18/04/2011 12:50 (GMT+7)
Số lượt xem: 1757
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

1.      Trong truyền thống dân tộc Việt Nam, ngày tưởng nhớ, tôn kính ông bà cha mẹ quá cố, được chọn là ngày giỗ, là một sự kiện quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt, thể hiện lòng hiếu để, đồng thời qua đó, cũng thể hiện lòng tự trọng, tự hào cũng như thể diện của con cháu.

Chúng ta không chạy theo cách nghĩ đám giỗ tưởng nhớ tổ tiên ông bà càng rình rang, linh đình, thì con cháu mới hãnh diện, chứng tỏ sự phát đạt, thành công, hưng vượng và cố làm lễ cho thật lớn bằng mọi giá để phô trương với mọi người, dù có thể vay mượn.

Nhưng quan niệm con cháu tụ tập đông đảo đủ mặt trong ngày tưởng nhớ ông bà tiên tổ là một truyền thống đáng quý của dân tộc.

Cho dù cỗ bàn cúng kiến thịnh soạn, cao sang, nhưng con cháu không thể tề tựu như mong muốn, cuộc lễ thưa vắng, không ấm hơi người, thì đương nhiên chẳng những bậc trưởng tộc phụ trách tế lễ cũng không dám ngẩng cao đầu nhìn láng giềng làng xóm, mà số ít con cháu về dự cũng tủi thân với bè bạn, anh em.

Cái quý hơn hết là sự tụ hội của số đông trong các hoạt động có tính chất tâm linh truyền thống. Cỗ bàn dâng cúng có thể đơn sơ, con cháu không xênh xang xe ngựa, nhưng nếu tụ hội về đủ, đứng chật sân ngoài, nhà trong mà dâng hương lễ bái, thì các bậc trưởng thượng sẽ hết sức tự hào, còn con cháu thì hể hả, sung sướng.

Thể diện, lòng tự hào, tự trọng của người Việt không chỉ bộc lộ qua lễ giỗ, mà còn ở nhiều hình thức tín ngưỡng khác, theo đơn vị thường là làng xã.

2.      Phật giáo Việt Nam chúng ta, tôn giáo gắn liền với dân tộc, đương nhiên cũng nằm trong nếp tư duy đó.

Các tổ đình, tự viện vẫn theo thông lệ tổ chức trọng thể lễ kỵ giỗ của chư vị tôn đức khai sơn, coi đó là thể diện, là niềm tự hào của tổ đình, tông môn mình.

Có lễ kỵ số tăng ni Phật tử tề tựu lên đến hơn con số ngàn, bất kể đường sá xa xôi, hay bận trăm công ngàn việc.

Mọi người  cùng nhau về dự không phải vì bữa giỗ, không phải vì cầu khấn điều gì trong ngày hôm đó, mà trên hết vì lòng tự hào, cũng như thể diện của tổ đình, sơn môn, tông phong hay tự viện.

Về phía môn đồ pháp tử, thì dù khó khăn gì, cũng cố gắng tổ chức một ngày lễ kỵ tươm tất. Có thể mọi người ngồi bên nhau thọ thực tương chao đạm bạc, nhưng số đông cũng là nhân tố hàng đầu làm nên sự hoan hỷ, tự hào.

3.      Truyền thống như thế dường như vẫn còn hiện hữu trong các tổ đình, tự viện, cũng như hầu hết người Việt Nam có tín ngưỡng, kể cả có thể không phải Phật giáo.

Nhưng điều rất lạ trong Phật giáo Việt Nam là điều này không được bộc lộ một cách thống nhất trong ngày tôn kính đức Từ phụ Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, mà theo truyền thống, là ngày Phật đản.

Phật giáo ở một số địa phương, tỉnh thành có năm tổ chức được những ngày lễ Phật đản hoành tráng, đông đảo, làm cho tăng ni Phật tử hết thảy đều tự hào, hãnh diện, trong nếp nghĩ truyền thống cố hữu của người Việt Nam.

