Là người
xuất gia cắt ái từ thân, xuất gia học đạo, thường bị người đời chê trách
là không hiếu thuận, đây chẳng qua vì người thế gian hiểu sai nhầm về
người xuất gia, cho rằng người xuất gia bỏ gia đình không chăm sóc cha
mẹ. Thật ra, loài chim mà còn hiếu thảo biết mớm mồi lại mẹ khi được cho
ăn, cừu còn biết cảm ân quỳ tạ khi bú sửa mẹ. Người xuất gia là thầy
của Thiên nhân, sao không hiếu thuận được nhỉ? Nếu như người xuất gia
thật sự là không hiếu thuận, há nào chẳng bằng con chim, con cừu sao?
Vậy thì nói gì đến tự lợi lợi tha, độ mình độ người?
Đức Phật trở về thăm vua cha lúc Tịnh Phạn Vương đang lâm bệnh
Nếu nói người xuất gia là bất hiếu, lẽ
nào chẳng bằng con chim, con cừu? Nếu đã vậy thì còn nói gì đến việc tự
lợi lợi tha, độ mình độ người nữa? Những hiểu nhầm đó thật sự oan uổng
cho người xuất gia. Phật giáo là tôn giáo đặt nặng về chữ Hiếu, trong
kinh điển cũng nói nhiều đến hiếu hạnh của người xuất gia, ngay cả
thanh quy giới luật áp dụng trong cuộc sống cũng luôn nhắc đến vấn đề
này.
Ví như trong “kinh Phạm Võng” nói: Hiếu là giới, cũng tức là chế chỉ.
“kinh Mạt La Vương” nói: Có người hỏi
Thế Tôn, làm sao để báo đáp công ân cha mẹ. Phật dạy: “Cha mẹ cho ta
thân xác này, cho ta bú mớm, nuôi dưỡng ta thành người, giả sử ta chất
đầy tất cả tài vật quý báu từ cõi ta bà này lên đến 28 cõi trời để cúng
dường cha mẹ, cũng không thể nào báo đáp được công ân trời biển.”
“kinh Tăng Nhất A Hàm” nói: Lúc bấy giờ
Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo, có 2 cách làm được phước báu lớn nhất, đó là
cúng dường cha mẹ và cúng dường chư Phật. Hai cách cúng dường này đều
có công đức và phước báu lớn như nhau. Giả sử có người vai trái cõng
cha, vai phải gánh mẹ trong suốt ngàn vạn năm, để cho cha mẹ ăn uống,
nằm ngồi, bệnh tật, ngay cả đại tiểu tiện đều ở trên vai thì người con
ấy vẫn không thể nào báo đáp được ân sanh thành dưỡng dục kia. Các ông
nên biết công ơn cha mẹ sâu nặng biết nhường nào, vì vậy phận làm con
phải biết cúng dường, hiếu thuận với cha mẹ.
“Lục Độ Tập Kinh” nói: Trong một tiền
thân, Bồ Tát sinh ra làm hạc, hạc sinh được 3 con, gặp lúc hạn hán
không tìm được thức ăn nuôi con, hạc mẹ bèn cắt thịt của mình để cứu
các con khỏi đói. Lúc đó, ba chú hạc con ngửi thấy mùi thịt giống như
mùi trên thân thể của mẹ, chúng hỏi nhau, có phải mẹ cắt thịt của mình
để nuôi chúng ta không? Rõ chuyện, chúng rất đau buồn khi biết tình
thương của mẹ đối với mình quá ư sâu nặng, chúng bảo với nhau rằng:
Chúng mình thà chết chứ không thể hại đến xác thân của mẹ. Tình thương
của hạc mẹ và lòng hiếu thuận của hạc con đã cảm động đến chư Thiên. Từ
đấy về sau, chư Thiên ủng hộ chúng muốn gì được nấy. Phật bảo các Tỳ
Kheo, hạc mẹ khi xưa chính là ta đây, còn ba chú hạc con là Xá Lợi
Phất, Mục Kiền Liên và A Nan vậy.
