21/08/2012 18:12 (GMT+7)
Số lượt xem: 249527
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Mùa Vu lan, mùa mà bất cứ chùa nào cũng đầy ắp sắc hương sen và tràn ngập âm vang kinh đền ơn báo hiếu cha mẹ. Trong biển từ âm vang vọng từng lời kinh tiếng kệ thanh thoát ấy, cứ mỗi lần niệm khúc sám Vu lan trổi lên là mỗi lần triệu triệu nhịp đập con tim người Phật tử thổn thức.


Bên đường, từng hàng phượng vỹ thay lá mới, đâm chồi non và chuẩn bị tung hoa đỏ thắm báo hiệu mùa hè đang đến gần. Bất chợt một ngày nào đó dạo xe phố cổ Thần Kinh, bắt gặp cô gái bán sen e ấp nón lá bài thơ trong chiếc áo bà ba, lặng hồn nhớ mùa sen hồ Tịnh Tâm đang nở rộ. Đó cũng là mùa Vu lan, mùa mà bất cứ chùa nào cũng đầy ắp sắc hương sen và tràn ngập âm vang kinh đền ơn báo hiếu cha mẹ. Trong biển từ âm vang vọng từng lời kinh tiếng kệ thanh thoát ấy, cứ mỗi lần niệm khúc sám Vu lan trổi lên là mỗi lần triệu triệu nhịp đập con tim người Phật tử thổn thức. Niềm cảm xúc ấy càng dâng cao do hiếu tâm đang được tưới tẩm, hiếu hạnh có dịp thể hiện và hiếu đạo đang được tôn vinh, tiếp nối.

Bài sám Vu lan gồm 48 câu, có thể chia thành ba phần: phần 1: 8 câu, mở đầu; phần 2: 37 câu, nội dung chính; phần 3: 3 câu, kết thúc.

Đệ tử chúng con,
Vâng lời Phật dạy,
Ngày rằm tháng bảy,
Gặp hội Vu Lan,
Phạm vũ huy hoàng,
Đốt hương đảnh lễ.
Mười phương Tam thế,
Phật, Pháp, Thánh Hiền.

Phần mở đầu: duyên khởi, nguyên nhân, lý do tổ chức lễ Vu Lan và sự xuất hiện bài sám này. Đó là theo lời Phật dạy trong kinh Vu Lan Bồn (gồm Kinh Vu lan bồn và Kinh Phật thuyết đại báo phụ mẫu trọng ân). Bao giờ cũng vậy, Phật tử làm gì, trước tiên phải đảnh lễ Tam Bảo chứng minh.

- Phạm vũ: chùa chiền, tự viện, chốn già lam, chánh điện thờ Phật trang nghiêm thanh tịnh.

- Hội Vu Lan: Vu Lan thắng hội, mùa báo hiếu, lễ hội xá tội vong nhân, ngày Phật hoan hỷ, ngày Tăng Tự tứ . Vì sao gọi là hội:

  1. Truyền thống có từ thời Phật còn tại thế, duy trì đến ngày nay và mai sau.
  2. Nhiều người, nhiều dân tộc cùng dâng hết tâm thành hướng về, tổ chức trọng thể, gởi gắm nhiều ý nghĩa đạo đức cao quý.
  3. Mang lại niềm tin yêu hạnh phúc cho người còn kẻ mất. Người sống thì làm tròn hiếu hạnh, có niềm vui lớn khi cảm thấy mình phần nào đền đáp được ân nghĩa sanh thành. Người mất thì trút bỏ ác nghiệp, chuyển hóa ác tâm, tái sanh vào cảnh giới an vui, dẫu tái sanh rồi vẫn có thể tăng thêm phước thọ.
  4. Duy trì đạo đức làm người cơ bản: tri ân và báo ân cha mẹ. Giáo dục con người đức tính nền tảng: biết ơn và đền ơn. Tôn vinh giá trị thiêng liêng của hai ân nhân lớn nhất đời người: công cha và nghĩa mẹ.
  5. Đặc biệt, trở thành hội vì đây cách thức tri ân và báo ân cha mẹ đúng đắn nhất, ý nghĩa nhất, trọn vẹn nhất.

