Đọc báo dùm bạn:

Sợ

30/09/2012 07:59 (GMT+7)
Số lượt xem: 81508
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Từ ấy gợi lên trong ta tâm hành lo lắng về những điều không hay, không đẹp… có thể xảy đến cho ta, cho đối tượng mình thương yêu, quan tâm. Đó cũng là từ gợi lên (mô tả) một nỗi kinh hoàng mà ta đã, đang trải qua và ta không muốn nó xảy ra thêm nữa, ta đã không chịu nỗi những điều đó nữa. 



So hai.jpg

Nỗi sợ hãi và sự ám ảnh - Ảnh minh họa

Nỗi sợ hãi lấy đi bình an, hạnh phúc của ta. Hay, đúng hơn là khi hạt giống sợ hãi trong ta được tưới tẩm, năng lượng sợ hãi có mặt thì ngay lúc đó năng lượng bình an, hạnh phúc trong ta “chạy trốn” mất tiêu, ta không yên dù đi, đứng hay nằm, ngồi, hoặc ở một nơi thật an toàn về mặt vị trí địa lý, không gian sống... Đến đây, ta nhận diện rằng, cảm giác an toàn, bình an đôi khi nhờ ngoại cảnh tương hỗ, nhưng quyết định, chính yếu vẫn là nơi tâm ta, nơi cảm thọ được khơi mào, điều khiển những tâm hành biểu hiện trên bề mặt nhận thức của ta. Chứng minh điều đó chính là, khi tâm ta thực sự rỗng rang, vô lo, không vướng mắc, không nghi ngại… thì dẫu có đối mặt với những bão tố của thiên nhiên hay bão tố của cuộc đời với những lời lẽ, hành vi sân giận ngút trời của chúng sinh thì ta vẫn bình tâm, không sợ hãi.

Năng lực tinh thần được ta huân tập từ trong cuộc sống, tùy nguồn năng lượng được tiếp xúc, tùy cái nhìn - nhận thức mà ta có sẽ cho ta có năng lực ở mức nào, và hành động ra sao. Ở đây ta thấy, cũng đồng một việc là không sợ chết, đối mặt với cái chết, nhưng với một đối tượng “đã quá chán cuộc sống nên tìm tới cái chết” với một kẻ bị nhồi nhét bởi những giáo lý cực đoan (như đánh bom liều chết) và một người hiểu rõ vô thường, nhân quả (chết là lẽ đương nhiên phải xảy đến, nghiệp tới, quả đã trổ thì vui vẻ nhận lãnh như một… món quà) - có một sự khác nhau rất lớn. Cái khác nhau này bắt nguồn từ tâm (ý niệm, duyên khởi của vấn đề).

Khi ý niệm không sợ chết, đến từ một người không hiểu về nhơn quả, thấy mình phải đối mặt với nhiều khổ đau (vốn là tất yếu xảy ra do mình từng gieo nhơn) nên “chạy trốn” bằng cách tự tử - đó là vô minh. Đó còn là người yếu đuối và không hiểu tí tẹo gì về luân hồi sanh tử (hoặc không tin do nghi ngờ hoặc do chưa từng có duyên được biết). Và cái chết ấy là oan khiên, là cái nhân của khổ đau, chắc chắn người ấy sẽ còn phải đối mặt với những khổ đau gấp trăm ngàn lần hơn.

Kẻ cuồng tín, tin theo tà giáo, đánh bom tự sát và gây ra cái chết, nỗi hoang mang cho nhiều người như cách mà những tín đồ Hồi giáo cực đoan đã, đang, sẽ làm ở đó đây - tại một số nước trên thế giới cũng là một cách chọn lựa cái chết sai lầm, thiếu từ bi. Bất kỳ hành vi tạo tác nào mà không lợi mình, chẳng lợi người đều là bất thiện, là nhân xấu cho quả không lành ở hiện tại, tương lai. Do vậy, khi ta mạnh dạn chọn cái chết (trong khi rất nhiều người sợ chết) theo cách như vậy cũng có nghĩa là ta đang giam hãm, đẩy mình vào tù ngục khổ đau kinh hoàng. Khi tạo tác điều đó có thể những tín đồ ấy không nhận thức được nên mới tạo, vì thế, ở trường hợp tự tử vì chán đời, vì không vượt qua nỗi khổ đau hoặc “tử vì đạo” (gây ra mất mát, bất an) thì đều đáng thương, đáng thương trong cái nhìn của chiều sâu nhân quả.

Nỗi sợ của chúng sinh

Chúng sinh, trong đó có ta, thường lo sợ những điều không may mắn xảy đến với mình (thất bại, bị phụ tình, tai ương, hoạn nạn…). Rồi, đặc biệt là sợ xấu, sợ già, sợ bệnh, sợ chết… những cái sợ muôn thuở xuất phát từ việc ta xem cái thân này là của ta. Vì đã xem nó là của ta nên nó hao tổn hoặc hoại diệt làm ta đau khổ, sợ hãi… Sợ những vết thương tâm hồn (xa người mình thương, gần người mình ghét, cầu mà không được…) cũng là nỗi sợ bất biến, ăn sâu vào tâm thức ta, từ rất lâu, vô lượng thỉ kiếp rồi.

