Vì
hoàn cảnh nên đa số các chùa tại hải ngoại không có vườn
rộng để trồng hoa mầu và các cây ăn trái mà chỉ trồng
một số cây cảnh, đủ để làm đẹp cảnh chùa. Do
đó, những năm vừa qua, các chùa ở những nơi đông người
Việt cư ngụ đã mua hàng nghìn trái cam quít trước tết đề
làm quà phát lộc đầu năm cho Phật tử đến chùa lễ Phật,
nhằm tránh cho những cây cảnh quanh chùa khỏi bị hư hại.
Nhiều
người đi chùa hái lộc đầu năm cứ nghĩ tưởng hễ đầu
năm, hái được nhiều lộc thì quanh năm sẽ được hưởng
nhiều lợi lộc, được lên lương, thăng quan tiến chức,
buôn may bán đắt và trúng số vài chục triệu…. Thế nên
vào đêm giao thừa người người đến chùa hái lộc bẻ cành,
có người còn mang cả chậu hoa kiểng của chùa về nhà. Thật
đáng thương thay!
Đầu
năm đi chùa lễ Phật là một tập tục dễ thương của người
Việt, là một nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân
tộc, nhưng chỉ đi chùa lễ Phật thôi, xin đừng hái lộc,
bẻ cành, ngắt hoa, và cầu xin đủ thứ, mà thay vào đó là
tích cực gieo nhân trồng phước.
Hễ
muốn có lộc thì phải gieo nhân. Một khi nhân đã gieo
trồng thì tương lai cảm quả sẽ không sai khác, trồng dưa
được dưa, trồng đậu được đậu. Nhà Phật tin rằng
tất cả mọi chuyện chúng ta đang thọ hưởng bây giờ, đều
chỉ là hoa trái của những hành động của ta trong quá khứ,
và hiện tại ta đang làm gì thì kết quả tương ứng sẽ
xảy đến cho ta trong tương lai. Nếu muốn có cuộc sống
an lạc hạnh phúc hay muốn được hưởng lộc nhiều, phước
nhiều, cần phải gieo nhiều nhân lành. Thay vì hái lộc,
thay vì cầu xin Trời Phật, chúng ta nên gieo nhân lành bằng
cách nghĩ đến các điều thiện, nói các điều thiện và
làm các việc thiện. Thế nào là việc thiện? Chính là
những việc tốt, việc lành, những việc làm mang lại an lạc
hạnh phúc cho mình, cho người và không làm tổn hại đến
những chúng sinh khác. Một vài thí dụ cụ thể là ăn
chay, không sát sinh, phóng sinh, giúp nuôi trẻ mồ côi, săn
sóc người già, kẻ bệnh hoạn tật nguyền. Nói chung
là làm những công tác từ thiện xã hội.
Gieo
nhân lành, nhân thiện, không những sẽ được nhiều lộc
trong tương lai mà còn được cả phước và thọ, tức là
hưởng được nhiều điều may mắn tốt lành và có đượcmạng
sống dài lâu, không bệnh tật.
Con
người ta trên thế gian, ai ai cũng mong muốn giầu sang phú
quý, mạnh khoẻ sống lâu và may mắn; mà hầu như ít ai để
ý đến các loại nhân đã và đang gieo trồng: quả giàu
sang phú quý là nhân bố thí, quả mạnh khoẻ sống lâu và
may mắn là nhân không sát sanh, nhân phóng sinh và nhân giúp
đỡ người khác. Trong kho tàng truyện cổ Phật Giáo
có hai câu chuyện ngắn liên quan đến vấn đề gieo nhân hái
quả này.
Câu
chuyện thứ nhất lên quan đến nhân bố thí và giúp đỡ
người khác. Chuyện kể rằng: công chúa Nhật Quang, con
của vua Ba Tư Nặc nước Xá Vệ, có vẻ đẹp thuỳ mị, tính
tình đoan trang, thông minh và đức hạnh. Tuy sanh trong
hoàng tộc, sống cao sang , nhưng lùc nào vẫn giữ thái độ
nhã nhặn khiêm tốn, nhất là đối với những kẻ nghèo khổ,
tật nguyền, cô luôn luôn tìm cách giúp đỡ. Không những
vua cha và hoàng hậu yêu quý mà các quan lớn nhỏ trong triều
và dân chúng cũng quý mến công chúa không kém.
