Mời các bạn xem vài chuyên đề về sức khỏe
Chuyên đề 1: NGỒI THIỀN ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC VÀ TĂNG CƯỜNG SỨC KHỎE
Lương y VÕ HÀ
Thử nhìn xuống một hồ nước. Khi mặt hồ yên tĩnh, trong xanh ta dễ dàng nhìn rõ được mọi vật dưới đáy. Trái lại, khi làn nước gợn sóng, hình ảnh sẽ bị phản chiếu lệch lạc. Bộ não con người cũng giống như vậy. Khi tinh thần yên tĩnh, tập trung, tâm trí sẽ sáng suốt. Trái lại, khi có tạp niệm xen vào hoặc lúc lo âu căng thẳng, sự phán đoán sẽ kém chính xác. Sự căng thẳng sẽ làm mệt bộ não, cơ thể tiêu phí nhiều năng lượng mà việc giải quyết công việc lại kém hiệu quả. Một sinh viên thiếu tập trung sẽ khó tiếp thu bài giảng. Một công nhân đứng máy lơ đểnh sẽ dễ mắc tai nạn lao động. Một nhà nghiên cứu mà tinh thần không ổn định sẽ khó có thể hoàn thành công trình của mình. Ngoài ra, trong điều kiện phát triễn của nền văn minh công nghiệp với tính cạnh tranh cao, con người luôn phải đối mặt với nhiều loại áp lực thì việc phải gánh chịu stress làm giảm sức đề kháng và dễ dẫn đến nhiều bệnh tật là điều đáng lo ngại. Từ những thực tế nầy nhiều người đã tìm đến với thiền.
THIỀN LÀ GÌ?
Nói một cách đơn giản, thiền là những phương pháp giúp hình thành thói quen tập trung tư tưởng để làm đúng công việc mà chúng ta muốn làm và đang làm. Đặc biệt thiền giúp điều chỉnh lại tình trạng mất cân bằng giữa hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh do quá trình sinh hoạt và làm việc căng thẳng gây ra.
Có nhiều phương pháp thiền khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là giúp người luyện tập có thể tập trung chú ý vào một điểm ở trong hoặc ngoài cơ thể, vào một đề tài, một hình ảnh hoặc một câu "chú" nhất định nhằm đưa cơ thể tiến dần vào tình trạng nhập tĩnh khi tâm không còn bất cứ ý niệm nào.
CÁC BƯỚC THÔNG THƯỜNG CỦA MỘT LẦN NGỒI THIỀN
1. Chuẩn bị: Trước khi ngồi thiền, cần hoàn tất các công việc thường nhật trong ngày để tư tưởng khỏi vướng bận; Tắm rửa sạch sẽ, nới lỏng quần áo; Chọn một nơi yên tĩnh, thoáng mát, không có ruồi muỗi.
2. Tư thế: Có thể chọn tư thế ngồi xếp bằng thông thường, ngồi bán già hoặc ngồi kiết già. Lưng thẳng, cằm hơi đưa vào để cột sống được thẳng. Đầu lưỡi chạm nhẹ nướu răng trên. Hai bàn tay buông lỏng đặt trên hai đùi hoặc đan chéo nhau để trước bụng, miễn sao hai tay cảm thấy thoải mái, dễ giãn mềm cơ bắp là được.
Tư thế kiết già (thế hoa sen), đặc biệt thích hợp cho việc ngồi thiền: Ngồi xếp bằng tự nhiên, dùng hai bàn tay nắm bàn chân phải từ từ gấp chân lại và đặt bàn chân lên đùi trái, gót chân ép sát bụng, lòng bàn chân ngửa lên trời. Kế tiếp dùng hai bàn tay nắm bàn chân trái gấp lại, đặt bàn chân trái lên đùi phải, kéo nhẹ gót chân vào sát bụng, bàn chân ngửa lên trời.
Các đạo sư Yoga cho rằng vị thế khóa nhau của hai chân trong tư thế kiết già sẽ tạo sức ép lên hai luân xa ở dưới cùng của cơ thể, khiến dòng năng lượng có khuynh hướng đi lên để nuôi dưỡng các trung tâm lực dọc theo cột sống và kiểm soát toàn bộ hệ thần kinh. Những thí nghiệm khoa học về Yoga cho thấy chỉ cần ngồi tư thế hoa sen, dù ta không cố gắng tập trung tư tưởng, vẫn có một sự thay đổi ở sóng não từ nhịp Beta khoảng 20 chu kỳ mỗi giây xuống nhịp Alpha khoảng 8 chu kỳ mỗi giây. Nhịp Alpha là tình trạng sóng não của một người đang trầm tĩnh và minh mẫn. Điều nầy có nghĩa là tự thân tư thế kiết già đã có công năng làm êm dịu thần kinh chưa kể đến những cố gắng khác của việc ngồi thiền.
Kết quả trên cũng phù hợp với những lý luận của y học cổ truyền khi biết rằng ở thế kiết già, xương mác ở cẳng chân trái đã tạo một sức ép khá mạnh lên đúng vị trí huyệt Tam âm giao ở chân phải (huyệt Tam âm giao ở chỗ lõm bờ sau xương chày, trên mắt cá chân trong khoảng 6cm). Như vậy, trong suốt thời gian ngồi kiết già, huyệt Tam âm giao sẽ được kích thích liên tục. Tam âm giao là huyệt giao hội của 3 đường kinh âm: Tỳ, Can và Thận nên tác động kích thích này sẽ có tác dụng "thông khí trệ", "sơ tiết vùng hạ tiêu" và điều chỉnh những rối loạn nếu có ở những kinh và tạng có liên quan, đặc biệt là tác dụng "Dưỡng âm kiện Tỳ" và "Sơ Can ích Thận" mà các thầy thuốc châm cứu đều biết khi tác động vào huyệt này. Những người có dấu hiệu căng thẳng thần kinh, những bệnh nhân "Âm hư hỏa vượng" hay gặp các cơn bốc hỏa về chiều và những phụ nữ đang ở tuổi mãn kinh sẽ dễ dàng cảm nhận được hiệu quả khi ngồi vào thế kiết già.
3. Giảm các kích thích giác quan: Một trong những yếu tố quan trọng để dễ nhập tĩnh là không bị các kích thích bên ngoài quấy nhiễu. Người xưa gọi là "bế ngũ quan".
Trên thực tế, những quan sát qua điện não đồ cho thấy chỉ cần nhắm mắt để loại bỏ thị giác là đã giảm được 50% các kích thích từ bên ngoài. Do đó, nên nhắm mắt lúc ngồi thiền. Khi nhắm mắt chỉ cần khép hờ để bảo đảm không có sự căng cơ ở vùng mặt.
4. Giãn mềm cơ bắp: Ngày nay, khoa học đã biết rất rõ tác động qua lại giữa 2 yếu tố thần kinh và cơ. Khi thần kinh căng thẳng, trương lực cơ bắp cũng gia tăng. Ngược lại, nếu điều hòa trương lực cơ bắp ở mức thư giãn thì thần kinh cũng sẽ được ổn định. Chúng ta dễ dàng nhận thấy điều này khi quan sát một người đang giận dữ. Khi tức giận, gân cổ nổi lên, cơ bắp căng cứng, bàn tay nắm chặt...; đó là lúc thần kinh quá căng thẳng. Ngược lại, hãy nhìn một người đang ngồi ngủ gật trên xe. Lúc người này thiếp đi là lúc thần kinh ở mức thư giãn, tâm không còn ghi nhận ý niệm gì cụ thể và cơ bắp cũng giãn mềm nên đầu dễ dàng ngoẹo sang một bên. Vì vậy, trong quá trình hành thiền, việc chủ động giãn mềm cơ bắp sẽ thúc đẩy nhanh quá trình thư giãn, nhập tĩnh.
Trên thực tế, chỉ cần quan tâm giãn mềm cơ mặt và cơ bàn tay là đủ. Điều này căn cứ vào hai quy luật: Thứ nhất, mặt và hai bàn tay là những vùng phản chiếu có các điểm tương ứng với toàn bộ cơ thể, do đó nếu thư giãn được vùng mặt hay hai bàn tay sẽ thư giãn được toàn thân. Thứ hai, theo học thuyết Paplop, khi tập trung gây ức chế thần kinh một vùng hoặc một điểm ở vỏ não (qua hiệu ứng thư giãn) thì sự ức chế này sẽ lan tỏa gây ức chế toàn bộ vỏ não.
