1. Kinh Tứ Thập Nhị chương: 1 quyển, ĐTK/ĐCTT, tập 17, No.784,
tr.722A-724A, do hai đại sư Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan dịch
vào đời Hỗu Hán (25-220), thời điểm dịch kinh trên là vào năm 67
TL Đây là bản kinh vẫn được xem là đã có mặt sớm nhất trong lịch
sử dịch thuật kinh điển của Phật giáo Trung Quốc.
2. Kinh Thi Ca La Việt Lục Phương Lễ: 1 quyển, ĐTK/ĐCTT, T1,
No. 16, tr.250C-252B, do đại sư An Thế Cao dịch vào đời Hậu Hán,
thời điểm dịch kinh ấy là trong khoảng từ năm 148-170 TL. Điều
đáng chú ý là kinh Thi Ca La Việt Lục Phương Lễ, ngoài bản dịch
của đại sư An Thế Cao, trong Hán tạng còn có ba bản dịch nữa:
? Kinh Phật Thuyết Thiện Sinh Tử: 1 quyển, ĐTK/ĐCTT, T1, No.17,
tr.252B-255A, do Sa môn Chi Pháp Độ dịch vào đời Tây Tấn
(265-317), thời điểm dịch kinh này là vào năm 301 TL.
? Kinh Thiện Sinh trong kinh Trung A Hàm, kinh số 135, thuộc
quyển 33: ĐTK/ĐCTT, T1, No.26, tr.638C-642A do đại sư Cù Đàm Tăng Già
Đề Bà dịch vào đời Đông Tấn (317-419), thời điểm dịch kinh ấy
là vào năm 397 TL.
? Kinh Thiện Sinh: thuộc kinh Trường A Hàm, quyển thứ mười một,
kinh số 16: ĐTK/ĐCTT, T1, No.1, tr.70A-72C, do hai đại sư Phật Đà
Da Xá và Trúc Phật Niệm dịch vào đời Hỗu Tần (384-417), thời điểm
dịch kinh là vào năm 408 TL.
? Kinh Thi Ca La Việt Lục Phương Lễ cũng có mặt trong kinh tạng
Nam truyền, được ghi lại trong kinh Trường Bộ (Digha-Nikàya),
mang tên là Singalovàda-Suttanta, kinh số 31 (xem kinh Giáo Thọ Thi Ca
La Việt, trong kinh Trường Bộ, T2, HT. Minh Châu dịch, ĐTK Việt
Nam, 1991, tr.529-547).
3. Kinh Phụ Mẫu Ân Nan Báo: 1 quyển, ĐTK/ĐCTT, T16, No.684,
tr.778C-779A, do ại sưu An Thế Cao dịch vào đời Hỗu Hán. Nói chung,
đại sư An Thế Cao có mặt ở Trường An-Trung Quốc trong khoảng từ
148-170 TL và các kinh, luật ... do ại sư dịch đã được thực hiện
trong khoảng thời gian trên.
4. Kinh Phật Thuyết Hiếu Tử: 1 quyển, ĐTK/ĐCTT, T16, No.687,
tr.780B-781A, mất tên người dịch, phụ vào dịch phẩm đời Tây Tấn,
nhưng với cách mở đầu pháp thoại: "Phật vấn chư Sa môn ..." thì
chúng ta có thể tạm cho rằng kinh này đã được dịch vào thời kỳ
đầu, tức vào đời Đông Hán (25-220).
5. Kinh Vu Lan Bồn: 1 quyển, ĐTK/ĐCTT, T16, No.685, tr.779A-779C,
do Pháp sư Trúc Pháp Hộ (226-304) dịch vào đời Tây Tấn
(265-317), thời điểm dịch kinh là vào khoảng năm 286 TL. Pháp sư
Trúc Pháp Hộ được xem là vị dịch giả tiêu biểu nhất cho giai đoạn
đầu thuộc loại lịch sử dịch thuật kinh điển của Phât giáo Trung
Quốc, với 95 tên kinh, gồm 208 quyển được dịch, Pháp sư Trúc Pháp
Hộ đã có những đóng góp hết sức lớn lao vào sự nghiệp hoằng dương
chánh pháp, được hậu thế tôn xưng là Bồ tát Đôn Hoàng.
