Trịnh Công Sơn trong đời thường, Trịnh Công Sơn trong nhạc hay Trịnh Công Sơn trong lòng thính giả hâm mộ luôn hiện lên với góc nhìn đa chiều, có khi ăn nhập, có khi lại tách bạch. Vấn đề tiếp cận cuộc đời hay nhạc của ông là một tiến trình biến đổi không ngừng, cũng ảo hóa như chính cuộc đời, đâu là chân thực, đâu là hư vô?
Trong đó, với con người đời thường, từ năm 1939, Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xuất hiện như mọi con dân Việt, con người Huế và cũng lặng lẽ từ giả cõi trần vào ngày đầu tháng 4 năm 2001. Ông là người con hiếu thảo, người anh mẫu mực, người bạn chí tình. Sự nghiệp mà ông để lại không chỉ là hơn 600 bản nhạc đi cùng năm tháng và những bài văn, bài thơ hay những bức tranh đầy sắc màu; mà còn là một nhân cách sống mẫu mực, một phong cách nghệ sĩ, nhạc sĩ chân thực. Trải qua hai cuộc kháng chiến với đầy thăng trầm của dân tộc, Trịnh Công Sơn đem bao ước vọng, suy tưởng, khổ đau và hạnh phúc đời thực để làm nhựa sống cho những bản tình ca. Do vậy mà âm nhạc của ông trải qua nhiều chặng đường khác nhau. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nhạc của ông thể hiện ba chủ đề chính là Tình yêu, Quê hương và Thân phận. Trình bày như vậy âu cũng khá xác thực, nhưng cuộc đời đâu phải chỉ là nhận định. Vẻ đẹp của nhạc đâu dễ nắm bắt và định hình, có gì đó mộng thực khó phân.
Chính trong bóng dáng ảo mờ của Nhạc sĩ tài hoa này, chúng ta cũng có thể quan tâm đến một Nhạc sĩ Phật tử Nguyên Thọ - Trịnh Công Sơn. Từ thuở còn thơ bốn tuổi sống giữa xứ Huế mộng mơ, rồi 10 tuổi ông bén duyên với âm nhạc. Nghĩ về thuở ấy, ông nói Tôi không đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề. Tôi nhớ mình đã viết những ca khúc đầu tiên từ những đòi hỏi tự nhiên của tình cảm thôi thúc bên trong... Trong thời gian này, ông từng nghe kinh, đọc kinh, học thuộc kinh Phật và tiếng kinh cầu nguyện đã đưa ông vào giấc ngủ êm đềm rồi in dấu vào vô thức ông khi nào không hay biết. Sau này, trong một lần trả lời phỏng vấn, ông đã xác nhận: Tôi là một Phật tử ở trong một gia đình có tôn giáo chính là Phật giáo. Từ những ngày còn trẻ tôi đã đọc kinh và thuộc kinh Phật. Thuở bé tôi hay đến chùa vì thích sự yên tĩnh. Có những năm tháng nằm bệnh, đêm nào mẹ tôi cũng nhờ một thầy đến nhà tụng kinh cầu an và tôi thường đi vào giấc ngủ êm đềm giữa những câu kinh đó. Có thể vì một tuổi trẻ đã có cơ duyên đi qua những cổng nhà Phật nên trong vô thức, bên cạnh những di sản văn hóa Đông Tây góp nhặt được còn có lời kinh kệ vô tình nằm ở đấy. Hạnh phúc tuổi thơ ấy cũng không kéo dài lâu trong cuộc đời đầy sóng gió của ông. Ba ông mất sớm để lại người vợ trẻ và đàn con thơ dại, Nhạc sĩ họ Trịnh nghiễm nhiên trở thành một người anh cả thay cha giúp mẹ nuôi em. Thời gian này, ông cũng chìm vào những suy tưởng vô thường của kiếp người, sự mất mát tình thương, nỗi đau thân phận giữa cuộc đời trong hoàn cảnh khó khăn, đất nước hãy còn chiến tranh.