- Vu Lan: Vu Lan hay Vu Lan bồn là dịch âm Phạn tự. Còn có một dịch âm nữa là Ô lam bà na. Trí Húc đại sư nói, Vu Lan bồn dịch nghĩa là cứu đảo huyền: giải cứu cái khổ như sự bị treo ngược. Như vậy, Vu Lan có nghĩa là bản kinh chỉ cách giải cứu cái khổ dữ dội trong các đường dữ, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Nói tới Vu Lan là nói đến uy lực của Tăng và tấm gương của vị đại đệ tử thần thông đệ nhất của Phật. Cả 2 điều này đều được bài sám quan tâm, nhắc đến. Vì thế, ngay khi mở đầu phần nội dung chính, danh hiệu của Tôn giả ấy được nêu ra.

Noi gương đức Mục Kiền Liên,
Nguyện làm con thảo.
Lòng càng áo não,
Nhớ nghĩa thân sinh.
Con đến trưởng thành,
Mẹ dày gian khổ,
Ba năm nhũ bộ,
Chín tháng cưu mang.
Không ngớt lo toan,
Quên ăn bỏ ngủ,
Ấm no đầy đủ.
Cậy có công cha,
Chẳng quản yếu già,
Sanh nhai lam lũ
Quyết cùng hoàn vũ,
Phấn đấu nuôi con,
Giáo dục vuông tròn,
Đem đường học đạo.

Phần 2, nội dung chính của bài sám, nêu lên hiếu tâm, hiếu hạnh và hiếu đạo của người con Phật. Phần này gồm 37 câu, chia thành 3 đoạn, đoạn 1 nói về hiếu tâm, đoạn 2 nói về hiếu hạnh, đoạn 3 nói về hiếu đạo.

Noi gương đức Mục Kiền Liên,
Nguyện làm con thảo.
Lòng càng áo não,
Nhớ nghĩa thân sinh.

Đây là đoạn 1: nêu lên hiếu tâm của người Phật tử. Hiếu tâm ấy có được là do noi theo gương sáng hiếu thảo của ngài Mục Kiền Liên. Hiếu tâm ấy rất cụ thể: nguyện làm người con hiếu thảo. Ghi lòng tạc dạ công cha nghĩa mẹ và tự xét bản thân mình đã làm gì cho cha mẹ vui lòng là hai việc làm căn bản và ý nghĩa nhất để thể hiện hiếu tâm ấy.

- Mục Kiền Liên là ai và tiêu biểu cho tấm gương gì?

- Thế nào là con thảo mà mình nguyện làm? Người con hiếu thảo cần ý thức được những nét đẹp phẩm chất đạo đức sau đây:

  1. Biết vâng lời, nghe lời, tuân theo sự dạy bảo, tôn trọng những ý kiến, khuyên răn của cha mẹ.
  2. Ý thức rõ ràng, ghi nhận cụ thể những ân đức mà cha mẹ xây dựng, vun đắp cho mình.
  3. Hết lòng thương yêu, chăm sóc, quan tâm, chú ý cung phụng cha mẹ, nhất là khi người già yếu, đau bịnh.
  4. Lo lắng đầy đủ về tinh thần và thể xác cho cha mẹ.
  5. Luôn luôn thao thức sự đền đáp ân cha nghĩa mẹ sao cho trịn vẹn nhất, hoàn hảo nhất. Đây là lý do dẫn đến sự áo não sau đây.

- Tại sao khi nghĩ đến công ơn cha mẹ mà ta lại áo não? Có thể dẫn ra đây vài lý do khiến chúng ta áo não khi nghĩ đến ân nghĩa sanh thành của cha mẹ:

  1. Công lao cha mẹ dành cho con quá vĩ đại mà nay con tự thấy chưa báo đáp đầy đủ.
  2. Khi cha mẹ còn sống thì con chưa ý thức trả hiếu, nay ý thức được, muốn dâng chén cơm bát nước hầu hạ thì người không còn nữa, chỉ biết quỳ trước hương án tưởng niệm mà thôi.
  3. Đến khi con mồ côi, con có con có cháu, con biết cách báo hiếu cha mẹ thì than ôi, hình bóng người đã khuất bóng quy tiên.
  4. Lòng con tràn ngập những nỗi ăn năn hối hận, thương yêu tiếc nuối, do những lỗi lầm quên ân trái đức con đã gây ra cho cha mẹ khi người còn sống. Những niềm ray rứt ấy không phải dễ dàng nhận ra, mà phải đợi đến khi chính mình gặp phải mới thấu hiểu được.
  5. Chúng con thực sự thấu hiểu, thực sự thấm thía ơn nặng sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, điều mà trước đây, con vì mù quáng và suy nghĩa nông cạn, không thể nhận ra và kịp thời báo đáp.