Trong “kinh Tứ Thập Nhị Chương”, Phật
dạy: Đãi một trăm người ác ăn không bằng đãi cho một người thiện dùng.
Đãi một ngàn người thiện ăn không bằng đãi cho một người trì ngũ giới
dùng. Đãi một người trì ngũ giới ăn không bằng cúng dường cho một vị Tu
Đà Hoàn dùng. Cúng dường trăm vạn vị Tu Đà Hoàn không bằng cúng dường
cho một vị Tư Đà Hàm. Cúng dường ngàn vạn vị Tư Đà Hàm không bằng cúng
dường cho một vị A Na Hàm. Cúng dường một ức vị A Na Hàm không bằng
cúng dường cho một vị A La Hán. Cúng dường mười ức vị A La Hán không
bằng cúng dường cho một vị Bích Chi Phật. Cúng dường trăm ức vị Bích
Chi Phật không bằng dùng giáo pháp của Như Lai để độ cho cha mẹ mình.
Giáo hóa ngàn ức người không bằng cúng dường cho một vị nguyện cầu
thành Phật để hóa độ hết thảy chúng sanh, cúng dường được như vậy thì
phước báo sẽ lớn vô cùng.
“Kinh Tạp Bảo Tạng ” nói: Ngày xưa,
trên núi Tuyết có chim Oanh Vũ, cha mẹ đều bị mù, ngày ngày oanh vũ bay
đi khắp núi này rừng nọ để hái trái về cúng dường cha mẹ. Lúc bấy giờ
có một điền chủ, ban đầu ông phát tâm trồng ruộng để cho chúng sanh
dùng. Chim Oanh Vũ nghe vậy nên thường tìm đến nhặt lúa mang về cúng
dường cha mẹ. Gặp lúc điền chủ ra thăm ruộng, nhìn thấy chim đang ăn
lúa nên nổi cơn giận dữ, bắt nhốt chim Oanh Vũ lại. Oanh Vũ buồn than:
“Tôi nghe nói điền chủ có tâm bố thí nên mới đến lấy lúa về, tại sao
giờ ông lại bắt tôi” . Điền chủ hỏi: “Lấy lúa về cho ai?” Oanh Vũ trả
lời: “Cha mẹ tôi đều bị mù nên tôi kiếm chút thức ăn về nuôi cha mẹ.”
Điền chủ nghe nói cảm động: “Vậy thì từ nay về sau ngươi cứ đến đây lấy
lúa về nuôi dưỡng song thân”. Loài súc sanh còn biết hiếu thuận cha
mẹ, huống hồ là con người. Phật bảo các Tỳ Kheo, chim Oanh Vũ ngày xưa
chính là Ta bây giờ, người điền chủ chính là Xá Lợi Phất, cha mẹ mù
thuở ấy chính phụ hoàng Tịnh Phận và mẫu hậu Ma Da. Do vì ngày trước Ta
biết hiếu thuận nên bây giờ mới được thành Phật.
“Ngũ Phần Luật” nói: Có Tỳ Kheo Hoa
Lăng Già Bà Tha, vì cha mẹ nghèo khó nên muốn đem y phục của mình cúng
dường cha mẹ mà không dám, liền đến bạch Phật, Phật tập hợp các Tỳ Kheo
lại, dạy rằng: “Nếu có người cả trăm năm cõng cha mẹ trên hai vai
không hề ngừng nghỉ, cha mẹ đại tiểu tiện đều ở trên đó, hoặc đem thức
ăn, áo quần, đồ vật quý báu nhất để cúng dường cha mẹ, cũng không thể
báo đáp được thâm ân sâu nặng ấy. Từ nay về sau, các Tỳ Kheo nếu không
hết lòng cúng dường cha mẹ thì sẽ bị liệt vào hàng tội nặng.