Chính nỗi đau này và sự suy nghiệm này hằn sâu trong tâm thức nhạc sĩ, để rồi những câu ca trầm lắng, cô đơn, lạc lỏng bơ vơ quá dễ dàng đến với ông: "…Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, Rọi xuống trăm năm một cõi đi về" hay "Trời cao đất rộng, một mình tôi đi, một mình tôi đi. Ðời như vô tận, một mình tôi về, một mình tôi về, với tôi"! Cảm thức sâu lắng của kiếp người cô đơn giữa đất trời mênh mông, hay sự lạc lỏng giữa chốn đông người, làm cho chúng ta cảm giác sự hòa điệu của ông với chủ nghĩa hiện sinh. Với khả năng của một người học triết học, của một giáo viên, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có cơ sở để tiếp thu các giá trị văn hóa Đông Tây, nhưng Phật giáo vẫn đóng vai trò quan trọng trong nhân sinh quan và thế giới quan của ông. Có thể những năm tháng lập thân lập nghiệp, ông không còn nhiều cơ hội đến với chùa để tìm sự yên tĩnh nữa, nhưng cơ bản ông đã tìm ra được ngôi chùa bên trong bản thân mình – nơi yên lặng bình an thường trực nhất của mỗi người. Ông lý giải điều này rằng: Đơn giản là tôi đã may mắn tìm thấy sự yên tĩnh đó ở trong bản thân mình. Vì thế khi viết bài hát "Một cõi đi về" và nhiều bài tương tự như thế, tôi không phải nhờ đến một bối cảnh ngoại giới nào cả. Đó chỉ là một bài thơ nhỏ tôi muốn hát về một cảnh giới mà trong mỗi người ai cũng có. Từ hư vô đến cuộc đời. Và từ cuộc đời trở về lại với hư vô. Đi - về là một lộ trình quen thuộc của cuộc sống mà ai cũng phải trải qua. Đó là một trò chơi vừa vui thú vừa ngậm ngùi mà tạo hóa đã bày ra cho con người và cho cả vạn vật.
Với nền tảng triết lý Phật giáo và sự tiếp thu các nền triết học Đông Tây, Trịnh Công Sơn đã có chìa khóa lý giải bản thân và cuộc đời, có cơ sở tri thức và kinh nghiệm để đi qua những chặng đường của kiếp sống vô thường. Ông luôn quan niệm: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, dù không để làm gì cả, dù chỉ để gió cuốn đi! Trịnh Công Sơn sáng tác rồi cất cao tiếng hát để vừa ru mình ru đời, rồi trở thành kẻ lãng du trong nghệ thuật và cuộc đời khi tự ý thức rằng: Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo...
Không đơn giản là người hát rong của thế kỷ XX, ông là sứ giả của tình yêu thương, kẻ du ca của phận người. Trong nhạc Trịnh, chất trữ tình và triết lý hòa quyện vào nhau qua sự chắt lọc đến tinh túy của ngôn ngữ thơ. Ở đó ý thức thời gian tồn tại hữu hạn và vô hạn, cảm nhận thực và mơ trộn lẫn vào nhau, tạo ra thứ âm nhạc liêu trai đặc trưng riêng biệt. Trong tình yêu, trong sự tồn tại của kiếp người, tính vô thường của vạn vật với thời gian biến đổi liên tục đã tạo ra cho ông những cảm giác tạm bợ, vụt còn vụt mất, cảm nhận lòng người cũng đổi thay, cảm thấy cô đơn, cảm thấy tuyệt vọng; nhưng cũng đầy ắp thương mình thương đời. Ông không níu kéo thời gian biến đổi như nhiên ấy, mà giữ lấy những vết hằn trên chính tâm hồn mình như những dấu ấn không phai do những cuộc tình, những biến đổi thời cuộc, những trắc trở thân phận kiếp người tạo nên. Trịnh Công Sơn chọn âm nhạc để trải nghiệm cuộc đời, lấy âm nhạc để khơi dậy sức sống và bày tỏ những nỗi niềm trong chính cuộc đời mình và chính cuộc đời này. Vì thế mà những cuộc tình đi qua đời ông không còn là cuộc tình cá nhân, ở đó thể hiện một thứ tình người trong tính người giữa cuộc đời. Những vết xước đi qua tâm hồn ông nhiều khi rất nồng nàn mà êm dịu, đợi chờ nhưng buông lơi, giận hờn đầy bao dung: Em đi biền biệt trùng quá. Từng cơn gió và từng cơn gió. Em đi gió lạnh đến xa bờ. Từng nỗi nhớ trùng trùng nỗi nhớ (Còn ai với ai) hay Ru em tình nghĩa vu vơ. Yêu em yêu thêm tình phụ. Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ (Ru em). Em không còn là em. Ông ru như ru lấy chính mình, ru lấy cuộc đời này. Tình đến và đi trong nhạc Trịnh nhiều khi là ngẫu nhiên, hoặc vãng lai theo quy luật vận hành sanh trụ dị diệt, thành trụ hoại không. Biết vậy, nhưng ông vẫn mơ về những chân tình hoàn hảo, để rồi đành phải đối diện với những cảm nhận về nỗi đau của biển tình hư vô với Tình xa, Tình sầu: Cuộc tình nào đã ra khơi khi ta còn mãi nơi đây hay Tình mong manh như nắng. Đâu là chân tình đâu là ảo vọng, đâu là tình ái đâu là từ bi, làm sao rạch ròi trong kiếp người phù du đầy mộng ảo này. Trịnh Công Sơn diễn tả lòng mình để nói giúp cuộc đời mà không hề giải quyết. Ông để dành cho mọi người tự lắng nghe và tự cảm nhận.