Xin lần lượt giới thiệu phần chính bàn về chữ Hiếu nơi 5 bản kể trên:
1. Kinh Tứ Thập Nhị Chương:
"Phật nói: Đãi cơm một trăm người thường không bằng một người
tốt. đãi cơm một ngàn người tốt không bằng một người giữ năm giới.
Đãi cơm một vạn người giữ năm giới không bằng người học tập theo
Phật, nguyện được như Phật để cứu vớt chúng sinh. Hiến cơm như vậy
thì phước sâu dày nhất. Còn thờ phụng trời đất qủy thần thì không
bằng hiếu thảo với cha mẹ: cha mẹ là thần linh bậc nhất". (Kinh
Tứ Thập Nhị Chương, bản A-tức bản trong ĐTK/ĐCTT, HT. Trí Quang
dịch, 1994, tr.34-35, bài số 9).
2. Kinh Thi Ca La Việt Lục Phương Lễ:
"Phật dạy: lễ bái ở phương đông, đó là con thờ kính cha mẹ, có
năm việc: Một là phải nhớ lo làm ăn. Hai là phải dậy sớm để sai
bảo tôi tớ, đúng giờ cơm nước. Ba là đừng để cha mẹ phải lo âu.
Bốn là phải luôn nghĩ tới công ơn của cha mẹ. Năm là cha mẹ bệnh
tật thì phải lo lắng cầu tìm thầy thuốc trị liệu. Cha mẹ đối với
con cái cũng có năm việc: Một là phải nhớ khuyên con bỏ ác theo
thiện. Hai là dạy cho con chăm lo học hành. Ba là dạy cho con thọ
trì kinh giới. Bốn là phải sớm lo dựng vợ gả chồng cho con. Năm là
trong nhà có của cải gì phải để lại cho con". (ĐTK/ĐCTT, T1,
No.16, tr.251B). Cũng nên tham khảo kinh Phật Thuyết Thiện Sinh
Tử, do Samôn Chi Pháp Độ dịch vào đời Tây Tấn, năm 301 TL:
"Lại nữa, này con ông cư sĩ ! Phàm ở phương đông, như con cái
thờ kính cha mẹ, như vậy con cái phải lấy năm việc để cung kính
phụng dưỡng, an ủi một cách chân chính đối với cha mẹ. Những gì là
năm? Một là luôn nhớ nghĩ việc báo đáp, lo việc nhà. Hai là thay
thế cha mẹ gánh vác công việc. Ba là luôn an ủi, can ngăn đúng
lúc. Bốn là chỉ mong cung phụng, nuôi dưỡng cha mẹ. Năm là luôn
vui mừng khi thấy cha mẹ. Cha mẹ cũng lấy năm việc để yêu thương
con cái mình. Đó là: lo tạo dựng cơ nghiệp, cùng lo về tài lợi, lo
dựng vợ gả chồng cho con cái, dạy con cái tu học chánh pháp, có
việc gì cũng phó thác cho con. Đấy chính là hai phần thích hợp của
phương đông, được pháp của các bậc Thánh xưa nêu dạy, làm con
phải phải hiếu thảo, làm cha mẹ phải từ ái, kẻ sĩ trượng phu mong
lợi ích mà pháp lành không suy thoái". (ĐTK/ĐCTT, T1, No.17,
tr.254A).
Và kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt trong kinh Trường Bộ, chắc chắn
là mang nhiều tính chất nguyên thủy: "Này Gia chủ tử ! Vị thánh
đệ tử hộ trì sáu phương như thế nào? Này Gia chủ tử, sáu phương ấy
cần được hiểu như sau: phương đông cần được hiểu là cha mẹ ...
