Sự ra đời của Đức Phật nghiễm nhiên đã trở thành sự
kiện quan trọng nhất trong suốt mấy ngàn năm tư tưởng Đông
phương. Hiện tượng Lâm-tỳ-ni, chính vì thế, đã trở thành một hiện
tượng đặc sắc đáng để mọi người nghiên cứu Phật học quan tâm.
Trải qua hơn 2500 năm phát triển của Phật giáo, lịch sử và huyền
thoại cứ quyện chặt và bao trùm bầu không khí Kapilavastu. Sự ra
đời của đấng Giáo chủ có giao hòa một ít sương mờ của bình minh
tư tưởng Vệ-đà, một ít cây lá của nền trời nghệ thuật Trung Hoa,
cùng với hương hoa bất tuyệt của niềm tin tín đồ, đệ tử đối với
bậc Vô thượng Pháp vương.
Hình ảnh Thái tử Tất-đạt-đa, một tay chỉ trời, một tay chỉ
đất, kiễng gót trên bảy đóa hoa sen; hình ảnh một Hoàng hậu Ma-da
đưa tay nâng đóa Vô-ưu giữa sự vi nhiễu của chư thiên Phạm Đế;
hình ảnh một vị tiên A-tư-đà phủ phục chiêm ngưỡng 32 tướng
trượng phu …, tất cả đã tạo thành một họa phẩm vĩ đại nhất vẽ nên
một chân lý, một huyền thoại uyên nguyên về cả Hình nhi thượng
lẫn Hình nhi hạ trong Nhân sinh quan và Vũ trụ quan Phật giáo.
Từ thuở nhỏ theo chân mẹ đến chùa, khung cảnh vườn Lâm-tỳ-ni
nhân tạo đã làm cho bản thân người viết bài này vô cùng cảm kích,
và đó cũng là một trong những nhân duyên lớn giúp bản thân xuất
gia đầu Phật sau này. Từ đó đến nay đã bao mùa Phật đản, bao lần
được chiêm ngưỡng cảnh trí huyền thoại của Lâm-tỳ-ni qua những
bức họa của các họa sĩ lẫn những phối cảnh của các nghệ nhân
trong các tự viện, thế mà mãi đến nay, hiện tượng Lâm-tỳ-ni vẫn
là một khái niệm mơ hồ trong lòng kẻ hậu học này. Tại sao lại bước
đi trên bảy đóa sen ? Tại sao nói : "Thiên thượng thiên hạ duy ngã
độc tôn" ? Có đúng là Thái tử sanh ra từ hông bên phải của Hoàng
hậu Ma-da ? v.v… Những ẩn dụ hay sự thật hiển bày ? Truyền thuyết ấy
là của Nam Tạng hay Bắc Tạng ? Ấn Độ hay Trung Hoa ? Luận thuyết
ấy là từ Nguyên thủy hay sau này ? Của Bộ phái hay Phát triển ?
Tất cả những câu hỏi ấy luôn thôi thúc bản thân tìm hiểu.
Thế rồi, càng lạc vào rừng điển tịch người viết càng hoang
mang, càng thấy hiện tượng Lâm-tỳ-ni là một bức màn không thể vén
lên hết được. Thôi thì, xin góp nhặt những tài liệu đây đó, một
vài ghi nhận chủ quan, tìm hiểu về hiện tượng ra đời của Đức Phật
2500 năm trước.
1. LÂM TỲ NI – SỰ THẬT LỊCH SỬ
Nói đến lịch sử, chúng ta chỉ còn biết khảo sát một cách khoa
học dựa trên những di chỉ còn lại đến ngày nay. Trải qua hơn 2500
năm, chắc chắn mọi sự đã thay đổi hoàn toàn. Vì thế, dẫu công
tâm đến thế nào, người ta cũng dễ dàng rơi vào sự ức đoán hoặc
phô diễn theo nhãn quan của mình, không thể tránh khỏi sự nhầm
lẫn, đôi lúc làm sai sự thật.
Lâm-tỳ-ni (Phạn, Pàli : Lumbini - nay là Rumindai),
được người Trung Hoa dịch là Hoa quả đẳng thắng diệu sự cụ túc,
Lạc thắng viên quang giải thoát xứ, Khả ái, Hoa hương, Đoạn,
Diệt, Diêm…, là khu vườn hoa nằm giữa Câu-lợi (Kol啕a) và Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu) thuộc Trung Ấn độ, vốn do Hoàng hậu Lâm-tỳ-ni của vua Thiện Giác (Phạn : Suprabudha)
thiết lập. Khu vườn này có một thời gian lâu dài bị hoang phế. Mãi đến
năm 1896, các nhà khảo cổ khai quật và phát hiện trụ đá của vua
A-dục (Asoka) mới biết đây là Thánh địa, nơi đản sanh Đức Thích Tôn.