Cũng xuất phát từ tình người của tính người, Trịnh Công Sơn đã đi giải mã con người, cắt nghĩa thân phận kiếp người bằng tư duy Phật giáo. Đó là con người trong vô thường, con người trong khổ đau của thân phận, đớn đau trước những mất mát của kiếp người: Sống có bao năm vui vui buồn buồn người người ngợm ngợm; Sống chết mong manh như thân cỏ hèn mọc đầy núi non. Sự bình yên ở đâu? Hạnh phúc ở đâu? Triết lý Phật giáo và trái tim yêu người thương đời của ông đã chỉ cho ông con đường sáng qua Gọi tên bốn mùa, Ngẫu nhiên, Ở trọ… Ở đó ông đã từng thốt lên Trẻ thơ ơi! Trẻ thơ ơi! Tin buồn từ ngày mẹ cha mang nặng kiếp người; nhưng lại nghĩ: Không có đâu em này, không có cái chết đầu tiên, và có đâu bao giờ, đâu có cái chết sau cùng; rồi lại trở về nỗi đau: Người ôm lấy muồn loài, nằm ôm lấy bi ai. Cái cách lý giải ấy trộn lẫn hai mặt nhiều khi đối lập nhau của khổ đau và giải thoát, thông thái và bế tắc, để rồi đi đến sự bế tắc của ngôn ngữ và tư duy. Ông trở lại với hiện thực cuộc sống, với kiếp người ở trọ giữa trần gian trong duyên sinh vạn pháp: Xin cho về trọ gần nhau, Mai kia dù có ra sao cũng đành. Ý niệm này phảng phất sự hiểu đời vừa đau đời khi ngẫm về thân phận kiếp người.
Trong hành trình giải mã tình yêu và thân phận của con người giữa cuộc đời này từ ngọn ngành sâu thẳm của tâm hồn lãng mạn, ông thường trở lại với hiện thực của quê hương xứ sở. Đó là nỗi đau chiến tranh với những chết chóc, đau thương mất mát, ngắn ngủi kiếp người: Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè, Ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương (Xin mặt trời ngủ yên). Phản ánh hiện thực chiến tranh tàn khốc và lương tâm hướng về hòa bình đã thôi thúc Trịnh Công Sơn cho ra đời hàng loạt những ca khúc nổi tiếng như: Gia tài của mẹ, Ca dao mẹ, Người hát bài quê hương, Du mục, Lại gần với nhau, Người già em bé, Người con gái Việt Nam da vàng… Hơn thế nữa, sở dĩ những ca khúc này vang vọng trong sâu thẳm lòng người cũng do sự đồng vọng từ nỗi thương đời, đau đời, yêu quê hương đến cháy bỏng trong ông. Điều này trong Nhật ký Huế năm 2000, ông đã một lần tự thú: Huế là người yêu của tôi, là giấc mộng của tôi. Nhưng bây giờ tôi còn Sài gòn và Hà Nội. Tôi thấy đâu cũng là quê nhà. Ở đâu tôi cũng có giấc mộng và tình yêu.
Vòng vèo qua những nỗi niềm yêu đời đau đời, Trịnh Công Sơn đã nhạc hóa cho lý thuyết duyên sinh vô thường của Đạo Phật và triết lý hóa chân lý này trong từng âm điệu của Đóa hoa vô thường. Đó là cuộc đi tìm tình yêu trong thong dong, gặp tình trong vô thường, tình mất nhưng tâm còn đồng vọng. Tâm sinh tình, thì tình sinh tình diệt; tâm bình an thì tình kia cũng lặng mất. Trong tâm thái an bình đó, ông đã cho ra đời những ca từ rất đẹp: Một thời yêu dấu đã qua, ôi áo xưa, em là một chút mây phù du/ Từ đó ta là đêm nở đoá hoa vô thường.