- Nhớ nghĩa thân sinh: là nhớ đến 10 ân đức sâu thẳm của cha mẹ được đức Phật ghi lai trong kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân:

Thế Tôn lại bảo A Nan
Ơn cha nghĩa mẹ mười phần phải tin
Điều thứ nhất giữ gìn thai giáo
Mười tháng trường chu đáo mọi bề
Thứ hai sanh đẻ gớm ghê
Chịu đau chịu khổ mỏi mê trăm phần
Điều thứ ba thâm ân nuôi dưỡng
Cực đến đâu, bền vững chẳng lay
Thứ tư ăn đắng uống cay
Để dành bùi ngọt đủ đầy cho con
Điều thứ năm lại còn khi ngủ
Ướt mẹ nằm khô ráo phần con
Thứ sáu sú nước nhai cơm
Miễn con no ấm chẳng nhờm chẳng ghê
Điều thứ bảy không chê ô uế
Giặt đồ dơ của trẻ không phiền
Thứ tám chẳng nở chia riêng
Nếu con đi vắng cha phiền mẹ lo.
Điều thứ chín miễn con sung sướng
Dầu phải mang nghiệp chướng cũng cam
Tính sao có lợi thì làm
Chẳng màng tội lỗi bị giam bị cầm
Điều thứ mười chẳng ham trao chuốt
Dành cho con các cuộc thanh nhàn
Thương con như ngọc như vàng
Ơn cha nghĩa mẹ sánh bằng Thái sơn”.

 Bốn câu này còn ý nghĩa nói tổng quát về sự tri ân cha mẹ. Hãy đọc tiếp 14 câu tiếp theo để ôn lại ân tình cha mẹ. Đây là 7 câu đầu:

Con đến trưởng thành,
Mẹ dày gian khổ,
Ba năm nhũ bộ,
Chín tháng cưu mang.
Không ngớt lo toan,
Quên ăn bỏ ngủ,
Ấm no đầy đủ
.

Bảy câu này tóm tắt tất cả những ơn nghĩa của mẹ dành cho con. Dầu là tóm tắt nhưng cũng đủ cho ta hình dung cụ thể hình ảnh người mẹ lưng còng tóc bạc da nhăn vì dãi nắng dầm sương, lo cho con từ miếng cơm manh áo, lo cho cho đức rộng tài cao đến nỗi quên mất bản thân mình.

- Dày gian khổ: những nỗi vất vả nhọc nhằn hằn in trên nét mặt bờ vai. Dày vì nuôi con mẹ không những khổ về thể xác, vắt máu thành sữa cho con uống; mà còn đăm chiêu vắt óc suy nghĩ, làm thế nào cho con mình không thua sút bạn bè. Những nếp nhăn thời gian lưu lại trên đôi tay chai sạn là minh chứng rõ ràng nhất cho những nỗi truân chuyên của thân mẫu. Dày là lâu về thời gian, chịu thương chịu khó suốt đời. Dày là rộng về không gian, việc chi cũng làm, khổ mấy cũng cam, đi đâu cũng tới, miễn sao có đủ cơm áo gạo tiền lo nuôi con. Mẹ dày gian khổ còn vì mẹ luôn tươm tất mọi công việc bên nội, bên ngoại, dạy con trong nhà, lo cha ngoài đường.