Theo THE HISTORICAL BUDHA của H.W. Schumann, một học giả người
Đức, thạch trụ do vua A-dục dựng vào năm 245 trước CN, cao 6, 5 m. trên thạch trụ có lời ghi :
"Hai mươi lăm năm sau khi lên ngôi, quốc vương Devànampiya Piyadasi (Thiên Ái Thiện Kiến, tức A-dục) ngự
đến đây chiêm bái, vì Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, bậc hiền nhân
của bộ tộc Thích-ca, đã đản sanh tại đây. Nhà vua ban lệnh khắc 1
tượng bằng đá (?) và dựng một thạch trụ. Ngài miễn thuế đất ở
làng Lumbini và giảm thuế hoa lợi từ 젴heo lệ thường xuống 1/8". (ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ , bản dịch của Trần Phương Lan, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1997, trang 38 - 39.)
Đây là một phát hiện di vật sớm nhất còn lại đến ngày nay, và
đoạn văn khắc trên trụ đá này có thể được xem là "bản khai sanh"
của Thái tử Tất-đạt-đa. Còn một phiến đá có lẽ xuất hiện vào
khoảng thế kỷ II TL, được tìm ra ở Lumbini và được lưu trữ tại
một ngôi chùa nhỏ địa phương. Phiến đá cho thấy Hoàng hậu Ma-da
sanh Hoàng tử trong lúc đang đứng vịn cành cây Sàla (tên khoa học là Shorea Robusta).
Các học giả Tây phương hiện đại cũng khảo cứu kỹ lưỡng khu vườn
nổi tiếng này. Theo CUNINGHAM’S ANCIENT GEOGRAPHY OF INDIA (S.N. Majundar),
di tích vườn Lâm-tỳ-ni hiện nay còn một khu đất có chiều dài
khoảng 30m, chiều rộng khoảng 20m, có ao tắm hình vuông và ngôi
nhà bằng gạch, đây là nhà thờ Lỗ-mục-mễ-điệt (?), vách bên trong
chánh điện có khắc tượng phu nhân Ma-da bằng đá, được suy đoán là
tác phẩm vào thời đại vương triều Cấp-đa (Guppta) hoặc sau đó.
Về Hoàng hậu Màyà và dòng dõi của bà cũng đã được các nhà khảo
cứu truy nguyên kỹ lưỡng, tưởng không cần phải kê ra dài dòng ở
đây. Việc làm của các nhà khảo cứu trên tinh thần khoa học là
đáng trân trọng. Tuy nhiên, do không được hun đúc trong tinh thần
truyền thống và do sự khách quan quá mức cần thiết, cách nhận
định của các nhà khảo cổ đôi lúc cũng đi quá xa, lệch lạc đối với
kinh văn và suy luận thực tế. Chẳng hạn H. W. Schumann, trong phần khảo
sát "Nguồn gốc Thái tử Sìddhattha và sự đản sanh của Ngài",
có đoạn viết :
" … Hoàng hậu Màyà đã 40 tuổi, ngay trước thời kỳ lâm sản
đã lên đường trở về quê song thân ở Devadaha để sanh con và
nhờ mẫu thân Yasodharà bảo dưỡng. Cuộc hành trình bằng xe
ngựa hay xe bò cọc cạch lắc lư trên những con đường đất bụi
nóng bức khiến cho việc lâm sản xảy ra sớm trước khi về đến
Devadaha. Gần làng Lumbini giữa trời không có nhà cửa che chở,
chỉ có được tàng cây Sa-la và cũng không có thầy thuốc nào lo việc hộ
sản, Hoàng tử ấu nhi Sìddhattha sanh ra đời vào khảng tháng
5, năm 563 trước CN." … (ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ , bản dịch của
Trần Phương Lan, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1997, trang
38.)
Tư liệu do H. W. Schumann khảo cứu quả không có gì khác với
kinh văn là mấy. Song với cách trình bày chủ quan như "… xe ngựa
hay xe bò cọc cạch lắc lư trên những con đường đất bụi nóng bức
khiến cho việc lâm sản xảy ra sớm…", hay "không có nhà cửa che
chở", "cũng không có thầy thuốc lo việc hộ sản" … khiến người đọc
có cảm giác Thái tử bị sanh ra trong một hoàn cảnh bất đắc dĩ,
hoàn toàn không hợp lý với một vị Vương tử của một vương triều
đang thịnh trị.
