Bác sĩ Trần Văn Thuấn, phó giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết
đây là những loại ung thư phổ biến, có test sàng lọc đặc hiệu, rẻ tiền,
dễ tiến hành tại cộng đồng và nếu phát hiện sớm sẽ có hiệu quả điều trị
cao hơn hẳn.
Không chủ quan với những dấu hiệu ban đầu
Theo bác sĩ Thuấn, những dấu hiệu ban đầu của ung thư khoang miệng
là miệng xuất hiện vết lở loét lâu lành, thỉnh thoảng có chỗ sùi trong
khoang miệng. Với ung thư đại trực tràng, các bác sĩ sẽ làm xét nghiệm
máu để phát hiện yếu tố tiềm ẩn, nếu kết quả dương tính sẽ tiến hành nội
soi. Tuy nhiên, người bệnh có thể dựa vào những dấu hiệu như có tiền sử
người thân trong gia đình mắc ung thư đại trực tràng, có polip (trông
như những u nhỏ bám vào thành đại tràng), đa polip đại trực tràng, đi
ngoài ra máu, cần chú ý nhất là những dấu hiệu này xuất hiện ở người từ
40 tuổi trở lên.
* Ở nam giới, những loại ung thư có tỉ lệ mới mắc tăng nhiều là ung thư phổi, tiền liệt tuyến, ung thư thực quản, ung thư đại trực tràng.
* Ở nữ giới, đó là ung thư vú, dạ dày, ung thư phổi, đại trực tràng và ung thư giáp trạng.
Số liệu từ 135 bệnh viện thuộc sáu địa phương tham gia dự án phòng
chống ung thư cho thấy điều kiện, khả năng chẩn đoán của nhiều bệnh viện
còn kém, dẫn tới trên 70% ca ung thư vú ghi nhận được không xếp giai
đoạn bệnh.
Tại hội thảo quốc gia phòng chống ung thư vừa diễn ra tại Hà Nội,
thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho rằng các cơ sở y tế mới đáp ứng
được 25-30% nhu cầu điều trị thực tế của bệnh nhân ung thư.
|
Dự án phòng chống ung thư quốc gia đang thí điểm sàng lọc, phát hiện
sớm ung thư khoang miệng, ung thư đại trực tràng cho 5.000-10.000 người
dân ở Nam Định, nếu hiệu quả sẽ tiếp tục mở rộng. Nhưng trước đó, từ
năm 2008, có khoảng 100.000 phụ nữ nhóm nguy cơ cao ở 10 địa phương gồm
Hà Nội, TP.HCM, Thừa Thiên - Huế, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú
Thọ, Thái Nguyên, Hải Phòng, Cần Thơ được sàng lọc, phát hiện sớm ung
thư cổ tử cung và ung thư vú.
Kết quả cho thấy có 14% phụ nữ được sàng lọc có tổn thương nghi ngờ,
tỉ lệ phát hiện ung thư vú là 59,2/100.000 người dân, ung thư cổ tử
cung là 19,9/100.000 dân.
Tuy nhiên đáng tiếc chỉ có 35,8% bệnh nhân được phát hiện bệnh ở
giai đoạn sớm, 64,2% còn lại phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn 3 trở
lên, nghĩa là giai đoạn muộn.
Phát hiện sớm, hiệu quả điều trị cao
Bác sĩ Thuấn hướng dẫn muốn phát hiện bệnh sớm, trong đó có ung thư,
cần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng đến 1 năm/lần để tầm soát. Ngoài ra,
nên chú ý tới các yếu tố nguy cơ, gồm tuổi, tiền sử gia đình, yếu tố
dinh dưỡng như chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ liên quan đến ung
thư đại trực tràng.
Người hút thuốc lá có những biểu hiện như có vết lở loét lâu lành,
vết sùi trong khoang miệng nên tầm soát ung thư liên quan đến khoang
miệng. Bác sĩ Thuấn cũng cho rằng với những loại ung thư đang được thí
điểm sàng lọc, nếu phát hiện sớm, hiệu quả điều trị và chất lượng sống
của bệnh nhân cao hơn hẳn. “Nếu phát hiện sớm, điều trị ung thư đại trực
tràng chỉ cần can thiệp bằng ngoại khoa hoặc nội soi, phát hiện muộn
phải kết hợp các biện pháp xạ trị hoặc hóa trị”- ông Thuấn cho biết.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Bá Đức - phó chủ tịch Hội Phòng chống
ung thư VN, ước tính riêng năm 2010 ở VN có tối thiểu 126.307 ca ung thư
mới mắc ở cả hai giới. So với tỉ lệ mắc mới ung thư năm 2000, ông Bá
Đức cho rằng có thể khẳng định tỉ lệ mắc ung thư ở nước ta đang có xu
hướng tăng lên rõ rệt.
Lý giải điều này, ông Trần Văn Thuấn cũng cho biết thêm tuổi thọ
trung bình của người VN tăng trong 10 năm qua (hiện đạt gần 73 tuổi, năm
2000 đạt gần 68 tuổi - PV), trong khi ung thư thường xuất hiện ở người
cao tuổi. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong việc khám và tầm soát
ung thư sớm tăng, dẫn tới tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện bệnh tăng.
“Trung bình mỗi năm ở VN có 75.000 người tử vong do bệnh ung thư,
trong khi 1/3 số ca ung thư có thể dự phòng, 1/3 có thể điều trị khỏi
nếu phát hiện sớm và 1/3 có thể kéo dài sự sống” - bác sĩ Trần Văn Thuấn
cho biết.
Theo Tuổi Trẻ