Này Gia chủ tử, có năm trường hợp người con phải phụng dưỡng
cha mẹ như phương đông: "Được nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại
cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ giữ gìn gia
đình và truyền thống; tôi sẽ bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ lo
tang lễ khi cha mẹ qua đời". Này Gia chủ tử, được con phụng dưỡng
như phương đông, theo 5 cách như vậy, cha mẹ có lòng thương tưởng
đến con cũng theo 5 cách: Ngăn chận con làm điều ác; khuyến khích
con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp; cưới vợ; gả chồng xứng
đáng cho con; đúng thời trao củ thừa tự cho con.
Này Gia chủ tử, như vậy là cha mẹ được con phụng dưỡng như
phương đông theo năm cách và cha mẹ có lòng thương tưởng đến con
cũng theo năm cách. Như vậy phương đông được che chở, được trở
thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi". (Kinh Trường Bộ, T.2,
HT. Minh Châu dịch, ĐTK Việt Nam, 1991, tr.541-542).
3. Kinh Phụ Mẫu Ân Nan Báo:
"... Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các vị Tỳ khưu: Cha mẹ đối
với con công ơn ấy thật lớn lao: Cho bú mớm dưỡng nuôi, theo lúc
mà vỗ về, chăm sóc, thân tứ đại mới nên hình. Lúc này, giá như vai
bên phải vác cha, vai bên trái cõng mẹ, trải qua hàng ngàn năm
như vậy, cha mẹ ở trên lưng vẫn yên ổn, còn mình thì không hề dấy
tâm oán trách, nhưng người con ấy vẫn chưa báo đáp đủ ân của cha
mẹ mình. Nếu cha mẹ không biết tin tưởng thì nên chỉ dẫn khiến
sinh lòng tin, đạt được sự an ổn; không biết giữ giới thì đem giới
trao cho, chỉ dẫn cách giữ gìn, sẽ đạt được sự an ổn; không được
hiểu biết, học hỏi thì khiến cho được nghe, hiểu, tất đạt được an
vui. Nếu cha mẹ thuộc hạng tham lam, keo kiệt, thì phải chỉ dẫn
khiến cha mẹ trở nên ưa bố thí, đem lại niềm an vui cho cha mẹ,
đạt được sự an ổn. Cha mẹ thiếu trí huệ thì chỉ dẫn khiến có được
trí huệ, khuyến khích đem lại niềm vui, gìn giữ sự an ổn vốn có.
Như vậy là tin vào bậc Như Lai chí chân đẳng chánh giác Minh hạnh
thành vi thiện thệ thế gian giải Vô thượng sĩ đạo pháp ngự thiên
nhân sư Phật Thế Tôn. Lại chỉ dẫn tin vào giáo pháp, đạt được sự
an ổn. Các pháp hết mực sâu xa, Đức Như Lai đã hiện thân chứng
qủa, nghĩa lý vô cùng thâm diệu. Bậc trí như thế là thông tỏ hạnh
ấy. Lại chỉ dẫn khiến tin vào Tháng chúng. Thánh chúng của Như
Lai, giới hạnh rất thanh tịnh, chánh trực không tà vạy, luôn hòa
hợp, mọi pháp đều thành tựu; giới luật, các pháp Tam muội, trí huệ
đều thành tựu; thành tựu về sự giải thoát và giải khoát kiến huệ
(giải thoát tri kiến). Gọi là Thánh chúng, tức bốn quả vị, tám
bậc (tứ song bát bối) là chúng đệ tử của Đức Như Lai, hết sức
tôn quý, phải nên dốc lòng kính ngưỡng, là ruộn phước không gì hơn
trong thế gian ..." (ĐTK/ĐCTT, T16, tr.778C-779A).