Dẫu sao, việc Thái tử Tất-đạt-đa do Hoàng hậu Ma-da đản sanh
dưới tàng cây Vô-ưu tại vườn Lâm-tỳ-ni là một sự thật lịch sử đã
được xác nhận. Còn những chi tiết quan trọng khác nói trong kinh
văn thì không thể khảo chứng. Đối với sự ra đời của một vĩ nhân,
thường thường người ta hay xây dựng thêm những yếu tố cần thiết
để tạo sự khác biệt với người thường, đồng thời cũng phù hợp với
quan niệm của người Đông phương. Có những con vật thiêng như
rồng, kỳ lân …, người thường chẳng bao giờ thấy, nhưng người ta
vẫn tin nó một cách tuyệt đối mà chẳng hề nghi vấn. Đây là điểm
mà người nghiên cứu cần phải bước qua lịch sử để vói đến một giá
trị khác khi tìm hiểu huyền học Đông phương. Nếu không như thế,
người viết sử chỉ là những anh hề trên sân khấu lịch sử mà thôi.
2. Những dị đồng trong các điển tịch viết về hiện tượng Lâm-tỳ-ni
Để có một cái nhìn khái quát về toàn bộ hiện tượng Lâm-tỳ-ni,
thiết tưởng cần phải đọc nhiều điển tịch của các tông phái Phật
giáo trong nhiều thời kỳ mới có thể có một cái nhìn đúng đắn
được. Bản thân người viết bài này không có khả năng đọc các kinh
điển Pàli, chỉ biết dựa trên những bản dịch Nikàya của HT. Minh
Châu (Hầu hết các kinh do HT. Minh Châu dịch đều dùng bản Pàli
Text Society, London, do Hội Kinh Tạng Pàli, Luân Đôn xuất bản.)
để tìm hiểu Nam Tạng. Còn Bắc Tạng, chúng tôi dùng bản Hán dịch
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Ngoài ra chúng tôi còn khảo cứu
thêm ở một số bản Việt dịch các tác phẩm của các học giả Anh, Đức,
Nhật, Trung Quốc.
Thật là vô cùng khó khăn cho người tìm hiểu khi lịch sử Đức
Phật được các bộ phái qua các thời đại trình bày hoàn toàn không
giống nhau, nhất là về niên đại và truyền thuyết. Tuy nhiên, về ý
nghĩa và nội dung, hiện tượng Lâm-tỳ-ni lại hoàn toàn xuyên suốt
từ Nam Tạng đến Bắc Tạng. Đó là điểm cực kỳ quan trọng giúp
người viết có đủ niềm tin để tìm hiểu một cách thành kính.
Về sự khác nhau giữa các điển tịch, chúng ta dễ dàng đả thông
khi hiểu được tính phức hợp trong sự hình thành các kinh điển.
Sau khi Đức Phật nhập diệt, các đệ tử đã thực hiện đúng lời di
chúc của Ngài là lấy pháp làm nơi nương tựa. Do đó, việc kết tập
các giáo pháp của Ngài là việc làm cấp bách mà không chú trọng
lắm đến Phật truyện, các điển tịch cổ đã không có tính tổng hợp
khi thuyết minh về cuộc đời của Ngài. Khi các đệ tử thân cận của
Phật cũng lần lượt qua đời, do niềm luyến tiếc đấng Giáo chủ mà
các môn đệ về sau muốn hình dung lại cuộc đời của Phật, từ đó
Phật truyện bằng văn học ra đời. Điều đặc biệt là không những chỉ
hình dung hình ảnh của Phật đương thời mà còn truy nguyên đến nhiều
kiếp tiền thân của Ngài nữa, đó là Bản Sanh Đàm của Nam truyền hoặc
các truyện Bản Sanh, Bản Sự, Vị Tằng Hữu trong Bắc Tạng. Các
truyền thuyết về sự ra đời của bảy Đức Phật quá khứ cũng được
trình bày một cách hoàn bị, đặc biệt là giữa các vị Phật lại rất
giống nhau. Chính vì thế, có thể khi chúng tôi đang trích dẫn
hình ảnh của Đức Phật Tỳ-bà-thi thì cũng như đang nói về Phật
Thích-ca.
Các bản Hán dịch viết về Phật truyện thì nhiều vô kể, như TU
HÀNH BẢN KHỞI KINH, THÁI TỬ THỤY ỨNG BẢN KHỞI KINH, QUÁ KHỨ HIỆN
TẠI NHÂN DUYÊN KINH, PHẬT BẢN HẠNH TẬP KINH, PHẬT SỞ HÀNH TÁN,
THÍCH-CA PHỔ, v.v… Tất cả những Phật truyện trong các kinh luận
kể trên, chúng ta dễ dàng thấy có hai xu hướng rõ rệt : Một xu
hướng tổng kết những sự kiện để tạo nên một Phật truyện chân xác
của Phật giáo Nguyên thủy, xu hướng thứ hai là căn cứ trên huyền
học để tạo thành Bồ-tát Luận của A-tỳ-đạt-ma trong Phật giáo Phát
triển. Các kinh điển Nikàya và Àgama trình bày hình ảnh Đức Phật
như một nhân vật lịch sử và đầy tính người. Kinh điển Phát triển
thì thần thánh hóa, lý tưởng hóa hình ảnh của Đức Phật. Tóm lại,
Nguyên thủy và Thượng tọa bộ là nói về Ứng thân, còn Đại chúng
bộ thì nói về Pháp thân, tức Đức Phật đã thành Phật từ lâu xa,
những gì xảy ra ở cõi Ta-bà chỉ là thị hiện. Dưới đây chúng tôi
chỉ xin giới hạn Phật truyện về hiện tượng Lâm-tỳ-ni mà thôi.
