Nghe Thầy Nhật Từ giảng Pháp tại chùa Bát Mẫu


PGS.TS Hàn Viết Thuận – Đại học KTQD
09/04/2011 19:55 (GMT+7)
Số lượt xem: 1945
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bài giảng của Thượng tọa Thích Nhật Từ tại chùa Bát Mẫu giống như một cơn mưa Pháp nho nhỏ giành cho Phật tử đang khát khao Phật pháp. Như những hạt mưa xuân thấm sâu vào trong lòng đất, bài giảng của Thầy đã thấm sâu vào trong lòng Phật tử giúp họ hướng tới những điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời này !


Nhân dịp ra Thủ đô dự Hội thảo khoa học quốc tế, Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Trụ trì chùa Giác Ngộ, đã có buổi giảng pháp cho các Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa tại chùa Bát Mẫu thuộc Quận Ba Đình Hà Nội vào tối ngày 7 tháng 4 năm 2011.

Chùa Bát Mẫu là một ngôi chùa cổ nằm trong làng hoa Ngọc Hà nổi tiếng của đất kinh kỳ Thăng Long xưa. Đây cũng là địa điểm sinh hoạt Phật Pháp thường xuyên của Đạo tràng Pháp Hoa – một đạo tràng có rất đông Phật tử của Thủ đô Hà Nội.

Khi chúng tôi đến chùa Bát Mẫu vào lúc gần 7 giờ tối thì đã đông chật kín người. Buổi giảng đã bắt đầu từ trước đó nửa giờ. Trong nhà Tổ đã không còn một chỗ trống, người ta ngồi sát nhau chật ních cả vỉa hè và tràn xuống cả sân chùa. Lúc ấy trời lại bắt đầu mưa lất phất. Nhiều người vẫn nhẫn nại ngồi dưới sân chùa nghe giảng Pháp với chiếc áo mưa chùm gần kín mặt.

Hàng trăm con người thành kính và ngưỡng mộ hướng về nơi Thầy Thích Nhật Từ đang ngồi giảng Pháp. Tôi thấy có những cụ già tóc đã bạc phơ bên cạnh những gương mặt thanh niên còn rất trẻ.

Thầy Thích Nhật Từ nói về Phật học ứng dụng nhằm giúp Phật tử có thể mang những điều Đức Phật đã dạy áp dụng vào cuộc sống thường nhật để mang lại lợi lạc cho mình và cho xã hội. Thầy trích dẫn nhiều đoạn trong Kinh Pháp cú và giảng giải một cách cặn kẽ và dễ hiểu.

Tôi đặc biệt quan tâm đến phần hỏi đáp trong buổi Pháp thoại này ! 

Suốt một nghìn năm Bắc thuộc, nền văn hóa Việt Nam cũng như của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa. Đạo Phật cũng không phải là một ngoại lệ. Hiện nay khi đến thăm bất cứ một ngôi chùa nào trên đất nước ta đều thấy các câu đối viết bằng chữ Hán.

Thầy Nhật Từ nói rằng nội dung câu đối trong các ngôi chùa Việt Nam thường mang một ý nghĩa vô cùng sấu sắc, một triết lý uyên thâm của các bậc tiền nhân. Thế nhưng hình thức thể hiện bằng chữ Hán lại làm cho phần đông Phật tử chẳng biết câu đối nói gì. Thầy mỉm cười và nói thêm, vì không biết nội dung viết gì nên Phật tử chỉ còn biết khen là câu đối đẹp mà thôi !

Dân tộc Việt Nam chúng ta có Phật hoàng Trần Nhân Tông là một con người vô cùng vĩ đại. Sau khi đánh thắng giặc Nguyên Mông mang lại thái bình cho trăm họ, Ngài từ bỏ mọi vinh hoa phú quí xuất gia lên Yên Tử và trở thành Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm.

Thầy Nhật Từ cho rằng ngay cả xét trên phạm vi toàn thế giới thì cũng không có nhiều những con người kỳ vĩ như Phật hoàng Trần Nhân Tông ! Chi riêng một bài kinh  “ Sám hối sáu căn “ của Phật hoàng đã cho thấy tầm cao của Ngài so với các bài kinh sám hối của Trung Hoa mà nhiều Phật tử Việt Nam cho đến tận bây giờ vẫn còn đang tụng niệm.

