Són tiểu.

Són tiểu tiếng Anh gọi là Incontinence Urine.


BS Nguyễn Ý Đức
08/10/2012 19:45 (GMT+7)
Số lượt xem: 57902
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đây là trường hợp trong đó người bệnh không kiểm soát được sự hoạt động của bàng quang, khiến cho nước tiểu “tự ý” thoát ra trước khi họ tới nhà vệ sinh.  Có người chỉ nhỏ vài giọt, người khác thì nhiều hơn, đôi khi ướt sũng cả đũng quần và tạo ra một cảnh tượng khá bối rối, ngượng ngùng.



Tiểu són xảy ra ở mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ.  Người tuổi cao thường hay tiểu són nhiều hơn nhưng đâykhông phải là do sự hóa già.  Con nít cũng bị tiểu són, đái dầm.

Phụ nữ thường tiểu són nhiều hơn nam giới tới 2 lần vì cấu trúc khác nhau ở vùng xương chậu cũng như do sự thay đổi của hormon khi mang thai hoặc rặn đẻ khi sinh con.

Theo thống kê, 80% són tiểu có thể chữa khỏi hoặc giảm bớt.  Tuy nhiên người bệnh cũng có một số hậu quả không vui như là cảm thấy ngượng ngùng trong khi đang sinh hoạt, thường hay bị nhiễm trùng ngoài da vùng kín cũng như là nguyên nhân thường bị đưa vào nhà dưỡng lão, vì không được chăm sóc chu đáo tại gia.

Sự bài tiết nước tiểu

Nước tiểu liên tục do thận sản xuất rồi được đưa xuống bàng quang qua hai niệu quản dài khoảng 20-30 cm. Thành niệu quản có lớp cơ trơn có thể co dãn để đẩy nước tiểu xuống dưới.  Khi bọng đái đầy thì bàng quang bóp lại để đầy nước tiểu ra ngoài qua hai cơ vòng ở niệu đạo là ống dẫn nước tiều.

Dung tích của bàng quang trung bình là gần nửa lít, đôi khi có thể tăng tối đa là gần 1 lít.  Sau mỗi lần tiểu, khoảng 50 cc nước tiểu sót lại trong bàng quang.  Nước tiểu tử thận tiếp tục chảy xuống.  Khi nào được 150 cc thì bàng quang phát ra tín hiệu mót đái.

Sự bài tiết nước tiểu tùy theo ta uống nhiều hoặc ít nước. Trung bình ta đi tiểu khoảng 8 lần một ngày và loại ra khỏi cơ thể khoảng 1,5 lít nước tiểu.

Bình thường nước tiểu có màu vàng trong và không có mùi.  Khi có màu vàng sậm là do gan suy yếu vàng da; mầu đỏ có thể là có máu…

Một chi tiết nhỏ về sự khác biệt trong việc tiểu tiện giữa nam và nữ là: ở nam giới, niệu đạo nằm trong dương cụ và ló hẳn ra ngoài cơ thể cho nên họ có thể tiểu đứng hoặc ngồi trên bàn cầu.  Ở nữ giới, miệng niệu đạo mở sát cửa mình, cho nên khi ngồi thì tiểu tiện dễ dàng hơn. Nữ giới có thể đứng tiểu nhưng phải đưa hai chân ra xa để tránh nước tiểu dính vào người.

Phân loại

Có nhiều trường hợp tiểu són:

1 - Tiểu són vì tăng áp lực trong hốc xương chậu ép vào bọng đái như là khi ta ho mạnh, cười to liên tục (cười vãi đái), hắt hơi, nâng nhấc vật nặng, cố sức trèo cao. Phụ nữ có thai hoặc trong khi sanh, áp lực lên bọng đái tăng do đó hay bị són tiểu.

2 - Tiểu són do một thôi thúc mót đi tiểu dù là vừa mới tiểu xong.  Bình thường khi bàng quan đầy thì một tín hiệu cho hay là cần “tháo cống” nhưng cho ta một thời gian ngắn để đi tới nhà vệ sinh. Bị thôi thúc thì không thể nào trì hoãn được và chưa kịp tới toilet nước tiểu đã rỉ ra rồi. Trường hợp này xảy ra khi bọng đái bị nhiễm trùng, bị kích thích hoặc trong các bệnh suy yếu thần kinh như bệnh liệt rung Parkinson, bệnh Alzheimer, tai biến não…  Bàng quang ở trong tình trạng quá kích thích, luôn luôn có thôi thúc muốn tiểu tiện.

3 - Tiểu són khi bọng đái bị quá tải.  Trong trường hợp này, mỗi lần tiểu, bàng quang không “trút hết bầu tâm sự”, còn sót lại một chút vì ống dẫn tiểu bị tắc nghẽn, bàng quang lại tiếp tục nhận nước tiểu từ thận, sẽ mau đầy.  Bọng đái bị kích thích, bóp lại khiến cho phải đi tiểu.  Loại này thường thấy ở bệnh phì đại tuyến tiền liệt, trong tiểu đường, suy thận, tổn thương rễ thần dây kinh tủy, thương tích bọng đái…

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính gây ra tiểu són chưa được xác định.  Tuy nhiên tiểu són có thể xảy ra trong các hoàn cảnh như:

- Uống nhiều nước là bắt buộc phải đi đái

- Rượu, cà phê, nước có hơi sẽ kích thích bọng đái và ta phải giải tỏa;

- Một số dược phẩm chữa bệnh tim mạch, cao huyết áp kích thích bọng đái;

- Ở người tuổi cao, cơ bắp nâng đỡ bọng đái yếu, dung lượng bọng đái giảm khiến cho nước tiểu hơi đầy đã mót tiểu;

- Nhiều vị tuổi cao bị tiểu són vì bệnh thể chất hoặc tâm thần khiến họ không vào buồng tắm đúng lúc để tiểu. Nhiều vị bị viêm khớp chưa kịp mở cúc quần đã tóe đái.