5. Tập trung tâm ý: Đây là giai đoạn chính của buổi hành thiền. Như đã nói ở phần trên, thiền chính là sự tập trung tư tưởng vào một điểm hoặc một đề mục duy nhất để dần dần đạt đến tình trạng trống rỗng, không còn vướng mắc vào bất cứ một ý niệm nào. Để thư giãn thần kinh hoặc để chữa bệnh, chỉ cần duy trì tình trạng tập trung vào điểm hoặc vào đề mục tập trung trong một thời gian nhất định là đủ. Điều quan trọng là nên tập đều đặn hàng ngày, mỗi ngày một hoặc hai lần. Lúc đầu, ngồi khoảng 15 phút mỗi lần, dần dần tăng lên. Sau một thời gian, khi não bộ đã ghi nhận thói quen thiền thì việc ngồi vào tư thế, nhắm mắt, việc đầu lưỡi chạm nhẹ nướu răng trên hoặc ám thị giãn mềm cơ bắp sẽ hình thành nên những phản xạ có điều kiện để đưa người tập vào trạng thái thiền định.
Về điểm để tập trung tư tưởng, một vị trí ở vùng bụng dưới mà nhiều trường phái thường chọn làm điểm tập trung khi ngồi thiền là huyệt Đan điền, cách dưới rốn khoảng 3cm. Nên tập trung vào điểm này vì nhiều lẽ.
Theo y học cổ truyền, "thần đâu khí đó". Do đó, khi tập trung vào một điểm ở vùng dưới cơ thể thì khí và huyết sẽ lưu chuyển về phía dưới, làm nhẹ áp lực ở vùng đầu, dễ dẫn đến nhập tĩnh.
Đan điền còn gọi là Khí hải hay Khí huyệt, ngụ ý là nơi "luyện thuốc", là "bể chứa khí". Đan điền là một huyệt quan trọng trong việc luyện dưỡng sinh của các đạo sĩ, các nhà khí công. Có nhiều trường phái khác nhau và việc tu luyện rất phức tạp. Tuy nhiên, các công phu của đạo gia nói chung và việc phát sinh nội khí để chửa bệnh nói riêng đều dựa vào bí quyết "hồi quang nội thị" hoặc "ngưng thần nhập khí huyệt". Tâm không duyên ra ngoài, hướng đôi mắt vào trong gọi là hồi quang, tập trung thần vào bên trong cơ thể gọi là nội thị. Ngưng thần nhập khí huyệt chính là tập trung tâm ý tại Đan điền để phát sinh nội khí. Lâu dần chân khí được sung mãn sẽ khai thông các kinh lạc bế tắt hoặc bồi bổ cho ngủ tạng để tăng cường sức khoẻ.
Một số người tâm dễ xao động có thể cần một phương pháp kiểm soát tâm chặt chẽ hơn. Trường hợp này, nên kết hợp quan sát hơi thở với việc tập trung tại Đan điền bằng cách quan sát sự phồng lên và xẹp xuống tại bụng dưới. Lúc hít vào bụng dưới hơi phồng lên, lúc thở ra bụng dưới hơi xẹp xuống. Chỉ cần thở bình thường. Không cần quan tâm đến thở sâu hay thở cạn, đều hay không đều. Điều quan trọng ở đây là tập trung quan sát để biết rõ ta đang hít vào hay đang thở ra thông qua chuyển động phồng lên hay xẹp xuống ở bụng dưới. Sở dĩ chọn quan sát hơi thở ở bụng dưới mà không phải ở đầu mũi hoặc ở ngực là nhằm tạo quán tính thở sâu kết hợp với việc phát sinh nội khí ở Đan điền như đã dẫn ở phần trên. Thỉnh thoảng sẽ có những lúc tâm bị phân tán, các tạp niệm xen vào. Điều này là bình thường. Chỉ cần khi nhớ ra hãy tập trung trở lại Đan điền hoặc tiếp tục quan sát hơi thở vào ra là đủ. Lâu dần, những tạp niệm sẽ bớt đi, thời gian tập trung sẽ dài hơn, hơi thở sẽ đều, chậm và nhẹ hơn, cho đến lúc không còn ý niệm và quên luôn cả hơi thở. Nếu thường xuyên đạt đến tình trạng này, có nghĩa người tập đã tiến được một bước rất dài. Không chỉ là không bệnh tật mà còn là sự tự tin, cảm thông và hoà hợp để dần dần đạt đến điều mà người xưa gọi làthiên nhân hợp nhất.
6. Xả thiền: Sau khi ngồi thiền, trước khi đứng dậy cần làm một số động tác để cơ thể hết tê mỏi và khí huyết lưu thông bình thường. Từ từ buông thõng hai chân, xoay người qua lại nhiều lần, xoay ở vùng hông và vùng cổ. Dùng hai tay vuốt nhẹ hai bên sóng mũi từ đầu mũi xuống chót cằm, vuốt ấm vành tai. Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho ấm rồi áp vào mắt. Dùng hai bàn tay xoa bóp dọc theo hai chân, từ đùi dài xuống bàn chân. Xoa ấm hai lòng bàn chân.
Việc xả thiền tùy thuộc vào mỗi buổi thiền. Nếu chỉ thiền khoảng 15 phút hoặc khi có công việc cần đứng lên gấp thì chỉ cần co duỗi hai chân và xoay người, hoặc lắc cổ qua lại nhiều lần là đủ.
NGỒI THIỀN CÓ GÂY NGUY HIỂM GÌ KHÔNG?
Một vấn đề cuối cùng mà những người mới tập thiền thường thắc mắc là liệu ngồi thiền có gây nguy hiểm gì không? Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào phương pháp và động cơ của việc ngồi thiền. Một số phương pháp thiền có phối hợp với vận khí hoặc có sự hỗ trợ khai mở một số trung tâm lực trong cơ thể nhằm thúc đẩy nhanh quá trình sinh khí và gia tăng nội lực. Các phương pháp này có thể gây những nguy hiểm đi kèm nếu người tập thiếu những kiến thức về khí công, về y học truyền thống hoặc không có đạo sư hướng dẫn để vận dụng và kiểm soát kịp thời nguồn năng lực mới phát sinh. Trái lại, nếu ngồi thiền để đạt đến sự tĩnh lặng trong tâm trí, để thư giãn thần kinh và tăng cường sức khỏe, không vận khí, không bám víu vào bất cứ ảo giác, âm thanh hoặc hình ảnh nào thì không có gì nguy hiểm./.
Chuyên đề 2: Các bệnh lý do mang giày dép không phù hợp
Không nên dùng giày thông thường để chạy.
Theo một điều tra ở Mỹ năm 2003, hơn nửa số ca bệnh lý bàn chân có nguyên nhân là mang giày dép không phù hợp (về kiểu dáng, kích cỡ, mục đích, chất liệu...). Trong đó, 1/3 phải phẫu thuật, 1/5 dùng biện pháp khác. Số còn lại phải chịu đựng đau đớn mà không tìm cách hoặc biết cách giải quyết.
Có rất nhiều dạng bàn chân. Vì vậy, một kiểu giày có khi thoải mái với người này nhưng lại gây đau cho người khác. Bàn chân Hy Lạp được coi là phù hợp và dễ mang hầu hết các loại giày, nhưng chỉ chiếm tỷ lệ 16%. Còn bàn chân kiểu Ai Cập tương đối dễ tổn thương do giày dép lại chiếm đa số (56%). Riêng nhóm bàn chân hỗn hợp và bàn chân Giao Chỉ - đặc trưng của người Việt Nam -được mệnh danh là “mối thảm họa” đối với các nhà làm giày.
Một đôi giày được xem là phù hợp khi nó bảo vệ được bàn chân, không gây đau hay trở ngại trong khi hoạt động (mỗi loại hoạt động cần có loại giày khác nhau), đồng thời vẫn đảm bảo được tính thẩm mỹ.
Bệnh lý do mang giày không phù hợp với hình dạng bàn chân
Việc mang giày không tương thích với hình dạng bàn chân có thể gây đau ở các vùng khác nhau như gót, cổ chân, các ngón; thậm chí ở cẳng chân, khớp gối hoặc vùng thắt lưng do làm tăng áp lực đến các cơ bắp. Có thể dễ dàng nhận biết là mình đã mang giày không thích hợp khi có các nốt chai bất thường xuất hiện ở gót chân, vùng bàn chân tiếp giáp các ngón, trên mặt lưng các ngón chân... Các nốt chai này lâu ngày có thể bị loét hay nhiễm trùng và đặc biệt nguy hiểm đối với người mắc bệnh tiểu đường.
Người thường xuyên mang giày cao gót, nhất là kiểu mũi nhọn, thường bị bệnh lý viêm lớp cân mạc lòng bàn chân do bị căng giãn quá mức, hoặc viêm và biến dạng khớp ngón chân cái và ngón út (thành một góc nhọn). Tình trạng tăng cân quá mức sẽ làm bệnh tiến triển nhanh và nặng hơn.
Ngoài ra, khi mang dép hay giày quá rộng, do bị cọ xát thường xuyên hoặc bàn chân lỏng lẻo không được giữ chắc trong giày nên chân dễ bị viêm, chấn thương (như bong gân). Các đầu ngón chân sẽ quặp xuống như ngón chân chim vì phải gắng sức để bấu chắc vào mặt đất khi di chuyển.