Với những chất liệu triết lý sống nhân bản mà Trịnh Công Sơn đã tự hấp thụ, đặc biệt là triết lý sống của Phật giáo, thơ và nhạc đã chắp cánh tâm hồn ông bay bổng và đi vào lòng người, qua những tuyển tập ca khúc nổi tiếng: Ca khúc Trịnh Công Sơn,Tình khúc Trịnh Công Sơn, Tuổi đá buồn, Khói trời mênh mông, Ca khúc da vàng, Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời, Phụ khúc da vàng, Như cánh vạc bay, Tự tình khúc, Lời đất đá cũ, Thần thoại quê hương tình yêu và thân phận, Một cõi đi về, Huyền thoại mẹ, Cỏ xót xa đưa, Em còn nhớ hay em đã quên, Những bài ca không năm tháng.
Để rồi những năm tháng cuối đời, ông chậm rãi sống trong từng sát na, sống hết mình trong sát na thực tại từ cái ăn cái uống, đi đứng nằm ngồi. Thiền – cách sống đích thực đã sống dậy trong một thân thể già bệnh của ông. Nhiều khi ông ngồi và Phật tràn ngập trong ông, ông tràn ngập trong Phật. Trịnh Công Sơn ngẫm nghĩ rằng: Tôi đang cố gắng quên Phật giáo như một tôn giáo. Tôi muốn đó là thứ triết học siêu thoát mà ai cũng cần phải học, ngay cả những người thuộc tôn giáo khác. Mỗi người phải nỗ lực để xây dựng cho bằng được một ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình và nuôi lớn Phật tính trong chính bản thân thành một tượng đài vững chắc. Nó sẽ giúp cho ta nhìn thế giới khác đi, nhìn cuộc sống khác đi. Với tôi Phật giáo là một triết học làm cho ta yêu đời hơn chứ không phải làm cho ta lãng quên cuộc sống.
Suy ngẫm gần như trọn vẹn kiếp người, năm 1995, ông đã đắm mình trong câu kệ Gaté Gaté, Paragaté, Parasamgaté, Bodhi Savaha, để rồi cung đàn của ông vang lên tiếng vọng của Sóng về đâu. Sự kết tinh sâu lắng kiểu này đã khiến cho nhạc sĩ Văn Cao đi đến nhận định: Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà cả bên ngoài biên giới nữa. Và nếu không lầm thì dấu ấn của Sơn đã ít nhiều in trên tác phẩm của một số nhạc sĩ thời kỳ sau 1975.
Dẫu cuộc đời là vô thường, tình hãy còn hư vô, thân phận kiếp người mong manh, nhưng Trịnh Công Sơn đều trân trọng tất cả nỗi đau và hạnh phúc, và chân tình cảm ơn tất cả đã sinh ra ông, để ông sống và hát giữa đời này: Dù đến rồi đi tôi cũng xin / tạ ơn người tạ ơn đời. Tạ ơn ai đã cho tôi còn những ngày / quên kiếp sống lẻ loi/ Dù đến rồi đi tôi cũng xin / tạ ơn người tạ ơn đời/ Tạ ơn ai đã cho tôi tình sáng ngời / như sao xuống từ trời. Hôm nay chúng ta cũng tạ ơn Nhạc sĩ Nguyên Thọ - Trịnh Công Sơn qua những gì ông đã sống và đã làm.
Có lẽ giữa cõi mộng phù du này, Trịnh Công Sơn không tìm thấy chân tình trọn vẹn trong thực tại vô thường, trong thân phận kiếp người, để rồi âm nhạc mãi đồng vọng nỗi lòng thương yêu đầy day dứt; nhưng khi yên nghỉ không còn cuộc tìm kiếm nào nữa, từ đó về sau, anh mãi mãi có trọn vẹn tâm tình trong những người yêu nhạc của anh. Bởi lẽ: Làm sao em biết bia đá không đau, ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.
Hôm nay, trong không khí trang trọng và thân thiết của buổi Tưởng niệm mười năm húy nhật, tất cả chúng tôi vô cùng thương nhớ ông, Nhạc sĩ Nguyên Thọ - Trịnh Công Sơn!
Từ Phổ Quang đến chùa Quảng Bình, rất mong ông mãi an lành như thuở ấu thời đã một lần chìm vào giấc mộng trong lời kinh nhẹ nhàng êm dịu: Gaté Gaté, Paragaté, Parasamgaté, Bodhi Savaha.
HT.T.Q.N
(Bài tưởng niệm đọc trong chương trình kỷ niệm 10 năm húy nhật nhạc sĩ Nguyên Thọ-Trịnh Công Sơn tại TTVHPG Liễu Quán-Huế)