4. Kinh Phật Thuyết Hiếu Tử:
"Đức Phật hỏi các vị Sa môn: Cha mẹ sinh con, mẹ mang thai mười
tháng, thân thể như mắc phải bệnh nặng, đến khi sinh con ra, mẹ
thì nguy cấp, cha thì lo sợ, tình cảm ấy thật khó nói hết. Từ đấy
về sau, mẹ phải nằm chỗ ẩm thấp, dành chỗ khô ráo cho con. Tinh
túy của lòng thành hết mực nên máu huyết đã hóa làm sữa nuôi con.
Rồi nào lau chùi, tắm rửa, sắm áo quần, lo thức ăn uống, dạy dỗ
bảo ban, kính lễ thầy bạn, dâng công cho các bậc vua chúa, trưởng
thượng, diện mạo con vui vẻ thì cha mẹ cũng vui lây. Con tạo ra
chuyện buồn phiền thì ruột gan cha mẹ cũng khô héo, ra cửa thì
thương nhớ, vào nhà cũng khôn nguôi, lúc nào cũng lo sợ sợ về con
có điều gì chẳng lành. Ân của cha mẹ như thế làm sao báo đáp? Các
vị Sa môn thưa: - Chỉ dốc hết sự kính lễ, với tâm từ cung phụng
nuôi dưỡng để báo đền ân của bậc sinh thành.
Đức Thế Tôn lại nói: - Con phụng dưỡng cha mẹ, trăm vị ngon
ngọt dâng đưa tận miệng, nhạc trời với đủ thứ âm thanh làm vui
tai, áo quần trang phục rực rỡ nơi thân hình, hai vai cõng vác cha
mẹ dạo vòng khắp bốn biển, cho tới khi người con chết đi, tất cả
những việc làm ấy là để nhằm báo đáp ân của cha mẹ. Vậy có thể gọi
đó là hiếu chăng? Chư vị Sa môn đáp":
- Cái lớn lao của sự hiếu dưỡng, há không như thế sao !
Đức Phật bảo rằng: - Tất cả những việc làm đó chưa được gọi là
hiếu. Nếu cha mẹ ngu bướng, tối tăm, không biết thờ kính ba ngôi
báu, lại hung dữ tàn bạo, trộm cắp quá đáng, tham dâm về sắc dục,
lời nói hư dối chẳng đúng đạo lý, đam mê rượu chè bất kể, luôn
trái với điều hay lẽ phải, trong trường hợp như vậy thì người con
phải dốc hết sức can ngăn khiến cho cha mẹ tỉnh ngộ. Như vẫn còn
mịt mờ chưa tỏ, thì phải lấy nghĩa lý để giáo hóa, dẫn ra các sự
việc ở nơi lao ngục của vua chúa. Người giữ việc trừng trị đám tù
nói:
Đây là những kẻ không theo đúng phép tắc, thân chứa đầy các thứ
ác độc, tự gây nên cái chết cho mình. Chết rồi thì thần linh sẽ
đem treo cột nơi núi Thái, rồi nào nước sôi lửa bỏng, muôn thứ ghê
gớm thiêu đốt hành hạ, ai đâu cứu được, là do kẻ ấy đã tạo các
bao điều ác nên phải chịu lấy những tai vạ nặng nề như thế. Còn
như cha mẹ chưa chịu thay đổi, thì người con phải tìm cách than
khóc, kêu gào kể lể thảm thiết, bỏ hết mọi chuyện ăn uống.