Người ta còn thấy có mối liên quan giữa chứng thoái hóa khớp gối và những phụ nữ thường xuyên mang giày cao gót trên 5 cm.
Các bệnh do sử dụng giày không đúng mục đích
Việc sử dụng giày không phù hợp (như dùng giày thông thường để chạy bộ, giày tập thể dục trong nhà để đá bóng) hoặc buộc dây giày quá chặt, quá lỏng sẽ khiến chân bị đau, dễ té ngã, chấn thương, gãy xương do mỏi, viêm hay tổn thương các gân và dây chằng.
Bệnh lý do nguyên phụ liệu
Móng chân có thể bị teo hoặc ăn sâu trong khóe, bị nhiễm nấm do giày ẩm ướt, kém thoáng khí, chàm dị ứng do dị ứng với nguyên liệu chế tạo giày. Nguyên liệu nếu quá thô cứng sẽ làm tổn thương da trực tiếp, nếu quá mềm sẽ không bảo vệ được da trước các tác nhân gây hại bên ngoài. Một số nguyên phụ liệu gây kích ứng da.
Nguyên liệu kém thoáng khí, kém hút ẩm hay có nhiều khoang lỗ nhỏ có thể là ổ chứa vi trùng hay vi nấm, dễ tạo mùi hôi.
Bệnh lý do giày ở các đối tượng đặc biệt
- Trẻ em: Giày dép không phù hợp sẽ cản trở sự hoạt động và phát triển của cơ bắp, từ đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của khung xương.
- Người cao tuổi: Thường có vấn đề về mắt và xương khớp nên dễ bị trượt ngã, chấn thương.
- Người bệnh tiểu đường: Bệnh lý bàn chân tiểu đường do biến chứng thần kinh, dễ bị nhiễm trùng khi bị vết thương ngoài da.
Một đôi giày tốt phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
- Tôn trọng một số quy tắc về kỹ thuật trong thiết kế và sản xuất.
- Nguyên vật liệu an toàn, ít kích ứng, hút ẩm tốt; đủ độ cứng chắc để bảo vệ nhưng cũng đủ mềm, nhẵn để không gây tổn thương da (các nguyên vật liệu tự nhiên như da được coi là tốt nhất)
- Đế cứng chắc, có độ bám.
- Ít trơn trượt.
- Có kèm các phụ liệu như miếng lót đế, chêm hay đệm mũi và gót.
- Với trẻ em lứa tuổi mới tập đi, giày phải thật mềm, chỉ cho trẻ đi trên thảm êm trong nhà. Ở tuổi đi học, đế cứng và dày hơn nhưng phải thật dẻo để phù hợp với sự hiếu động của trẻ.
- Với bệnh nhân tiểu đường, viêm khớp mãn tính, nên chọn giày mềm, êm, thật vừa vặn và có hình dạng thích hợp, nhất là khi đã có biến dạng bàn chân.
- Với người chơi thể thao, đế giày phải dẻo, dày, vừa vặn, ôm sát vùng cổ chân, có giảm xóc, dây buộc vừa phải.
Một số vấn đề cần lưu ý về sử dụng giày dép
Đa số mọi người đều nghĩ rằng bàn chân mình không thay đổi sau tuổi dậy thì và luôn mang trong đầu một con số cố định cho cỡ chân của mình. Ở Mỹ, 25% số người được phỏng vấn không hề nhớ mình đã tự đo hay được đo cỡ chân lần cuối cùng lúc nào. Vì vậy, có đến 72% không mang đúng cỡ giày. Trong khi đó, các khảo sát cho thấy khoảng 4-7% dân số cần mang những loại giày đặc biệt phù hợp với hình dạng bàn chân của mình. Cỡ giày đúng với bàn chân phải được lưu ý cả về chiều dọc lẫn chiều ngang của bàn chân như sau:
- Chiều dài: Đo từ gót đến ngón dài nhất + 2/3 cm.
- Chiều ngang: Phần rộng nhất của giày ứng với số đo từ ngón cái đến ngón út ở đoạn tiếp giáp giữa các ngón với phần mu bàn chân.
Chiều cao gót không được quá 5 cm, chiều rộng gót 2 cm, góc sườn (độ dốc) vừa phải, phần mũi giày có độ hếch hợp lý với bước chân đi.
Nên đi mua giày vào buổi chiều. Kiểm tra độ chắc và co giãn của đế bằng cách gập và vặn vùng này. Thay đổi giày ít nhất 2 ngày/lần. Nên để giày ở nơi thoáng khí ít nhất 8 tiếng trước khi cất vào tủ hay hộp. Thay tất mỗi ngày.
Bỏ những đôi giày gây đau chân. Giữ vệ sinh tốt cho bàn chân, rửa chân và thường xuyên giữ chân khô ráo.
Chuyên đề 3: Những điều cần biết về phẫu thuật thẩm mỹ
Điều trị sẹo lồi do xỏ lỗ tai
"Con gái tôi năm nay 11 tuổi. Để cho cháu có thể đeo hoa tai như các bé khác, tôi có nhờ người xỏ lỗ tai cho cháu cách đây độ 1 năm. Sau đó, nơi xỏ lỗ tai bị sẹo lồi ngày càng lớn. Tôi đã nhờ người phẫu thuật hai lần rồi nhưng nơi mổ vẫn bị sẹo lồi. Có cách gì trị dứt sẹo lồi không?".
Có một số người thuộc cơ địa sẹo lồi, khi bị chấn thương rách da, nơi rách sẽ thành sẹo lồi rất xấu. Ngoài ra, có một số người khác không thuộc tạng sẹo lồi nhưng khi vết thương hoặc vết mổ không được phẫu thuật tốt, bị sang chấn nhiều hay bị nhiễm trùng mổ cũng bị sẹo lồi. Để điều trị sẹo lồi, cần phẫu thuật cắt bỏ chỗ lồi, may lại kỹ và theo dõi. Phải tiêm thuốc chống sẹo nếu sẹo bắt đầu lồi lên trở lại.
Điều trị sẹo mới ở mặt
"Cách đây hai tuần, tôi bị tai nạn giao thông, mặt bị nhiều vết rách, đã được may lại và cắt chỉ. Nhưng sẹo to quá, gần đây nơi môi trên của tôi sẹo có vẻ lồi lên. Phải điều trị như thế nào?".
Trường hợp này sẹo còn đang tiến triển, chưa biết nó sẽ lồi tiếp hay giảm bớt. Nên chờ một thời gian nữa, có thể một hai tháng, để sẹo hoàn toàn ổn định. Việc điều trị khi đó sẽ có kết quả tốt hơn.
Có hai cách điều trị về sau: Phẫu thuật cho sẹo nhỏ lại hoặc cà các sẹo lồi cho bằng lại. Tùy vị trí, có thể dùng cách này hay cách khác, có khi phải kết hợp cả hai như cắt may lại các sẹo xấu ở mặt và cà ở môi trên.
Sẹo do bị rạch mặt
"Cách đây một tháng, do một chuyện hiểu lầm với hàng xóm, tôi bị rạch mặt một đường dài từ tai xuống đến cằm. Vết thương gây chảy máu nhiều quá nên tôi phải vào cấp cứu ở một trạm y tế gần nhà. Lúc đó, bác sĩ đã cầm máu và may lại vết thương cho tôi. Sau khi may, vết thương xấu quá, bề rộng gần 1 cm và nhiều chỗ may bị lệch, da bị chùng nhiều. Tôi cố gắng chờ cho lành và người khỏe một chút. Đến nay, sẹo đã khá lành, mỗi ngày soi gương, nhìn thấy sẹo mặt là tôi muốn chết cho rồi. Tôi khổ tâm quá. Nếu không trị hết sẹo này chắc có ngày tôi tự tử vì bị mặc cảm quá lớn. Xin bác sĩ hãy giúp tôi".
Rất tiếc là do một chuyện hiểu lầm mà bạn bị tai nạn này. Chuyện đã xảy ra cũng hơi khó giải quyết vì hai lý do:
Thứ nhất, sẹo mới được một tháng, các tổ chức chung quanh sẹo còn viêm, nếu phẫu thuật thì kết quả sẽ không đẹp bằng sẹo đã ổn định (thường 6 tháng sau).
Thứ hai, phẫu thuật thẩm mỹ không làm mất sẹo được (giống như gương vỡ không bao giờ lành), chỉ làm cho sẹo nhỏ lại và khó thấy sau một thời gian. Dù sao, nếu sẹo kéo lệch nhiều và xấu như vậy thì cũng nên mổ lại. Tuy nhiên, phải chấp nhận là sau mổ, chắc chắn bạn sẽ chưa đẹp ngay và dù phẫu thuật khéo léo đến thế nào đi nữa, nếu nhìn kỹ cũng thấy được sẹo.
