Mỗi tàu cau mang trong mình một buồng hoa, giống như
người đang thành kính chắp tay. Buồng hoa có nhiều tua hoa vươn dài,
trên mỗi tua những nụ trắng như ngọc điểm xuyết tinh khôi.
Cau có hoa cái và hoa đực, hoa cái từ khi sinh ra đã có hình dạng
quả, thụ phấn xong quả sẽ lớn nhanh cho đến khi chín vàng; hoa đực trông
như những hạt gạo, nhiều hương thơm, khi nhỏ có màu trắng ngà, lúc chín
rụng xuống như vãi gạo.
Người ta thường quét lấy phơi khô, dành để sắc uống dần trong những ngày nóng bức.
Hoa cau nở vào ban đêm, càng về sáng mùi hương càng ngào ngạt, lan tỏa. Dưới ánh trăng huyền ảo, luồng hương cau như ru say.
Buổi sáng những giọt sương mai trong vắt vương đầy trên buồng hoa.
Khi nắng mới vừa lên, hoa trắng ngà óng ả. Từng cơn gió nhẹ như ướp
hương đầy trên mái tóc đen dài của các cô gái.
Các cụ thường kể cho con cháu nghe về mùi hương cau bí ẩn lúc canh
khuya và dáng điệu thướt tha của hai bà chúa xứ. Như từ trong huyền tích
bước ra, hai bà chúa xứ đầu đội nón quai thao thoắt ẩn thoắt hiện quanh
đường làng ngõ xóm để bảo vệ cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.
Tín ngưỡng thờ nữ thần gắn liền với cuộc sống của những người phụ nữ
hay lam hay làm. Trong chiếc áo nâu sờn, họ tất tả cắp cái thúng,
nghiêng vành nón vào ra mỗi ngày dưới những hàng cau, đẹp như bức tranh
thêu. Còn đám trẻ trong nhà cứ có dịp là thoả thích nô đùa. Thằng anh để
thằng em ngồi lên chiếc tàu cau mới rụng và kéo đi quanh vườn với mô
hôi nhễ nhại.
Những bé gái, đứa nào đứa nấy, bốc bỏ hoa cau vào vạt áo rồi đến ngồi
bên hiên nhà, vừa trò chuyện vừa lấy chỉ xâu những bông hoa thành chuỗi
ngọc, đội lên đầu, quấn vào cổ vào tay để đóng vai công chúa.
Đám trẻ trai, đứa thì quần ống cao ống thấp, đứa thì cài cúc áo lệch
hở cả rốn, giành nhau những tàu cau già để giả làm trâu kéo. Khi ấy,
hình ảnh thằng Bờm trong ca dao và đám trẻ trai kia có khác gì nhau.
Khi cau đến mùa thu hái, thịt quả mềm, hạt trắng, hương vị ngọt tự
nhiên, là các bà lại rủ nhau cắt vài buồng bỏ vào thúng đem ra chợ phiên
bày bán. Thú vui đó cũng là hình ảnh đẹp một thời của làng quê đất
Việt. Thích ăn cau là thế, nhưng cứ hễ được mùa cau thì các bà lại thở
dài, "mưa nắng thất thường thế này, chả trách được mùa cau, đau mùa
lúa".
Thời ấy, cau nào có giá trị kinh tế gì, chẳng qua tại các đám cưới
hỏi, cúng giỗ, thiếu nó thì coi như không thành lễ. Đã thế, cau còn hợp
với sở thích (nghiện) của đa số các bà các cô, nên cũng được xem là một
thứ quả quý, và càng quý hơn mỗi khi mất mùa. Cứ như các ông, lúc vui
lên, muốn vào đầu câu chuyện, cũng tập tành nhai trầu bỏm bẻm để làm
duyên. Chính vì thế, từ hoa đến quả lại có những ứng xử khác biệt. Hương
cau thì chung ngõ, mà quả cau thì khác nhà, xem như đặt cái tình ra
trước thì rộng, để cái lợi ở lòng thì hẹp. Ở đâu mà từ hương cau đến quả
cau cùng được những người hàng xóm í ới chia sớt cho nhau, thì ở đó
cháu con sẽ thêm phần tốt phúc.
Thử như mỗi khi có chuyện, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong nhà lại
vừa giã trầu vừa nghiêm nét mặt: "Thương nhau cau sáu bổ ba/ Ghét nhau
cau sáu bổ ra làm mười". Chỉ nhờ vào câu nói có ý gần ý xa ấy mà cháu
con tự biết hổ thẹn dằn lòng mình lại. Nếu chẳng biết rộng lòng với
nhau, một khi người cũ đi rồi, vườn cau còn đó nhưng trái cứ già đi,
vàng khô rồi để rụng. Lúc đó, cái cơi, cái ống nhổ và chiếc cối giã trầu
cũng theo nhau trở vào quá khứ.
Miếng trầu cay thơm nồng, bao đời luôn thắm đỏ. Nhớ dáng ngoại còm
cõi cả một đời thương cháu, thương con mà lòng nghẹn lại. Trong đêm chợt
thức giấc nhìn ánh trăng soi qua khung cửa nhỏ, lại nao lòng nhớ đến
một miền hương cau...