Loại thuốc như vậy cũng sẽ giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của những bệnh nhân bị bệnh mạn tính như suy tim, suy thận, bệnh phổi, tiểu đường ...
Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Sander Williams, Hiệu trưởng trường Đại học Y Duke, đã nghiên cứu về cơ chế hóa sinh của cơ bắp từ 20 năm nay. Vào năm 1998, họ phát hiện ra rằng việc kích hoạt một con đường đặc biệt trong cơ thể sẽ mang lại hiệu quả giống như khi ta tập luyện các bài thể dục kéo dài. Các nhà khoa học tiếp tục tìm hiểu làm thế nào mà tế bào cơ biết được là chúng đang được luyện tập, để gây ra những biến đổi khác nhau của cơ thể.
Cuối cùng, các nhà khoa học đã phân lập được một enzyme (một dạng protein) tham gia kiểm soát quá trình sản xuất ty thể (mitochondria) của tế bào cơ. Ty thể là một nhà máy năng lượng bé tí xíu có trong mỗi tế bào, làm nhiệm vụ chuyển ôxy và các chất khác thành năng lượng có thể sử dụng. Người tập luyện càng nhiều thì tế bào sản xuất càng nhiều ty thể. Điều này giúp cơ thể trở nên cân đối hơn vì có nhiều năng lượng ở dạng có thể sử dụng.
Nhóm nghiên cứu đã tạo ra những con chuột mà ở đó, loại enzym nói trên luôn trong tình trạng hoạt động, nghĩa là luôn "bật". Kể cả khi những con vật này ở yên một chỗ, các tế bào cơ của chúng vẫn sản xuất ty thể, giống như khi tập thể dục. Kết quả là chuột trở nên cân đối, hoạt bát hơn. Những thay đổi ở cơ cũng làm giảm nguy cơ bị bệnh tiểu đường, bệnh tim và những bệnh mạn tính khác.
Bác sĩ Williams nói: "Sự thiếu khả năng luyện tập làm trầm trọng thêm nhiều bệnh mạn tính và biến chứng của chúng. Ví dụ, bệnh nhân suy tim tham gia luyện tập thường xuyên sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, và cùng với thời gian khả năng luyện tập của họ cũng tăng lên. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không thể thực hiện lượng bài tập cần thiết, đủ để tác động tốt lên sức khỏe". Ông Williams hy vọng, việc tìm ra thuốc kích hoạt cơ chế sản xuất ty thể sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của những người mắc bệnh mạn tính. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Khoa học số ra hôm qua.
Thu Thủy (theo WebMD)