Vấn đề quan trọng là ổn định tâm lý, chuyện không may đã xảy ra rồi, mình phải chấp nhận và cố gắng sống vui với những gì còn lại. Ở cuộc đời, ngoài sắc đẹp ra còn rất nhiều thứ khác cũng quan trọng như tình yêu nam nữ, tình thương yêu với người thân và việc phấn đấu để đạt được một nguyện vọng, ước mơ hay lý tưởng gì đó. Do đó, bạn không nên tìm đến cái chết để mong giải quyết những buồn phiền, những bất hạnh trong cuộc đời. Trái lại, cần phải cố gắng sống tốt đẹp, đầy đủ hơn, thành công hơn để mọi người nhìn vào mình với sự thương yêu, quí mến và kính trọng.
Điều trị sẹo lồi ở mặt do hóa chất
"Tôi làm việc ở một xí nghiệp về hóa chất. Cách nay một năm, vì rủi ro khi làm việc, tôi bị bỏng ở mặt do chất axit. Nơi bỏng thành sẹo lồi co kéo, rất xấu. Có thể điều trị được không? Có cần nhiều thời gian lắm không?".
Đặc điểm của bỏng do chất axit là gây hoại tử đặc, có nghĩa là bệnh tích bị chảy nám lại thành khối mô cứng và mô bên dưới thành sẹo, ngày càng co kéo, làm biến dạng các tổ chức lân cận. Bạn đã bị bỏng một năm rồi, giai đoạn hoại tử đã qua, hiện giờ có tình trạng sẹo lồi, co kéo. Tùy từng trường hợp, có thể phẫu thuật cắt bỏ mô sẹo và phủ tổ chức cắt bỏ bằng vạt da bên cạnh, hoặc ghép da rời. Tùy theo sẹo nhiều hay ít, bạn có thể phẫu thuật một hoặc nhiều lần, mỗi lần cách nhau khoảng 1 đến 2 tháng. Thời gian này cần thiết để các mạch máu nuôi dưỡng tổ chức thay thế mô sẹo được phát triển tốt, bảo đảm mảnh mô ghép hoặc chuyển đến không bị hoại tử về sau.
Làm mất hoàn toàn sẹo trán
"Tôi năm nay 27 tuổi, do trước đây bị tai nạn giao thông nên có sẹo nhỏ nơi trán. Tôi đã giải phẫu thẩm mỹ một lần, sẹo có nhỏ bớt. Nhưng mỗi lần soi gương, nhìn kỹ vẫn thấy nó, tôi rất buồn. Có cách nào làm mất hoàn toàn sẹo này được không?".
Giải phẫu thẩm mỹ chỉ làm cho sẹo nhỏ bớt và tìm cách dấu nó vào một nơi khó thấy chứ không làm mất sẹo được. Trường hợp của bạn, không biết tình trạng sẹo có xấu lắm không, nếu không thì bạn đừng nên giải phẫu nữa, để từ từ sẹo cũng sẽ mờ.
Sẹo vùng cổ do dùng thuốc gia truyền
"Trước đây vài năm, vì hay bị đờm nhiều trong cổ, tôi đi khám ở một nơi được giới thiệu là chuyên trị bướu cổ bằng thuốc dân tộc. Tại đây, tôi được cho một loại thuốc gia truyền gì đó để đắp lên cổ. Sau khi đắp thuốc, da cổ tôi nóng rát nhiều, về sau nổi đỏ, lồi lên thành sẹo rất xấu. Tôi rất hối hận về việc này và đi điều trị nhiều nơi, nhưng vẫn không hết sẹo ở cổ. Bác sĩ điều trị đã tiêm thuốc vào sẹo 3 lần, nhưng sẹo cũng không hết được. Tôi phải làm gì để khắc phục tình trạng này?".
Thuốc dân tộc khi đắp vào da cổ nếu gây sẹo lồi như vậy thì có khả năng là trong thuốc có chứa chất axit (có thể axit lấy ở trái cây hay hóa chất). Bệnh tích này cũng giống như sẹo do bỏng hóa chất, cần phải cắt bỏ sẹo và chỉnh hình da lại. May mắn cho bà là chỗ sẹo lồi không nhiều lắm, da cổ lại đàn hồi tốt. Một số trường hợp sẹo rộng hơn, có thể gây co rút vùng cổ, điều trị rất phức tạp.
Điều trị thẩm mỹ áp xe vùng mặt
"Tôi năm nay 34 tuổi, cách đây 4 tháng, má trái tự nhiên bị sưng và mưng mủ. Tôi đã uống thuốc kháng sinh và bôi thuốc độ 1 tháng thì hết sưng, nhưng vùng da vẫn còn tấy đỏ và chảy nước hoài. Tôi đã điều trị liên tục đến nay nhưng chỗ loét vẫn không lành, khiến khi ra đường lúc nào cũng phải băng lại một bên mặt, rất khó chịu. Tôi phải làm gì?".
Nhiễm trùng da vùng mặt đơn thuần ít khi kéo dài như vậy. Chị đã điều trị 4 tháng rồi, có lẽ áp xe đã ổn định, nhưng phần da mặt phía ngoài túi áp xe bị viêm, dị ứng với các loại thuốc bôi da.
Cần phải khám kỹ mới xác định được nguyên nhân và có cách điều trị cụ thể. Tuy nhiên, chị nên thử máu xem cơ thể có bị bệnh gì toàn thân kết hợp, gây chậm lành sẹo và nhiễm trùng kéo dài (như tiểu đường, suy giảm miễn dịch) không. Một số u nang bẩm sinh ở mặt có thể cũng có triệu chứng giống như vậy.
Dù sao, bệnh kéo dài đã lâu, chị nên điều trị triệt để sớm, nhằm tránh gây sẹo xấu cho da mặt.
Điều trị sẹo ở chân
"Cách đây hai năm, tôi bị ngã xe, bị sẹo ở bắp chuối chân trái (độ 4 x 5 cm). Sẹo này không bị lồi nhưng làm cho da mất màu, thành một vệt lớn màu trắng. Tôi có bôi nhiều loại thuốc nhưng da không trở lại bình thường được. Tôi rất buồn và mặc cảm khi phải mặc váy ngắn. Có cách nào làm cho chỗ đó nhỏ lại hoặc cùng màu với da được không bác sĩ?".
Tổ chức trắng ở chân của cô là mô sẹo do chấn thương. May mắn là sẹo không bị lồi. Muốn cho da vùng này trở lại màu như trước thì phải cắt bỏ hết tổ chức sẹo đi và ghép da mới vào. Hiện nay y học chưa có cách gì làm mất sẹo ngoài cách ghép da hoặc chuyển vạt da từ nơi khác đến.
Điều trị sẹo ở chân do bị bỏng
"Thưa bác sĩ, tôi năm nay 34 tuổi, trước đây một năm bị ngã xe, phần da ở phía sau chân chạm vào bô xe máy nóng gây bỏng. Sẹo bỏng rất xấu, to khoảng 2 x 5 cm, lồi lên, màu đen sậm. Tôi đã bôi rất nhiều thuốc chống sẹo nhưng không có kết quả gì hết. Như vậy có cần phẫu thuật không?".
Sẹo da chân cô to quá và lại bị lồi nhiều. Cách điều trị tốt nhất bây giờ là phẫu thuật cắt bỏ sẹo và có thể phải ghép da rời nơi mổ cho đỡ bị căng khi may lại. Sau mổ phải tiếp tục theo dõi, nếu quanh nơi ghép da sẹo lồi tái phát, phải tiêm thuốc chống sẹo.
Điều trị sẹo bỏng ở bàn tay
"Em tôi năm nay 16 tuổi, trước đây 6 tháng bị bỏng nặng ở bàn tay phải. Nay nơi bỏng đã lành rồi, nhưng sẹo co rút rất nhiều làm các ngón tay không cử động được. Có cách gì điều trị cho bàn tay hết sẹo và có thể cử động bình thường không?".
Trường hợp này phải phẫu thuật cắt bỏ hết tổ chức sẹo rút, tạo hình lại các gân co duỗi ngón tay, ghép da.... Phẫu thuật khá phức tạp. Chị nên đưa em đi khám ở Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh để được hướng dẫn cụ thể.
Điều trị sẹo lồi ở vết mổ
"Tôi đã sinh mổ cách đây ba tháng. Bác sĩ may lại nơi mổ rất khéo, lúc vừa mới cắt chỉ sẹo nhỏ, rất đẹp. Nhưng gần đây sẹo lồi lên dù tôi vẫn thoa thuốc chống sẹo lồi và kiêng ăn rất kỹ. Liệu có phải mổ lại cho sẹo đẹp hơn không?".
Sẹo của cô mới được ba tháng, có thể còn thay đổi, phải chờ thêm sáu tháng mới nên can thiệp. Có hai trường hợp có thể xảy ra:
- Sẹo chỉ quá phát đơn thuần: Việc mổ chỉnh sẹo cho kết quả tốt.