Theo KINH ĐẠI BẢN, Bồ-tát ở trong thai mẹ 10 tháng trời mới
sanh ra. Mẹ Bồ-tát đứng mà sanh. Khi sanh ra, chư thiên đỡ Ngài
trước, sau mới đến loài người, thân Bồ-tát không đụng đến đất, có
bốn thiên tử đỡ lấy Ngài, đặt Ngài trước bà mẹ và thưa : "Hoàng
hậu hãy hoan hỷ, Hoàng hậu sanh một bậc vĩ nhân". Ngài sanh ra
thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt hoặc máu mủ nào. Có
hai dòng nước từ hư không hiện ra, một lạnh một nóng tắm rửa sạch
sẽ cho Bồ-tát và cho bà mẹ. Ngài đứng vững thăng bằng trên hai
chân, mặt hướng phía Bắc, một lọng trắng được che trên. Ngài nhìn
khắp cả mọi phương rồi thốt lời lớn như con Ngưu vương : "Ta là
bậc tối thượng ở trên đời ! Ta là bậc tối tôn ở trên đời. Ta là
bậc cao nhất ở trên đời. Nay là đời sống cuối cùng, không còn
phải tái sanh ở đời này nữa". Pháp nhĩ là như vậy. (TRƯỜNG BỘ KINH 1, bản dịch của HT. Minh Châu, trang 451, 452, 453).
Đoạn văn trên chúng tôi tóm tắt từ những đoạn dài dòng trong
KINH ĐẠI BẢN, đoạn nào cũng có câu : "Pháp nhĩ là như vậy". Đã là
"Pháp nhĩ" thì xin miễn bàn ! Điều đáng ghi nhận trong đoạn kinh
trên là không nói đến chuyện Thái tử sanh ra từ hông bên phải.
"Này các Tỳ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, chư thiên đỡ lấy Ngài trước, sau mới đến loài người. Pháp nhĩ là như vậy". (Sđd - trang 451).
Các kinh bản Hán dịch như TU HÀNH BẢN KHỞI, PHƯƠNG QUẢNG ĐẠI TRANG
NGHIÊM, PHẬT BẢN HẠNH TẬP, TRƯỜNG A-HÀM v.v… đều nói Thái tử
"tùng hữu hiếp sanh". Nói chung, Đại chúng bộ chủ trương : Tất cả
Bồ-tát khi sanh đều từ hông bên phải của mẹ mà ra. (DỊ BỘ TÔNG LUÂN LUẬN, mục Đại Chúng Bộ).
Đây là kết quả của những bậc thanh tịnh chán sự xuất thai theo
sản đạo phổ thông của mọi người thường. Theo học giả Kimura
Taiken, thuyết này là sự kết hợp ngẫu nhiên với thần thoại cổ(*). Trong Lê-câu Phệ-đà (Rig– Veda), Nhân-đà-la trỗ cạnh sườn của mẹ mà ra (ẤN ĐỘ TRIẾT HỌC TÔN GIÁO SỬ , trang 102).
Thượng tọa bộ và kể cả Hữu bộ cũng không có một thuyết minh nào
nói đến việc Bồ-tát từ hông phải mà ra. Về điểm này, theo thiển ý
người viết, vì các kinh đều nói Hoàng hậu Ma-da đứng mà sanh,
nên Đại chúng bộ cho rằng sanh ở bên hông phải (bên phải biểu hiện ý nghĩa thuận).
Học giả H. W. Schumann nói "hình như sanh con lúc đứng là một
phong tục thời ấy" (Sđd, trang 41), thực ra chúng ta chưa hề nghe
một tài liệu nào nói như vậy.
Tóm lại, những kinh điển xưa không nói chuyện sanh ở hông
phải, cho nên ta tạm thời xem việc này chỉ như là ý nghĩa tượng
trưng mà thôi.
Chuyện đi "bảy bước trên hoa sen" là vấn đề thứ hai chúng ta cần khảo sát.
KINH ĐẠI BẢN viết : "Này các Tỳ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Vị
Bồ-tát khi sanh ra, Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng
về phía Bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che trên …"
(TRƯỜNG BỘ KINH, Sđd, trang 453).
KINH PHƯƠNG QUẢNG ĐẠI TRANG NGHIÊM 3 (Đại Chánh 3, 553 thượng)
ghi : "Lúc bấy giờ Bồ-tát khéo tự tư duy, tùy sức chánh niệm,
không nhờ dắt đỡ, liền tự có thể bước đi bảy bước về phía Đông,
dưới chân đều nở hoa sen (túc xứ giai sanh liên hoa)".
