cứ nhì nhằng than thở : “Bây
lớn tồng ngồng hết rồi mà sao chẳng đứa nào chịu lấy chồng cho má
có cháu ngoại má bồng?”. Cô út dĩ nhiên là được mẹ cưng nhất, nghe mẹ
than, thường chu mỏ õng ẹo: “Con không lấy chồng đâu! Con sống hoài
hoài với má mà!”. Nghe con nói, dì cũng vui vui, dì nghĩ nếu đám con
bỏ đi mất biệt không vương vấn như bọn Mỹ, hàng năm mỏi mòn chờ đợi cầu
may nhận được mỗi cái thiệp chúc Giáng sinh, thì chắc dì buồn héo
hắt, rồi theo phứt ông chồng qua cõi bên kia cho rồi. Dù sao ở xứ nầy
được đám con gái gần gũi săn sóc cũng ấm lòng: bởi vậy nếu chúng
thường lăng xăng tíu tít bên dì xem phim bộ Đại Hàn lấy lệ vài mươi phút, thì dì cũng ép
bụng ngồi ngắm các con hào hứng xem phim Hoa kỳ tẻ nhạt cho chúng.thỏa
lòng.
Một hôm, đang cùng
cả nhà quây quần xem video Cánh đồng thảm sát (The Killing Fields), mô
tả lại cảnh đày đọa khủng khiếp mà dân lành Cam bốt phải
gánh chịu khi lực lượng Khmer Đỏ thống trị nước nầy, Mai Liên bỗng xúc
động nghẹn ngào đau xót như chính bản thân mình đang bị hành hạ đọa
đày. Nàng thảng thốt cất tiếng: “Thật là lạ lùng! Cảnh tượng nầy
sao nó quen thuộc với con quá má à!” Cử chỉ bất an của cô gái út
khi quan sát cảnh tượng bắn giết, tra tấn khủng bố trên những cánh
đồng ngổn ngang xác chết... nào có dấu được đôi mắt thương yêu bén
nhạy của mẹ. Dì Tư lo lắng nhìn con, muốn khuyên con đừng bận tâm
buồn thương chuyện thiên hạ, nhưng chưa biết mở lời ra sao, thì Mai Lý,
người chị thứ Hai bỗng cười ngất, rồi ào ào chen vào: “Xạo hoài
hà! Mầy sanh ở Mỹ, biết mốc xì gì chuyện bom đạn mà bày đặt khoác
lác là quen thuộc cảnh giặc giã chiến tranh. Trong ba chị em mình,
chỉ có tao là chứng nhân thời cuộc, chỉ có tao mới hội đủ tư cách tự
hào là mắt thấy nghe mà thôi! hà! hà!”. Mai Lan, cô thứ Ba buột miệng:
“Chị hai mới là tay “xạo tổ”. Năm 1975 khi gia đình mình di tản thì chị
mới bốn tuổi! Chị biết cái con khỉ gì mà giở trò “nộ” hai đứa nầy!”.
Lúc bình thường có lẽ Mai Liên cũng đã “sừng” lên đấu khẩu với chị,
nhưng lần này chẳng biết do duyên cớ gì, cô nàng lại buồn hiu lủi
thủi bỏ đi, chẳng tranh cãi chi cả. Thái độ khác thường nầy khiến bà
mẹ lo sợ cuống cuồng, bà nghiêm mặt khẽ trách cô gái lớn: “Bộ con
không thấy vẻ mặt thiểu não của nó sao mà chọc ghẹo?” Mai Lan góp
ý; “Coi chừng bệnh cũ của nó tái phát thì nguy vô cùng má ạ! Cũng
tại chị Hai hết trơn hà! Tự dưng thuê cái video rùng rợn nầy về xem làm
chi cho em Út nó sợ!”
