23/08/2012 09:26 (GMT+7)
Số lượt xem: 96322
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Mỗi lần sắp đến Ngày Hiền Mẫu (Mother's Day) hay Lễ Vu Lan là tôi không khỏi không nhớ đến bản nhạc "Lòng Mẹ" của Nhạc sĩ Y Vân và "Bông Hồng Cài Áo", Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác với ý từ bài viết của Thiền Sư Thích Nhật Hạnh. Hai bản nhạc này được phổ biến rộng rãi nên hầu hết người Việt Nam nào cũng biết đến.

Mẹ tôi, năm nay đã gần 90, trong những Ngày Hiền Mẫu trước, chỉ thích được ngồi giữa đám đông các con cháu về họp mặt, để nghe tiếng nói, giọng cười và được nghe anh rể ĐXL độc tấu vĩ cầm tặng Bà bài "Lòng Mẹ". Riêng tôi, tôi thích câu chuyện về "Bông Hồng Cài Áo" của Thiền sư Nhất Hạnh. Có một điều Thiền Sư khuyên, giản dị thôi mà tôi nghĩ rất ít người Việt thực hiện (kể cả tôi): 

" Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh, như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: "Mẹ có biết là con thương mẹ không?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh chị cũng hỏi một câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, anh sẽ không hối hận, đau lòng, tiếc rằng anh không có mẹ."

Trong "Bông Hồng Cài Áo", Thiền Sư Nhất Hạnh cũng nhắc về kỷ niệm khi nhận một đóa hoa từ một người Nhật trong Ngày Hiền Mẫu và Ông nghĩ rằng đây là một tục lệ rất hay. Sau này Phật Giáo Việt Nam đã chấp thuận nghi thức trao tặng hoa hồng đỏ hay hoa hồng trắng cho Phật tử, còn hay mất Mẹ, trong dịp Lễ Vu Lan vào Rằm tháng 7.

Tuần này, tôi hân hạnh nhận được quà tặng đặc biệt từ một Phật tử ở Sài Gòn: bản nhạc cùng hòa âm ca khúc "Bông Hồng Cài Áo", nhạc và lời của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (tác giả của những ca khúc nổi tiếng như Chiều Mưa Biên Giới, Mấy Dặm Sơn Khê, Sắc Hoa Mầu Nhớ, Nhớ Một Chiều Xuân, Hải Ngoại Thương Ca, Về Mái Nhà Xưa ...). Chúng tôi nghe giai điệu đúng là dấu ấn của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và lời ca rất đẹp cho Ngày Của Mẹ cuối tuần tại Hoa Kỳ (13 tháng 5, 2012). Được biết ca khúc này sáng tác năm 1966 dưới tên Phượng Linh (một bút hiệu khác của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông) cho vở tuồng cải lương "Bông Hồng Cài Áo" của Soạn giả Hoàng Khâm, ý từ một cốt truyện về tình mẫu tử của Nhật với tục lệ bông hồng cài áo. Sau này, có một số người dùng tựa đề là "Bông Hồng Cài Áo Trắng", để phân biệt với bản nhạc của Phạm Thế Mỹ & Thiền Sư Nhất Hạnh (sáng tác năm 1967).

Mời quý vị nghe Tâm Hảo trình bày ca khúc thật cảm động này và đọc bài viết thật thấm thía ở cuối trang.

Xin được trao tặng hoa hồng đỏ hay hoa hồng trắng đến tất cả bằng hữu Cỏ Thơm khắp nơi trong ngày Lễ sắp tới và chúc quý vị thân tâm an lạc.

Phan Anh Dũng (Richmond 11 tháng 5, 2012)

BÔNG HỒNG CÀI ÁO
Sáng tác: Nguyễn văn Đông

 Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (trước 1975)

Đẹp thay bông hồng cài trên áo trắng.
Một biểu trưng tình yêu rất chân thành.
Cho những ai còn mái tóc xuân xanh,
Trong giấc mơ an lành em gọi: “Má”.

Tình mẹ hiền ngàn năm cao cả.
Đời suy biến tình kia khó phai nhòa.
Trên nét môi ngày kia sẽ phôi pha,
Cho những ai không còn áo cài hoa.

Công ơn biển trời nguyền ghi suốt đời.
Nghìn trùng khôn tát cho vơi.
Mai sau bể cạn và dù núi mòn nhưng vẫn còn tình mẹ với con.

Mừng cho ai còn cài hoa trên áo.
Hạnh phúc thay hồng trên má hoa đào.
Như nước trong nguồn mãi mãi tuôn ra.
Như tiếng ru mẹ hiền giữa đời ta.

                              




Âm lịch

Ảnh đẹp