- Không ngớt lo toan: chưa bao giờ ngừng lại sự quan tâm đến con cái. Mẹ già còn thương con tám mươi. Lo toan điều gì? Còn gì ngoài cơm áo gạo tiền? Con còn nhỏ, lo uốn nắn tính tình nhân cách. Con lớn khôn,lo yên bề gia thất, công danh sự nghiệp. Vì những nỗi lo toan cho con mà mẹ quên cả ăn uống nghỉ ngơi. Nhờ cái sự quan tâm thường xuyên của mẹ mà con bao giờ cũng ấm no đầy đủ. Chỉ một lần nghĩ đến những niềm lo toan của mẹ, thì dẫu chưa thực sự ấm no đầy đủ, nhưng chúng ta đã thầm lặng cúi đầu tạ ơn người. Mẫu thân như thế, còn phụ thân thế nào?

Cậy có công cha,
Chẳng quản yếu già,
Sanh nhai lam lũ
Quyết cùng hoàn vũ,
Phấn đấu nuôi con,
Giáo dục vuông tròn,
Đem đường học đạo.

Nghĩa thì nghĩa mẹ, nhưng công phải là công cha: Công cha như núi Thái Sơn. Bài sám cũng dành bảy câu khắc ghi lại ân đức của cha. Nếu mẹ quên ăn bỏ ngủ mang nặng đẻ đau, thì cha cũng không thua kém gì trong tình thương yêu con cái: chẳng quản yếu già, phấn đấu nuôi con. Bất cứ nghề nào cũng làm, bất kể nghiệp ác nào cũng dám tạo, chỉ để tác thành cho con: quyết cùng hoàn vũ

- Phấn đấu cái gì và với ai để nuôi con khôn lớn? Phụ thân đem hết sức lực, tâm lực, tài lực, uy lực, thậm chí hy sinh cả thế lực, quyền lực, đặc biết bất chấp nghiệp lực, để nuôi con. Người cha phải phấn đấu, chạy đua với chính sức khỏe của mình, tranh thủ với thời gian, giằng co cùng không gian, so sánh với những người cha của gia đình khác, đặc biệt phấn đấu với cái nghèo, cái ngu, cái hèn, cái ác, chỉ để nuôi con sao cho hoàn thiện nhất. Chỉ chừng đó thôi, núi Everest, ngọn núi cao nhất thế giới, cũng chưa đủ so sánh với công cha.

- Giáo dục vuông tròn: Nếu mẹ chỉ dạy cho ta công dung ngôn hạnh thì cha giáo dục ta lễ nghĩa trí tín. Cha dạy ta cái chí làm người sao cho bất khuất trước kẻ thù cám dỗ, dũng cảm trước khổ đau nghịch cảnh, can đảm trước biến cố biệt ly. Cha dạy ta sống sao cho xứng đáng một con người chân chính, biết liêm biết sỉ, biết nhận lỗi và sửa lỗi. Cha là tấm gương sáng về sự vận dụng sức mạnh cơ bắp và năng lực tinh thần để tự vệ bản thân, bảo vệ gia đình mình. Cha cho đi học mở thông trí tuệ, dựng vợ chồng có thế làm ăn. Những gì cha làm cho con đều mong muốn sao cho hoàn mỹ nhất, trọn vẹn nhất, hoàn hảo cho nên gọi vuông tròn.

- Đem đường học đạo: Học đạo gì? Trước tiên phải học cái đạo làm người, người có đạo đức tốt, nhân cách chuẩn mực, phẩm chất lương thiện để sống đẹp trong cuộc đời. Cha hướng dẫn ta phân biệt đúng sai và biết làm lành tránh ác. Sau cùng là cha dắt dẫn ta vào cái đạo làm Phật làm Thánh. Đó là cái đạo từ bi hỷ xả. Đó là cái đạo hy sinh bản thân để làm lợi ích tha nhân. Đó là cái đạo dạy ta dẹp bỏ bản ngã, cố chấp hẹp hòi thiên lệch, để mở toan cánh cửa trí tuệ tình thương ngay thẳng rộng lớn. Đó là cái đạo khiến ta tồn tại vĩnh hằng trong lòng mọi người và trong niềm an lạc hạnh phúc chân thật - đạo Phật.

Chính nhờ cha đem mình học cái đạo xuất thế này mà nay ta mới nhận thức ra được con đường báo hiếu cha mẹ đúng đắn nhất. Con đường ấy xây dựng nên hiếu hạnh trong mỗi chúng ta, mà những vần kệ tiếp theo sẽ mô tả.