Một
hôm, trong lúc vui, vua cha nói với công chúa rằng: “cả nước
không ai đẹp, dễ thương và hạnh phúc bằng con, đời con
được như thế là nhờ sức của cha mẹ vậy…” Công
chúa Nhật Quang trả lời vua: “Tâu phụ vương, công ơn sinh
thành và dưỡng dục của phụ vương và mẫu hậu con không
bao giờ dám quên. Nhưng đời con được hạnh phúc như
thế này, con nghĩ cũng bởi ảnh hưởng của cha mẹ một phần
nào, nhưng phần lớn là nhờ kiếp trước con đã tu nhân tích
đức.”
Vua
Ba Tư Nặc bị chạm tự ái và muốn bảo thủ ý của mình
là đúng nên nhờ một viên cận thần tìm một người con
trai bằng tuổi thật nghèo để gả công chúa cho. Vua
nói với công chúa : “hôm kia con đã nói: “hạnh phúc của
con hiện tại là phần lớn do con đã tu nhân tích đức ngày
trước. Nay ta muốn xem lời ấy ra sao, nên ta đã quyết
định gả con cho một chàng thanh niên hành khất, nếu thật
như lời con nói con cũng sẽ trở nên giầu có sung sướng.
Con hãy sửa soạn ngày mai lên đường với chồng con…”
Sáng
ngày hôm sau, công chúa vào lạy tạ cha mẹ và từ biệt mọi
người rồi bình tĩnh ra đi với chàng hành khất. Cả
nhà và các quan cận thần đều khóc lóc thương xót, nhưng
không ai dám cản ngăn ý định của vua.
Rời
hoàng cung, hướng về miền quê, không biết đi về phương
nào lập nghiệp, công chúa hỏi chàng hành khất quê quán ở
đâu và vì sao mà phải đi hành khất. Chàng hành khất
nói gia đình ngày xưa cũng khá giả, nhưng vì ham chơi nên
khi cha mẹ qua đời phải bán hết cả ruộng vườn nhà cửa,
nay chỉ còn một sở vườn hoang, nên phải đi hành khất.
Một hôm đi lang thang thì gặp một vị quan hỏi gia thế rồi
dẫn vào cung gặp vua. Tôi không biết vì sao vua lại đem
công chúa gả cho một kẻ nghèo hèn như tôi.
Nghe
xong câu chuyện hai người quyết định về sở vườn hoang
còn lại để tạm trú. Họ tìm cách dựng một cái chòi
nhỏ nơi đây sinh sống. Không ngờ, đến khi đào đất
dựng cột nhà thì bắt gặp ba cái chum lớn niêm khằn cẩn
thận. Hai người mở ra thấy toàn là vàng bạc châu báu.
Công chúa vui mừng đem bán một số vàng bạc rồi mướn nhân
công tạo lập lâu đài vườn tược, trồng tỉa hoa quả.
Vốn sẵn có lòng từ, công chúa tiếp tục bố thí tiền cho
những người nghèo và giúp đỡ những người khác, nên kẻ
ăn người ở trong nhà và dân làng đều yêu mến hai người
và chẳng bao lâu sở vườn hoang biến thành lâu đài tráng
lệ, mọi người vô ra tấp nập.
Tin
đồn công chúa về tới hoàng cung. Vua Ba Tư Nặc nhất
mực không tin liền đến tận nơi dò xét thì quả đúng như
vậy, nhưng vẫn thắc mắc không biết tiền kiếp công chúa
đã gieo những nhân lành gì mà ngày nay lại gặt được nhiều
phước báo như vậy. Vua nghĩ ngợi không ra bèn tìm đến
đức Phật xin Ngài khai thị.
Sau
khi nghe câu chuyện công chúa do vua tường trình, đức Phật
bèn kể cho vua nghe câu chuyện từ thời đức Phật Ca Diếp,
có cặp vợ chồng thương buôn giầu có, người vợ hay làm
các việc bố thí cúng dường, qui y Tam Bảo, luôn giúp đỡ
người, nhất là với kẻ tật nguyền, nghèo khó; Nàng
cũng luôn luôn khuyên mọi người bỏ ác làm lành, quy y Tam
Bảo. Trong khi đó người chồng thì nghịch lại, mỗi
khi thấy vợ bố thí thì tỏ ý không vừa lòng, tìm cách can
ngăn…Một hôm nhân ngày lễ Tết, người vợ đi chùa lễ
Phật cúng dường Tam Bảo và bố thí kẻ nghèo trong ba ngày
liên tiếp, người chồng không bằng lòng mà muốn dùng số
tiền đó sắm sửa thêm nhà, thêm cửa. Người vợ khuyên
chồng nên dùng một số tiền làm các việc phước thiện,
giúp các người nghèo bởi vì theo kinh Phật dạy những người
nghèo khổ hiện tại đều do đời trước tham lam ích kỷ,
không bố thí giúp người…Nghe vợ giải thích, người chồng
tỉnh ngộ, từ đó không ngăn cản vợ mà còn rất hăng hái
làm việc phước thiện.
