30/11/2013 20:25 (GMT+7)
Số lượt xem: 1256
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tôi tìm thấy Đức Phật của tôi trong mỗi phận người. Từ rờ rỡ diễn ngôn đến sâu dày ẩn ý, ta thấy ta trong cõi người qua lời Phật dạy, đấy là thái độ ứng xử với cộng đồng, sự chung lưng đấu cật, sự đồng cảm sẻ chia, sự hy sinh không hề toan tính thiệt hơn…


Giữa phố thị với bao xô bồ, ồn ã, bạn tìm đầu cho trọn giấc yên nghỉ như trong tiếng xôn xao lá vườn, nghe tiếng gà xa vắng và những giọt chim rụng thong thả xuống giấc mơ trưa. Có những buổi chiều đi qua những mùa bão giông, phố nhỏ thật thanh bình và đằm thắm, từng bước thanh thản và tin yêu, bạn đang trải lưới lòng mình mà gom từng vạt nắng, nhặt từng đọt gió xanh biêng biếc trên vai và mơ hồ nâng niu từng khoảnh khắc nhân sinh. Bỗng một tiếng rú xe xé tan không gian mơ màng mà hiếm hoi lắm, chat chiu lắm, bạn mới có được. Chừng ấy cũng làm cho bạn hụt hẫng, chán chường.

Bạn tìm hoài, tìm mãi và có khi không bao giờ gặp lại một mảnh trăng non đơn sơ nghịch ngợm bên tàu cau với loe xoe vài giọt tranh trên mái rạ chiều đông. Kể chi những mùa trăng lô nhô cao ốc, cả cái màu trắng huyền hoặc và thi vị đổ tràn trên những xóm làng, dòng sông, đồng lúa kia cũng trở nên nhạt nhẽo và vô hồn nơi phố thị phù hoa. Ấy là những mùa trăng viễn xứ. Không gian trăng đã lưu cữu trong tâm hồn bạn và hoá thành một không gian hoài niệm, hay đúng hơn là một không gian cảm thức. Bạn khó mà “điều chỉnh” vẻ đẹp của hình dáng một mảnh trăng quê. Và, ô hay, ta chợt nhận ra rằng, trong cuộc đời này còn bao nhiêu “thói quen cảm thức” mà ta chưa điều chỉnh được. Thế là phật ý, thế là xa lạ, dưng dửng và vô cảm ngay với cuộc sống của chính mình. Dù là một thái độ “bất chấp” nho nhỏ với hiện tại cũng sẽ đồng nghĩa với sự cô đơn! Về ngang quán không.

Rồi có khi bạn bè sẽ sắt se trắc ẩn về một đêm mưa gió mà có kẻ không nhà còn co ro ngoài hè phố. Bạn sẽ chạnh lòng đi qua ngã tư có đôi vợ chồng già tan tật với cây đàn ghi-ta cũ mèm và mấy bài ca dao não ruột chờ hành khất từng mẩu vụn từ tâm. Bạn sẽ áy náy vì sáng nay đã không “mua hộ” vài tờ vé số cho bà mẹ trẻ thai phụ gầy nhom vừa hốc hác vừa dắt theo đứa trẻ chừng lên ba cũng gầy nhom và hốc hác như chị, chỉ vì một thói quen không biết tin vào vận may “từ trên trời rơi xuống”. Bạn không tin, sao bạn lại dụi tắt niềm tin nhọ nhoi của người khác, thứ niềm tin vĩng cửu vào sự sống bất diệt từ những ý niệm hiếu sinh dù nhỏ bé nhất.

Bán vác trên đôi vai nhân thế những buồn vui được mất, hạnh phúc lẫn khổ đau, cả những bang khuâng trắc ẩn mà đi qua cõi người ta, Cũng có lúc đôi tay nhân gian cũng buốt mước mùa đông, ấy là lúc bạn muốn quay về. Quay về là “cố thủ” trong vỏ ốc cá nhân. Quay về là để thôi phải nghe, thôi phải thấy và tất nhiên là để khỏi băn khoăn! Hoá ra thành trì an toàn nhất của mỗi ốc đảo cá nhấn à sự bàng quan. Thành trì ấy không phải đợi đến thần Kim Quy phò trợ, hay không cần đến bất kì một nhà thiết kế tài ba nào cả mà nó được dựng lên bằng thứ chất liệu duy nhất là sự thờ ơ đối với cuộc sống, hay nói đúng hơn là thái độ dưng dửng, lạnh nhạt với cuộc sống.

Chao ôi, tiếng chuông tuệ nhật vang lên nơi huyền không sơn tịch và tiếng mõ u trầm dắt lời kinh Phật qua khỏi ổng tam quan để hoà và hoà vào phố chợ có khác gì nhau. Tôi tìm thấy Đức Phật của tôi trong mỗi phận người. Từ rờ rỡ diễn ngôn đến sâu dày ẩn ý, ta thấy ta trong cõi người qua lời Phật dạy, đấy là thái độ ứng xử với cộng đồng, sự chung lưng đấu cật, sự đồng cảm sẻ chia, sự hy sinh không hề toan tính thiệt hơn. Đại hạnh Trí tuệ, Từ bi mà giản dị như cơm ăn, nước uống mỗi ngày: Hãy nghĩ về người, hãy yêu người trước khi nghĩ về mình, yêu mình.

Những lúc hoang mang, chán chường nhất tôi lại gặp mình ở con phố Trịnh Công Sơn, một con phố âm nhạc với những lời thông điệp ngụ ngôn gửi đến đồng loại rằng mọi người ơi đừng bao giờ biến đời mình thành những quán không. Quán không là quán ế là quán chợ chiều, là thiếu vắng bóng người. Quán cuộc đời mà chỉ có “bàn im hơi bên ghế ngồi/ ngày đi đêm tới đã vắng bóng người” thì buồn và hờ hững biết bao nhiêu!

Quán không. Mong sao đó chỉ là ảo giác chập chờn trong mê khúc. Một nỗi buồn đủ sức vực dậy đôi chân dù rã rượi. Một nốt lặng trước khi hoà vào tổng phổ hoan ca. Đời là bể khổ. Bơi qua bể khổ bằng chiếc phao Trí Tuệ và Từ Tâm sẽ là Bờ Giác và Niềm Vui. Về ngang quán không, ta chợt hoảng hốt như bước qua một sân ga đã hoá thạch những con tàu. Ô hay, những cung đường vẫn cỏ hoa phía trước, hãy để Niềm Tin Yêu làm năng lượng hồi sinh những chuyến tàu về phía Ban Mai. Nơi đó có một người khép lại những quán không, ngồi hát: “Hôm nay tôi nghe có con chim về gọi/ Về giữa trời, về hót giữa đời tôi/ Cho nên tôi yêu trái tim không nặng nề/ Những con tim bạn bè bao la”

(Hôm nay tôi nghe – TCS)…

Nguồn:vanhoaphatgiao


Các tin đã đăng:

Âm lịch

Ảnh đẹp