04/04/2011 21:27 (GMT+7)
Số lượt xem: 1490
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trước lúc đệ tử đi xa, thầy dặn dò bảy chữ: Tùy sở trú xứ thường an lạc. Ngày tiễn con tại sân bay, mẹ bịn rịn cầm tay nói lập bập: Ở mô cũng cố gắng vui vẻ nghe con. 

Dựa cửa phòng cách ly, chị Hai nước mắt lưng tròng, thút thít: Thầy đi sức khỏe nghe th…ầy…ầy!

Cắn răng nén dòng nước mắt, miệng cười mím chặt, tôi nghẹn không nói nên lời. Sự lo lắng lần đầu tiên xuất ngoại không làm giảm bớt nhịp đập con tim với vô số nỗi niềm trỗi dậy. Tôi bước nhanh, phải nhanh không thôi nước mắt chảy nhiều. Tình cảm khiến chân tay thừa thãi. Nay, trên đất khách quê người nửa năm, cảm giác ấy trong tôi vẫn còn tươi mới, nhớ như in, dòng lệ nóng hổi như ngày nào. Bảy chữ ấy, ánh mắt này, hình dáng kia và chữ thầy kéo dài nọ khích lệ tôi vượt qua những chuỗi ngày mà tất cả đều lạ lẫm.

Sống ở nước ngoài mới nhận thấy quê hương thật đẹp. Nhớ về nơi mình sinh ra và lớn lên, với tất cả những con người thân yêu, cảnh vật quen thuộc và kỷ niệm êm đềm, là một niềm hạnh phúc. Nỗi nhớ nhung làm con người ta ấm áp dù ngoài trời tuyết rơi lất phất. Đối trước môi trường mới, con người mới, một cách rất tự nhiên, vô số ký ức cũ ùa về, tràn xuống, vỡ òa, bùng nổ, dẫu trăng khuya cô quạnh xuyên qua cửa sổ soi sáng cả một góc phòng. Bao nhiêu hình ảnh tưởng như đã quên nay hiện rõ mồn một. Những âm thanh thân thuộc, tiếng nói, hơi thở, nụ cười quá khứ bây giờ bỗng trỗi dậy văng vẳng bên tai. Tất cả như muốn nhắc nhở tôi phải sống vui lên. Hồi tưởng quá khứ khiến tôi bừng tỉnh hiện tại, định hướng tương lai.

Với những ánh mắt chia sẻ, cảm thông, bà con cô bác vui vẻ hỏi: Có nhớ Việt Nam không thầy? Tôi cười thiện cảm: Có chớ, nhưng không đến nỗi quay quắt mô! Họ cười thân thiện. Tôi thầm cảm tạ hơi ấm tình người, dù rất khiêm tốn. Dù chưa ai nói, tôi cũng mường tượng được rằng, sống trên đất nước tự do này, rất nhiều lý do khiến người ta phải cẩn thận, đề phòng, rào đón và giả bộ làm thân thiện. Tôi không quan tâm. Tôi ghi nhớ trong tâm người cho tôi chiếc khăn tấm áo. Tôi thầm niệm công đức quý bác đi chợ nấu cơm. Tôi kính trọng các chị lau chùi tủ lạnh, dọn dẹp cửa nhà. Tôi thán phục cụ già treo cờ đóng cột. Tôi trân trọng tất cả những hành động xuất phát từ thiện cảm và không bao giờ soi xét sự giả mạo, cơ tâm, mưu đồ tiềm ẩn đằng sau hành động ấy. Tôi biết, thích nghi với môi trường thì dễ, thích ứng với lòng người mới khó. Trời lạnh mặc áo thêm là ấm ngay. Lòng người không như vậy. Khi vui lúc buồn, nay tán thành, mai hủy báng, thay đổi vô hình làm sao biết được. Không những vì tâm vô thường mà còn do chúng ta đa nghi, thường xuyên ngờ vực. Nhớ bảy chữ của thầy, tôi chỉ nghĩ đến điều tốt của họ.