Thuở nhỏ, đôi khi
đang ngủ say, bé Liên bỗng giựt mình khóc thét, mắt trợn trừng, toàn
thân run bần bật, như bị kinh phong... Bà mẹ hoảng hốt ôm cứng con gái,
vỗ về giây lâu thì con bé dịu lần, tiếp tục vào giấc ngủ an lành
như chẳng có gì xảy ra. Tình trạng nầy thỉnh thoảng lại tái diễn
khiến bà mẹ hoảng hốt đưa con đi khám bệnh khắp nơi, từ khoa nhi đến
các khoa chuyên, thử nghiệm mãi chẳng ai khám phá ra căn bệnh nào rõ
rệt. Nhân lúc điện thoại về nước thăm mẹ, dì Tư than thở bệnh hoạn
con Út, bà già nói: “Chắc ban ngày bây làm nó sợ, ban đêm nó chiêm
bao giựt mình chứ gì!” Tuy chẳng chút tin tưởng vào kiến thức bà
già trầu quê mùa, dì Tư cũng cẩn thận theo dõi sinh hoạt trong ngày, rồi
khám phá rằng chính những màn đấu đô vật dã man trên truyền hình đã
gây ra cớ sự. Nguyên Út thường nhỏng nhẻo đeo dính cứng cha, nên chịu
ảnh hưởng trầm trọng bởi những show TV nầy. Ông già có tật mê mẫn
màn đánh đấm, quên hết mọi thứ, chẳng chút lưu ý đến phản ứng sợ
hãi của con, thành thử, hễ ban ngày ông hả hê xem đấu vật, đêm đến thế
nào con bé cũng giựt mình khóc thét.
Từ khi ông già
“cai các show đấu vật”, bệnh giật mình khóc thét của con bé thưa dần
rồi dứt hẳn, nhưng có lẽ nó bị dị ứng bởi bom đạn, chiến tranh hay
sao, mà khi đã trưởng thành, thỉnh thoảng vô tình nghe tin thời sự về
các vụ đàn áp, khủng bố... ở chốn nào, Mai Liên cũng cảm giác đớn
đau giày vò như chính mình là nạn nhân vậy.
Lần nầy, khi vừa
khởi chiếu phim dì Tư đã nghi ngại, nhưng dì không dám ngăn chận ngay
sợ mất lòng con gái lớn, thế rồi, dì bị mẩu chuyện thu hút quên
mất mối lo nầy, mãi cho đến khi khám phá vẻ mặt thảm sầu của Út,
thì mọi sự đã trễ rồi. Tưởng Liên chỉ mất vui trong vài ngày, không
ngờ lần nầy, cơn buồn dị ứng phát xuất
từ cảnh phim “Cánh đồng thảm sát” kéo dài ra, và ngày càng
chất ngất đến nổi nàng thường nghĩ đến cái chết. Nàng đờ đẫn giam
mình trong phòng riêng chẳng màng giao tiếp một ai, nàng bỏ ăn mất
ngủ khiến sức khỏe suy sụp trầm trọng, rồi nàng đột ngột xin nghỉ
việc... Dì Tư lo lắng nài nĩ con đi khám bệnh. Ở nhà thì nàng ủ
dột câm nín, khi gặp bác sĩ thì nàng lanh lợi nói năng, nên mấy ai truy
ra căn bệnh, họ đành gượng gạo biên toa thuốc trầm cảm uống cho yêu
đời. Riêng bà bác sĩ tâm thần thì suy diễn rằng có lẽ khi mang thai
Mai Liên, bà mẹ vẫn còn bị cái kinh hoàng chiến tranh ám ảnh, nên đã
chuyền cái nỗi lo sợ nầy cho đứa con, khiến nó bị hội chứng trầm
cảm tiềm phục. Vậy, tốt nhứt là hai mẹ con nên đưa nhau trở về nước,
khi cô gái thấy rõ nếp sinh hoạt bình an thường nhật, thì mới hi
vọng xóa nhòa cái ám ảnh chiến tranh kinh hoàng ngày xưa.
Mai Liên chẳng để
ý gì đến lời chẩn bệnh mò mẫm nầy, nên dù mẹ nài nĩ dai dẳng nàng
vẫn dứt khoát chẳng đi. Bất ngờ, bỗng có đứa bạn chủ văn phòng dịch
vụ du lịch thấy nàng đang rảnh rang, gạ gẫm tặng nàng vé máy bay để
nhờ dẫn dắt dùm cặp vợ chồng già ngờ nghệch về nước thăm con cháu.