Này
đại vương, Phật nói -- Người vợ đó chính là công chúa
Nhật Quang ngày nay và người chồng công chúa hiện tại cũng
chính là người chồng thương buôn giầu có ngày trước.
Ngày trước lúc chưa tỉnh ngộ, anh ta bỏn xẻn, ngăn cản
việc làm phước thiện của vợ, nên ngày nay phải chịu đói
rách một thời. Còn công chúa Nhật Quang, vì đời trước
sốt sắng bố thí nên được quả báo giầu sang sung sướng,
nhiều người mến phục và thường khuyên mọi người bỏ
ác làm lành, quy y Tam Bảo nên ngày nay được quả báo thông
minh…
Vua
Ba Tư nặc nghe câu chuyện tiền kiếp của công chúa Nhật
Quang bèn tỉnh ngộ và hiểu rõ lý nhân quả. Vua lạy
tạ Phật và vui vẻ ra về.
Câu
chuyện thứ hai liên quan đến nhân không sát sanh và phóng
sanh. Chuyện kể rằng tại một ngôi chùa nọ có một
chú Sa di được sư phụ cho phép trở về thăm cha mẹ, vì
Sư có thần thông nên được biết trong vòng một tháng nữa
là thọ mạng của chú sa di sẽ chấm dứt. Trên đường
đi về quê, chú Sa di thấy một ổ kiến lớn đang sắp sửa
bị trôi theo dòng nước lũ, chú vội vàng tìm cách cứu để
ổ kiến khỏi bị chết. Chú về thăm nhà và sau đó
trở lại chùa. Nhiều tháng trời trôi qua, chú vẫn tiếp
tục tu hành niệm Phật ăn chay bên sư phụ. Sư phụ của
chú rất thắc mắc, một hôm hỏi chú chuyện gì đã xảy
ra khi chú về thăm cha mẹ. Chú kể rõ tự sự chuyến
về thăm quê, kể cả chuyện chú cứu vớt một ổ kiến to.
Sư phụ mới hiểu việc kéo dài thọ mạng chính là nhân cứu
giúp chúng sinh và nhân không sát sinh. Trong kinh Phật cũng
dạy nhân sát sinh có thể đưa đến địa ngục, làm loài
bàng sinh, quả báo nhẹ là làm người với tuổi thọ ngắn
và hay bệnh hoạn.
Qua
hai câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng công chúa Nhật Quang
được quả báo giầu sang sung sướng là do nhân bố thí đời
trước, được quả báo thông minh là do nhân khuyên người
khác làm lành tránh ác, quả báo tướng mạo đoan trang đẹp
đẽ là do nhân đời trước giúp đỡ kẻ tật nguyền.
Còn chú Sa di trong câu chuyện thứ hai, do nhân cứu mạng sống
của một ổ kiến to, nhân ăn chay không giết hại chúng sinh
nên mạng sống được kéo dài, không bệnh tật.
Hòa
thượng Tịnh Không trong thời giảng Kinh Lăng Nghiêm tại Úc
Châu cũng giảng rõ “tận tâm tận lực bố thí pháp, bố
thí tiền, làm các việc lành là công đức vô lượng”.
Ngài khuyên chúng ta nên tu hạnh bố thí, bố thí tài thì được
giầu có, không bao giờ thiếu thốn, bố thí pháp được thông
minh trí tuệ, trong bất cứ hoàn cảnh nào không thể bị mê
hoặc điên đảo, bố thí vô uý, cứu sinh, cứu mạng được
mạnh khoẻ sống lâu…
Nhân
quả rõ ràng, khi chúng ta làm lợi ích cho tha nhân, chắc chắn
về sau chúng ta sẽ thọ hưởng một hay nhiều niềm an lạc
hạnh phúc. Một nhân thiện sắp sẵn một quả lành ở
tương lai. Càng gieo nhiều nhân thiện thì phước báo
càng sâu dày. Phước được ví như tấm ngân phiếu bank
check. Tiền deposit ngân hàng càng nhiều thì ngân phiếu
càng có giá trị lớn. Do đó đầu năm đi lễ chùa không phải
để hái lộc, hái hoa, bẻ cành và cầu xin đủ thứ mà là
để gieo nhân tích luỹ phước đức.
Tịnh
Thủy