Tùy sở trú xứ thường an lạc, dịch thoát: bất cứ ở đâu cũng an lạc, như một lời chúc, một câu châm ngôn, lời khuyên bảo đầy triết lý, một quan niệm sống và cuối cùng, như một ước mơ, một hy vọng. Chúc ai đi xa, dĩ nhiên là thay đổi môi trường sinh hoạt, sớm yên ổn tại nơi mới đến. Dù sống ở đâu cũng nên hòa thuận đoàn kết, bảo vệ và xây dựng con người, cảnh vật, tài sản nơi ấy. Ăn cây nào rào cây đấy. Muốn vậy, tôi cần buông xả những cái đã biết, chấp nhận những điều chưa biết và sẽ biết. Tri thức cũ sẽ hỗ trợ kiến thức mới. Kinh nghiệm hôm qua chắc chắn sẵn sàng phối hợp với thực tế hôm nay để dựng xây cuộc sống mới. Cũ chưa hẳn đã sai và xấu trong môi trường lạ. Mới không phải bao giờ cũng đúng và tốt dù nhiều người chấp nhận. Tuy hiện tại còn bỡ ngỡ, lạ nước lạ cái, nhưng biết vận dụng chữ tùy và sự hỗ trợ của thiện nhân, tôi không đến nỗi buồn chán, sầu khổ. Người tu hành lúc nào cũng có việc để làm, một thiền sư đã tâm sự như thế. Bởi vì chuyển hóa nội tâm, tập sống tỉnh thức sẽ giúp tôi vượt qua những chướng ngại đầu tiên. Không ai cho ta an lạc. Chính ta phải tự tạo ra, vun bồi và phát triển. Tạo ra bằng cách sống theo đạo lý làm người và giới luật làm thánh. Cẩn thận, chánh niệm trong mọi hành động nhằm xây đắp thêm lâu đài an vui cho mình và bảo vệ hạnh phúc cho người. Và, cố gắng học hành, tìm hiểu thế thái nhân tình là một cách phát triển sự bình yên. Hạnh phúc gõ cửa nhà bạn chẳng phải vì bạn thương lượng trước: mua bằng tiền hay đổi chác bằng tình. Niềm vui đến với ta bằng sự cho đi và thả xuống: bố thí tình thương và buông xả bản ngã. Nụ cười thường nở trên môi do bạn biết thu và biết phát: nghe không thành kiến và nói lời ái ngữ. Thấy chưa, an lạc là biết tùy theo hoàn cảnh để ứng dụng Chánh pháp!

Sáng nay trời mưa ngâu và lạnh. Ngồi bên cửa sổ nhìn ra bầu trời như có màn sương mỏng giăng trắng mờ đục lối đi. Từng hạt sương đọng lại trên cành cây trơ trụi lá long lanh trĩu nặng như chực rơi xuống thềm cỏ xanh mướt. Một chiếc xe vụt xé không gian yên tĩnh lao vào phía trước con đường bên hông chùa khiến từng đàn chim vỗ cánh thức giấc. Lời mẹ hiền hôm nao bỗng nhiên trỗi dậy xâm chiếm hồn con trẻ. Con sống vui, không cần cố gắng mô mạ nợ. Bởi tôi tự vui trong từng công việc nhỏ bé nhất: cắt tỉa hoa hồng, hút bụi, đơm trái cây. Tôi đang nỗ lực hiểu đời sống mới, con người mới, không khí mới. Tôi luôn mong muốn trau dồi kiến thức song song với việc chuyển hóa nội tâm. Sở trường của tôi có thể hữu dụng tại quê nhà nhưng sang đây phải gác lại. Đôi khi sở đoản lại được người ta hưởng ứng. Mọi thứ như lộn ngược hết: thời gian, thời tiết, tập quán sinh hoạt, tình cảm con người, tâm lý cộng đồng. Ban đầu ai cũng khó dung thông. Quan niệm đúng xưa cũ đấu tranh với tập quán cách tân hiện tại. Vì lần đầu tiếp xúc trong tâm trạng dè dặt, chưa hiểu chưa biết nên đừng vội phán quyết cái mới là sai, là xấu. Bởi tập quán quen thuộc, lúc nào cũng vận dụng, dù thành thạo nhưng không được cố chấp cái cũ luôn đúng, luôn tốt. Ý thức biết đủ, ít muốn lép vế trước cung cầu vật chất thừa thãi. Thời gian công quả lấn át thời khóa công phu. Bẩm tính hồn nhiên chân thật nhiều lần trở thành phiền phức trước tư duy thực dụng. Cá nhân chủ nghĩa lăm le quyết đấu với tinh thần đoàn kết tập thể. Nụ cười không dễ nở một cách tự nhiên, hiền hòa, thoải mái. Ánh mắt chẳng được nhìn lâu và trìu mến. Tuy vậy, sống thành thật với nhau, biết mở rộng con tim hiểu và thương thì lo gì không an lạc vui vẻ. Nền văn hóa nào cũng vậy, đất nước nào cũng thế, dân tộc nào cũng ghi nhận: tình thương và hiểu biết mới tạo ra an vui hạnh phúc.

