17/02/2013 14:35 (GMT+7)
Số lượt xem: 67391
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Miền Tây Nam Bộ là vùng đất gắn liền với thời kỳ khẩn hoang, lập ấp của các bậc tiền nhân. Muốn tồn tại, con người phải đấu tranh sinh tồn và để lại biết bao truyền thuyết ly kỳ khi đối mặt với thú dữ, bệnh tật…


Trong đó, chuyện về những “thần y” trị rắn cắn luôn ẩn chứa nhiều giai thoại thú vị, làm nhiều người tò mò…

Huyền thoại nhà sư cứu người

Đến vùng Bảy Núi (An Giang) vào những ngày cận Tết, biết chúng tôi muốn tìm những thầy thuốc trị rắn cắn, một anh xe ôm tại chợ Châu Lăng (Tri Tôn) nhanh miệng nói: “Ở vùng này, nếu bị rắn cắn thì lên núi Nam Quy hoặc qua sóc Vĩnh Thượng tìm “thần y” lưỡi đen là an toàn tính mạng”. 

Nhà sư Chau Sóc Kol – truyền nhân của “thần y” Chau Sum.

Chùa Nam Quy trên (xã Châu Lăng, Tri Tôn) nằm trên một sườn đồi có nhiều cây cổ thụ che bóng mát. Tiếp chúng tôi là nhà sư trẻ Chau Sóc Kol mà người dân trong vùng gọi là truyền nhân của “thần y” trị rắn cắn Chau Sum. Còn “thần y” đã mất cách đây nhiều năm.

Theo lời kể của sư Chau Sóc Kol, trị rắn cắn tại Bảy Núi không ai qua cố Hòa thượng Chau Sum. Đến lúc viên tịch ông đã cứu sống gần 1.000 lượt người bị rắn độc cắn. Người ta đồn rằng, Hòa thượng Chau Sum trị rắn độc cắn bằng bùa lỗ ban, bùa lèo... Hơn thế nữa, ông có khả năng “trục” con rắn đã cắn người xấu số về “đền tội”. Còn rất nhiều mẩu chuyện khác được người đời thêu dệt thêm để nói về biệt tài trị rắn độc cắn của ông.

Tuy nhiên, sư Chau Sóc Kol khẳng định: “Chính những cây thuốc quý của vùng Bảy Núi đã cứu sống con người”. Sư Chau Sóc Kol cũng có hơn chục năm theo nghề trị rắn cắn. Những người được ông chữa trị điều bình phục trở về nhà. Sư Chau Sóc Kol cho biết: “Những người dân đến đây điều là người nghèo làm ruộng, rẫy trên núi nên dễ bị rắn cắn. Những bài thuốc thầy truyền lại đều sử dụng thảo dược từ Bảy Núi, chủ yếu là giúp bà con bảo vệ tính mạng để trở lại lao động, sản xuất”.

Nhờ lĩnh hội được tuyệt học của cố Hòa thượng Chau Sum, nên khi một bệnh nhân bị rắn cắn đưa đến, ông nhận biết ngay đó là loại rắn gì. Sư Chau Sóc Kol nói: “Nếu rắn hổ đất cắn thì họng bệnh nhân bị kéo đờm, mắt thâm quầng. Còn rắn hổ mây cắn thì trong vòng nửa tiếng đồng hồ họng kéo đờm, mắt đục. Riêng rắn chàm quạp cắn bệnh nhân mê sảng, lỗ chân lông và chân răng của bệnh nhân chảy máu,… Từ đó mình đưa ra phương pháp và chọn bài thuốc để trị bệnh cho phù hợp”.

Theo sư Kol, những bài thuốc cứu người bị rắn độc cắn đều có trong sách đông y. Song, tùy trường hợp mà gia giảm các loài thuốc để giúp bệnh nhân mau bình phục. Ông đã chọn một số người có tâm truyền lại nghề để những bài thuốc trị rắn cắn không bị thất truyền và có thể phổ biến rộng rãi để cứu người.

Nhiều năm qua, không chỉ cứu chữa cho người Việt Nam, sư Chau Sóc Kol còn chữa trị cho người dân Campuchia sống gần biên giới hai nước. Chính vì thế, huyền thoại về nhà sư trị rắn cắn cứu người đến giờ vẫn còn lưu truyền ở vùng Bảy Núi.

