13/06/2012 09:40 (GMT+7)
Số lượt xem: 80117
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đau ngực là triệu chứng thường gặp trong lâm sàng. Thực tế, nhiều khi khó chẩn đoán vì nó chỉ là biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau, có lúc đòi hỏi phải can thiệp kịp thời bằng các phương tiện hồi sức cấp cứu của y học hiện đại (đau ngực dữ dội trong nhồi máu cơ tim cấp, tràn khí màng phổi...). Tuy nhiên, có thể sử dụng thuốc y học cổ truyền để trị chứng đau ngực trong một số thể bệnh nhất định như đau ngực bán cấp, mạn tính hoặc giai đoạn ổn định của các bệnh trên.




 Ho nhiều gây đau ngực.
Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp và phương pháp điều trị đau ngực bằng y học cổ truyền.      

Đau ngực do bệnh tim mạch: Cơn đau thắt ngực và thiếu máu cơ tim. Theo đông y do khí trệ huyết ứ gây ra. Triệu chứng: người bệnh đau nhói vùng sau xương ức lan ra cánh tay trái, tức ngực, mệt mỏi, hồi hộp, chất lưỡi tím, mạch trầm tế. Pháp điều trị: hành khí hoạt huyết. Bài thuốc: Huyết phủ trục ứ thang gia giảm (xuyên khung, hồng hoa, đương quy, cát cánh, mỗi vị 12g; sinh địa, đào nhân, chỉ xác, qua lâu, mỗi vị  8g;  phỉ bạch, cam thảo,  trần bì, mỗi vị 6g). Sắc uống ngày 1 thang.

Rối loạn thần  kinh tim: Đông y cho là chứng tâm quý, bệnh nhân đau vùng  ngực, không liên quan đến gắng sức,  không đau lan. Có 2 thể: thể tâm huyết hư: đau tức ngực, chóng mặt, hồi hộp, tim đập nhanh, ngủ ít, hay mê, chất lưỡi đỏ, mạch tế nhược. Pháp điều trị: bổ huyết dưỡng tâm an thần. Bài thuốc: Quy tỳ thang gia giảm (đương quy, đảng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, mỗi vị 12g; long nhãn, viễn chí, táo nhân, mỗi vị 8g;  cam thảo, phục thần, mộc hương, mỗi vị  6g). Thể dương hư (tâm dương hư, tỳ dương hư...) triệu chứng lâm sàng: hồi hộp, đau ngực, đau lưng, chân tay lạnh, sợ lạnh, ăn ngủ kém, tiểu nhiều, mạch trầm tế. Pháp điều trị: ôn dương an thần. Bài thuốc: Thận khí hoàn gia giảm (thục địa, hoài sơn, mỗi vị 12g; trạch tả 8g, đơn bì, phục linh, mỗi vị 8g; sơn thù, phụ tử chế, mỗi vị 6g; quế nhục 4g)...

Đau ngực do bệnh phế quản, phổi: Tràn dịch màng phổi (thường do lao), trong Đông y là chứng huyền ẩm. Biểu hiện: ho khan, khó thở, đau ngực, tăng khi thay đổi tư thế, rêu lưỡi trắng, mạch huyền hoạt. Pháp điều trị: trục thủy lý khí. Bài thuốc: Thập táo thang gia giảm: nguyên hoa, đại kích, cam thảo mỗi vị 4g; đại táo 12 quả. Sắc uống ngày 1 thang.

 Hạnh nhân

Viêm phế quản, viêm phổi: Chứng khái thấu, đàm ẩm trong y học cổ truyền. Tùy theo thể bệnh mà có cách chữa khác nhau: Thể phong hàn phạm phế: ho ra đờm loãng, trắng, dễ khạc có thể đau ngực, phát sốt, sợ lạnh, ngứa cổ, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù. Pháp điều trị: sơ phong tán hàn chỉ khái trừ đàm. Bài thuốc: Chỉ khái tán gia giảm: hạnh nhân (khổ hạnh nhân), tiền hồ, mỗi vị 12g; cát cánh, tử uyển, cam thảo, mỗi vị 8g. Thể phong nhiệt phạm phế: ho, đau tức ngực, khạc nhiều đờm vàng, họng khô, phát sốt, nhức đầu, rêu lưỡi vàng, mạch phù sác. Pháp điều trị: sơ phong thanh nhiệt chỉ khái trừ đờm. Bài thuốc: Tang hạnh thang gia giảm: tang diệp, tiền hồ, sa sâm, tang bạch bì, mỗi vị 12g; khổ hạnh nhân 8g, chi tử, bối mẫu, cam thảo, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Đau ngực do các bệnh về tiêu hoá: Sỏi túi mật, viêm túi mật... Theo Đông y do khí trệ hoặc thấp nhiệt ở can đởm. Triệu chứng: đau từ hạ sườn bên phải lan lên ngực, vàng da, vàng mắt, sốt, miệng đắng, họng khô, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác. Pháp điều trị: thanh nhiệt lợi thấp, sơ can lý khí. Bài thuốc: Long đởm tả can thang gia giảm: long đởm thảo, sài hồ, mỗi vị 12g; hoàng cầm, chi tử, mỗi vị 8g; đại hoàng, cam thảo, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Trường hợp viêm loét dạ dày - tá tràng: Đông y gọi là vị quản thống. Biểu hiện: đau trước hay sau bữa ăn, đau theo giờ nhất định, có khi đau không  theo quy luật, đau vùng thượng vị lan ra sau lưng, hai bên sườn hoặc lên ngực, ăn kém, bụng đầy, ợ hơi, ợ chua. Tùy thể bệnh mà có pháp điều trị và phương dược khác nhau: thể can khí phạm vị, phải sơ can hoà vị, bài thuốc: Sài hồ sơ can thang gia giảm:  sài hồ, bạch thược, mỗi vị 12g; hương phụ, chỉ xác, mỗi vị 8g; cam thảo 6g. Thể tỳ vị hư hàn phải ôn trung kiện tỳ, bài thuốc: Lý trung thang: đảng sâm, bạch truật, mỗi vị 12g, can khương 8g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Ngoài ra, đau ngực còn có nguyên nhân từ tuyến vú như: viêm tuyến vú, tắc tia sữa, áp-xe vú... Theo y học cổ truyền thường do nhiệt độc gây ra, hay xuất hiện ở phụ nữ thời kỳ sau đẻ, người bệnh thường phát sốt, vú sưng đau, rêu lưỡi vàng, mạch sác. Pháp điều trị: thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết lợi sữa. Bài thuốc: Hoà nhũ thang gia giảm: bồ công anh 20g, kim ngân hoa, liên  kiều, mỗi vị 12g; hoàng cầm, sài hồ, thanh bì, mỗi vị 8g; qua lâu 6g. Sắc uống ngày 1 thang. 

BS. Phạm Xuân Hùng

Nguon: http://suckhoedoisong.vn/20100423105512795p44c60/dong-y-tri-dau-nguc.htm


Âm lịch

Ảnh đẹp