Mỗi trú xứ hiện hữu mỗi thói quen, tập quán khác nhau. Cho nên, những người mới nhập cư phải mở rộng tâm hồn để tiếp nhận và tập làm quen với chúng. Sống hòa hợp với con người khó hơn vạn lần thích ứng với thiên nhiên. Khó vì con người phiền não nhiều. Vật chất xã hội dư thừa dường như không phải là thuận duyên cho người ta đầu tư gia tài tâm linh. Nhìn quanh, tôi thấy ai cũng bận rộn bởi thời gian và công việc. Lo lắng tiền tài cơm áo lấn át hoàn toàn ưu tư giải thoát, giác ngộ. Dẫu biết lúc chết không mang theo một đồng một cắc, người ta vẫn hăng hái đầu tư tài chính và lãng tránh đời sống tâm linh. Niềm an lạc không thể mua bằng tiền bạc. Song, nếu sáng suốt sử dụng, chúng có thể vun đắp hạnh phúc thế gian. Tại sao xưa kia rau luộc vả kho ngon không thể tả, mà nay chả cuốn nem chiên nuốt mãi không trôi? Phải chăng chúng ta chưa biết tùy nên chưa thể an? Phải chăng con người không biết trú nên không thể lạc? Tùy cảnh hiện tâm, chân tâm không đổi mới an. Trú đâu cũng vậy, pháp trú thường xuyên mới lạc.

Lời thầy thâm thúy. Bảy chữ mà bao trùm giới định tuệ. Bảy chữ làm suốt đời vẫn chưa đủ. Bảy chữ suy nghĩ mãi không thấu triệt. Bảy chữ cưu mang lòng từ bi vô tận. Thưa thiệt với thầy, một chữ tùy con soi chiếu hoài thấy mình còn cố chấp; một chữ thường nhưng tâm con luôn biến động. An lạc ư? con có chứ, nhưng không lâu và chưa sâu. Chỉ thoáng qua chốc lát, bồng bột phút giây, chợt hiện chợt biến. Con còn phải cố gắng hơn. Nhất định.

Hít một hơi sâu, tôi đứng dậy rời khỏi không gian quen riêng tư để hòa mình vào nhịp sống vạn loại xung quanh. Mưa vừa ngớt. Gió vẫn đang mải mê chơi trò tung hứng, đùa giỡn với từng chiếc lá vàng khô cuối hạ. Tay tôi xoay nhẹ chốt cửa và mỉm cười:

"mở cửa nhìn pháp thân đời mầu nhiệm vô cùng...".

 

Đức Tâm

Nguồn: http://www.phapvan.ca/pv/Default.asp?15659=5&596=15&759=3259&59615=4


Âm lịch

Ảnh đẹp