KINH PHỔ DIỆU 1 (Đại Chánh 3, 494 thượng) ghi : "Lúc bấy giờ
Bồ-tát từ hông phải sanh ra, hốt nhiên thấy thân trụ trên hoa sen
báu (hốt nhiên kiến thân trụ Bảo liên hoa), bước đi 7 bước trên đất mà diễn nói Phạm âm…".
KINH THÁI TỬ THỤY ỨNG BẢN KHỞI, thượng (Đại Chánh 3,
trang 473), KINH TU HÀNH BẢN KHỞI, thượng (Đại Chánh 3, trang
462), KINH TRƯỜNG A-HÀM 1 (Đại Chánh 1, trang 4 – tương đương KINH ĐẠI
BẢN Pàli) … đều không nói đến chi tiết Liên hoa. THÍCH CA
PHỔ được xem như tác phẩm tổng hợp các thuyết trên, dĩ nhiên có
nói "lúc bấy giờ dưới cây (Vô-ưu) cũng sanh 7 cọng hoa sen bằng 7
báu (thất bảo thất hành liên hoa), lớn như bánh xe, Bồ-tát liền đi 7 bước trên hoa sen ấy mà không cần ai nâng dắt" (Đại Chánh 50, trang 16).
Như vậy đã rõ, bước đi 7 bước là thuyết chung, còn bước trên
hoa sen là chi tiết được thêm vào sau này. Về con số 7, không
thấy các điển tịch giải thích, các Luận giả sau này cho rằng con
số 7 là "con số của huyền học Đông phương". Theo tư tưởng Hoa
Nghiêm, toàn thể vũ trụ không ngoài con số 7 : trên, dưới, trong,
ngoài, phải, trái và chính giữa, từ vật nhỏ như vi trần đến vật
lớn như núi Tu-di, tất cả đều không ngoài con số 7, "lớn không
ngoài mà nhỏ không trong" là thành ngữ ta thường gặp trong tư tưởng
Hoa Nghiêm, có 7 Phật quá khứ, 7 Phật Dược Sư, 37 phẩm Trợ đạo cũng
gồm 7 chi (Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần …); 7 lần 7 là 49; cách tính độ lớn của các pháp cũng dùng con số 7 để nhân lên (7 vi trần = 1 kim trần, 7 kim trần = 1 thủy trần …), toàn thể vũ trụ từ con số 7. Cách giải thích này có vẻ phù hợp với người từng nghiên cứu Lý học Đông phương.
Còn về hoa sen, tất cả hình tượng chư Phật, Bồ-tát đều đứng
trên hoa sen, vì hoa sen có những tính chất đặc thù mà các loài
hoa khác không có. KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA đã thuyết minh một
cách tuyệt vời đóa hoa vi diệu này. Ở đây không cần kê ra, chỉ
biết rằng việc xây dựng hình ảnh Phật trên hoa sen là một sáng
tạo độc đáo nhất của kinh điển Đại thừa. Nó đã biểu hiện trọn vẹn
tinh thần Bồ-tát đạo, xuyên suốt giáo lý và trở thành hình tượng
mỹ học đẹp nhất về cuộc đời của đấng Giáo chủ, thay vì sanh ra
trong máng lừa hay trong một hòn đá nào đó…
Trong một số bản Hán dịch không chỉ nói Thái tử bước đi trên 7
hoa sen mà còn có thuyết Tứ phương thất bộ", hoặc "Châu hành
thất bộ" (tức Tứ phương tứ duy), hẳn cũng để thăng hoa ý
nghĩa thất bộ lên cho trọn vẹn mà thôi. KINH PHƯƠNG QUẢNG ĐẠI
TRANG NGHIÊM 3 (Đại Chánh 3, 55 thượng) ghi : "Tự đi 7 bước về
phía Đông ( … ) nói lời thế này : Ta đạt được tất cả thiện pháp
nên vì chúng sanh mà nói. Lại đi 7 bước về phía Nam nói lời thế
này : Ta ứng thọ sự cúng dường của cõi trời người. Lại đi 7 bước
về phía Tây, nói lời thế này : Ta là bậc tối tôn tối thắng trong
thế gian, đây chính là thân sau cùng của ta, dứt tận sanh lão
bệnh tử. Lại đi 7 bước về phương Bắc, nói lời thế này : Ta là bậc
Vô thượng thượng trong tất cả các loài chúng sanh. Lại đi 7 bước
về phương dưới, nói lời thế này : Ta đang hàng phục tất cả quân ma,
đối với các khổ cụ hay mãnh hỏa ở địa ngục, ta thi thiết đại pháp
môn, mưa đại pháp vũ, khiến cho chúng sanh tận niềm an lạc. Lại đi 7
bước về phương trên, nói lời thế này : Ta đang làm chỗ cho tất
cả chúng sanh chiêm ngưỡng".