Tấm lòng thầy thuốc rắn lưỡi đen 

Rời núi Nam Quy, chúng tôi đến khu vực núi Dài để tìm ông thầy có cái lưỡi đen rất đặc biệt. Ông tên là Chau Phol, ở ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư, huyện Tịnh Biên (An Giang). Ông Phol kể: “Kỳ lạ là gia tộc tôi đời nào cũng có một người sở hữu chiếc lưỡi đen. Và chỉ người có lưỡi đen mới được giao sứ mệnh chữa rắn cắn. Cái lưỡi của tôi ban đầu đốm đen chỉ xuất hiện một vệt trên thân lưỡi, có lẽ do hút nhiều nọc độc nên giờ đã đen hơn rất nhiều. Tôi cũng không lý giải được vì sao nó như thế”. Ông Phol kể tiếp: “Khi được cha truyền nghề, tôi vẫn chưa tin lắm. Nhưng khi con trai bị rắn cắn, lúc đó tôi đã đưa miệng vào vết thương hút nọc rắn ra. Sau đó lấy thuốc giã nhuyễn, đắp vào vết thương. Khoảng 20 phút sau, thằng nhỏ chạy ra đồng chơi với đám bạn. Từ đó tôi mới yên tâm ra tay cứu người”.

Thần y lưỡi đen Chau Phol và củ ngãi móc trị rắn cắn.

Ngoài những vị thuốc được cha truyền lại, sau nhiều năm tìm tòi,  ông Phol phát hiện thêm nhiều cây thuốc mới tại vùng Bảy Núi có thể giã được nọc rắn. Một trong số đó có cây ngãi rất đặc biệt mà ông quen gọi là ngãi móc. Cây ngãi đang được ông trồng quanh nhà để tiện cứu người. Ông cho biết: “Chỉ cần nhìn vết thương là tôi biết ngay nạn nhân bị rắn gì cắn. Ở vùng Bảy Núi này, bà con chủ yếu bị rắn hổ chuối, chàm quạp cắn. Nếu bị 2 loại này cắn thì để từ ba đến bảy ngày vẫn còn cứu được. Còn nếu bị hổ mang hay hổ sơn cắn thì phải lập tức đưa bệnh nhân đến ngay, nếu không nạn nhân có thể tắt thở sau 24 giờ”.

Nhiều năm qua, ông Phol trị bệnh không lấy tiền, chỉ cần người bệnh tuân thủ đúng phương pháp điều trị là chắc chắn không có điều đáng tiếc xảy ra. Ông Phol tâm sự: “Bà con ở đây nghèo, đường đến bệnh viện thì xa, trường hợp nào tôi thấy trị được là nhận liền”. Anh Chau Duônl, Trưởng ấp Vĩnh Thượng, cho biết: “Nhờ có ông Chau Phol mà bà con xung quanh đi rừng, làm rẫy đỡ lo mất mạng vì rắn cắn. Ông chủ yếu làm phước trị không lấy tiền nên ai cũng quý mến”.

Có lẽ họ tộc nhà ông Phol đã gắn liền với cái lưỡi đen, nên trong số những người con của ông hiện có một cô con gái có lưỡi đen giống cha và ông khẳng định sẽ truyền nghề lại cho chị này khi mình “trăm tuổi già”. Ông tâm sự: “Tôi trồng ngãi quanh nhà không chỉ để tiện chữa trị cho bà con, mà khi có ai đến thăm tôi đều cho một vài củ mang về làm giống để chữa trị cho người khác”. Lúc chúng tôi ra về, ông không quên móc mấy củ ngãi gửi làm quà và phổ biến cho những người khác cùng biết về cây thuốc quý này…

Thầy rắn giữa đại ngàn U Minh Hạ

Ở đại ngàn U Minh Hạ, có một nhà nông biệt tài chữa rắn cắn là ông Hà Văn Thành (thầy rắn Ba Thành). Theo chỉ dẫn của bà con, chúng tôi qua sông Trẹm, đến UBND xã Biển Bạch (Thới Bình, Cà Mau) và men theo con lộ nhựa xuyên rừng khoảng 1,5km là đến nhà thầy thuốc rắn Ba Thành. Bên bình trà nóng ngày giáp Tết năm con rắn, ông Ba Thành trải lòng về cái nghiệp thầy thuốc rắn mà đã trót vương mang.

 

Thầy thuốc rắn Ba Thành.