- Viêm nhiễm bọng đái, viêm sưng nhiếp tuyến;

- Nhiều người cứ nghe thấy tiếng nước chảy là mót đái.

Điều trị

Về điều trị, có nhiều cách:

1 - Thay đổi thói quen tiểu tiện

Huấn luyện bọng đái để kiểm soát cảm giác “buồn tiểu” bằng cách trì hoãn tiểu theo ý muốn của mình: khi mót đái thì nín khoảng dăm bẩy phút rồi hãy tiểu; hoặc tiểu một chút rồi nín một lúc sau đó tiểu nốt.

Để nín, khi thấy mót tiểu thì hãy hít thở sâu thư giãn trong vài phút rồi hãy đái.  Tập nín khoảng mươi phút rồi tăng thời gian lên cho tới khi chỉ đi đái mỗi hai - ba giờ.  Mục đích là để mình tự chủ, điều khiển được bọng đái. Có vẻ phức tạp nhưng rất hữu hiệu. Đi tiểu vào thời gian định trước thay vì mót là đi.  Chẳng hạn chỉ vào toilet mỗi 2 hoặc 3 giờ.

2 - Huấn luyện cơ bắp ở xương chậu

Sàn xương chậu có một lớp cơ trơn để nâng đỡ đáy bàng quan, dạ con.  Khi cơ giãn, ống dẫn tiểu mở, nước tiểu thoát ra.  Ngược lại khi cơ co thắt thì nước tiểu được giữ lại.

Huấn luyện để tự co giãn cơ theo ý muốn có mục đích là tăng cường sức mạnh của cơ các cơ này.  Đó là phương pháp Kegel.

- Tìm kiếm cơ: đó là cơ mà ta thường dùng khi muốn nín trung tiện.  Nín đúng nếu ta thấy cơ quan sinh dục nhúc nhích nâng cao hoặc đang tiểu mà ta gò cơ bắp vùng sàn chậu không đái nữa thì là đúng.

- Bắt đầu tập bằng cách nín các cơ này khi nằm.  Khi các cơ đã mạnh thì tập lúc ngồi và đứng.

- Nín và giữ như vậy khoảng 3 giây rồi thư giãn 3 giây.  Nhắc lại cho tới khi được 10 lần.  Tập nhiều lần trong ngày.  Nhớ là trong khi tập thì đừng co các cơ khác như là cơ ở bụng, hông hoặc chân và cũng đừng nín thở.

Phương pháp coi bộ rất mất công nhưng tập nín mãi thành ra quen và ta làm chủ được sự tiểu tiện, muốn tiều lúc nào thì tiểu. Phương pháp này cũng được áp dụng để tăng cường hứng thú cho sự làm tình.  Khi tập, cơ vòng xung quanh âm hộ co ôm vào dương cụ, tăng cảm giác khoái lạc.

3 - Gắn điện cực vào hậu môn hoặc âm hộ kích thích mấy sợi cơ bắp nâng đỡ bọng đái để chúng mạnh hơn, nhờ đó kiểm soát được tiểu tiện.

4 - Dược phẩm: một vài loại dược phẩm để hỗ trợ sự nín đái như oxybutynin (Ditropan), tolterodine (Detrol), darifenacin (Enablex), fesoterodine (Toviaz), solifenacin (Vesicare) and trospium (Sanctura), Tofranil có thể được bác sĩ dùng.  Thuốc có mục đích chặn tín hiệu mót đái xuất phát từ hệ thần kinh, không cho bàng quan co thắt đẩy nước tiểu ra ngoài.

5 - Các phương pháp điều trị khác

- Phụ nữ có thể được đặt vòng gọi là Pessary để nâng bọng đái và tử cung bị xệ, tránh đái són hoặc nhét cuộn bông băng trong cửa mình để thấm nước tiểu, lâu lâu thay băng mới.

- Nam giới bị són đái sau khi giải phẫu nhiếp tuyến có thể được đặt cơ vòng ống tiểu nhân tạo để điều khiển tiểu tiện.

Duy trì vệ sinh bàng quang

1 - Uống nước đầy đủ để tránh bị khô nước. Mỗi người có nhu cầu số lượng nước khác nhau, tùy theo sức nặng cơ thể, hoạt động và thời tiết. Uống nước đủ khi nước tiểu trong không mầu hoặc hơi vàng và không có mùi.

2- Giữ gìn vệ sinh.  Luôn luôn tiểu tiện trước và sau khi giao hợp để tránh nhiễm trùng đường tiểu tiện phía dưới. Với phụ nữ, nên lau cửa mình từ trước ra sau, khi đi cầu cũng như tiểu tiện.

3- Giảm sức nặng nếu quá kí.

4- Tiểu cho tới khi hết nước trong bàng quan. Nước tiểu sót lại khiến cho bàng quan giãn và yếu.

5- Ngưng thuốc lá vì thuốc lá gây ho mà ho lại tăng sức ép trong xương chậu khiến cho nước tiểu dễ bị tống ra ngoài.

6- Khi đại tiện, tránh rặn để cơ trơn sàn xương chậu khỏi bị yếu, bàng quan sa xuống không kiềm chế được nước tiểu.

7- Tránh thức ăn nước uống có tính cách kích thích bàng quang.

BS Nguyễn Ý Đức

Âm lịch

Ảnh đẹp