Theo KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP 8, bước đi 7 bước về 4 phía
để biểu thị sự thù thắng mà thế gian không gì sánh bằng. KINH ĐẠI BÁT
NÊ HOÀN 3 nêu ý nghĩa của Tứ phương thất bộ như sau :
- Bảy bước về phía Đông biểu thị bậc đứng đầu dẫn đạo chúng sanh.
- Bảy bước về phía Nam là thị hiện vì chúng sanh làm phước điền vô thượng.
- Bảy bước về phía Tây là thị hiện thân sau cùng vĩnh viễn đoạn tận cái khổ sanh lão bệnh tử.
- Bảy bước về phương Bắc là thị hiện đã độ hóa các Hữu sanh tử.
Hai thuyết nói trên đủ cho ta hiểu được ý nghĩa Tứ phương thất
bộ của kinh điển Đại thừa. Sự ra đời của Đức Phật là một đại sự
nhân duyên, hiển bày pháp môn tối tôn tối diệu, cho nên hình ảnh
nào cũng được thăng hoa đến mức tột cùng như thế.
Chi tiết quan trọng nhất trong hiện tượng Lâm-tỳ-ni là câu nói
của Thái tử : "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn…". Đây là
câu kệ có nhiều dị bản và gây nhiều ý kiến khác nhau. Để có một
cái nhìn tổng quát, chúng tôi xin liệt kê một số câu kệ này trong
nhiều bản kinh khác nhau để tiện khảo cứu :
- KINH PHỔ DIỆU 1 (Đại Chánh 3, 494 thượng)
ghi : "Ngã đương cứu độ thiên thượng thiên hạ, vi thiên nhân tôn,
đoạn sanh tử khổ, tam giới vô thượng, sử nhất thiết chúng sanh
vi thường an".
- KINH THÁI TỬ THỤY ỨNG BẢN KHỞI, thượng (Đại
Chánh 3, 473 hạ) ghi : "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn,
tam giới giai khổ, ngô đương an chi".
- KINH TRƯỜNG A-HÀM 1 (Đại Chánh 1, 4 hạ) ghi
: "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn, yếu độ chúng sanh,
sanh lão bệnh tử".
- KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP 7 (Đại Chánh 3, 687
trung) ghi : "Thế gian chi trung, ngã vi tối thắng, ngã tùng kim
nhật, sanh phần dĩ tận".
- THÍCH CA PHỔ 1 (Đại Chánh 50, 16 thượng) ghi :
"Ngã ư nhất thiết thiên nhân chi trung, tối tôn tối thắng, vô
lượng sanh tử ư kim tận hỷ, thử sanh lợi ích nhất thiết thiên
nhân".
Còn có nhiều bản kinh nói về lịch sử Đức Phật và câu kệ này.
Những bản được kê ra đây tương đối phổ biến đối với người tìm
hiểu lịch sử Đức Phật, nên chúng tôi đặc biệt dẫn dụng. Ở trên,
chúng ta thấy dù các câu kệ khác nhau, nhưng nội dung ý nghĩa lại
tương đồng. Câu nói chính yếu vẫn là "Trong cõi trời người chỉ
có ta là tôn quý hơn cả". Câu còn lại thì mỗi bản mỗi khác, hoặc
là Ta ra đời để làm an ổn chúng sanh trong tam giới khổ đau, hoặc
độ hết sanh lão bệnh tử của chúng sanh, hoặc nói đây là tối hậu
thân của ta… Tóm lại, câu kệ thuyết của Đức Phật khi mới đản sanh
trong các kinh là nhất quán. Vấn đề còn lại là hiểu câu nói ấy
như thế nào. Chúng tôi xin cắt phần ý nghĩa thành một mục riêng để
tiện trình bày.
3. Ý nghĩa câu kệ thuyết ở vườn Lâm-tỳ-ni
Câu kệ phổ thông được các sách vở hiện tại thường dẫn dụng là :
- "Thiên thượng thiên hạ
- Duy ngã độc tôn
- Vô lượng sanh tử
- Ư kim tận hỷ".
Toàn bộ ý nghĩa của câu kệ trên đều tập trung ở một chữ vô
cùng quan trọng, đó là chữ "Ngã". Hiểu được chữ "Ngã" là hiểu câu
kệ này. Và khi đã hiểu được câu kệ này rồi thì họa sĩ có thể vẽ
thêm bất kỳ một hình ảnh cao đẹp nào vào vườn Lâm-tỳ-ni cũng
được. Chính vì lẽ đó chúng tôi không bàn luận gì thêm về các chi
tiết khác như hai dòng nước tắm cho Thái tử , Tiên A-tư-đà, hoa
Vô-ưu hoặc chư thiên quy ngưỡng. Tất cả các pháp đều nương vào
một pháp, và một pháp là tất cả pháp.