Một con người tài năng và đức độ xuất chúng như Phật hoàng Trần Nhân Tông, một danh tướng lẫy lừng với những võ công hiển hách được cả thế giới tôn vinh, đồng thời cũng là một Phật tử thuần thành như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn thì nhiều Phật từ Việt Nam không thờ trên bàn thờ nhà mình mà lại đi thờ một ông Quan Công nào đó của quốc gia bên cạnh !  

Trong suốt một thời gian dài chịu sự đô hộ của ngoại bang dân tộc Việt không bị đồng hóa bởi vẫn giữ được cái hồn thiêng cốt lõi của dân tộc mình là tiếng nói. Nhà thơ Lưu Quang Vũ trong bài thơ “ Tiếng Việt ” đã có những dòng thơ vô cùng xúc động viết về nỗi đau chìm đắm biển sâu của quốc gia Âu Lạc :

Tiếng không mất khi Loa Thành đã mất
Nàng Mỵ Châu quì xuống lạy cha già ! 

Trong nền văn hóa tâm linh sâu thẳm của người Việt, việc thờ phụng ông bà tổ tiên đã ăn sâu vào tiềm thức từ hàng nghìn năm trước. Thầy Nhật Từ nói rằng đối với mỗi con người thì cha mẹ là hai vị Phật đầu tiên.

Vậy nên việc thờ phụng tổ tiên ông bà cha mẹ trong cùng một gian thờ với Đức Phật không phải là một điều cấm kỵ trong Đạo Phật. Khi Thầy nói đến đây tôi thấy mọi người rộ lên biểu lộ một sự phân chấn như gạt bỏ được một điều băn khoăn từ trước đến nay vẫn vương vấn trong lòng.

Các Phật từ hàng ngày tụng kinh niệm Phật là để ghi nhớ những điều Đức Phật đã dạy mà chăm chỉ tu tập chứ không phải nhằm mục đích cầu mong Đức Phật ban ơn cho lắm tiền nhiều của. Phật tử chỉ nên để lên bàn thờ Đức Phật hoa trái thanh tịnh là đủ chứ không cần phải mâm cao cỗ đầy.

Trả lời câu hỏi của một Phật tử là nên chọn loại hoa quả gì là tốt nhất để cúng Đức Phật , Thầy Thích Nhật Từ nói rằng Phật tử nên hiểu bản chất của việc cúng Phật chứ  đừng quá câu nệ vào hình thức. Thầy nói thêm rất vui rằng nếu Phật tử thích ăn hoa trái gì thì cứ mua loại đó. Trước hết là cúng Phật, sau đó cúng gia tiên và cuối cùng là “cúng” mình ! Tất cả mọi người lại rộ lên cười vui vẻ !

Thì ra một việc cứ nghĩ là phức tạp đã làm nhiều Phật tử băn khoăn bấy lâu nay lại được Thầy giải thích một cách dễ hiểu và thiết thực đến như thế !     

Thầy Nhật Từ kể lại rằng khi thầy đang tu học ở Ấn Độ, có lần các chú tiểu trong một ngôi chùa đã rất lo lắng xin lỗi vị Hòa thượng trụ trì vì đã không để cơm canh lên cúng Đức Phật thì Hòa thượng mỉm cười và nói ngay là nếu thế thì còn phải để thêm cả cari lên nữa. Ai cũng biết cari là một món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của người dân Ấn Độ. Ý của vị Hòa thượng là cúng dường Đức Phật thì chỉ cần hương hoa thanh tịnh thôi chứ không nên để lên bàn thờ Đức Phật mọi món ăn hàng ngày của chúng sinh.

Đối với mỗi dân tộc thì tuổi trẻ luôn luôn là tương lai, là niềm hy vọng của gia đình và xã hội. Thầy Thích Nhật Từ cho rằng quan niệm lâu nay “ trẻ vui nhà, già vui chùa” là không thỏa đáng. Nhà chùa đâu phải chỉ là nơi lui tới của các cụ già mà ngược lại phải là nơi viếng thăm thường xuyên của những người trẻ tuổi.

Bời vì khi đến chùa họ được học những điều tốt đẹp về đạo đức, về lối sống, về cách ứng xử đúng đắn hàng ngày giữa con người với nhau để dần dần loại bỏ tham sân si . Đây là một nền tảng vững chắc giúp họ tự đi bằng đôi chân của mình mà không lầm lạc, không vướng mắc vào các cám giỗ và tệ nạn xã hội.   