Trong “kinh Hiền Ngu” nói: Một thời,
Phật ở tại tinh xá Trúc Viên, thành La Duyệt Chi. Lúc bấy giờ, Thế Tôn
và A Nan đắp y trì bát vào thành khất thực, gặp đôi vợ chồng mù nghèo
khổ không chốn nương thân. Họ có được một mụm con vừa lên bảy, đứa bé
ngày ngày đi xin ăn về nuôi cha mẹ, mỗi khi xin được chút thức ăn ngon
liền để dành mang về cúng dường cha mẹ, còn thức ăn hư dở để lại mình
ăn. Lúc bấy giờ, A Nan thấy đứa bé tuy tuổi còn nhỏ mà biết cung kính
hiếu thuận cha mẹ như thế nên liền đem lòng thương mến. Sau khi khất
thực trở về Tinh Xá, Đức Phật giảng Pháp cho Đại chúng nghe, A Nan liền
quỳ gối chắp tay bạch Phật rằng: “bạch Thế Tôn! Vừa rồi cùng Thế Tôn
vào thành khất thực, con thấy một đứa bé ăn xin ở cùng cha mẹ trong
thành nhưng rất có tâm từ hiếu, những thức ăn ngon em xin được đều để
dành mang về dâng lên cha mẹ, để lại phần mình toàn thức ăn hư dở, ngày
ngày đều như vậy, thật đáng thương tâm.” Phật bảo A Nan: “Có tâm từ
hiếu thương kính đối với cha mẹ thì dù là người xuất gia hay tại gia
cũng đều có công đức thù thắng không thể nghĩ bàn. A Nan nên biết, Ta
từ vô lượng kiếp trong quá khứ, vì hiếu thuận cúng dường cha mẹ, thậm
chí có lúc cắt thịt để cứu cha mẹ khỏi cơn đói khát, nhờ công đức hiếu
thuận đó nên nay Ta mới được thành Phật.”
Trong “kinh Đại Thừa Bổn Sanh Tâm Địa
Quán” nói: Phàm phu không có tuệ nhãn, không biết tri ân nên không
chứng diệu quả. Chúng sanh trong đời ngũ trược ác thế không hiểu được
thâm ân, nên nay Như lai sẽ nói về bốn ân để mọi người biết được cùng
đi vào con đường chánh kiến Bồ Đề. Cha có từ ân, mẹ có bi ân, ân cha mẹ
sinh ra ta và nuôi dưỡng ta nên người. Từ ân của cha cao như núi, bi
ân của mẹ rộng như biển. Nếu Ta ở trong một kiếp chỉ nói về công ân cha
mẹ thôi cũng không nói hết được…Mẹ mang thai ta từ khi mới bắt đầu thụ
thai chưa thành hình, trải qua mười tháng cưu mang khổ cực, đi đứng
nằm ngồi chịu đủ khổ não. Đến gần ngày sinh, mẹ âm thầm chịu đựng khổ
đau, ngày đêm sầu não. Đến lúc lâm bồn, sự đau khổ ấy như cắt thịt chẻ
xương, đau đớn không thể nào kể xiết được. Khi con cất tiếng khóc chào
đời, mẹ mừng vui khôn xiết. Ngực mẹ là là nơi ấm áp cho con ngả mình,
đầu gối mẹ là nơi con đùa giỡn. Từ trong vú mẹ tuôn ra dòng sữa ngọt
mát như nước cam lộ nuôi con khôn lớn. Ân mẹ không gì có thể sánh bằng,
đức nuôi dưỡng không gì so được. Thế gian, núi Tu Di là cao, lòng từ
ái của mẹ còn cao hơn thế nữa. Thế gian, đất là nặng, tình thương của
mẹ còn nặng hơn thế nhiều... Thế nên, tất cả thiện nam tín nữ phải biết
trân trọng thâm ân cha mẹ, luôn siêng năng tu tập, hiếu kính mẹ cha.
Tri ân báo ân cha mẹ cũng giống như cúng dường Phật không khác, hai
việc làm ấy đều có phước báu ngang nhau, các ông phải nên báo ân cha mẹ
như thế.