- Sẹo lồi: Thường do cơ địa sẹo lồi hoặc ảnh hưởng di truyền, điều trị khó hơn. Sau khi phẫu thuật, tỷ lệ tái phát cao. Loại sẹo này thường xuất hiện ở một số nơi đặc biệt của cơ thể như vùng vai, trước ngực, trên rốn hay sau tay. Có thể điều trị bằng cách tiêm chất cortisone hay xạ trị.
Thời gian cắt chỉ vết thương ở mặt
"Tôi bị ngã, mặt đập vào cạnh sắc của nền nhà, vết thương khá sâu, được trạm y tế cầm máu và khâu lại. Sau 7 ngày cắt chỉ, vết thương hở ra và gây sẹo rất xấu. Đối với vết thương ở mặt, mấy ngày thì cắt chỉ được? Có phải do cắt chỉ sớm quá mà vết thương tôi không được đẹp không?".
Thời gian 7 ngày là đủ để cắt chỉ các vết mổ ở mặt. Vùng mặt có nhiều mạch máu nuôi hơn nơi khác nên vết thương mau lành hơn. Để tránh sẹo nơi các đường chỉ may da, người ta có thể cắt chỉ sớm hơn, khoảng trên 4 ngày là được. Tuy nhiên ở nơi mổ bị kéo căng quá, hoặc bệnh nhân lớn tuổi, đang suy yếu hay dinh dưỡng kém, có thể phải hơn 7 ngày, hoặc đôi khi 10 ngày mới cắt chỉ được.
Trường hợp của cô, có thể vết thương bị bầm dập nhiều khi ngã nên sẹo xấu thôi chứ không phải do cắt chỉ sớm.
Cà da trên mảnh da được ghép
"Cách đây 5 năm cháu bị thương, mất chất ở da mặt, đã được ghép da. Nơi ghép lành tương đối tốt, cùng màu với da mặt nhưng bờ hơi gồ ghề. Cháu muốn cà cho phần da này bằng phẳng lại được không? Có sợ khi cà, mảnh da ghép bị tróc ra không?".
Cô đã ghép da được 5 năm, mảnh da ghép đã lành và được nuôi dưỡng tốt. Nay muốn cà cho bờ mảnh ghép bằng phẳng hơn cũng được, tuy nhiên thủ thuật phải hết sức nhẹ nhàng, chỉ cà nhẹ biểu bì (lớp ngoài cùng của da) thôi. Tránh gây sang chấn, có thể ảnh hưởng đến hệ thống máu nuôi mảnh da ghép, làm sẹo xấu đi.
Chuyên đề 4:
THIỀN LÀ MỘT PHƯƠNG PHÁP TỰ CHỮA BỆNH
Lương y Võ Hà
Trong thời đại ngày nay, để tồn tại và phát triển trước một cuộc sống nhiều thách thức và một môi trường luôn thay đổi, con người phải đối mặt với nhiều áp lực tâm lý. Chính những yếu tố gây Stress đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Stress có thể làm rối loạn tiêu hóa, tim mạch, sinh dục, rối loạn nội tiết, làm suy giảm khả năng miễn dịch và dẫn đến nhiều chứng bệnh nghiêm trọng. Trong những trường hợp này, Thiền là một liệu pháp đối trị trực tiếp và hữu hiệu. Hành Thiền không những có thể giải tỏa những cảm xúc âm tính, cải thiện hành vi mà còn giúp tăng cường nội khí, nâng cao sức đề kháng và sự thích nghi của cơ thể đối với môi trường.
Nguồn gốc của Thiền
Từ Thiền của Việt nam hay Zen của Nhật bản đều được phiên âm từ "Ch’an" của Trung hoa. Những chữ này đều xuất phát từ chữ Dhyna, có nguồn gốc ở bộ kinh Áo Nghĩa Thư (Upanishad). Đây là một bộ kinh thuộc triết học Bà la môn đã có từ thời thượng cổ ở Ấn độ. Theo tư tưởng Ấn độ, phàm muốn hiểu được chân tướng của một sự vật ta phải hòa mình làm một với sự vật đó. Thiền là quá trình tập trung tư tưởng, lặng lẽ suy tư, không để ngoại cảnh chi phối, là quá trình đồng nhất hóa với sự vật để hiểu được bản chất của nó. Thiền nguyên là một hình thức tu trì của những tông phái triết học ở Ấn độ. Sau khi Phật giáo ra đời, khoảng năm 520, Thiền được Bồ đề Đạt ma, một du tăng của Phật giáo truyền sang Trung hoa. Bồ đề Đạt ma nguyên là một tu sĩ thuộc Bà la môn giáo. Từ đây Thiền thuần lý và triết học của Ấn độ đã được giáo lý Phật giáo bổ sung và phát triển cả về nội dung lý luận lẫn phuơng pháp thực hành trong bối cảnh của truyền thống đạo học nguyên thủy của Trung hoa. Sau đó khi du nhập vào Nhật bản, Thiền lại được hòa trộn với tinh thần lễ giáo và nghệ thuật của Nhật bản. Như vậy Thiền được phổ biến sau này ở các nước châu Á đã hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc của phương Đông. Đến khoảng đầu thề kỷ thứ hai mươi, do công của một giáo sư người Nhật, ông D.T. Suzuki, Thiền được giới thiệu sang các nước Anh, Pháp, Đức… Vào giai đoạn này, sau những cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, văn minh nhân loại đã tiến thêm nhiều bước mới. Đời sống vật chất không ngừng được nâng lên nhưng tâm hồn con người dường như lại thêm lo âu, bất an hoặc cô đơn, trống rỗng. Thiền đã có mặt kịp lúc để lấp bớt khoảng trống này. Dưới cái nhìn duy lý và thực tiễn của người phưong Tây, Thiền đã nhanh chóng được tiếp nhận và quảng bá rộng rãi như là một hình thức giáo dục đạo đức và tâm linh. Vượt qua khỏi ranh giới của tôn giáo, sự hợp nhất giữa thân và tâm của Thiền giúp giải quyết những vấn đề do tâm lý gây ra và là phương pháp chữa trị cho nhiều chứng bệnh của xã hội hiện đại để mang lại hạnh phúc và sức khoẻ cho con người. Cũng ở thời gian này, Tổ chức Y tế Thế giới đã đánh giá lại ý nghĩa của từ sức khỏe "Sức khoẻ là sự thoải mái hoàn toàn vể các mặt thể chất, tâm thần và xã hội chứ không phải chỉ là tình trạng không bệnh tật". Có lẽ vì những lý do này, khi chuyển ngữ sang phương Tây, người ta đã dùng từ "Meditation" để dịch từ Zen. “Meditation” có cùng ngữ căn “Mederi" với từ "Medicine" với hàm ý là một phương pháp chữa bệnh.
Thiền là liệu pháp đối trị của những chứng bệnh tâm thể
Đối với y học phương Tây, tác nhân tâm lý được xem là một yếu tố gây bệnh chỉ được Cullen nói đến vào khoảng năm 1776 với tên gọi là rối loạn thần kinh chức năng. Sau đó, năm 1936, giáo sư Hens Selye, người sáng lập viện chống Stress ở Montreal, Canada đã chính thức dùng thuật ngữ Stress để chỉ những phản ứng của cơ thể đối với những yếu tố gây khó chịu trong môi trường sống. Sớm hơn nhiều so với phương Tây, trên cơ sở những lý luận về khí và khí hóa, lại là những người có khuynh hướng duy tâm, thường hướng nội và phản quán, các nhà y gia cổ đại của phương Đông đã sớm nhận ra ảnh hưởng của những cảm xúc tiêu cực lên sức khỏe của con người. Hàng ngàn năm trước, sách Nội kinh đã ghi nhận "bách bệnh giai sinh vu khí". Người xưa cho rằng những cảm xúc thái quá sẽ làm rối loạn khí hóa của những tạng phủ tương ứng và qua mối quan hệ sinh khắc sẽ dẫn đến sự mất quân bình của cả hệ thống. Do đó, những rối loạn này chính là nguyên nhân của những bệnh về nội thương. Ví dụ những người quá suy tư căng thẳng thường ăn uống kém ngon, dễ rối loạn tiêu hóa. Điều này xảy ra vì sự suy tư quá độ làm ảnh hưởng đến khí hóa của tỳ vị vì "Tư thương Tỳ". Hơn nữa, sự căng thẳng lâu ngày làm Can khí uất kết có thể dẫn đến loét dạ dày, tá tràng, triệu chứng mà Đông y thường gọi là "Can phạm Vị". Đôi khi những rối loạn khí hoá do cảm xúc có thể gây ra những triệu chứng bệnh lý có thể thấy được ngay. Thử quan sát một người đang bộc phát cơn tức giận. Toàn thân nóng lên, mồ hôi vả ra, nhịp tim tăng, hơi thở gấp, các cơ bắp như căng lên. Ở một số người khác cơn nóng giận có thể làm cho toàn thân ngứa ngáy, đau thắt ở ngực hoặc như bị bóp chặt ở bao tử. Đó là một trường hợp điển hình về rối loạn khí hóa do cảm xúc. Trong trường hợp nêu trên, Đông y cho rằng “Nộ thương Can", sự tức giận đã làm cho Can khí nghịch hành, dẫn đến các triệu chứng Can Đởm hỏa thịnh, thuộc Dương chứng. Trên thực tế, nếu bản thân không có các bệnh thực thể gì khác, chúng ta chỉ cần thực hành thư giản để sơ tiết Can khí hoặc chú tâm quan sát hơi thở vào và ra để đạt đến tâm bình, khí hoà hoặc chuyển tâm nghĩ đến một sự kiện vui vẻ đã xảy ra trong đời để khí của mẹ là Can Mộc được tiết bớt sang cho con là Tâm Hỏa (sự vui vẻ thuộc Tâm Hỏa và Mộc sinh Hỏa) thì các triệu chứng trên sẽ tự biến mất. Đó là ví dụ về những cách kiểm soát cảm xúc để làm chủ bản thân.
