Trẻ bị cong vẹo cột sống phải mang một thể hình thiếu thẩm mỹ và đối
mặt với hàng loạt nguy cơ về tim mạch, hô hấp do cột sống nghiêng lệch
chèn ép.
Song với phương pháp phẫu thuật lối sau tiên tiến, đặt vít và nắn
chỉnh vẹo, một số bệnh viện ở Việt Nam đã nắn chỉnh thành công những ca
có độ cong vẹo khá lớn, thậm chí có ca đạt kỷ lục thế giới.
Phổi xẹp, hô hấp kém
Theo TS Phan Trọng Hậu - chủ nhiệm khoa phẫu thuật cột sống (Viện
Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương quân đội 108) - vẹo cột
sống có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Bệnh phát triển nhanh nhất ở tuổi dậy
thì (10-17 tuổi ở các trẻ gái, nhất là độ tuổi có kinh; 12-18 tuổi ở các
trẻ trai), nữ mắc bệnh nhiều hơn với tỉ lệ chênh lệch 9 nữ/1 nam. Nhiều
nghiên cứu chỉ ra rằng vẹo cột sống hay gặp ở trẻ bị thiếu hụt thần
kinh, mất cân bằng phát triển và gặp nhiều hơn ở trẻ sinh đôi.
Ngoài yếu tố thẩm mỹ, mối nguy lớn nhất của bệnh nhân bị tật cong
vẹo cột sống là cột sống nghiêng chèn ép phổi, tim, ảnh hưởng nặng nề
đến chức năng hô hấp. Nhiều trẻ khởi phát bệnh từ nhỏ, phổi bị chèn ép
gây biến dạng khung chậu, khớp háng, chiều dài của lưng - thắt lưng ngắn
lại, xương sườn ngực bị biến dạng gây suy hô hấp mãn tính, các cơ quan
trong ổ bụng bị chèn ép... có thể gây tử vong.
Thông thường tốc độ vẹo tăng thêm 1,7%/năm và thời điểm “đỉnh” của
cong vẹo khi trẻ 12 tuổi. Do vậy, ở lứa tuổi 11-14, trẻ đã bị phát hiện
cong vẹo cột sống ở các mức độ khác nhau trước đó đều phải được thăm
khám định kỳ 3 tháng/lần để phát hiện độ tiến triển bệnh chính xác và có
những can thiệp kịp thời.
|
"Hiện nay, tỉ lệ biến chứng sau phẫu thuật cột sống tại Bệnh viện
Chấn thương chỉnh hình TP.HCM là tương đương với thế giới. Cụ thể,
trong 300 ca sẽ có hai ca tử vong, 1-2 ca bị liệt vĩnh viễn, 2-3 ca bị
liệt thoáng qua"
Giáo sư Võ Văn Thành
|
Có thể điều chỉnh mức cong 170 độ
GS.BS Võ Văn Thành, chuyên viên tham vấn của ban giám đốc Bệnh viện
Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, chủ tịch Hội Cột sống TP.HCM, cho biết
Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM đã tiếp nhận nhiều trường hợp
vẹo cột sống rất nặng từ 80-170 độ. Riêng ca phẫu thuật cho bệnh nhân
N.V.T., 17 tuổi, ngụ Lâm Đồng, bị vẹo cột sống tới 170 độ đã đạt kỷ lục
trên thế giới. Còn tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, trong bảy ca
phẫu thuật điều chỉnh độ cong vẹo cột sống được thực hiện từ tháng 7 đến
nay, ca bệnh có độ vẹo lớn nhất được điều chỉnh là cong 80 độ.
GS Võ Văn Thành cũng cho biết từ năm 2002 đến nay Bệnh viện Chấn
thương chỉnh hình TP.HCM đã áp dụng kỹ thuật toàn ốc chân cung - khoan
cột sống lối sau bắt ốc chân cung với các thanh nối dọc để nắn chỉnh và
cố định cột sống. Đến nay đã có khoảng 250 bệnh nhân vẹo cột sống được
điều trị bằng kỹ thuật mới này. Đây là kỹ thuật tiến bộ nhất trên thế
giới hiện nay.
