Dù tổ chức ở Sân vận động, nhưng cũng không kín chỗ, vì sao? |
Sáng nay, lướt mạng internet được đọc hai tin tức khiến trong lòng không khỏi suy nghĩ. Đầu tiên, đó là một tôn giáo vừa tổ chức lễ phục sinh tại sân vận động Thành Longvới hàng vạn người tham dự trong 2 đêm 9 và 10/4/2011 và lễ Phật đản năm nay tại TP. Hồ Chí Minh sẽ được đưa trở lại sân chùa Vĩnh Nghiêm, vốn đã hẹp, nay lại càng hẹp hơn với nhà hàng chay, với tam quan bị đẩy lùi vào trong nhường cho việc mở rộng con đường phía trước.
Hai năm nay, Phật giáo TP. Hồ Chí Minh loay hoay với lễ Phật đản rời rạc, tẻ nhạt, thiếu sinh khí, thiếu đi sự hội tụ và thăng hoa của một lễ hội Phật giáo quan trọng nhất, trong khi một tôn giáo mạnh gạo bạo tiền không ngừng nỗ lực tập hợp tín đồ, tổ chức các sự kiện với hàng vạn người, trong thời gian chuẩn bị thậm chí chỉ có vài giờ.
Và điều dễ nhận thấy nhất là những tín đồ tham dự đều rất sôi nổi, nhiệt thành, hân hoan, không muốn nói là cuồng tín.
Phải chăng Phật giáo là tôn giáo trở về với tâm thì không cần tổ chức lễ hội? Phải chăng Phật giáo là tôn giáo của trí tuệ, của “quý hồ tinh” nên không cần thu hút đông người trong các lễ hội? Phải chăng Phật giáo là tôn giáo của những giây phút thiền định, thiền quán thì không cần tổ chức lễ hội ấn tượng, đặc sắc, thăng hoa bề ngoài?
Những lý do ngụy biện đó không che đậy được các nguyên nhân vì sao lễ Phật đản không được tổ chức xứng tầm tại mỗi chùa, cũng như tại các lễ đài tập trung, nhất là tại thành phố đông dân và “cạnh tranh” nhiều mặt bậc nhất như TP. Hồ Chí Minh.
Ở cấp độ chùa, những ngôi chùa ít quan tâm, chú trọng đến lễ Phật đản thường là những ngôi chùa “làm dịch vụ” tín ngưỡng là chính, trong đó các sư làm nghề thầy cúng, đáp ứng nhu cầu cho số ít tín đồ nhưng lắm tiền, nhiều của.
Như thế thì cần gì số đông, cần gì tổ chức kỷ niệm ngày một vị Thầy vĩ đại ra đời, trong khi tổ chức ngày đó vừa tốn kém, lại vừa không thu được tiền (khác với dâng sao giải hạn, cầu siêu, cầu an).
Ở cấp độ lớn hơn, một ban đại diện cấp huyện, một ban trị sự cấp tỉnh, lý do dễ thấy nhất là sự thiếu tài chỉ đạo của những người đứng đầu, thiếu sự đoàn kết, hợp lực của các chùa, chư Tăng Ni, sự thiếu dũng mãnh và quyết đoán trước những chướng ngại từ bên ngoài, khả năng thu hút và tập hợp quần chúng Phật tử còn hạn chế.
Trong tất cả những lý do có thể có, có một lý do quan trọng nhất, trực tiếp nhất khiến chúng ta chưa tổ chức được những lễ Phật đản đúng và xứng tầm, đó là thiếu đi điều mà tác giả Dương Kinh Thành đã có lần đề cập: lòng yêu và hi sinh vì Đạo pháp.
Lòng yêu đạo pháp là một tình cảm thiêng liêng, ở đó chúng ta tự hào và hạnh phúc khi là một người con Phật, được tu tập theo giáo pháp màu nhiệm, đầy trí tuệ và lòng từ bi của vị Thầy đã xuất hiện ở đời hơn 2600 năm trước, thấy bản thân phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn và truyền bá giáo pháp ấy đến với nhân loại để ai ai cũng được hưởng phúc lành, quả ngọt.
Từ lòng yêu đạo pháp, chúng ta có thêm động lực, ý chí, sự tinh tiến và vô úy để cống hiến cho sự nghiệp hộ pháp và hoằng pháp, sẵn sàng hi sinh thời gian, vật chất, của cải, thậm chí cả tính mạng để giáo pháp ấy được trường tồn trên thế gian này.
Lễ Phật đản chính là dịp thích hợp nhất để mỗi người con Phật thể hiện lòng yêu và hi sinh vì đạo pháp. Chúng ta tổ chức Phật đản đúng và xứng tầm không phải để phô trương, xa đà vào hình thức mà là để thắp sáng và làm tỏa rạng ánh sáng Phật pháp tới mọi người, mọi nhà, gieo duyên lành để mọi người đến và quay về với pháp màu, để tình yêu đạo pháp mãi cháy trong mỗi người Phật tử, để không còn ai bị dụ dỗ, cải đạo bởi các tôn giáo mạnh gạo bạo tiền nữa.
Cũng không còn quá sớm, nhưng cũng chưa là quá muộn để tất cả chúng ta thể hiện lòng yêu và hi sinh vì đạo pháp trong dịp lễ Phật đản Phật lịch 2555 này bằng những hành động cụ thể.
Một lá cờ được treo tại nhà, một status được đặt trên nick yahoo, một trạng thái được viết trên mạng xã hội như facebook.com, một tin nhắn chúc mừng, một tấm thiệp Phật giáo, một bữa cơm chay mời bạn bè, người thân…, tham gia các hoạt động mừng Phật đản tại chùa, tại lễ đài tập trung… Những điều đó dù nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa trong dịp đặc biệt này.
Chúng con kính mong Hòa thượng Chủ tịch Thích Trí Tịnh không chỉ dành thời gian dịch kinh, niệm Phật mà còn khuyến tấn, nhắc nhở chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội ở trung ương và địa phương.
Chúng con cũng kính mong Hòa thượng Thích Trí Quảng không chỉ dành thời gian thâm nhập kinh Pháp hoa hay quan tâm đến đạo tràng Pháp hoa, mà xắn tay vào chỉ đạo thường xuyên, sát sao việc tổ chức Phật đản tại TP. Hồ Chí Minh.
Chúng con cũng mong chư Tôn đức, nhất là quý thầy trụ trì tổ chức các hoạt động kính mừng Phật đản không chỉ trong phạm vi ngôi chùa của mình mà còn lan tỏa đến các khu dân cư xung quanh, động viên, khích lệ Phật tử tham gia các hoạt động chung của Giáo hội trong dịp này.
Và cuối cùng, Tin lành chỉ mất vài tiếng đồng hồ để chuyển địa điểm tổ chức sự kiện, hi vọng năm nay, lễ Phật đản tại TP. Hồ Chí Minh không phải tổ chức trong khuôn viên nhỏ hẹp của chùa Vĩnh Nghiêm nữa, và nếu được tổ chức ở địa điểm rộng lớn hơn, sẽ là lễ Phật đản quy mô lớn nhất, đông người tham dự nhất cả nước từ trước đến nay.
Đó chính là cách cụ thể nhất để thể hiện lòng yêu và hy sinh vì đạo pháp trong dịp Phật đản này.
Theo Trần Trọng Hoàng\phattuvietnam.net