Khi nghe phần hỏi đáp mới thấy nhiều Phật tử còn rất lúng túng bởi những chi tiết tưởng như nhỏ nhặt. Một Phật tử cung kính hỏi Thầy Thích Nhật Từ rằng bà đã mua vàng mã tốn rất nhiều tiền của để đốt và xin Thầy cho biết người thân của bà ở cõi âm có nhận được hay không. Thầy Nhật Từ nói ngay rằng như vậy là Phật tử đã tự đốt tiền một cách phí phạm. Thầy còn nói thêm rằng Đạo Phật không khuyến khích đốt hương và vàng mã. Mê tín dị đoan cũng không có chỗ trong Đạo Phật ! 

Một Phật tử xin Thầy giải thích tại sao khi tụng kinh lại cứ phải gõ mõ, vì trong hoàn cảnh nhà cửa chật chội của nhiều Phật tử ở Thủ đô như hiện nay thì điều đó ít nhiều cũng làm ảnh hưởng đến người khác. Thầy Nhật Từ giải thích rằng gõ mõ khi tụng kinh không phải là điều bắt buộc của Đạo Phật. Gõ mõ chỉ là phương tiện để giữ nhịp cho Phật tử khi ngồi tụng kinh khỏi buồn ngủ mà thôi. Nếu Phật tử nào có thể ngồi lâu tụng kinh mà không buồn ngủ thì cũng không cần phải gõ mõ làm ảnh hưởng đến những người thân bên cạnh nữa.

Khi Thầy nói đến đây tôi thấy  tất cả mọi người lại rộ lên đầy phấn chấn. Thì ra có những việc mà nhiều Phật tử đang thực hiện hàng ngày nhưng cũng không biết rõ ngọn nguồn nên khi được Thầy giải thích thì họ như trút bỏ được hết nỗi băn khoăn. 

Cuối cùng Thầy Thích Nhật Từ mong các Phật tử hãy cố gằng tu tập để tinh tấn mãi và trở nên trí tuệ hơn, mang lại nhiều lợi lạc hơn cho bản thân mình , cho gia đình và cho xã hội. Một đứa trẻ được coi là trưởng thành khi đến một độ tuổi nào đó đứa trẻ biết tự mình làm việc để nuôi thân. Cũng vây, một Phật tử được coi là tinh tấn khi biết tự mình ứng dụng những điều mà Đức Phật đã dạy vào cuộc sống của mình.

Suốt gần ba tiếng đồng hồ không nghỉ Thầy Thích Nhật Từ đã mang đến cho các Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa và những người tham dự một bài giảng Pháp rất sinh động và thiết thực.

Hơn 9 giờ tối khi buổi giảng Pháp đã kết thúc mọi người vẫn chưa về mà đứng trực ngoài hiên Phòng khách chùa Bát Mấu để mong được Thầy giải thích thêm cho một số điều hoặc đơn giản hơn đối với một số người chí là để có dịp được tận mắt nhìn thấy Thầy Thích Nhật Từ.

Tôi biết lịch làm việc của Thầy đã kín đặc trong mấy ngày ở Thủ đô Hà Nội.

Buổi chiều ngày 7 tháng 4, sau khi vừa kết thúc Hội thảo quốc tế ở khách sạn Melia, Thầy đã đến thẳng chùa Bát Mẫu để giảng Pháp.

Sáng ngày 8 tháng 4, Thầy sẽ giảng trọn một ngày cho các Tăng Ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Sóc Sơn Hà Nội.

Sáng thứ 7 ngày 9 tháng 4 Thầy sẽ có cuộc gặp gỡ với một số giáo sư, Tiến sỹ, giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Buổi chiều trước khi bay về thành phố Hồ Chí Minh Thầy còn có một buổi nói chuyện tại khách sạn Melia do tạp chí Mẹ và Bé tổ chức.  

Đã gần 9 giờ rưỡi tối, trời bắt đầu mưa nặng hạt !

Mưa thế này là thấm sâu lắm đây. Trong tôi chợt nảy ra ý tưởng so sánh bài giảng của Thượng tọa Thích Nhật Từ hôm nay cũng giống như một cơn mưa Pháp nho nhỏ giành cho Phật tử chùa Bát Mẫu đang khát khao Phật pháp. Như những hạt mưa xuân thấm sâu vào trong lòng đất, bài giảng của Thầy đã thấm sâu vào trong lòng Phật tử giúp họ hướng tới những điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời này !

Nguồn: Phật Tử Việt Nam


Âm lịch

Ảnh đẹp