Trong sự biết ơn đó, xin đừng quên Trái Đất, người mẹ của muôn loài đã nuôi dưỡng loài người từ thưở ban sơ nhất.
Chúng ta lớn lên nhờ bàn tay chăm sóc đầy yêu thương của mẹ cha. Thật
hạnh phúc cho những ai còn cha mẹ - những người dành nhiều tình cảm, sự
quan tâm đối với chúng ta nhiều nhất trên cuộc đời này. Thời gian không
chờ đợi ai, rồi một ngày cha mẹ sẽ ra đi mãi mãi… Mùa Vu lan khuyên ta
về lòng biết ơn những bậc sinh thành song cũng nhắc rằng ngày chúng ta
xa cha mẹ càng gần hơn…
Có ai đó đã ý thức được rằng mỗi chúng ta đã nhận được rất nhiều từ cha mẹ, từ những người xung quanh, từ quê hương xứ sở:
Ta nợ quê hương một chùm khế ngọt
Một cánh diều trong kí ức tuổi thơ,
Một cây cầu tre ban trưa lắt lẻo
Nắng cháy đầu, nón lá mẹ nghiêng che...
Ta nợ cha ta hoa râm tóc bạc
Nợ một cuộc đời dầm dãi gió sương
Nợ những đêm một mình người thao thức
Mẹ mất rồi, tất cả chỉ là con...
Ta nợ thầy ta một dòng giáo án
Nợ bụi phấn nào làm bài giảng thật hay
Nợ những giờ xưa, thầy trả bài, ta không thuộc
Đôi mắt thầy, ảm đạm một màu mây...
Không chỉ vậy, chúng ta đang có rất nhiều để có thể tồn tại và lớn lên.
Chúng ta có không khí để thở, có nước để uống, chúng ta có cây cỏ, hoa
lá, muôn loài muông thú, có cánh đồng xanh mướt, có suối chảy róc rách,
có đại dương bao la…. Vạn vật sinh sôi trên một hành tinh xanh có sự
sống và tất cả đều nhờ vào Mẹ Đất – một người mẹ vô cùng vĩ đại đã là
nơi tựa nương, nuôi dưỡng bao thế hệ của muôn loài.
Nhưng đa số trong chúng ta đang rất vô tâm và thậm chí vô ơn. Loài người
sinh sôi và tiêu thụ quá nhiều tài nguyên trên Trái Đất. Trong khi tiêu
thụ quá mức, chúng ta xả các loại rác thải một cách vô tổ chức và không
nghĩ đến hậu quả. Con người – động vật được coi là cao cấp nhất đang
mải mê bòn rút và phá hoại khiến cho Mẹ Đất đang…phát sốt. Đất mẹ bao
dung dường như đang phải gồng lên trước sự tàn phá kinh hoàng của con
người. Chúng ta khai thác tài nguyên quá mức, chúng ta ghanh đua, ghen
ghét lẫn nhau… tất cả đã tạo nên một không khí u ám nặng nề, công phá
ngôi nhà chung của chính chúng ta. Nếu không kịp thời hành động ngay, e
rằng loài người sẽ không còn thời gian nữa để mà tính chuyện chiến
tranh, thù hận vì Mẹ Đất đang “ốm” và không ai có thể biết chuyện gì sẽ
xảy ra khi bà mẹ vĩ đại này quá sức chịu đựng và không thể cõng trên
mình những đứa con chỉ biết bòn rút mà không thèm quan tâm, đền đáp lại.
Ngày Vu lan, ngày lễ của lòng biết ơn, ngoài việc nhớ đến công lao của
ông bà, cha mẹ đã sinh ra chúng ta, những người đã giúp đỡ ta, tất cả
hãy hướng lòng mình để biết ơn Mẹ đất – một người mẹ đã cho chúng ta rất
nhiều. Hãy bớt hưởng thụ, bớt tiêu xài năng lượng, thay vào đó hãy
chung tay làm mát, giữ gìn Trái đất thân yêu – người mẹ chung của muôn
loài.
Xuất phát từ truyền thuyết về Bồ tát
Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan
là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) -
cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.
Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện
thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua
đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép
nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên
phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống
tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi
ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi tranh không cho các cô hồn
khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa
thành lửa đỏ.
Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng:
"Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu.
Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải
cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy
sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật
cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này
(Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời. |