Tôi ăn vương vãi… Cảnh tình tôi lúc này thật
tồi tệ, thảm hại. Tôi chỉ muốn dừng lại chút thôi, một chút thôi... cơ mà cái
chân cứ vắt lên cổ chạy mãi như thế, cũng chẳng hiểu nổi.
Thế mà buộc lòng tôi phải khựng lại khi đang
thở hồng hộc trước cái cảnh đôi nam nữ đi dạo trên vỉa hè chơi trò “ném đạn
trúng đích có thưởng”. Họ cười nắc nẻ trước thú vui của mình. Tiền là đạn. Và
dĩ nhiên đích chính là cái nón rách tả tơi dưới chân cụ già ăn xin ngồi cách đó
không xa. Người con trai vo tờ tiền lẻ lại:”Em nghĩ anh ném chuẩn không?”.
Người con gái thách thức:”trúng thì anh thích gì em cũng chiều”. Khoái chí với
trò chơi ấy, họ vò và ném tới tấp “cơn mưa tiền”, cái trúng, cái trật vương vãi
quanh bà cụ. Rồi bỏ đi khi đã chơi chán…
Bất giác tôi chạy nhanh đến chỗ bà cụ, tôi
nhận ra bà vẫn hay bán rau củ hay những thứ lặt vặt lanh quanh chợ lớn. Nhìn
dáng vẻ yếu ớt đến mong manh của bà. Tôi có thế hiểu vì sao bây giờ bà ngồi
đây… tưởng chừng như chỉ cần một cơn gió chớm đông kia là có thể thổi bà đi bất
cứ lúc nào - bà không còn sức lao động. Tôi nhìn đôi nam nữ hạnh phúc kia cho
tới khi họ đi khuất bóng. Tiếng cười của họ vang vang làm tim tôi thắt lại.
Gieo vào lòng tôi nỗi ám ảnh…
Tôi gấp dùm bà mấy tờ lẻ tiền nhàu nát. Tôi
muốn biết nhà bà ở đâu, con bà đâu, lúc trước tôi gặp bà ở chợ lớn…nhưng sao
bây giờ bà lại ở đây… tôi thắc mắc nhiều lắm. Nhưng tôi quyết định không hỏi.
Im lặng với tôi bây giờ là một cách hay…bà nhìn tôi, nhìn dòng người xuôi ngược
qua lại và mong chờ điều gì từ họ.
“bà ơi đói không?bà ăn bánh mì dùm con nha…con
mới cắn có một miếng thôi à.”
Dúi chiếc bánh mì vào tay bà, tôi chạy lẹ tới
lớp học. giờ này thì chỉ có ngồi ngoài hiên thôi.
Bà thật khắc khoải, tội nghiệp làm sao…và trạc
tuổi ngoại tôi…
Nhỏ bạn chờ tôi ở đầu quảng trường phía bên
kia bực dọc:”mày lại lo chuyện bao đồng gì nữa đây? Đến chết với mày mất thôi!
Nhanh coi.”
Đúng như dự kiến. Tôi phải ngồi nhấp nhổm
chép bài đằng sau một rừng đầu. Nhỏ bạn lâu lâu quay sang nguýt tôi một phát rõ
rợn người. tôi hích nó:” thôi mà, hì hì.”
Chín rưỡi tối…tan ca…
“đói hông mày”
(mặc dù bụng đã cồn cào lên rồi đây này).Tôi
nhìn nó :“hông…”
“bình thường giờ này mày đã chẳng nheo nhéo
rên rỉ rồi”
“nhiều chuyện! về mày!”
Mười sáu tuổi, tôi quyết định nộp hồ sơ vào
trường THPT Pleiku. Lại phải thích nghi với một môi trường mới mẻ, xa nhà,
chẳng quen biết ai, tấp nập hơn Biển Hồ - nơi mà tôi đã từng nghĩ là cả thế
giới...gấp nhiều nhiều lần. Tôi cao ngạo chứng tỏ với ba mẹ là tôi có khả năng
tự lập cao. Nhưng tôi không biết tôi sẽ phải tập quen với con đường đi về xa
tít tắp một mình. Tập quen với việc làm gì cũng một mình. Buổi khai giảng đầu
tiên lúc tôi mới bước chân vào trường. tôi đã bị một nhỏ bạn “đầu gấu” trong
lớp giựt ghế đấy! tôi những tưởng là nó sẽ xin lỗi tôi cơ, tôi ngơ ngác đứng đó
và mong chờ điều gì đó như cổ tích sẽ đến với tôi. Nhưng không thấy.