Đây là đoạn 2 của phần nội dung chính: nêu lên hiếu hạnh của người con Phật. Hiếu hạnh ấy căn cứ trên hai hình thức thể hiện cụ thể: tự mình tri ân và báo ân - tự lực (4 câu đầu), và nhờ những người có uy đức giúp mình đền đáp công ơn cha mẹ - tha lực (6 câu tiếp). Hãy xem bài sám dạy tự mình báo ân là thế nào?

Đệ tử ơn sâu chưa báo,
Hổ phận kém hèn,
Giờ này quỳ trước đài sen,
Chí thành cung kính
.

- Ơn sâu chưa báo: nói thế e chưa đúng lắm, ép con quá đáng. Chúng ta, những người con ít nhiều trong suốt cuộc đời cũng có báo đáp công ơn cha mẹ. Hẳn không có người con nào chưa một lần báo hiếu cha mẹ. Bởi thế, chúng ta có báo hiếu, có đền ơn, có phụng dưỡng, có quan tâm cha mẹ nhưng chưa tròn, chưa vận hết cái lòng chí thành, chưa thể hiện đủ sự cung kính, cho nên tác giả nói "chưa báo". Lại vì, ơn cha nghĩa mẹ sâu như biển, rộng như trời, ta chưa thể trong một đời mà báo đáp trọn vẹn được. Hơn nữa, trước biển trời lai láng tình mẹ công cha, người làm con chí hiếu dù có đền đáp cách nào, bao lâu và bao nhiêu đi nữa, vẫn thấy không thỏa lòng mình, nên coi như chưa báo chi cả. Cho nên, hởi những người con, đừng bao giờ nghĩ và nói rằng: "tôi đã báo đáp đủ công ơn của ông bà rồi đó nhé". Ai nói câu này là đang mở cửa địa ngục để phóng vào. Đừng bao giờ nghĩ và nói câu ấy mới có thể khởi lên những suy nghĩ thánh thiện tiếp theo.

- Hổ phận kém hèn: con cảm thấy thật xấu hổ bổn phận làm con, thật thua kém và hèn mọn. Không nghĩ thì thôi, chứ nghĩ đến cha mẹ thì làm con ai cũng xấu hổ. Tại sao vậy? Bởi vì:

  1. Thành công của con được đổi bằng mồ hôi nước mắt của mẹ.
  2. Công sức cha dành cho con thì nhiều mà con đền trả lại quá ít.
  3. Con cố gắng hết sức mà vẫn chưa đáp được sự kỳ vọng của phụ mẫu.
  4. Bổn phận làm con chưa tròn: Khi sống, cung phụng cha mẹ nhưng đôi lúc thiếu lòng tôn kính, thậm chí hắt hủi. Lúc mất, dâng hương cúng cơm thỉnh thoảng chưa vận hết lòng thành.
  5. Dù ở bên cha mẹ suốt đời, con vẫn thấy mình còn khờ dại, nông nỗi cạn cợt.

Con có thể hơn về tài giỏi, về sức khỏe nhưng thua xa nghiêm phụ về đức hy sinh, tính nhẫn nại, lòng can đảm. Con có thể đẹp hơn, giàu hơn mẹ song không thể sánh với từ mẫu về tâm lượng thương yêu, tính đảm đang nội trợ, cái hạnh chịu thương chịu khó.

Đó chỉ mới hổ phận kém hèn đối với cha mẹ. Bài sám còn cho chúng ta thấy người con Phật rất nên hổ thẹn với ngài Mục Kiền Liên, với chư Tăng và với đức Phật Thích Ca. Tại sao vậy? Vì, tấm gương ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ mãi mãi soi sáng hiếu hạnh cho chúng ta. Vì, phải nhờ uy lực của phước đức và trí tuệ của chư Tăng mới có thể giúp những người con hiếu thảo đền đáp trọn vẹn công ơn cha mẹ. Vì, Phật nói hiếu là giới, và xem tất cả chúng sanh đều là cha là mẹ.