Nói chung, chúng sinh sợ tám cái khổ của con người (theo lời dạy của Đức Thế Tôn trong bài pháp bốn sự thật - Tứ diệu đế, ở phần Khổ đế gồm: sanh, già, bệnh, chết, xa người thương, gần người oán đối, cầu không đặng, năm ấm). Nỗi sợ tưởng rất có lý này (vì ai là chúng sinh cũng sợ y như vậy) thì dưới con mắt của đạo Phật nó là vô lý. Vì sao nói vậy? Vì, mình đã gieo nhân luân hồi sanh tử, còn trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi (lục đạo) nên việc trải qua những nỗi khổ tất nhiên đó là điều ta phải gánh vác (như là nhận diện, có thân này - tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hợp thành - nên đau, bệnh là bình thường, bởi đó là biểu hiện của đất, nước gió lửa trong thân không điều hòa). Chỉ cần nhận diện như vậy, ta sẽ thấy vui vẻ ngay, bởi đó là trách nhiệm mà ta phải chấp nhận như một phần đương nhiên.

Đó là lẽ đương nhiên! Đó là thiền ngữ, chỉ về những sự thật tất yếu phải đến với ta, ta không nên sân-si mà vùng vẫy, chối bỏ, chạy trốn. Mà chạy làm sao được, đã là nghiệp thì ta trốn đâu cũng không thoát!

Từ cái thấy đó, sự quán chiếu của ta có thể trải dài ra những cái đương nhiên khác, để chấp nhận sự thật, rất thật về những-điều-không-mong-muốn mà đi tới. Như người biết mình là con nợ, hoan hỷ trả thì mới hết; và tất nhiên, kiên quyết không tiếp tục vay nữa thì món nợ cũ bớt ta mới nhẹ gánh được. Bằng không, khi nợ cũ tới, ta trốn, lại tiếp tục vay nợ mới thì ta càng gánh thêm, nặng nề, tất phải khổ đau. Và sợ lúc này là vô lý, là trái với quy luật nhân quả, càng làm mình khổ mà thôi.

Nên sợ điều gì?

Nói như vậy không có nghĩa tất cả lo sợ đều mang ta đến chỗ khổ đau, bởi có những điều lo-sợ sẽ giúp mình bảo hộ thân tâm một cách đúng đắn. Đó là khi lo-sợ ấy được sự soi sáng của tuệ giác vô thường, nhơn quả một cách căn cơ, và bắt đầu thực tập bằng việc “đoạn ác, làm lành”.

vuot-qua-su-so-hai.jpg

Cần thực tập để vượt qua nỗi sợ hãi - Ảnh minh họa

Sợ bệnh tật, nên ta sẽ bắt đầu học ăn uống đúng cách, không làm tổn sinh mạng, sức khỏe loài khác, không bán buôn những thực phẩm, vật dụng có chứa độc tố gây bệnh cho người, loài vật khác… Ta sẽ học cách giúp người bệnh an tâm, giúp họ chữa bệnh, ra tay cứu tế cho bệnh nhân thuốc men, phẩm vật…

Sợ xa lìa người yêu thương gây cho mình đau khổ ta sẽ không gây chia lìa với người, loài vật khác bằng cách giết hại hoặc rù quến người thương của họ. Ta sẽ học cách yêu thương vô điều kiện, không để tình thương của ta trở thành ái nhiễm, mê đắm đến cuồng dại, đến quên con đường sáng. Ta sẽ bắt đầu lắng nghe trong tình thương, nuôi lớn tình huynh đệ, hướng tới mục tiêu giải thoát, cao thượng…

Sợ thất bại, ta sẽ cố gắng trau dồi tự thân, giúp người có được thành công, không ganh ghét, hãm hại người tài, người hiền…

Sợ mất mát, ta sẽ không tham lam mà lén lút trộm, cướp, bòn rút, dùng uy quyền, sức mạnh để cưỡng đoạt, bóc lột người yếu, thế cô… Ta sẽ thực tập bố thí, cúng dường, giúp người có điều kiện để bớt khổ, đi tới hết khổ…

Nói chung, những cái sợ ở trên cùng với việc mở ra hướng tư duy tích cực trên tinh thần nhơn quả ấy, ta sẽ trở nên thấm nhuần tư tưởng “Bồ-tát sợ nhơn, chúng sinh sợ quả”. Tư tưởng ấy chính là tư tưởng đóng kín mọi ngóc ngách, cửa ngõ đưa ta tới khổ đau và mở ra những cửa ngõ đến với an lạc. Đó cũng là điều kiện, là nhơn lành, là kim chỉ nam để ta thăng hoa trên con đường giác ngộ. Chỉ cần có tín tâm, có hạnh-nguyên sâu dày, tinh tấn thì ta sẽ không còn sợ nữa. Nói như thầy Nhất Hạnh, khi đã có con đường, con không còn sợ nữa…

Lưu Đình Long (Đạo Phật Ngày Nay)


Âm lịch

Ảnh đẹp