Cha mẹ tuy không sáng suốt, nhưng ắt do lòng quá yêu thương
con, sợ con mình phải chết, nên quyết nhẫn nhịn, chế ngự tâm tánh,
kính chuộng đạo nghĩa. Như cha mẹ đổi thay tâm chí, phụng thờ
Phật, giữ năm giới: có lòng nhân, thương người-vật, không sát
sinh; giữ lòng trong sạch không trộm cắp; chính trực, trong lành
không tà dâm; chuộng tín nghĩa không lừa dối; hiếu thuận không say
sưa. Được như vậy thì trong gia đình, họ hàng: cha mẹ nhân từ, con
cái hiếu thảo, chồng ngay thẳng, vợ trinh thuận, tộc họ hòa mục,
tôi tớ vâng lời, ân đức trùm khắp, ai cũng suốt đời chịu ơn, chư
Phật trong mười phương, trời rồng quỷ thần, vua là bậc chánh đạo,
quan lại trung can, dân chúng trăm họ không ai là không yêu mến
kính trọng. Thần linh hộ trì mà được an ổn, dù việc nước có lắm
đảo điên, bọn quan dua nịnh được tin dùng, đám trẻ con dữ tợn, đàn
bà chết non, ngàn tà vạn quái ... cũng không làm gì được. Như vậy
là cha mẹ ở đời luôn được an lành, khi mạng chung được sinh lên
cõi trời, cùng gặp chư Phật, được nghe chánh pháp, tu tập, giải
thoát khỏi mọi nỗi khổ thế gian.
Đức Phật nói với chư vị Sa môn: - Xem trong cuộc đời, sự hiếu
thảo không gì bằng việc có thể khiến cho cha mẹ bỏ ác làm thiện,
phụng giữ năm giới, tự quy ngưỡng nơi ba ngôi báu. Còn như sớm
chiều lo phụng dưỡng, đối với ân sâu nặng đã từng cho bú mớm,
dưỡng nuôi của cha mẹ, dù có dùng vô lượng sự báo đáp, nếu chẳng
đem sự cao tột củ ba ngôi báu để giáo hóa cha mẹ, thì tuy làm công
việc hiếu dưỡng, cũng hãy còn là bất hiếu ..." (ĐTK/ĐCTT, T16,
No.687, tr.780-781A).
5. Kinh Vu Lan Bồn:
"... Khi ấy Tôn giả, Đại Mục Kiền Liên, mới thành tựu được, sáu
thứ thần thông, muốn cứu cha mẹ, đền đáp ân đức, sinh thành dưỡng
dục, nên dùng thiên nhãn, quan sát khắp cả, thế giới luân hồi,
nhìn thấy mẹ mình, sinh trong ngạ quỷ, không có đồ ăn, chẳng được
thức uống, da liền với xương. Tôn giả thống thiết, lấy bát đựng
cơm, đem hiến cho mẹ. Bà mẹ nhận được, tức thì tay trái, che lấy
cái bát, tay phải vốc cơm. Nhưng mà cơm ấy, chưa vào đến miệng, đã
thành than lửa, nên khong ăn được. Tôn giả kêu lên, khóc lóc bi
thảm, chạy về bạch rõ, với Đức Thế Tôn, cảnh tượng như vậy. Đức
Thế Tôn dạy: Đại Mục Kiền Liên, thân mẫu Tôn giả, gốc rễ tội
chướng, kết đã quá sâu, không phải năng lực, một mình Tôn giả, có
thể giải cứu ... Phải nhờ uy lực, của mười phương Tăng, mới được
siêu thoát. Hôm nay Như Lai , chỉ dạy Tôn giả, cách thức cứu vớt,
để cho hết thảy, những kẻ khổ nạn, cũng được siêu thoát. Đại
Mục Kiền Liên, mười phương Tăng chúng, lấy Rằm tháng Bảy, làm ngày
tự tứ. Ngày ấy các người, hãy vì tất cả, cha mẹ bảy đời, cha mẹ
hiện tại, những kẻ đang ở, trong vòng khổ nạn, mà sắm trai soạn,
đủ hết mùi vị, các thứ trái củ, bồn chậu múc rưới, hương dầu đèn
nến, giường có đồ nằm, đem đồ ngon nhất, đặt vào trong bồn, hiến
cúng mười phương, Đại đức Tăng chúng ...