Ông Ba Thành kể: “Tôi sinh ra ở miền Bắc. Lúc nhỏ, sau một lần bị rắn cắn, được thầy mo Tôm (thầy thuốc dân tộc Thái) chữa khỏi, tôi đã theo ông học nghề. Sau đó còn học thêm các thầy mo Khai (dân tộc Mường), thầy mo Típ (dân tộc Máng), để biết thêm nhiều bài thuốc chữa rắn cắn. Mỗi thầy đều có biệt tài riêng. Song, cái quý nhất ở các thầy là không ăn thịt rắn, chữa bệnh cứu người không bao giờ nhận tiền. Sau năm 1975, tôi theo cha về Cà Mau sinh sống. Trước lúc đi, các thầy dặn dò rất kỷ, rắn là loài vật thiêng, biết nghề để né chúng và chữa trị lúc gặp hữu sự chứ đừng xâm hại đến chúng”.

Về Cà Mau, Ba Thành được cha cho ăn học và làm việc ở nhiều nơi. Năm 2002, ông xin về giữ rừng cho đến nay. Ba Thành tâm sự: “Có một số cây thuốc trị rắn cắn rất hay nhưng không tìm thấy ở địa phương. Bởi vậy, biết có thầy này thầy kia chữa rắn cắn là tôi tìm đến trao đổi, học nghề. Nhờ vậy, tôi biết thêm được rất nhiều cây thuốc nam có dược tính tốt có thể thay thế các loài thuốc mà các thầy đã dạy”.

Nhờ luôn giữ đúng lời răn dạy của các thầy mo, mà hàng chục năm trong nghề, Ba Thành chưa từng gặp sự cố. Bà Dứt, hàng xóm của ông Ba Thành, cho biết: “Hơn 3 tháng trước, chồng tôi đi bắt chuột bị rắn hổ lửa cắn ngay chân. Thấy tê tê tưởng không sao, nhưng sau đó chân cẳng sưng tím bầm, nên tức tốc chở lại nhờ anh Ba Thành chữa giúp. Sau một ngày đắp thuốc, chân xẹp dần. Sau đó, tôi đưa chồng đến trạm y tế, bác sĩ nói không có thầy Thành cứu kịp thời có lẽ phải tháo cù lẳng bỏ”.

Hơn chục năm về miệt rừng U Minh Hạ, ông Ba Thành không nhớ rõ đã chữa khỏi cho bao nhiêu trường hợp bị rắn cắn, hàng trăm thì hơi quá nhưng hàng chục thì có thừa. Đợt triều cường hồi tháng 10 vừa qua nước ngập, khiến phần lớn cây thuốc nam chuyên chữa rắn cắn, ông vò vẻ đốt…của ông bị úng gốc chết, dù cố công gầy lại nhưng vẫn chưa đủ. Ông Ba Thành lại khăn gói ra miền núi Thanh Hóa và qua vùng biên giới giáp nước bạn Lào để kiếm giống về trồng. Nói chuyện tương lai, Ba Thành cho biết: “Khi các con đã có việc làm, tôi sẽ cất lại căn nhà, xin phép nuôi rắn hổ và heo rừng. Đây là những loài đang bị săn bắt lén lút rất nhiều, phải gầy giống lại cho bầy đàn sung túc. Với lại, nọc độc của rắn cực hiếm, chữa trị rất nhiều bệnh nan y. Khi mình có sẵn nguồn rắn, việc “lấy độc trị độc” dễ dàng và kịp thời hơn”.

Trước thềm năm mới Quý Tỵ, chúng tôi thầm chúc nhà sư Chau Sóc Kol, ông Chau Phol, ông Ba Thành và những đồng nghiệp của các ông luôn gặp may mắn như cái hậu thiện tâm từ nghiệp chữa rắn cắn của họ. Song, chúng tôi vẫn muốn tận mắt thấy tài nghệ bắt rắn của Ba Thành. Ông không mảy may từ chối, nhưng xem đồng hồ rồi bảo rằng bắt rắn giờ này sẽ bị nó cắn. Ông Ba Thành chỉ tay về đám cỏ cặp ruộng lúa nói có con rắn đang nằm ở đó. Rồi ông tiến nhẹ lại, đưa ngay con rắn trước mặt chúng tôi. Hậu quả của sự tò mò do chúng tôi yêu cầu trái giờ khiến Ba Thành bị con rắn cắn, nhưng trúng ngay phần dưới của cái quần!

Theo Cần Thơ Online


Âm lịch

Ảnh đẹp