Càng cảm thấy mình hổ phận kém hèn đối với cha mẹ, với tôn giả Mục Liên, với chư Tăng và với Phật bao nhiêu, người làm con càng cố gắng trả hiếu bấy nhiêu. Trả bằng cách nào, bài sám sẽ gợi ý cho chúng ta đây:

- Chí thành cung kính: lấy cái lòng chân thật chí thành mà chăm sóc cha mẹ, dùng những cử chỉ tôn trọng trân quý mà phụng dưỡng mẹ cha. Cách cho quý hơn của cho. Tấm lòng cao hơn mâm cổ. Phật không bao giờ dạy chúng ta tôn kính Ngài trong chùa, mà về nhà khinh thường cha mẹ. Cho nên, trước khi chí thành cung kính Tam Bảo, những người con hãy trân trọng tôn kính phụng dưỡng 2 vị Phật trong nhà của mình - cha, mẹ. Nếu tự mình thiết tha thành kính trong mọi cử chỉ hành vi mà thấy vẫn chưa trả hết ơn sanh thành dưỡng dục, thì hãy nương vào tha lực sau đây của chư Tăng.

Đạo tràng thanh tịnh,
Tăng Bảo trang nghiêm.
Hoặc thừa Tự tứ,
Hoặc hiện tham thiền,
Đầy đủ thiện duyên,
Dủ lòng lân mẫn.

- Đạo tràng thanh tịnh: nhân tố bên ngoài làm tăng thêm sức mạnh của thắng pháp Vu lan.

- Tăng bảo trang nghiêm, hoặc thừa Tự tứ, hoặc hiện tham thiền, đầy đủ thiện duyên: 4 câu này mô tả toàn bộ uy lực của Tăng chúng. Chỉ có uy lực ấy mới địch nổi nghiệp lực - sức mạnh mà thần thông đệ nhất như ngài Mục Kiền Liên cũng không thể can thiệp.

Uy lực, hay uy đức, là cái thế của sức mạnh tinh thần uy nghiêm (uy lực). Nó là năng lực của sức mạnh công đức rất uy nghiêm và khó lường (uy đức). Công đức ấy của Tăng chúng là giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Chính uy lực hàm đủ chất lượng các công đức này mới có thể cứu khổ, mới diệt được nghiệp và nghiệp báo. Chính nhờ uy lực này mới chuyển hóa nổi nghiệp lực. Uy lực này là căn bản của thắng pháp Vu lan. Căn bản ấy chủ yếu dựa trên phép Tự tứ sau đây.

- Tự tứ là sau 3 tháng an cư, các vị tỷ kheo ai cũng hoan hỷ mà đưa mình ra cho những vị tỷ kheo cùng an cư tùy ý chỉ những lỗi lầm mà họ thấy, nghe hay nghi. Sau khi chỉ, người được chỉ nếu thấy chỉ sai thì phân trần, nếu thấy chỉ đúng thì chấp nhận, rồi do cả Tăng chúng phán định. Phán định có lỗi, và lỗi gì, thì y Luật mà sám hối: như vậy là phục hồi thanh tịnh. Lúc đó, thân tâm sẽ thanh tịnh như ngọc pha lê, thiền định giải thoát mới có thể đạt được.

- Tham thiền đầy đủ thiện duyên: nhập định, giữ giới, tu tập phước đức và trau dồi trí tuệ. Đây là những phẩm chất phát sinh công đức và tạo nên uy lực không thể nghĩ bàn của Tăng chúng.

Người Phật tử, noi gương ngài Mục Kiền Liên, phải ý thức và trân trọng nguồn sức mạnh không thể nghĩ bàn ấy của chúng Tăng. Đó là lý do chúng ta quy tu về đây nhân ngày Vu lan, ngày rằm tháng 7 để cử hành nghi lễ, cúng dường, tạo phước và nương vào uy đức đó để báo hiếu, đền ơn cha mẹ.

- Dũ lòng lân mẫn: mong chư Tăng thọ nhận sự hiến cúng và mở rộng lòng từ bi để cầu nguyện, hồi hướng công đức đến cho cha mẹ mình. Sự cầu nguyện hồi hướng ấy không những hướng đến cha mẹ quá vãng, không những cha mẹ trong một đời,  mà còn cho cả cha mẹ hiện tiền, và cha mẹ nhiều đời. Đó là hiếu đạo của người Phật tử.