Và rồi những giờ ra chơi tôi tự chọn cho mình
một chỗ để chơi là ban công.
tôi hiểu thế là nào “ếch ngồi đáy giếng” rồi…
cuộc sống bây giờ không như tôi đã vẽ ra.
Tôi đã sướt mướt và kể hết với nhật kí để rồi
nói với ba mẹ tôi là “con vẫn ổn.”
Sống trong sự bon chen lớp học, tôi dư sức
cáng đáng nó.
Nhưng cái mà tôi thấy thiếu vắng nhiều nhất là
tình người. ở đây không yên ả, bình yên như Biển Hồ nơi tôi sống. có thể con
người sống đầy đủ, sung túc quá nên cũng chẳng buồn bán đi một chút tình
thương.
Quay lưng chạy, tôi biết bà cụ ăn xin ấy sẽ
nhìn tôi. Nhưng tôi cứ chạy, một con bé con chẳng có gì trong tay như tôi thì
giúp được gì cho bà. Là tôi vội vì muộn ca học, hay tôi đang tránh né cái không
khí im lặng kia…?
Tôi chỉ biết lấy ánh mắt mình, nhìn vào ánh
mắt bà…bất lực thật.
“của cho không bằng cách cho”, chí ít nên để
người khác hiểu là mình đang tôn trọng họ chứ nhỉ. Đừng làm tổn thương ai đó
chỉ vì thỏa mãn thú vui của bản thân.
Hạnh phúc với mỗi người là mỗi định nghĩa khác
nhau…là có sự nghiệp vững chãi, có gia đình hạnh phúc, có địa vị xã hội…có đôi
khi hạnh phúc chỉ là những điều nhỏ nhặt nhất…hay chỉ đơn giản là gấp tờ tiền
một cách cẩn thận và trao nó cho một cụ già ăn xin bên bên đường…
Ôi cái nỗi sầu nhân thế của tôi…
Kể cho ngoại nghe xong cái mẩu chuyện nhỏ tối
hôm ấy, hai bà cháu nhìn nhau.
“sau này, ngoại có đi ăn xin, chắc cũng mong
có đứa nào cho cái bánh mì.”
“bà ngoại nữa! nói kì vậy.”
Tôi ngồi thở dài thườn thượt.
“cái thứ con nít ranh. Thở dài hả mi”
Nghe ngoại tôi nói mà tôi ôm bụng cười nắc
nẻ:”ngoại dạy con làm con nít ranh còn gì, mà ngoại nghĩ đi… ngoại là bà của
thứ con nít ấy á nghen.”
Với tôi, hạnh phúc nhỏ nhoi, và chỉ giản đơn
là được líu ríu bên ngoại mỗi ngày. Tôi sợ lắm một ngày ai đó cướp đi hạnh phúc
bé nhỏ đó của tôi.
Tóc ngoại tôi bạc hơn nhiều…
“con nhổ tóc trắng ngoại nghe?”
Hoàng hôn về rồi kìa… tia nắng cuối ngày phản
chiếu, làm óng ánh mấy sợi tóc bạc ngoại tôi…
Tôi đã đọc đâu đó bài thơ này, có ấn tượng, là
tôi ghi nhớ không sót chữ nào…
Dặn con
(Hà Nhuận Minh)
Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám,
úa tàn.
Nhà mình sát đường họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào.
Con chó nhà mình rất hư
Cứ thấy ăn mày là cắn
Con phải răn
dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán.
Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoa
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này…
Đã 3 năm trôi qua, tôi thích nghi với cuộc
sống và quen dần với nó. Đã có những người bạn hiểu tôi. Không có ba mẹ lo lắng
sát sao. Tôi vẫn học hành đến nơi đến chốn. Tự lập được rồi. tóm lại là “con
vẫn ổn” hì hì.
Tôi vẫn sống đúng với sự hồn nhiên lứa tuổi
của mình. Làm sao đánh mất được sự vô tư đó, nó đáng quí biết bao cơ mà. Vẫn có
những bốc đồng, vẫn ngang bướng cãi lời ba mẹ.