"Thiên thương thiên hạ duy ngã độc tôn…", dịch một cách nôm na
là "Trên trời dưới trời chỉ có ta là cao quý hơn hết…".
Chính bản thân người viết cũng từng nghĩ một cách trẻ con rằng
: "Sao Phật có vẻ tự cao tự đại quá ! Biết rằng Ngài tuyệt thế
vô luân đấy, nhưng hãy để người ta ca tụng …".
Để bào chữa cho cái hiểu nông nỗi này, có nhiều người đã dịch
câu trên theo một cách khác, đại loại : Có khi ta sanh lên cõi
trời (thiên thượng), có khi ta sanh về cõi người hay các cõi dưới (thiên hạ) cũng chỉ vì cái "Ngã" này. Ta chịu sanh tử trong vô lượng kiếp (vô lượng sanh tử) cũng chỉ vì cái "Ngã" này, đến ngày nay là đã chấm dứt (Ư kim tận hỷ).
Hiểu như thế đôi lúc còn tai hại hơn nữa. Lẽ nào lời tuyên
ngôn lập giáo của một đấng Giáo chủ khi đản sanh lại là một cái
thở phào nhẹ nhõm khi đã thoát được cái ngã tầm thường ấy thôi
sao ? Nếu Phật chỉ là người thoát khỏi bốn thứ chấp Ngã si, Ngã
mạn, Ngã kiến, Ngã ái thì Ngài chỉ là một A-la-hán đơn thuần. Ngã
chấp đã tận, còn Pháp chấp thì sao ?
Thực ra, đối với triết học hiện đại, luận đề về Ngã không còn
là vấn đề để phải tốn nhiều giấy bút, nhưng đối với 2500 năm
trước trong bối cảnh đa nguyên của Ấn Độ, "Ngã" là một phạm trù
triết học cực kỳ quan trọng. Trước hết, chúng ta truy nguyên chữ
"Ngã" trong triết học Ấn Độ và quan niệm diễn tiến của nó qua các
tông phái.
Theo PHẬT QUANG ĐẠI TỪ ĐIỂN, Ngã, tiếng Phạn là Àtman, nguyên
nghĩa là hô hấp. Từ nghĩa này phát sanh nghĩa sanh mạng, tự kỷ,
thân thể, tự ngã, bản chất, tự tánh. Ngã còn chỉ chung cho chủ
thể độc lập vĩnh viễn, tiềm ẩn trong nguồn gốc của tất cả sự vật
và chi phối cá thể thống nhất.
Từ thời Lê-câu Phệ-đà (Phạn : R易- veda, khoảng 1500 năm trước TL) đã có sử dụng chữ "Ngã", đến thời đại Phạm Thư (Phạn : Bràhman từ năm 1000 - 800 trước TL) thì hơi thở (Phạn : Pràn
trong chủ thể hoạt động của sanh mạng dần dần diễn tiến thành
hiện tượng sanh mạng theo ý nghĩa cá thể, còn "Ngã" thì lại là
bản chất. Như trong Bách Đạo Phạm Thư (Phạn : S١tapatha),
các hiện tượng sanh mạng như ngôn ngữ, thị lực, thính lực… lấy
"Ngã" làm cơ sở để biểu hiện, xem "Ngã" là chủ tể đồng với Tạo
vật chủ (Phạn : Prajàpati). Đến thời đại Áo Nghĩa Thư (Phạn : Upanis, từ năm 800 - 600 trước TL), tức cùng thời đại Đức Phật, "Ngã" được xem là cái sáng tạo ra vũ trụ, ngã là cá nhân (tiểu ngã) đồng thời cũng là nguyên lý trung tâm của vũ trụ (Đại ngã, Phạn : Brahman). Tiến xa hơn, thời kỳ này còn chủ trương chỉ có "Ngã" mới là chân thực tại, ngoài ra đều là hư huyễn (Phạn : Màyà). Tóm lại, có bốn quan niệm về "Ngã" : Cá thể là Ngã (ngũ uẩn), sanh mạng trung tâm trong các cá thể là Ngã, nguyên lý vũ trụ là Ngã và tính chất (tự tánh)
cá hữu trong mỗi yếu tố tồn tại là Ngã. Trong các kinh Nikàya và
Àgama đều phủ nhận bốn quan niệm về Ngã trên. Đức Phật cho các
quan niệm trên là Ngã sở và Ngã sở kiến. Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ
tuy phủ định ngã của sanh mạng cá thể (tức nhân ngã), nhưng thừa nhận ngã thật thể (tức pháp ngã, yếu tố tạo thành tất cả sự tồn tại)
là hằng hữu. Độc Tử Bộ, Chánh Lượng Bộ chủ trương Ngã và Ngũ uẩn
bất tức bất ly. Kinh Lượng Bộ thì có thuyết Bổ-đặc-già-la thắng
nghĩa… Còn Phật giáo Đại thừa chẳng những phủ nhận cái ngã cá thể
(nhân ngã) mà còn phủ nhận cả pháp ngã tồn tại đã được
các bộ phái thừa nhận. "Tất cả pháp vô ngã" được xem là 1 trong 3
hoặc 4 pháp ấn của Phật giáo. Tiểu thừa chủ trương nếu diệt trừ
hết phiền não thì đạt đến cảnh giới Niết-bàn; còn Đại thừa thì
chủ trương tất cả sự tồn tại là Không, cảnh giới Niết-bàn là
tuyệt đối tự do. Sự tự do tuyệt đối này chính là "Ngã" của Phật,
là Niết-bàn của Đại thừa, Pháp thân của Như Lai. Theo KINH NIẾT BÀN 23
(bản Bắc), Niết-bàn có bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Giác ngộ
được cảnh giới Niết-bàn này thì vĩnh viễn bất biến, đó gọi là
Thường. Cảnh giới ấy không có khổ, chỉ có sự an vui, đó gọi là
Lạc. Tự do tự tại, không có mảy may câu thúc, đó gọi là Ngã.
