ “ăn nhạt mới biết thương mèo” là chỉ những kẻ trong cùng cảnh ngộ mới thương yêu nhau. Với những kẻ vừa thấy lợi, nhất là vừa thấy gái đẹp thì hai con mắt đã chớp chớp thì thì có khác gì… “như mèo thấy mỡ”.
Tánh hay ăn vụng (không có trong ngoặc kép) thì mèo bị ghi vào sổ bìa đen: “Tuổi mẹo là con mèo ngao / Hay quấu hay quàu ăn vụng thành tinh”. Mà ăn vụng thì phải lặng lẽ, giống như kẻ có tội thì luôn che dấu tội lỗi, hoặc như những kẻ hẹp hòi vớ được của bất ngờ thì “im im như mèo ăn vụng” để thụ hưởng một mình. “Chó treo mèo đậy” là lời ông bà khuyên con cháu phải cẩn thận trong mọi hành vi thường nhật. Nếu có kẻ ranh ma, đạo đức giả như “mèo khóc chuột”. thì cũng có kẻ ngây thơ như làm chuyện “chuột cắn dây trói cho mèo” để cứu kẻ thù mình! Khi phân bố công việc gì, thì cũng tuỳ kẻ có sở trường riêng mà giao nhiệm vụ. Như “trâu cày ngựa cởi”, “chó giữ nhà, mèo bắt chuột”, nhưng lắm lúc “ không có chó, bắt mèo ăn cứt” (dùng trong việc nhỏ nhặt).
Trong đời, có kẻ thì ma mảnh lâu năm riết rồi “như mèo già hoá cáo”, lại cũng có kẻ to tiếng lắm lời nhưng bản tính không khác “mèo già thua gan chuột nhắt”
Hai đối thủ không cân sức, nhưng nếu kẻ yếu thế có trang bị phương tiện, mưu mẹo hơn thì cũng chưa chắc là “mèo nào cắn mỉu nào”, mà có khi“sắc nanh, chuột dễ cắn cổ mèo” không chừng!
“Bách nhơn bách bụng bách bao tử”. Có kẻ hay hợm mình “mèo khen mèo dài đuôi”, mà thực ra chẳng có tài cán gì. Lại có những kẻ thích chê bai người như “chó chê mèo lắm lông”, trong khi chó lại lông nhiều hơn mèo! Có người rộng lượng, thì cũng có kẻ bủn xỉn “buộc cổ mèo, treo cổ chó”; có người thông minh tài trí, thì cũng có kẻ đần độn ngu si như “chó khô mèo lạc”; có người thích “thẳng mực tàu” thì cũng có kẻ ưa xỏ xiêng “chửi chó mắng mèo”, rồi sinh ra “giận cá chém thớt”, “đá mèo quèo chó”! Người thì minh bạch công khai, kẻ thì chuyện không đáng giấu mà giấu “như mèo giấu cức”. Có người thì cẩn trọng, có kẻ thì liều lĩnh như “chuột gặm chân mèo”, hành động nầy có khác chi “vuốt râu hùm” hay “xỉa răng cọp”!
“Mèo mả gà đồng”, “Mèo đàng chó điếm”, “Mèo hoang lại gặp chó hoang / Anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai.” Là những câu mai mỉa nói về những kẻ vô lại gặp nhau. Và theo kinh nghiệm thì “Mèo lành chẳng ở mả / Gái lành chẳng ở hàng cơm”. Những loại trai gái nầy dễ hợp nhưng cũng dễ tan, vì “yêu nhau như chó với mèo”, làm sao có chuyện lâu dài?
Mèo dường như thiếu thiện cảm với con người, cho nên trong những thành ngữ, không câu nào có chữ “mèo” mà mang sự tốt lành. “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”. Thấy mèo là xui xẻo tới!
Mèo tuy sạch sẽ, nhưng lại cẩu thả “như mèo rửa mặt”, và lại “lôi thôi như mèo sổ chuột”(Sổ: làm vuột mất), giống như những người thờ ơ với công việc mà bỏ lỡ dịp may..
Trời đang nắng chát mà thấy “thỏ vuốt râu, mèo rửa mặt”, thì cầm chắc sẽ có trận mưa trút nước!
Trong chúng ta, ít ai mà hai lỗ tai chưa từng bị tra tấn bởi những lời cù cưa cù nhằng, dai như giẻ rách, suốt ngày cứ “lèo nhèo như mèo vật đống rơm” của bà xã ở nhà; lúc đó, nếu muốn yên cửa yên nhà thì các ông nên “tiu nghỉu như mèo cắt tai” là thượng sách! (hi)
Tuy vậy mèo cũng đức tính kiên nhẫn là “rình như mèo rình chuột”. Câu nầy hàm ý chỉ trích những kẻ hay để ý những chuyện riêng tư của người khác.
Có những vật không giá trị gì, nhưng bỏ thì tiếc, lấy thì không biết xài vào đâu, cứ vứt bừa. Kẻ khác mang về, lại vứt bừa. Cứ “chó tha đi, mèo tha lại” mãi!
“Mèo mù móc cống”, để diễn tả cảnh kẻ bất tài tuyệt đường sinh kế, phải làm những việc hạ tiện để đấp đổi qua ngày. Nhưng biết đâu có dịp may mà “mèo mù vớ phải cá rán” thì đời sẽ lên hương?
“Mèo ngao cắn cổ ông thầy / Cắn cho ổng chết, lôi thây đem về”.
Đó là lời nói láo để mua vui, không có ý xấu. Thì cũng nhân dịp năm
mới, kẻ viết bài nầy mạn phép được mạo muội vài dòng “thành ngữ về mèo”,
mong được góp phần vào việc vui xuân.
KHA TIỆM LY