06/11/2010 18:04 (GMT+7)
Số lượt xem: 4134
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

SGTT.VN - Trong máu, phần lớn mỡ “lưu thông” dưới dạng triglyceride và cholesterol. Với một nồng độ hợp lý, cholesterol là thành phần rất quan trọng trong cơ thể,

 góp phần xây dựng màng tế bào, tạo các nội tiết tố và là thành phần chính của muối mật – chất giúp cơ thể hấp thu chất béo ăn vào. Tuy nhiên, nếu cholesterol trong cơ thể nhiều hơn mức cần thiết, sẽ gây ra những bệnh lý không mong muốn.

Rau, củ, quả, và trái cây là nguồn cung cấp chất xơ quan trọng, giúp ổn định mỡ trong máu. Ảnh: truongthienan1801 (flickr)

Dựa vào cấu trúc và chức năng, cũng như từ các nghiên cứu, người ta phân loại mỡ trong máu thành hai nhóm: nhóm có lợi: HDL-cholesterol: giúp giảm nguy cơ xơ vữa động mạch; nhóm có hại: LDL- cholesterol, VLDL cholesterol, cholesterol toàn phần và triglyceride: làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.

Thế nào là rối loạn mỡ trong máu?

Rối loạn mỡ trong máu, còn gọi là rối loạn lipid máu, là tình trạng gia tăng các thành phần chất béo có hại hoặc giảm các thành phần chất béo có lợi trong máu, hoặc cả hai. Bệnh ngày càng phổ biến và là yếu tố nguy cơ thúc đẩy một số bệnh nguy hiểm: xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, cao huyết áp hoặc đái tháo đường. Nhiều nghiên cứu cho thấy mối tương quan chặt chẽ giữa nồng độ cholesterol hoặc triglyceride trong máu với bệnh lý tim mạch.

Nguyên nhân đa phần liên quan đến lối sống (hút thuốc lá, ít vận động) và chế độ ăn (ăn nhiều chất béo có nguồn gốc động vật, uống rượu bia…) cũng như một số bệnh lý (thừa cân, đái tháo đường).

Chế độ ăn cho người rối loạn mỡ máu

Tổng năng lượng: Nên ăn vừa đủ nhu cầu. Với người béo phì, việc giảm cân là rất cần thiết. Mức năng lượng trung bình của một người bình thường khoảng 25 – 35kcal/kg/ngày, tuỳ mức vận động.

Cholesterol có trong máu đến từ hai nguồn

– Ngoại sinh: gần 1/3 lượng cholesterol lưu hành trong cơ thể trực tiếp đến từ thức ăn hàng ngày như thịt động vật, chất béo có nguồn gốc động vật: thịt mỡ, sữa, phômai, trứng, nội tạng động vật.

– Nội sinh: 2/3 còn lại được sản xuất từ gan. Cơ thể tổng hợp từ những chất dinh dưỡng khác như chất bột đường, đạm, chất béo có nguồn gốc thực vật... Điều này giải thích vì sao một số người ăn hạn chế chất béo, nội tạng động vật, trứng..., hoặc những người ăn chay, người không béo phì vẫn có khả năng rối loạn mỡ máu.

Chất béo: Theo nhu cầu khuyến nghị cho người Việt của bộ Y tế năm 2007, lượng chất béo trong khẩu phần nên từ 15 – 20%. Cần lưu ý chế độ ăn nhiều axít béo no (có nhiều trong thịt mỡ, bơ động vật, nước luộc thịt) hay axít béo thể trans (có nhiều trong thịt mỡ, thức ăn nhanh) gây tăng lượng cholesterol toàn phần, cholesterol xấu (LDL-cholesterol) và giảm cholesterol có lợi (HL-cholesterol), làm tăng nguy cơ rối loạn mỡ trong máu. Theo khuyến cáo gần đây, lượng axít béo no trong khẩu phần nên dưới 10% tổng năng lượng; và đối với người có nguy cơ bệnh tim mạch thì nên giảm dưới 7% tổng năng lượng, axít béo trans < 1%. Axít chất béo không no (như omega3 hay omega6) lại giúp phòng ngừa rối loạn mỡ máu.

Cũng cần quan tâm lượng cholesterol trong thực phẩm: theo khuyến cáo của bộ Y tế thì lượng cholesterol trong chế độ ăn hàng ngày nên dưới 300mg ở người bình thường, dưới 200mg ở người bị rối loạn mỡ máu và có nguy cơ bệnh tim mạch.

Các thực phẩm chứa nhiều cholesterol là trứng, sữa động vật, thịt gia cầm (đặc biệt có màu đỏ) và nội tạng động vật.

Chất đường, tinh bột: Ăn quá nhiều tinh bột cũng có thể gây tăng triglyceride. Theo khuyến cáo của bộ Y tế, trong cơ cấu khẩu phần nên có 55 – 65% năng lượng từ tinh bột. Nên chọn các loại tinh bột có chỉ số đường huyết thấp (khả năng làm tăng đường huyết sau khi ăn) như gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, sữa chua, sữa tách béo). Thực phẩm có nhiều chất xơ, đặc biệt là chất xơ hoà tan thường có chỉ số đường huyết thấp như: đậu nành, bông cải, càrốt, khoai lang, khoai tây... Nhu cầu khuyến nghị về chất xơ cho một người trong khẩu phần ăn hàng ngày là 20 – 25g.

Chất đạm: Theo khuyến cáo của bộ Y tế, lượng đạm trong khẩu phần ăn nên chiếm 12 – 18% tổng năng lượng và bao gồm cả đạm động vật (thịt, cá trứng…) và đạm thực vật (họ đậu, gạo, khoai…) Đạm thực vật, đặc biệt từ họ đậu (đậu nành) có hiệu quả làm giảm nguy cơ của rối loạn mỡ máu.

Tóm lại, một chế độ ăn hợp lý và cân đối, một lối sống năng động và lành mạnh, hạn chế các thói quen xấu sẽ giảm thiểu các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến việc chuyển hoá, tổng hợp các chất béo trong máu dẫn đến rối loạn mỡ máu.

TS.BS Lê Nguyễn Trung Đức Sơn
Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM

Nguon: http://sgtt.vn/Khoe-va-Vui/132320/Xau-mau-vi-du-mo.html

Âm lịch

Ảnh đẹp