Khi ấy Tôn giả, Đại Mục Kiền Liên, liệt vị đại sĩ, đều rất hoan
hỷ. Tiếng khóc bi thảm, của ngài Mục Liên, tức thì tan biến. Thân
mẫu của ngài, ngay trong ngày ấy, thoát được thống khổ, một kiếp
ngạ quỷ ... Đức Thế Tôn dạy, Đại Mục Kiền Liên, lời Tôn giả hỏi,
rất đúng và hay. Như Lai muốn nói, Tôn giả lại hỏi, Đại Mục Kiền
Liên, các vị Tỷ kheo, hay Tỷ kheo ni, quốc vương vương tử, đại
thần tể tướng, tam công bách quan, cùng toàn dân chúng, ai muốn
thực hành, cái đức từ hiếu, thì trước nên vì, cha mẹ hiện tại, kế
đó nên vì, cha mẹ bảy đời, trong thời quá khứ, đến Rằm tháng Bảy,
ngày Phật hoan hỷ, ngày Tăng tự tứ, đặt để trai soạn, đủ các mùi
vị, vào bồn Vu Lan, hiến cúng mười phương, Tăng chúng tự tứ, cầu
nguyện cha mẹ, đang còn hiện tại, sống lâu trăm tuổi, không bệnh
không khổ. Cha mẹ bảy đời, trong thì quá khứ, thót khổ ngạ quỷ,
sinh trong nhân loại, hay trên chư thiên, phước lạc vô cùng. Đệ tử
Như Lai, thực hành từ hiếu, thì mỗi ý nghĩ, thường thường tưởng
nhớ, cha mẹ hiện tại, cho đến cha mẹ, bảy đời quá khứ. Hàng năm cứ
tới, ngày Rằm tháng Bảy, đem lòng từ hiếu, tưởng nhớ song thân,
sắm bồn Vu Lan, hiến cúng Phật Đà, hiến cúng Tăng chúng, báo đáp
ân đức, từ ái nuôi dưỡng, của cha của mẹ. Những ai đã là, đệ
tử Như Lai, thì phải tuân giữ, cách thức trên đây ..." (Kinh Vu
Lan Bồn, HT. Trí Quang dịch, 1994, tr.18-33).
? Một số ghi nhận:
Chỉ với 5 kinh (thuộc loại) có mặt sớm nhất trong lịch sử dịch
thuật kinh điển của Phật giáo Trung Quốc (Hậu Hán đến Tây Tấn),
chúng tôi xin nêu lên một số ghi nhận như sau:
1. Phật giáo rất chú trọng tới vấn đề chữ Hiếu và đã thuyết
minh rất thực tiễn, rất thấu đáo về vấn đề? ấy. Bài số 9 của kinh
Tứ Thập Nhị Chương đã dùng hình ảnh đãi cơm, dâng cúng cơm để nêu
rõ và dẫn dắt sự việc, đưa tới cái khẳng định "... Hiến cơm trăm
Đức Phật Chi không bằng đem giáo huấn của Tam bảo mà hóa độ song
thân ngàn ức đời không bằng hiến cơm một người học tập theo Phật,
nguyện được như Phật để cứu vớt chúng sinh ...", là những thuyết
minh rất thực tiễn, rất hình tượng. Năm sự việc mà người con phải
thực hiện để báo đáp ân sâu của cha mẹ được nêu dẫn nơi kinh Thi
Ca La Việt Lục Phương Lễ cũng là những chỉ dạy rất thực tiễn, thấu
đáo. Cần nhớ rằng, trong sáu phương phải nên lễ bái: phương
đông (con cái - cha mẹ), phương Nam (đệ tử - sư trưởng), phương
Tây (chồng - vợ), phương Bắc (tôi tớ - gia chủ), phương dưới (bằng
hữu) và phương trên (thí chủ - Sa môn, Bà la môn), thì phương
đông được nói tới trước hết, chứng tỏ sự quan tâm đáng kể đối với
vấn đề hiếu thảo, hay nói rộng hôn là mối tương quan tốt đẹp giữa
con cái và cha mẹ, đầu mối và là nền tảng của sự ổn định đem lại
hạnh phúc tương đối cho gia đình.
