11/08/2013 22:14 (GMT+7)
Số lượt xem: 1835
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nhiều người làm việc ở văn phòng công sở, không biết có phải do ngồi hàng ngày trong phòng kín có máy điều hòa nhiệt độ hay không, mà rất thường xuyên bị viêm họng đi kèm các triệu chứng như: nuốt đau, ngứa họng, cảm giác có đờm ở cổ họng. Xin giới thiệu một số cách điều trị để chữa dứt hẳn chứng viêm họng. 






ảnh: T.L

Họng là ngã tư giữa đường ăn và đường thở, nơi tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên rất dễ nhiễm vi khuẩn, virus, nấm gây viêm. Tuy nhiên, bình thường, trong khoang miệng và mũi, họng cũng luôn tồn tại các vi khuẩn, virus nhưng các vi khuẩn và virus này không có khả năng gây bệnh. Khi môi trường thay đổi, đặc biệt là nóng lạnh đột ngột, độ ẩm tăng giảm thất thường, sức đề kháng cơ thể giảm sút, tạo điều kiện cho các vi khuẩn, virus tấn công, làm chúng ta mắc bệnh: viêm họng cấp, viêm họng mạn, viêm thanh quản, viêm mũi.

Viêm họng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng 80% là do virus, còn lại là do vi khuẩn mà chủ yếu là do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, nếu nhiễm loại vi khuẩn này tái diễn có thể gây nên những biến chứng nghiêm trọng về tim, khớp và thận. Triệu chứng chính viêm họng cấp: Sốt nhẹ, đau rát họng, nuốt đau, sờ hai bên cổ có nổi hạch. Ngoài ra, có thể kèm theo một số triệu chứng khác: ho, khạc ra đờm. Viêm họng do virus thì đờm thường có màu trắng, trong, còn do vi khuẩn đờm màu xanh.

Điều trị viêm họng cấp: 

Tùy nguyên nhân và mức độ bệnh mà dùng các biện pháp khác nhau. Viêm họng do virus: không cần dùng kháng sinh, có thể dùng các loại thuốc điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau, long đờm, thuốc sát khuẩn họng, miệng...

Viêm họng do vi khuẩn: 

Cần phải sử dụng kháng sinh đủ liều lượng và thời gian theo hướng dẫn của thầy thuốc để tránh tạo ra vi khuẩn kháng thuốc. Ngoài việc dùng kháng sinh và các thuốc điều trị triệu chứng, chúng ta có thể súc họng với nước muối ấm: pha 1 thìa muối với khoảng 250 ml nước lọc ấm và súc miệng mỗi giờ một lần.

Để hạn chế kích thích họng có thể ngậm một miếng đường phèn, hoặc nước ngâm quả quất với đường hoặc mật ong, hoặc uống nước gừng tươi trộn với 5ml mật ong, hoặc nước bột nghệ (pha 5g bột nghệ trong nửa cốc nước nóng) uống mỗi tối trước khi đi ngủ. Có thể làm dịu cảm giác đau họng bằng cách hít nhiều hơi nước trong lúc tắm nước nóng hoặc nghiêng đầu trên một chậu nước bốc hơi và há miệng ra hít hơi ẩm bay lên. Làm như vậy mỗi lần khoảng 5 phút, có thể làm mỗi giờ một lần đến khi nào cảm giác đau họng thuyên giảm.

Khi bị viêm họng không nên uống rượu bia và không hút thuốc. Hạn chế nói nhiều khi viêm họng, vì nói nhiều sẽ làm cho họng càng sưng và đau, từ đó gây ra mất tiếng.

Đề phòng viêm họng: Vệ sinh răng miệng hàng ngày, nhất là sau mỗi bữa ăn; Mang khẩu trang, tốt nhất là khẩu trang y tế khi tiếp xúc với môi trường bụi bặm, khói xe, khí thải…; Giữ vệ sinh môi trường sống, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng; Đảm bảo chế độ ăn hợp lý, cân đối, đầy đủ. Cần tăng cường những loại thực phẩm giàu virtamin C như cam, chanh, bưởi... để tăng sức đề kháng cho cơ thể; Tránh uống nước quá lạnh hoặc quá nóng; Hạn chế ngồi trong phòng điều hòa, nếu phải làm việc trong phòng điều hòa  nên để nhiệt độ mát khoảng 280C, không chênh lệch nhiều với nhiệt độ ngoài trời và nên có thêm máy tạo ẩm hoặc chậu nước để tránh không khí bị khô quá mức, nhằm tránh mất nước gây khô rát họng. Ngoài ra có thể mặc thêm áo, quấn khăn để vùng cổ không bị lạnh; Cần điều trị dứt điểm các bệnh về răng, miệng, xoang, mũi…, tránh để mầm bệnh tồn tại và lây lan gây viêm họng.
BS. Trọng Nguyễn

Nguon: http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1434&Chitiet=67984&Style=1

Âm lịch

Ảnh đẹp