Chi phí một ca phẫu thuật chủ yếu phụ thuộc tiền dụng cụ, nẹp vít
mua từ nước ngoài, lên đến 60 triệu đến hơn 100 triệu đồng/ca. Bác sĩ
Phạm Trọng Thoan - phó chủ nhiệm khoa phẫu thuật cột sống - lo lắng:
“Chi phí nhiều khi nằm ngoài khả năng chi trả của nhiều gia đình. Song
gần đây với những bệnh nhân khó khăn, chúng tôi ưu tiên vào diện đặc
biệt, bảo hiểm có thể chi trả giúp 20-40 triệu đồng”.
Cảnh giác với áo chỉnh hình... suốt đời
Hiện nay nhiều bệnh nhân có điều kiện chọn lựa giải pháp sử dụng áo
nẹp khi độ cong vẹo chưa đạt mức phải chỉ định mổ. Tuy nhiên, không ít
trong số đó bị các cơ sở bán áo nẹp lừa!
Anh Trần Duy H. (Cầu Giấy, Hà Nội) mua áo nẹp cho con trai từ lời
quảng cáo của một trung tâm thẩm mỹ trên đường Láng. Song kiên trì mang
chiếc áo nẹp với giá cả nghìn USD trong mấy năm mà bệnh lý của con vẫn
tăng nặng dồn dập. Cậu con trai 14 tuổi của anh H. đang phải đăng ký chờ
phẫu thuật.
|
Mật độ mắc bệnh không hề nhỏ, lên đến 2-3% dân số. Một cách đơn giản
để phụ huynh nhận biết được con bị cong vẹo cột sống sớm là quan sát sự
cân bằng hai vai trong khi trẻ tắm. Để trẻ cúi lưng xuống nếu vẹo cột
sống thì bả vai bên trái thường thấp hơn bên phải, hay khi nhìn từ phía
sau thấy cột sống của trẻ không thẳng.
Theo bác sĩ Thoan, vẹo cột sống được chia làm nhiều mức độ: vẹo từ
10-20 độ: trẻ cần được quan sát, theo dõi và có thể tự khắc phục bằng
tập thể dục, tập xà đơn, bơi lội; từ 20-25 độ trẻ cần khám định kỳ sáu
tháng một lần; từ 25-30 độ bệnh lý này cần đến sự can thiệp của điều trị
bảo tồn, sử dụng áo nẹp chỉnh hình để ngăn cản sự phát triển của đường
cong vẹo. Với trường hợp độ cong vẹo trên 40 độ nên được tư vấn phẫu
thuật đem lại hiệu quả điều trị lý tưởng nhất.
N.Hà
|
Bác sĩ Thoan cho hay việc đeo áo nẹp là lý tưởng đối với những
trường hợp cong vẹo 25-30 độ, song bệnh nhân cần cảnh giác trước những
lời mời sử dụng thiết bị này. Không có chiếc áo nẹp duy nhất để bệnh
nhân sử dụng suốt đời. Giá áo không rẻ, 1.000-2.000 USD/chiếc, phải thay
mới theo sự phát triển của cơ thể. Mức chi phí còn tăng gấp nhiều lần,
khi theo phương pháp này trẻ phải gắn bó với áo nẹp đến năm 25 tuổi.
Phương pháp hiện đại có chi phí khá đắt đỏ này thực tế cũng chỉ có tác
dụng ngăn giảm mức tăng nặng bệnh 50% so với thông thường. “Thêm một
thông tin cảnh báo là tại Việt Nam chưa có cơ sở nào sản xuất được áo
nẹp đủ tiêu chuẩn, nên trước những lời chào mời áo nẹp giá rẻ “made in
Vietnam”, người bệnh phải cảnh giác” - bác sĩ Thoan khẳng định
Theo Tuổi Trẻ