2. Nếu hình ảnh đãi cơm, hiến cơm có tính chất gần gũi, quen
thuộc, thì hình ảnh người con, vai bên phải vác cha, vai bên trái
cõng mẹ, trải qua hàng ngàn năm như thế, vẫn tạo được sự yên ổn
cho cha mẹ, còn mình thì không hề dấy tâm oán trách ... (kinh Phụ
Mẫu Ân Nan Báo) là một hình tượng rất độc đáo, rất văn học. Còn
toàn bộ câu chuyện được thuyết minh trong kinh Vu Lan, rõ ràng là
mang tính khái quát cao, rất cao. Chính vì thế mà kinh Vu Lan đã
từ lâu đi vào đời sống của quần chúng Phật tử Trung Hoa và Việt
Nam, trở thành ngày "xá tội vong nhân" trong truyền thống lễ hội
củ dân tộc ta (Tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân - ca dao), lại
được thi ca nhắc nhở đến một cách trang trọng. Văn tế thập loại
chúng sinh của thi hào Nguyễn Du (1765-1820) mãi mãi là một minh
chứng cho sự gắn bó tuyệt vời giữa ngày lễ Vu Lan và văn học cổ
điển Việt Nam.
3. Đề cao chữ Hiếu, Phật giáo đã và luôn luôn nhấn mạnh yếu tố
nhân bản. Câu khẳng dịnh trong kinh Tứ Thập Nhị Chương: "Còn thờ
phụng trời đất quỷ thần thì không bằng hiếu thảo với chah mẹ: cha
mẹ là thần linh bậc nhất", rõ rệt là một đốm sáng nhân bản tuyệt
vời. Rồi nơi các kinh Phụ Mẫu Ân Nan Báo, kinh Hiếu Tử, vấn đề đặt
ra vẫn chú trọng và xoay quanh con người: con người tạo nhân,
chịu quả, con người có thể tác động làm thay đổi hoàn cảnh bằng nỗ
lực khuyến hóa những người chung quanh tạo nhân lành để gặt lấy
quả tốt.
Hơn nữa, sự thuyết minh lại rất thuận hợp, như trong kinh Thi
Ca La Việt Lục Phương Lễ, đã nêu dẫn gồm cả hai chiều: con cái đối
với cha mẹ - cha mẹ đối với con cái, thể hiện cái nhìn về sự vật
trong tính duyên khởi của chúng: "Cái này có thì cái kia có, cái
này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt".
Còn cách giải quyết trong kinh Vu Lan, nhằm đem lại sự siêu độ
cho bà mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên cũng rất là thuận hợp. Bởi vì
dù luôn đề cao yếu tố con người, nhưng con người không phải là có
thể làm được bất cứ điều gì, nhất là trong những trường hợp mà
ngoại lực và nội lực của cá nhân chưa đủ, cần có sự đóng góp của
tập thể. Ân đây, tuy có ít nhiều tính chất siêu nhiên nhưng cũng
rất là nhân bản, không hề có bóng dáng của sự áp đặt từ một đấng
thần linh nào.