Trên đây chỉ liệt ra một số ít trong
phần lớn các kinh điển mà Đức Phật dạy về đạo Hiếu, từ đó có thể thấy
rằng, chữ Hiếu trong Phật giáo không phải là hiếu thuận bình thường như
thế gian thường nói đến. Chữ Hiếu mà thế gian nói chỉ giới hạn trong
phạm vi phụng dưỡng, hiếu thuận cha mẹ mà thôi, còn Chữ Hiếu trong Phật
giáo rất là rộng rãi. Đức Phật không những dạy chúng ta phải hiếu
thuận với cha mẹ mà còn dạy chúng ta phải hiếu thuận với đại chúng.
Không chỉ hiếu thuận không thôi, mà chúng ta còn phải hướng dẫn cha mẹ
bỏ tà quy chánh, tu tập điều lành.
Cho nên trong “kinh Hiếu Tử” Phật bảo
các vị Sa Môn: “Chưa có điều gì đáng gọi là hiếu, chỉ có như vậy mới
gọi là đại hiếu, tức làm cho cha mẹ bỏ ác về lành, giữ gìn năm giới,
quy y Tam Bảo. Nếu làm được như thế, thì dù cha mẹ buổi sáng gìn giữ,
buổi chiều mất đi, ta cũng không có gì hối tiếc, vì ân hướng cha mẹ về
nẻo chánh còn nặng hơn ân nuôi dưỡng, cho bú mớm của cha mẹ. Nếu không
biết đem giáo pháp của Phật Đà khai hóa cha mẹ thì mặc dù là hiếu dưỡng
nhưng cũng như bất hiếu.
Trong “kinh Báo Ân phụ mẫu” nói: ân cha
nghĩa mẹ rất sâu nặng , cha mẹ cho ta hình hài, nuôi ta khôn lớn, giáo
dục ta nên người, lo gầy dựng hôn nhân cho ta. Giả sử có người cõng mẹ
cha tất cả hai vai đi giáp vòng hòn núi Tu Di đến trăm ngàn kiếp thì
ơn kia vẫn chưa đền đáp được. Nếu cha mẹ không tin Tam Bảo, ta khuyên
cha mẹ tin Tam Bảo; cha mẹ không thọ trì giới, ta khuyên cha mẹ thọ trì
cấm giới, cho đến khuyên cha mẹ bố thí…như vậy mới đáng gọi là báo
hiếu.
“Kinh Bổn Sự ” nói: Giả sử có người,
vai trái cõng cha, vai phải gánh mẹ, trãi qua ngàn kiếp không hề ngừng
nghỉ, cung cấp quần áo thuốc thang, cần gì có nấy cũng không thể báo
đáp được thâm ân cha mẹ. Vì sao vây? Vì cha mẹ từ ái nuôi con, nuôi
nấng ẵm bồng cho đến khi khôn lớn, lo đủ mọi nhu cầu từ thân đến tâm
cho con, dạy con những điều cần học trong đời, lòng lúc nào cũng muốn
con được vui vẻ. Cha mẹ theo con như bóng theo hình, tâm không lúc nào
rời xa con. Ân cha mẹ đối với con cái quá sâu nặng như vậy, làm sao báo
đáp được? nếu cha mẹ chưa tin Phật pháp, thì người con phải tìm cách
tán thán Tam Bảo để cha mẹ khởi lòng tin. Nếu cha mẹ chưa giữ giới
thanh tịnh thì người con phải tìm phương tiện tán dương, nói lên lợi
lạc của việc giữ giới để cha mẹ phát tâm thanh tinh tịnh hành trì. Nếu
cha mẹ chưa hiểu biết Phật pháp thì người con phải tìm cách khuyên bảo,
tán dương, làm cho cha mẹ thường nghe chánh pháp của Phật, bày cho cha
mẹ cách thức tu tập. Nếu cha mẹ có tánh tham lam, không thích bố thí
thì người con phải tìm cách để cha mẹ biết bố thí. Báo hiếu như vậy mới
được gọi là chân thật báo hiếu cha mẹ.