Trong thời đại ngày nay, để tồn tại và phát triển trước một cuộc sống nhiều thách thức và một môi trường luôn thay đổi, con người phải đối mặt với nhiều áp lực tâm lý. Chính những yếu tố gây Stress là nguyên nhân của nhiều bệnh tật. Stress có thể làm rối loạn tiêu hóa, tim mạch, rối loạn nội tiết, làm suy giảm khả năng miễn dịch khiến cơ thể dễ bị bệnh tật tấn công hoặc làm trầm trọng thêm những chứng bệnh đang tiềm tàng. Trong những trường hợp này, việc giải toả Stress, điều hoà được cảm xúc phải là ưu tiên hàng đầu. Nói chung, thư giản hay căng thẳng, tập trung tư tưởng vào một sự kiện này hay chuyển sang một sự kiện khác là khả năng tự nhiên ở mỗi người. Tuy nhiên, ở một số trường hợp bệnh lý, khi hệ thần kinh đã quá tải, đã vượt quá giới hạn để tự hồi phục, tự điều chỉnh thì người bệnh cần một quá trình luyện tập hoặc điều trị. Trong những trường hợp này, Thiền là một liệu pháp đối trị trực tiếp và hữu hiệu. Ông Herbert Benson, giáo sư đại học Harvard, người sáng lập Viện Y học Tâm thể ở Boston (Mind-Body Medical Institute) cho biết "từ 60% đến 80% số lượng bệnh nhân đến khám ở các phòng mạch đều có liên quan đến Stress. Các ca bệnh này đáp ứng rất kém đối với thuốc và phẫu thuật nhưng lại rất tốt đối với các liệu pháp tiếp cận tâm thể". Ông cho rằng các liệu pháp thư giãn và Thiền làm giảm sự căng cơ, giúp giải tỏa những tình trạng lo âu, sợ hãi, bất an, dễ bị kích thích và đặc biệt là làm giảm hoạt hóa các nội tiết tố Stress.
Hiện nay có một phương pháp Thiền đã được chính thức đưa vào giảng dạy và thực hành lâm sàng tại nhiều trường đại học Y ở phương Tây, kể cả một số trường đại học lớn ở Mỹ như Umass, Standford, Duke, Virginia, San Francisco,… Đó là MBSR. MBSR là những chữ viết tắt của thuật ngữ "Mindfulness Based Stress Reduction", tạm dịch là "giảm Stress dựa trên sự tỉnh giác". MBSR được xem là một liệu pháp bổ sung giúp điều chỉnh tinh thần, cảm xúc và cải thiện sức khỏe. Đây là một kỷ thuật Thiền định nhằm phát triển chánh niệm, tức khả năng nhận biết điều gì đang xảy ra nơi thân hoặc tâm, qua đó có thể làm chủ được bản thân và điều hòa cảm xúc. MBSR đã được giáo sư Jon Kabat – Zinn khởi xướng đưa vào thực hành lâm sàng từ đầu những năm 1970. Hiện nay Trung tâm Y học và Giáo dục Tỉnh giác CFM (the Center For Mindfulness in Medicine, Healh Care and Society) thuộc trường Đại học Y Massachusettes (UMASS), được xem là cơ sở y tế lớn nhất và lâu đời nhất ở Mỹ trong lĩnh vực quảng bá, giáo dục và điều trị bằng MBSR. Một liệu trình MBSR tiêu chuẩn kéo dài 8 tuần lễ. Chương trình gồm hai phần. Phần huấn luyện tại lớp mỗi tuần một lần, mỗi lần một buổi từ 2 giờ đến 2 giờ rưỡi. Riêng lần cuối cùng thường được tổ chức vào cuối tuần và kéo dài khoảng 7 hoặc 8 giờ. Phần tự thực hành tại nhà khoảng 1 giờ mỗi ngày. Cho đến nay, hàng chục ngàn người đã được hưởng lợi từ chương trình huấn luyện và điều trị này. Kết quả cho thấy MBSR giúp điều trị những bệnh về tim mạch, các chứng đau nhức mãn tính, rối loạn chức năng, dạ dày, ruột, chứng đau nữa đầu, cao huyết áp, mất ngủ, âu lo, hoảng loạn,… Hiện nay, trên thế giới đã có hơn 200 bệnh viện hoặc cơ sở y tế có thực hành điều trị bằng MBSR.
Thiền là một liệu pháp chỉnh thể
Thiền là một truyền thống văn hóa đặc sắc của phương Đông. Do đó liệu pháp Thiền cũng phản ảnh đầy đủ tính chất “chỉnh thể" và "Trời người hợp nhất" của nền y học cổ truyền. Chỉnh thể hay nhất thể (holistic) là quan điểm xem con người là một tổng thể hợp nhất. Mỗi triệu chứng, mỗi bộ phận đều phải được xem xét và điều chỉnh trong mối tương quan chung nhằm mang lại sự cân bằng và hài hòa cho cả tổng thể. Chẳng hạn, ở một bệnh nhân loét dạ dày, liệu pháp chỉnh thể sẽ lưu ý giải quyết tình trạng thấp nhiệt ở dạ dày hoặc căng thẳng tâm lý trong sinh hoạt để cải thiện khí hoá ở Tỳ vị hơn là cố tìm một loại kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây loét. Ở những chứng viêm mũi mãn tính, Đông y cho rằng do Âm hư gây ra Hỏa vượng. Do đó cách chữa phải đặt nặng việc bổ thận để nạp khí, bổ Âm phải tàng Dương, hơn là chỉ dùng những chất hàn lạnh để trừ hư Hỏa. Dù hư Hỏa có tạm được khống chế nhưng nếu làm trầm trọng thêm sự mất quân bình Âm Dương hoặc suy sụp thêm sức đề kháng thì bệnh không thể dứt được… Nói chung, theo quan điểm này thì sự nâng cao chính khí và sự hài hoà bên trong mới chính là nguồn gốc của sức khỏe. Chừng nào mà sự hài hòa còn chưa đạt được hoặc sức miễn dịch chưa được cải thiện thì sự cứu chữa chỉ là cục bộ hoặc tạm thời và sự biến mất của một triệu chứng sẽ có thể gây ra một triệu chứng khác ở một tổ chức khác. Do đó, với ý nghĩa hòa hợp hay hợp nhất giữa các tổ chức trong cơ thể, hợp nhất giữa thân và tâm và cuối cùng là giữa con người và vũ trụ, Thiền là đỉnh cao của liệu pháp chỉnh thể và cũng là chỗ gặp nhau giữa y học và các nền học thuật khác của phương Đông. Giống như những nhà khí công, những người hành trì Thiền lâu năm có định lực cao, trình độ khí hóa được nâng lên, có thể dùng năng lực Thiền để hóa giải bệnh tật hoặc chữa bệnh cho người khác. Về mặt thần kinh, thông qua quá trình thư giản và nội quán, Thiền duy trì trạng thái yên tĩnh của đại não, có thể điều hòa thần kinh giao cảm, phục hồi tính tự điều chỉnh và tự hoàn thiện vốn có của hệ thần kinh trung ương. Đây cũng là một cơ chế mang tính chỉnh thể vì sự hài hòa và hoàn thiện của hệ thần kinh sẽ tác động trở lại để điều hòa hoạt động nội tiết, nội tạng, tái lập tình trạng khí hóa bình thường để phục hồi sức khỏe. Cũng vì lý do này, những liệu pháp thư giãn & Thiền không chỉ có hiệu quả trên những bệnh tâm thể mà còn thông qua việc nâng cao sức miễn dịch và cải thiện lưu thông khí huyết để phục hồi dần những cơ quan đã bị tổn thương.