4. Chỉ rõ sự hiếu thảo thế gian, như các kinh Thi Ca La Việt
Lục Phương Lễ, kinh Phụ Mẫu Ân Nan Báo, kinh Hiếu Tử ... đã thuyết
minh, nhưng cái đích về sự hiếu thảo, theo Phật giáo vẫn là sự
hiếu dưỡng xuất thế gian: khuyến hóa cha mẹ bỏ ác theo thiện, kính
tin Tam bảo, vâng giữ năm giới, tiến tới việc tu tập để giải
thoát mọi lầm mê và đau khổ. Như vậy, chỉ với năm kinh kể trên,
chúng ta cũng có thể nói tới tính chất đặc thù về quan điểm hiếu
thảo theo Phật giáo, và mọi việc tìm hiểu, thảo luận, ca ngợi hay
bài bác ... cũng phải chú ý tới tính chất đặc thù ấy. Tiếc là, từ
trước tới giờ, thỉnh thoảng một vài nhà nho - Trung Hoa hay Việt
Nam, kể cả những vị đại nho đời Tống, Trung Hoa - vẫn cứ đứng trên
lập trường hiếu dưỡng của Nho giáo để bài bác Phật giáo, cho đạo
Phật là thế này thế nọ theo cái nhìn của nhà nho độc đoán, "tự cho
mình là độc tôn và cho là sai lầm tất cả những lối nhìn khác về
nhân sinh và về vũ trụ ..." (Nguyễn Lang, VNPGSL, T2, 1992,
tr.49), khiến cho Lê Quý Đôn (1726-1784), nhà bác học trong văn
học cổ điển Việt Nam, một nho sĩ tiến bộ có những sở đắc về Phật
học đã tốn nhiều công sức để biện luận, soi sáng, bảo vệ sự thật,
đem lại sự công bằng (xem Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, Phạm
Trọng Điềm dịch, Nhà xb KHXH, H, 1977, tr.363-367).
5. Giới hạn nơi giai đoạn đầu của lịch sử truyền bá Phật giáo ở
Trung Quốc (Hỗu Hán đến Tây Tấn), chủ ý của chúng tôi là muốn cho
chúng ta nhìn rõ thêm về tính chất khế lý - khế cơ trên bước
đường truyền bá từ Ấn Độ sang Trung Hoa. Đây là vùng đất vốn chịu
ảnh hưởng đậm tư tưởng nhập thế của Nho giáo và những người đầu
tiên đem đạo Phật đến với Trung Quốc hẳn đã nhận rõ điều ấy (*).
Một số bản kinh ngắn thuyết minh về chữ Hiếu, như đã dẫn trên,
hoặc về vấn đề xây dựng gia đình, xã hội (như các kinh: Tu Ma Đề
Nữ, 1 quyển, Chi Khiêm dịch, đời Đông Ngô, ĐTK/ĐCTT, T2, No.128,
tr.835C-837C; kinh Phật Thuyết Tam Ma Kiệt, 1 quyển, Trúc Luật
Viêm dịch, đời Đông Ngô, ĐTK/ĐCTT, T2, No.129, tr.843A-845B; kinh
Ngọc Da, 1 quyển, Trúc Đàm Vô Lan dịch, đời Đông Tấn, ĐTK/ĐCTT,
T2, No.143, tr.549A-830B. Kinh Phật Thuyết Bột Kinh Sao, Chi Khiêm
dịch, Đông Ngô, ĐTK/ĐCTT, T17, No.790, tr.729A-736B) v.v ... hẳn
đã nằm trong tính chất khế cơ ấy. Khế cơ mà vẫn khế lý, vẫn luôn
luôn giữ lấy cái bản sắc đặc thù của mình. Bài học đó vẫn còn
nguyên giá trị.
* * *
(*) Kinh "Phật Thuyết Hiếu Tử" đã nêu giảng về 5 giới với ngôn
từ Phật - Nho như sau: "Nhân trắc bất sát, thanh nhượng bất đạo,
trinh khiết bất dâm, thủ tín bất khi, hiếu thuận bất túy"
(ĐTK/ĐCTT, T16, tr.780B): (Có lòng nhân thương người - vật, không
sát sinh, giữ lòng trong sạch không trộm cắp; chính trực, trong
lành không tà dâm ; chuộng tín nghĩa không lừa dối; hiếu thuận
không say sưa).