Đoạn 3 của phần nội dung chính, nêu lên hiếu đạo của người con Phật. Hiếu đạo ấy, thông suốt từ quá khứ đến hiện tại. Hiếu đạo ấy, không những báo đáp cha mẹ còn sống mà còn hộ niệm cả cha mẹ đã chết. Hiếu đạo ấy, chẳng những tri ân và báo ân cha mẹ 01 đời mà trải rộng 07 đời, nhiều đời. Hiếu đạo ấy, không những mang đến hạnh phúc tương đối của thế gian mà còn dâng hiến cho cha mẹ hạnh phúc tuyệt đối bằng cách thực hành lời dạy của Phật, thậm chí, thành Phật. Đó là lý do bài sám nói:

Hộ niệm cho:
Bảy kiếp cha mẹ chúng con,
Đượm nhuần mưa pháp
.

- Hộ niệm: cầu nguyện, che chở, bảo vệ, bảo hộ, nâng đỡ bằng tình thương, bằng sự quan tâm, tưởng nhớ hồi hướng, chia sẽ công đức đến.

- Bảy kiếp cha mẹ: chỉ chung cho cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp, chứ không giới hạn trong cửu huyền thất tổ.

- Đượm nhuần mưa pháp: thấm đượm, hiểu rõ và thực hành nhuần nhuyễn lời Phật dạy để nếm trải niềm an lạc tuyệt đối. Mưa là mưa chánh pháp. Ví dụ chánh pháp như mưa tưới thấm ướt những tâm hồn cằn cỗi, khô héo đầy dẫy phiền não mưu toan để mọc lên mầm cây yêu thương rộng lượng. Mưa ấy, ban đầu do Phật ban rải, hiện nay chư Tăng Ni tiếp tục thừa kế trách nhiệm hoằng pháp lợi sanh. Mưa pháp phải thiết thực cho hiện tại nên 3 câu tiếp theo là tâm nguyện chính đáng của người con hiếu:

Còn tại thế:
Thân tâm yên ổn,
Phát nguyện tu trì
.

Sự báo hiếu đúng đắn nhất là khiến cho cha mẹ an tâm cả về thể chất và tinh thần. Đó là ý nghĩa của chữ thân tâm an ổn. Càng nghe pháp và hành pháp thì thân và tâm chúng ta càng bình yên khỏe mạnh. Khi khỏe mạnh rồi để tiếp tục tu trì chứ không phải để ăn chơi hưởng thụ.

Hơn nữa, con mong cha mẹ thân tâm an lạc và phát nguyện tu trì thì phải tạo mọi điều kiện cho cha mẹ đi chùa, đi sinh hoạt đoàn thể, giao lưu bạn bè, nói chung là các sinh hoạt tâm linh. Làm con mà cản trở cha mẹ bố thí cúng dường, tu phước là chưa hiếu thảo hiếu. Do đó, không những tạo điều kiện mà còn khích lệ, động viên, hỗ trợ, đưa đón cha mẹ tu học. Phụ mẫu chúng ta còn sống mà biết tu tập đoàng hoàng thì sau khi mất mới có thể:

Đã qua đời:
Ác đạo xa lìa,
Chóng thành Phật quả
.

- Ác đạo là ba đường dữ, tam đồ ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Mẹ của ngài Mục Liên đọa vào ác đạo dù con của bà ấy chứng quả thánh A la hán. Mong nhờ uy lực thanh tịnh của chư Tăng khiến cho cha mẹ chúng con thoát khỏi những cảnh giới khổ đau tăm tối, sanh về nơi sung sướng thanh nhàn, rồi tiếp tục tu thành tiên thành thánh, thành Phật. Đó là cách thể hiện hiếu đạo chân chánh của người con Phật.