Tại Sài Gòn trước đây và sau đó là TPHCM chúng ta đã chứng kiến những cuộc lễ Phật đản đông đảo quy mô, làm thay đổi hẳn sinh hoạt của thành phố.

Tại Hà Nội, chúng ta càng thấy lễ Phật Đản mỗi năm càng được tổ chức lớn hơn, từ khuôn viên chật hẹp chùa Quán Sứ, tiến lên khuôn viên rộng rãi của Học Viện Phật giáo, rồi nay đã trở nên tương xứng với tầm vóc ngày lễ lớn nhất của đạo Phật,tôn kính đức Từ Phụ, được tổ chức bề thế, trang nghiêm ở một quảng trường trung tâm giữa thủ đô Hà Nội.

Có nhiều lý do, nhưng chắc chắn, trên hết cũng là vì lòng tự hào tín ngưỡng, vì thể diện tôn giáo.

4.      Nhưng điều bất ngờ và khó hiểu là những năm gần đây, một số địa phương, lại là những thành phố lớn, đông đảo tín đồ, kinh tế phát triển, nhiều chùa chiền trùng tu, xây mới…Ấy vậy mà, Đại lễ Phật Đản, niềm tự hào tôn giáo, sự thể hiện thể diện tín ngưỡng của người con Phật Việt Nam lại được tổ chức theo chiều hướng xuống dốc đến thảm hại.

Quy mô lễ đài thì có thể năm nào cũng như năm nào, còn số người tham dự tuột xuống mạnh theo cách chọn điểm tổ chức ở những nơi đó (không gian chật chội hạn chế số người dự lễ).

Đã qua rồi thời kỳ những người con Phật tự hào tề tựu đến con số hàng chục ngàn hay sao, mà nay với những địa điểm tổ chức, người ta có thể ước lượng ngay số người tham dự chẳng được bao nhiêu!

Niềm tự hào, thể diện và lòng tự trọng tôn giáo có còn chăng và ở đâu trong cách nghĩ  như vậy?

Một đám giỗ mà con cháu không làm được việc tề tựu đông vui chắc chắn sẽ không tránh khỏi cái nhìn thương hại, có thể lẫn chút khinh khi của những người hàng xóm, mà kỵ giỗ nhà họ chưa bao giờ có chuyện số con cháu về dự ít ỏi.

Nhưng đàng này,không phải là một gia tộc, dòng họ, mà là một tôn giáo có 2.000 năm lịch sử trên đất nước này.

Và điều đó diễn ra trong bối cảnh những tôn giáo du nhập chưa được một trăm năm có thể dâng lên giáo chủ của họ những tấm lòng từ một số đông kinh ngạc.

Trước một ngày lễ tín ngưỡng mà điều kiện tổ chức chắc chắn sẽ làm người tham dự theo hướng ít ỏi như vậy chắc chắn, nếu còn trong mình tư duy truyền thống của người Việt Nam, thì từ bậc trưởng thượng cao niên đến những em bé vừa bắt đầu biết suy nghĩ, tự trọng, chắc chắn không tránh khỏi một nỗi mặc cảm nặng nề.

Có lẽ không phải cái mặc cảm của cái nghèo hèn, vì trong những đám giỗ nghèo nhưng đủ mặt đông đảo cháu con, dòng tộc, tề tựu mỗi năm được đông hơn thì vẫn là niềm tự hào, hãnh diện nếu con cháu đông vầy, dù mâm cổ đạm bạc, đơn sơ

Mà là cái mặc cảm, nỗi tủi thân của sự vô phước, khi nhìn thấy trước bàn thờ đức Từ phụ số con cháu tề tựu về tôn kính ngài, vì lý do nào đó, chẳng những không đông đảo hơn mà càng  thưa vắng.

MT


Âm lịch

Ảnh đẹp