Nói chung trong quá trình hành Thiền, "thần tĩnh tức âm sinh", tâm không duyên ra ngoài sẽ giữ được khí, ngưng thần định ý tại Đan điền sẽ gia tăng chân khí. Do đó công năng dưỡng âm tồn thần và nâng cao chính khí của tọa Thiền hoàn toàn phù hợp với tinh thần "nhiếp sinh" của Nội kinh, có thể chữa được bệnh, tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ và giúp gia tăng sự thích nghi của cơ thể đối với những điều kiện thay đổi của môi trường sống.
Liệu pháp Thiền và những suy nghĩ tích cực
Khi xem một vở kịch tốt hoặc một phim hay, trong những lúc cao trào, ta thường bị thu hút vào vở diễn hoặc vai diễn. Thương cảm, rơi lệ hoặc bức xúc, tức giận,… Trong những phút giây đó, không chỉ người diễn viên mà cả người xem đều đã như hóa thân thành một người khác chứ không còn là người diễn viên hoặc bản thân chúng ta của những lúc bình thường. Những truyền thống tư tưởng phương Đông đều quan niệm thân và tâm là một thể thống nhất. Suy nghĩ và cảm xúc luôn tác động đến phần thể xác. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn cả nhận thức và từ nhận thức sẽ dẫn đến hành động. Chính những cảm xúc và nhận thức lâu ngày đã hình thành nên tập tính và tình trạng sức khỏe ở mỗi người. Do đó có thể nói mỗi người chính là những điều mà người đó suy nghĩ. Mỗi người trong chúng ta vì những lý do khác nhau đã vô tình bị tập nhiễm một số hành vi mà chúng ta không muốn nhưng đã không thể cưỡng lại được. Kỹ thuật tự ám thị (auto-suggestion) thông qua thiền định có thể giúp cải thiện tình trạng này. I.P. Paplov một nhà sinh lý học nổi tiếng của nước Nga đã chứng minh rằng mọi phản xạ thần kinh dù cao hay thấp, mọi thói quen, quá trình rèn luyện, học tập, lao động đều là những quá trình hình thành nên những phản xạ. Trong hành Thiền, việc hóa thân, việc đồng nhất hóa với một sự vật mới, một ý niệm mới hoặc một con người mới đã được tái hiện liên tục và nhiều lần trong một điều kiện tâm lý đặc biệt. Điều kiện tâm lý đặc biệt chính là tình trạng thư giãn hoặc nhập tĩnh khi mà não trở nên nhạy cảm khác thường trong việc tiếp nhận và hoạt hóa những thông tin liên quan, đến những ý niệm hoặc hình ảnh được gợi ra. Nói cách khác, khi ở vào tình trạng thư giãn ta có thể dùng lời nói hoặc những hình ảnh tưởng tượng thích hợp để cải thiện những tình trạng tâm lý hoặc vật lý của cơ thể, những điều mà trong điều kiện bình thường ta không thể thực hiện được. Hiệu ứng này thường được vận dụng trong các phương pháp dưỡng sinh, khí công, thôi miên, tự ám thị và cả trong nhiều nghi thức tôn giáo. Ví dụ, bình thường ta không thể ra lệnh hoặc tự nhủ để nhịp tim chậm lại hoặc huyết áp giảm xuống. Tuy nhiên, trong điều kiện thư giãn hoặc lúc thiu thiu ngủ nếu ta "thấy" hoặc "nghĩ" rằng tim đang đập chậm lại hoặc huyết áp đang hạ xuống thì tần số tim sẽ giảm và huyết áp sẽ hạ. Hãy lưu ý từ "thấy" mà không phải là "nhìn". Từ "thấy" hoặc "nghĩ" ở đây hàm nghĩa không có sự phân tích hoặc cố gắng về mặt ý thức. Đây là một nguyên tắc quan trọng của Thiền cũng như của sự tự ám thị. Nguyên tắc này có thể được gọi một cách vắn tắt nhưng khá chính xác là sự tập trung không căng thẳng. Tập trung vào một từ khóa, một câu ám thị, hoặc một cảnh vật… nhưng phải ở trong điều kiện tĩnh lặng và không căng thẳng. Chính sự tĩnh lặng và không căng thẳng giúp duy trì tình trạng nhập tĩnh đồng thời nâng cao tính nhạy cảm trong việc tiếp nhận và hình thành nên những cung phản xạ mới. Về mặt khoa học, nhập tĩnh ứng với tình trạng cơ bắp thư giãn hoàn toàn và sóng não hạ thấp từ nhịp Beta nhanh và không ổn định xuống nhịp Alpha hoặc Theta chậm và ổn định hơn. Trong điều kiện này bất kỳ sự căng thẳng nào kể cả sự căng thẳng của quá trình chú ý (chẳng hạn phân tích, lý luận về vấn đề đang chú ý) đều sẽ làm thay đổi sóng não và phá vỡ sự nhập tĩnh. Chính sự tự ám thị trong điều kiện thư giãn hoặc gần nhập tĩnh giúp thúc đẩy nhanh quá trình hình thành nên những cung phản xạ mới cho yêu cầu chữa bệnh hoặc cải thiện hành vi, nhân cách. Ở nhiều bệnh nhân mắc những bệnh mãn tính đã trãi qua điều trị lâu dài, tính trầm trọng không phải ở chính căn bệnh mà ở tâm lý chán nản, trầm uất. Tâm lý này phát xuất từ suy nghĩ mình là gánh nặng của gia đình hoặc do thiếu niềm tin vào thầy, vào thuốc. Yêu cầu điều trị trong những trường hợp này là phải giải tỏa được trầm uất và tăng cường niềm tin sẽ khỏi bệnh. Đó là lý do tại sao thiền và những suy nghĩ tích cực lại hữu hiệu trong hầu hết những bệnh kinh niên. Với liệu pháp thiền, có thể nói người bệnh chính là thầy thuốc và sức miễn dịch được nâng lên chính là thuốc chữa bệnh.
Sau đây là một vài thí dụ về sự phối hợp giữa thư giãn & Thiền và những suy nghĩ tích cực.
Để đạt được mục đích thư giãn và bình an cho tâm trí, người tập có thể nghĩ đến những cảnh quang mà mình ưa thích hoặc đã từng trãi qua. Rừng thông bạt ngàn, gió thổi vi vu. Bãi cát trắng xóa, sóng biển nhấp nhô. Cánh đồng lúa rì rào, gió thổi mơn man. Cảnh núi non hùng vĩ, thác nước trắng xóa,… Nằm hoặc ngồi thoải mái ở một nơi yên tĩnh, thoáng mát. Mắt khép nhẹ. Hít thở điều hòa, thì thở ra chậm và dài hơn thì hít vào. Tập trung tư tưởng nghĩ đến cảnh quang đã định. Hình dung rõ ràng quang cảnh như đang hiện ra trước mắt mình. Lặng lẽ quan sát để từ từ tiến đến dung hợp giữa người và cảnh, thấy mình hòa tan vào cảnh hoặc quên đi bản thân mình.
Để gia tăng nội khí hoặc để điều trị các chứng hư Hỏa gây căng thẳng, nhức đầu, khó ngủ, hồi hợp,… có thể tập trung vào bụng dưới. Ngồi bán già hoặc kiết già. Lưng thẳng. Eo hơi thót lại. Cằm hơi thu vào. Đầu lưỡi chạm nướu răng trên. Buông lỏng phần vai và hai tay. Mắt khép nhẹ. Hít thở điều hòa. Tập trung tâm ý quán tưởng khắp chung quanh mình đang có gió nhẹ thổi vào vùng bụng dưới.
Để chữa bệnh, trị đau nhức, để làm tan một chỗ bị sung huyết hoặc một tổ chức bị u xơ, có thể quán hơi thở vào và ra. Hít vào sâu đến bụng dưới. Thở ra chậm, nhẹ và đều. Trong lúc thở ra tập trung ý quán một luồng trược khí màu xám từ chỗ bị đau theo hơi thở thoát ra các đầu ngón chân (nếu ở vùng hạ thể) hoặc đỉnh đầu, hoặc những đầu ngón tay (nếu ở vùng thượng thể). Có rất nhiều nghiên cứu về hiệu ứng vật lý của những suy nghĩ tích cực. Đáng kể nhất là công trình nghiên cứu của Bác sĩ Carl Simonton về điều trị ung thư. Ông hướng dẫn cho bệnh nhân thư giãn và hình dung những bạch cầu của họ là những chiến sĩ "tìm và diệt". Đội quân dũng mãnh đã chiến đấu, chiến thắng và mang đi các tế bào ung thư đã chết. Công trình nghiên cứu trên 110 bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đã cho kết quả 25% hoàn toàn khỏi bệnh, 30% ung thư ngừng phát triển, và ở 10% khác khối u ung thư bắt đầu nhỏ dần.