Trên thực tế, chữ Hiếu trong Phật giáo
phân làm ba loại khác nhau: một là hiếu thuận cha mẹ bằng cách cung
phụng vật chất để cha mẹ khỏi cảnh đói lạnh, đây gọi là là tiểu hiếu.
Người xuất gia đắc quả thành đạo, công thành danh toại, rạng rỡ tổ
tông, làm cha mẹ vui lòng, đây gọi là là trung hiếu. Người xuất gia chỉ
bày cha mẹ sanh khởi tín tâm, cung kính Tam Bảo, xa lìa phiền não, ác
đạo, liễu thoát sanh tử, độ gia tộc vĩnh viễn thoát khỏi tam đồ ác đạo,
đây mới thật sự là đại hiếu.
Ba loại hiếu này, từ xưa đến nay người
xuất gia đều làm được rất xuất sắc, chỉ có loại hiếu thứ hai, vì người
xuất gia xem nhẹ danh lợi, nên không chú trọng đến cái gọi là công
thành danh toại, rạng rỡ tổ tông…
Đề cập đến đại hiếu của người xuất gia,
trong “kinh Vu Lan Bồn” nói: Thiện nam tử! Nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni,
Quốc vương, Thái tử, Vương tử, Đại thần, Tể tướng, Tam công, Bá quan,
Vạn dân, Thứ dân nếu muốn đền ơn cha mẹ thì vào rằm tháng Bảy mỗi năm,
ngày Phật hoan hỷ, ngày chúng Tăng tề tựu sau ba tháng kiết hạ an cư,
nên vì cha mẹ ở hiện tại và cả cha mẹ trong bảy đời sắm trăm vị cơm
canh, đựng trong bình bát sạch sẽ chờ đến giờ mười phương chúng Tăng tự
tứ để cúng dường. Nguyện cầu cha mẹ còn sống được trường thọ, an vui,
không có các bịnh tật khổ não; cha mẹ bảy đời lìa chốn ngạ quỷ, sanh về
nhân thiên, hưởng được phước lạc vô cùng. Phật bảo: Thiện nam tử!
Thiện nữ nhơn! Là đệ tử Phật thì phải tu hạnh hiếu thuận, phải thường
cầu nguyện, hồi hướng công đức cho cha mẹ hiện tại và cha mẹ bảy đời.
Vào rằm tháng Bảy mỗi năm, để tỏ lòng hiếu thuận với cha mẹ hiện tại và
cha mẹ bảy đời, chúng ta nên sắm sửa Vu Lan Bồn cúng dường Phật và
Tăng để báo hiếu thâm ân sanh thành dưỡng dục của cha mẹ.
Từ những trích dẫn trên nên nói người
xuất gia có khả năng độ thoát cha mẹ bảy đời. Xem ra chữ Hiếu trong
Phật giáo mới thật là chân hiếu, không như chữ Hiếu bình thường như
người đời thường nói. Thật ra, chăm sóc cha mẹ chỉ là hiếu thuận cơ
bản, ngoài sự tận tình chăm sóc cha mẹ ra, cần phải mở rộng lòng hiếu
thuận đến với dòng tộc; công thành danh toại mới có thể làm rạng rỡ tổ
tông.
Hơn thế nữa, muốn độ thoát cha mẹ của
mình, trong “kinh Phạm Võng” lại nhấn mạnh: Phải xem hết thảy người nữ
là mẹ mình, hết thảy người nam là cha mình, phải độ hết thảy bà con,
phải lợi ích tất cả chúng sanh, đó mới là đại hiếu. Nếu là đại hiếu ở
phạm vi rộng thì phải hết sức hiếu thuận đối với tất cả dân tộc, tất cả
chúng sanh. Đây mới thật sự là đại hiếu mà Phật giáo nói đến và người
xuất gia cũng nên làm được như thế.