Không có sự nhiễm ô của phiền não, đó gọi là Tịnh. Cái ngã ở đây
là Chân ngã, khác xa cái ngã chấp trước của phàm phu và Nhị thừa.
Trở lại câu kệ của Phật, "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc
tôn", chúng ta có thể hiểu rằng chỉ có Niết-bàn là hơn hết, chỉ
có giác ngộ, bậc Giác ngộ (Giác giả, Phật) là tôn quý
hơn hết. Đó là chỗ cứu cánh của Phật giáo. Không có cái Ngã ấy,
toàn bộ lâu đài kinh điển Phật giáo chỉ được xây dựng trên kiến
chấp bình thường.
"Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn" là Chân thường, Chân
ngã; "Vô lượng sanh tử ư kim tận hỷ" là Chân lạc, Chân tịnh. Bốn
câu kệ trên nói đến bốn đức của Niết-bàn. Đức Phật ra đời vì một
đại sự nhân duyên, khai ngộ chúng sanh nhập Phật tri kiến, nhập
vào cái Ngã tự do tuyệt đối này. Nếu Phật mà không tối tôn thì
sao gọi là Phật ? Câu kệ hiển bày một lý tánh tuyệt đối, mưa đại
pháp vũ, thổi đại pháp loa, khiến tà ma ngoại đạo phải điếc tai,
thiên thượng thiên hạ phải quy kính. Phật đã nói Đại pháp từ khu
vườn Lâm-tỳ-ni nhỏ bé này.
Tóm lại, dù hiện tượng Lâm-tỳ-ni là một sự thật lịch sử hay
chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng thì nó vẫn có một giá trị
tuyệt đối. Sự ra đời của Đức Phật đã thổi một ngọn gió mát mẻ vào
thành trì kiên cố của tư tưởng Phệ-đà, đã rọi một tia nắng ấm
đầu tiên đến màn đêm tâm thức Ấn Độ, và bình minh tiếp tục rạng
rỡ trên những khung trời triết lý Đông phương cho đến toàn thể
nhân loại hiện nay. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tất cả
đều có thể thành Phật là một tuyên ngôn tự do vĩ đại nhất của
loài người. Đức Phật đã trả quyền con người lại cho con người,
con người không còn nô lệ bởi thần linh hay một thế lực siêu hình
nào cả. Đó là Nhân bản Phật giáo. Sự ra đời của Đức Phật không
chỉ xóa bỏ bốn giai cấp ở Ấn Độ mà là xóa bỏ hết mọi cảm thức
phân biệt giữa con người và con người trong toàn thể nhân loại, khơi mở
một chân trời thực tại uyên nguyên cho tất cả những ai dám rũ bỏ
phiền não nhiễm ô để hướng về thể tánh thường hằng của vạn pháp.
Bây giờ thì chúng ta lại chiêm ngưỡng hình ảnh vườn Lâm-tỳ-ni
với một tâm hồn hoan hỷ và thành kính vô biên. Kìa ! Hoa
Mạn-đà-la, mưa hoa Mạn-đà-la, nhạc Càn-thát-bà. Hoa Vô-ưu hay Linh thoại
dưới rặng Hymalaya ? Một đóa sen, bảy đóa sen, vô lượng đóa sen
vi diệu, cây lá xanh hơn, chim hót rộn rã hơn, bầu trời xanh lơ,
hào quang chiếu diệu. Còn có một điều, một điều mới lạ nữa – niềm
tin bất diệt chói lọi trong hồn Thích tử xưa sau. Xin đảnh lễ
vườn Lâm-tỳ-ni như đảnh lễ vô biên chân lý nhiệm mầu.