Ông Emile Coue (1857-1926), một chuyên gia điều trị tâm lý người Pháp là người đã từng hướng dẫn và điều trị cho hàng chục ngàn bệnh nhân bằng phương pháp ám thị và tự ám thị. Đến với ông có thể là những người bị mất ngủ, hoảng loạn, nói lắp, nghiện thuốc, béo phì, động kinh, suyển và cả những bệnh nhân tim mạch, tiểu đường, u xơ, viêm khớp. Ông đã đề xuất một công thức ám thị đơn giản chung cho nhiều trường hợp khác nhau, để điều chỉnh hành vi hoặc để thay đổi những điều kiện tâm lý, vật lý cho việc cải tạo sức khỏe. Nguyên văn câu ám thị là "Tous les jours a tous points de vue, je vais de mieux en mieux" đã được chuyển sang Anh ngữ “Day by day, in every way, I am getting better and better", tạm dịch "Mỗi ngày qua, tôi tốt đẹp hơn lên về mọi phương diện". Ông khuyên người bệnh thực hành ám thị hai lần mỗi ngày. Mỗi lần tự nhẩm 20 lần câu ám thị nêu trên. Cần làm một xâu chuỗi có 20 hạt để lần chuỗi tương ứng với 20 lần nhẩm niệm. Việc lần chuỗi vừa bảo đảm đủ số cần niệm, vừa có tác dụng tạo thêm phản xạ có điều kiện cho những lần sau. Thực hành lúc vừa thức dậy, sắp sữa xuống giường và liền trước khi nằm xuống ngủ. Đây là những lúc mà chúng ta còn ngái ngủ hoặc buồn ngủ. Do đó khi đã nhắm mắt và tập trung vào câu ám thị thì tâm chỉ tồn tại có ý niệm đó, những tạp niệm rất khó xen vào. Về mặt thần kinh, những thời điểm này gần giống như lúc chúng ta luyện tập thư giãn hoặc chuẩn bị nhập tĩnh nên cũng là lúc tốt nhất để tiếp nhận những thông tin tích cực cho việc tạo nên những cung phản xạ mới.
Lưu ý
Kết quả hành Thiền sẽ khác nhau do khả năng tập trung tư tưởng của mỗi người. Điều này tùy thuộc vào căn cơ và các điều kiện trợ duyên khác như chế độ ăn uống, sinh hoạt, giao tiếp… Thiền được xem là một liệu pháp bổ sung được dùng song hành với các biện pháp chữa bệnh chính thống khác. Do đó việc gia giảm hoặc thay thế các loại thuốc trong việc điều trị phối hợp với Thiền cần theo sự chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.
Chuyên đề 5: THỨC ĂN CHỮA CHỨNG MẤT NGỦ
BS. HOÀNG XUÂN ĐẠI
Mất ngủ là triệu chứng của nhiều nguyên nhân. Vì vậy muốn chữa tận gốc nguyên nhân sinh bệnh thì phải được các thầy thuốc xác định thì chữa mới có hiệu quả. Ắn uống những thứ sau đây chỉ giúp thúc đẩy quá trình lui bệnh. Dĩ nhiên các thức ăn này lại là những vị thuốc nam mà các lương y vẫn dùng để chữa các chứng mất ngủ.
Theo Đông y, khi lao tâm quá đã làm cho tâm huyết hao tổn, nên tâm không giữ được thần, hỏa không hãm xuống dưới, mà thủy không thể lên trên khiến cho tâm thần bất giao, tinh thần rất kết làm can, đơn hỏa vượng, tì, vị bất hòa gây nên chứng mất ngủ.
Ở tuổi trẻ khí huyết thịnh, cơ nhục trơn chu, kinh mạch thông sướng, hai khí doanh vệ cận hành đúng quy luật nên ban ngày sảng khoái ban đêm ngủ ngon, người ta thường độ tuổi trên 50 khí huyết bắt đầu suy nhược, cơ nhục khô héo, kinh mạch trì trệ, hai khí doanh vệ bắt đầu vận hành lệch lạc do đó làm cho khó ngủ về đêm nên ngày mệt mỏi.
Mất ngủ có thể chia làm hai loại: hư chứng và thực chứng vì vậy phép chữa trị cũng có khác nhau. Đối với hư chứng, cần bổ khí, dưỡng huyết, tư âm giáng hỏa - còn thực chứng lại thanh tiết hỏa ở can, đơn kiện tỳ, hỏa đàm, tiêu trợ.
Thuốc chữa mất ngủ thì nhiều, ở đây xin giới thiệu những thức ăn làm dễ ngủ.
* Rau nhút: Đông y gọi là quyết thái. Nấu canh rau nhút non, lá vông nem, khoai sọ, củ súng, củ sen, tôm hoặc thịt lợn nạc băm hay xay, giã ăn ngon vừa bổ dưỡng lại chữa mất ngủ.
* Củ sen: Là phần cây nằm dưới bùn có tác dụng dưỡng tâm, an thần, bổ tì, cố tinh v.v... Nấu canh ăn chữa được mất ngủ, suy nhược.
* Hạt sen: Nấu chè hạt sen hoặc nhồi hạt sen vào bụng chim, bồ câu con hầm ăn hoặc nhồi hạt sen vào vịt, dạ dày lộn gọi là món tiêm ăn ngon. Hạt sen tác dụng vào các kinh tâm, tì, thận, làm thuốc bổ tì, dưỡng tâm, an thần, cố tinh, chữa mất ngủ và suy nhược thần kinh.
- Lưu ý: các bộ phận của cây sen đều dùng làm thuốc mà lại tác dụng khác nhau nên cần thận trọng khi dùng ví dụ lá sen không có tính an thần.
* Tâm sen: Đông y gọi là liên tâm, là mầm xanh nằm giữa hạt sen đó mới thật là quả sen - có vị đắng, tính hàn, tác dụng thanh tâm, khử nhiệt, chữa bệnh tim hồi hộp, mất ngủ, di mộng tinh thường dùng với liều 4g-10g. Dùng tâm sen khô sắc nước uống. Nước rất đắng nên pha chút mật ong hoặc đường cho dễ uống. Có tác dụng gây ngủ mạnh hơn hạt sen nhiều lần và êm.
* Củ súng: Vị ngọt nhạt, tính bình tác dụng vào các kinh tâm, tì, thận làm dưỡng tâm, bổ tì, ích thận, cố tinh - chữa chứng mất ngủ, suy nhược lấy củ súng nấu canh ăn.
* Nhãn: Vị chua, ngọt, tính bình, nhãn bổ dưỡng tâm, tì nên dùng chữa mất ngủ, thần kinh suy nhược, trí nhớ giảm. Nhãn tươi chế biến thành long nhãn để dùng dần.
* Táo: Vị ngọt, tính ôn tác dụng vào lúc hai kinh tì và vị. Táo bổ tì, vị sinh tân dịch, ích khí, an thần, điều hòa doanh vệ, hòa giải các vị thuốc kết hợp.
* Toan tảo nhân: Là nhân trong hột táo chua, tính an thần rất mạnh liều dùng 1g-2g. Không quá liều vì độc, cần lưu ý: nếu sao vàng sắc uống chữa mất ngủ. Để sống (không sao) lại làm cho không ngủ.
* Vông nem (gọi là lá vông nem vì dùng gói nem chua): Bộ phận dùng làm thuốc là lá, vỏ, thân. Tác dụng an thần mạnh nên Tây y thường chế siro lá vông - không dùng dài gây độc. Liều 4g-10g mỗi ngày.
* Lạc tiên: Mọc hoang ở đồi, rào... Bộ phận dùng phần dây trên mặt đất tức là thân và lá. Lạc tiên vị ngọt nhạt, tính mát, không độc, có công năng đi vào hai kinh can và tâm. Tác dụng dưỡng tâm, an thần. Chữa suy nhược thần kinh mất ngủ. Thành phần là hoạt chất bởi nhiều chất như alcaloid nhóm harman, các flavoinoid; nhóm Isovitexin, Maltol và Ethylmaltol. Dùng dưới dạng thuốc sắc (thân và lá khô), liều dùng trung bình từ 20g-40g. Thân già càng tốt, có mùi thơm đặc trưng.
* Bá tử nhân: Tức nhân trong hạt cây trắc bá, vị cay, tính bình tác dụng vào các kinh tâm, can, thận - dưỡng tâm, an thần, nhuận tràng, thông tiện, thường dùng trong các trường hợp mất ngủ do tâm thận bất giao, lo sợ, hồi hộp. Liều 4g-24g mỗi ngày.
* Nước ép quả cà chua: pha thêm chút mật ong hoặc đường cát với độ ngọt tùy ý, uống vào đêm lúc đi ngủ sẽ ngon giấc.
Ngoài ra còn có thể dùng các loại thuốc như thần sa ha chu sa hoặc các loại tân dược nhưng cần có sự chỉ dẫn kỹ lưỡng của bác sĩ hầu hết các loại thuốc này đều độc gây chết người hoặc gây nghiện.
Chúc các bạn luôn vui-khỏe...