Và nhất là, đôi khi vẫn nói
dối ba mẹ đi chơi…có khi tôi thú nhận, có khi lại dấu phăng đi. Nhưng tôi biết
tôi sai và cố gắng không tái phạm thêm lần nữa…
Gạt qua những suy nghĩ và hoạt động của tuổi
học trò hằng ngày. Tối về, ngoài giờ học, tôi vẫn hay trăn trở về những gì đã
xảy ra mà đáng suy ngẫm trong ngày.
Đó là lí do vì sao nhìn vẻ bề ngoài của tôi,
cô giáo dạy văn đã từng nghi ngờ tôi đạo văn.
Tôi muốn giữ những khoảnh khắc đẹp đẽ của lứa
tuổi của mình. Nhưng tôi cũng muốn mình sống biết suy nghĩ, biết nhận thức.
đừng thờ ơ với cuộc sống này.
Nên đi chùa, niệm Phật và ăn chay thường
xuyên. Làm công quả. Sống hướng thiện, hiếu thuận với ông bà cha mẹ, có ích cho
xã hội. giữ cái tâm thiện lương. Là điều ngoại dạy tôi. Tôi ghi nhận và luôn cố
gắng thực hiện nó từng ngày.
Tôi muốn mình sống có ý nghĩa hôm nay nhiều
hơn hôm qua…nhưng không bằng ngày mai.
Thầy có đang đọc những dòng con viết không?
thầy nói nên lưu giữ những gì mình đã viết ra. Sau này, tích góp lại sẽ có thể
thành sách. Con viết nhiều, nhưng con lỡ tay xóa hết rồi. Bây giờ con có viết
thì sau này sách sẽ mang tên là “tập thư gửi thầy” mất thôi (cười).
Đọc văn của thầy, con đọc thích thú và ngả mũ
vô cùng…
Khi viết văn con không hi vọng điều gì nhiều
hơn thế, chỉ là chút cảm hứng! Những suy nghĩ, trải nghiệm nông cạn, vu vơ ấy,
con viết ra thế thôi. Nhưng có ai đó đọc được, thấu hiểu dược dù chỉ một người
thôi. thì đó là thành công lớn với con rồi.
ở Gia Lai con cho là yên ả này, cuộc sống còn
có những mảng tối khó coi. Thì bước chân tới Sài Gòn tấp nập, hoa lệ, đầy toan
tính kia, một con bé con như con phải nhìn nhận mọi thứ như thế nào đây hả thầy?
con sẽ sống ra sao?...
Thầy thông cảm cho con nhé, con đã tính không
gửi cho thầy bài viết này để thầy phải bận tâm và đọc nó. Nhưng con suy đi tính
lại mãi, con bấm send vì con không muốn những cảm xúc con ghi lại tức thời kia
sẽ nằm bất động vô ích trong máy tính cho tới khi con xóa nó.
Con người sống ai mà chẳng phải thay đổi, đâu
thể mãi là mình. Cái chính là thay đổi theo hướng nào mà thôi. Lại phải thay
đổi môi trường sống, con lại lột xác thêm một lần nữa. có điều con chắc chắn là
không thể thay đổi. là thói quen đi chùa…
Con đã dặn mấy đứa nhỏ ( bạn con) là ráng đi
chùa ăn chay niệm Phật thường xuyên…
Thời gian qua thầy và mọi người khiến con cảm
phục. con học được cách cư xử và còn hơn thế nữa…con nuôi dưỡng tâm hồn mình
trong sạch.
Ba mẹ bảo con học kế toán thầy ạ, cái nghề
chẳng liên quan tí nào tới mơ ước của con. Nhưng con đã tính kĩ những bước đi
sau này rồi. Để còn thành công và còn được quay về chùa khoe với thầy chứ. Thầy
tin con làm được đúng không thầy?
Con thương thầy và mọi người nhiều lắm. Sách
thầy cho con sẽ là chút hành trang con đem vào Sài Gòn. Phật dạy sức khỏe là
tài sản lớn nhất của con người. Thế nên thầy nhớ phải giữ gìn sức khỏe, thầy
nha…
Con Vy
(Thường Ý)