Tóm lại, cái cách báo hiếu đền ơn sanh thành dưỡng dục (hiếu đạo) của người Phật tử luôn luôn gắn liền với Tam Bảo: làm theo lời Phật (Phật bảo), nương nhờ uy lực của pháp tự tứ (Pháp bảo), noi gương hiếu hạnh của chư vị thánh Tăng quá khứ (ngài Mục Liên) và cậy trông vào chúng tăng thanh tịnh hiện tại. Người con Phật đền ơn cha mẹ không những bằng chính sự tu tập của mình mà còn bằng sự khích lệ động viên và hỗ trợ cha mẹ tu tập. Cha mẹ và con cái đều tu tập mới cảm nhận được lòng từ bi vĩ đại mà chư Phật thường xuyên gia hộ, như đoạn kết trình bày sau đây.

Phần 3, kết thúc gồm 3 câu, cố gắng tu tập để vừa báo hiếu triệt đễ, vừa nhận được sự gia hộ của chư Phật.

Ngửa trông các đức Như Lai,
Khắp cõi hư không,
Từ bi gia hộ.

Chư Phật Như lai đã, đang và sẽ mãi mãi từ bi gia hộ cho chúng ta. Nhưng do nghiệp chướng nặng nề, tham giận si mê mà chúng ta chưa tiếp xúc và thể nghiệm mà thôi. Hãy làm theo lời Phật dạy, bỏ ác làm lành, giữ tâm ý trong sạch thì bất cứ ai cũng thấy rõ rằng chư Phật không bao giờ bỏ rơi chúng sanh.

- Gia hộ: giữ gìn và bảo vệ. Chư Phật giữ gìn cái kho tàng phước đức và trí tuệ cho ta, cho cha mẹ ta. Chư Phật bảo vệ nâng niu chăm sóc cái gia tài Phật tánh trong ta, trong cha mẹ ta.

Quý ngài gia hộ bằng cách nào, bằng cái gì? Gia hộ bằng cái kho tàng giáo lý, tam tạng kinh luật luận- những phương pháp phát triển giữ gìn phước trí và nuôi lớn hạt giống Phật trong ta. Gia hộ bằng cách khuyến khích động viên, thậm chí thị thần lực nhiềm mầu, chúng ta thực hành những lời dạy của ngài.

Cho nên, không làm theo chánh pháp thì không thể cảm được đức từ bi vĩ đại mà chư Phật thường xuyên ban rãi. Chưa làm đúng lời Phật dạy mà cầu mong sự gia hộ của Ngài là non nớt cạn cợt. Đặc biệt, chưa hiểu và làm theo lời Phật dạy thì chưa thể báo hiếu trọn vẹn.

Kết luận

Báo hiếu là công trình tu tập lâu dài, quan trọng, mang ý nghĩa và giá trị vô cùng to lớn. Cho nên, người xưa từng nói: "Tâm hiếu là tâm Phật, Hạnh hiếu là hạnh Phật". Và ta mạnh dạn khẳng định: "Đạo hiếu là đạo Phật".

Tâm, hạnh, và đạo hiếu ấy, bài sám văn này mô tả đầy đủ, gọn gàng, khúc chiết, cụ thể. Tâm hiếu là cái lòng mà khi nào và ở đâu cũng nghĩ và nhớ đến công ơn cha mẹ. Hạnh hiếu là, với lòng chí thành chí thiết, đem cả thân khẩu ý mà tôn thờ, phụng dưỡng, quan tâm chăm sóc cha mẹ. Đạo hiếu là tự mình tu và giúp đỡ cha mẹ cùng tu.

Chúng ta ai cũng vừa là con, vừa là cha mẹ. Dù là ai đi chăng nữa, hành động tri ân và báo ân vẫn luôn mang lại niềm hạnh phúc lớn lao trong cuộc đời. Vì niềm hạnh phúc ấy mà lễ Vu Lan tồn tại. Vì niềm hạnh phúc ấy mà Phật giáo hiện hữu. Vì niềm hạnh phúc ấy mà chúng ta vĩnh viễn tôn vinh đạo hiếu, tôn vinh cha mẹ. Đó là tất cả những gì mà bài sám Vu Lan muốn chắt lọc, kết tinh lại và gởi gắm đến chúng ta.

Chùa Việt Nam, Boston, 30.7.2011

Thích Chánh Trí

http://www.daophatngaynay.com/vn/van-hoa/vu-lan/11642-Sam-Vu-Lan-Ket-tinh-cua-su-bao-hieu.html


Âm lịch

Ảnh đẹp