Thấy Mai Liên còn dùng dằng, cô bạn cố thuyết phục:
- Trước mua vui,
sau làm nghĩa mầy! O.K. nhé!
- Ừ, O.K thì...
O.K..., Mai Liên lừng khừng đồng ý.
Chuyến đi đột
ngột ngoài sức tiên liệu của dì Tư, khiến dì chới với, dì chỉ muốn
bám chặt cô út săn sóc bảo vệ nó nhưng thời gian cấp bách quá không
sắp xếp kịp. Dì vội liên lạc với cô em thứ Năm, căn dặn hàng trăm
lần: “Em nhớ đón rước cháu và lo lắng cho nó kỹ dùm chị nha, vì nó
khờ lắm, còn ‘nhỏ híu hà’”. Mai Liên hộ tống hai cụ về đến phi
trường Tân sơn Nhứt bàn giao cho gia đình họ thì kể như công tác hoàn
tất mỹ mãn. Nàng hí hửng chào từ giã hai cụ, vừa “phủi tay” quay
lại chợt thấy đám em con dì Năm: Khánh, Điệp và Phượng chực hờ sẵn
từ lúc nào, túa ra chào hỏi loạn lên, khiến Liên lính quính đối đáp
thiếu điều hụt cả hơi. Chúng hộ tống nàng lên xe, nhất quyết đưa
nàng về quê ngay dù nàng muốn lang thang ở Saigon vài ngày. Thật ra,
đám em cũng thích la cà ở chốn đô hội nhộn nhịp phong lưu, nhưng lệnh
dì Tư là phải rời Saigon ngay, vì theo như dì đã thận trọng nghiên
cứu thì Saigon quá ô nhiễm và nguy hiểm lắm.
Quê ngoại Liên tại
Mỏ Cày, Bến Tre, có vườn cây trái sum sê, đồng ruộng tươi mát, lại
có giòng Cửu Long cuồn cuộn nước phù sa, dân quê mộc mạc mà hiếu
khách vô cùng. Chiều chiều ngắm đám học sinh vận đồng phục áo trắng
đơn sơ, cỡi xe đạp từng đoàn nhởn nhơ nói cười tíu ta tíu tít dễ
thương làm sao. Nếp sống thôn quê bình dị, chậm chạp đồng điệu mà
nhàn nhã, nên đầu óc căng thẳng của Mai Liên lần lần trở nên nhẹ
nhàng thư thái, bệnh trầm cảm của nàng biến dạng lúc nào chẳng hay.
Dì Năm ủy thác con trai trưởng, một thổ công tại địa phương phụ trách
tiếp đãi Liên. Gia đình sẵn có cơ sở phục vụ ngành du lịch với đoàn
ghe máy hùng hậu, nên Khánh trưng dụng ngay một chiếc ghe, đưa chị họ
cùng hai em “tiếu ngạo giang hồ” khắp miền sông rạch xa gần: khi thả
thuyền ra cửa Cổ Chiên, Hàm Luông ngắm cảnh bao la trời nước, thảnh
thơi dạo bước trên bãi Cồn Lợi, Cồn Tiên, Cồn Ốc...xinh xinh bé bỏng,
có lúc mon men vào những con lạch nhỏ len lỏi luồn qua đám bần lóc
ngóc rễ, những bụi dừa nước rậm lá chồm ra đến giữa giòng, để đến
tận khu vườn dừa xã An Thành tìm hiểu cơ sở thủ công chỉ xơ dừa, quan
sát xưởng bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, đến Sân chim Vàm
Hồ ngắm cò vạc ngập trời, ghé nhà vườn Cái Mơn, vườn Cẩm Sơn, tha
hồ ăn cây trái... còn ẩm thực thủy sản thoải mái giữa cảnh thiên
nhiên bát ngát thì đủ loại cá vược cá dứa, tôm cua, nghêu ốc sẵn
sàng. Tóm lại, kể ra, thì đặc sản quanh vùng, chỉ trừ thuốc ngon Mỏ
Cày kiêng cữ, thứ nào Mai Liên cũng thật thà tận hưởng, phong phú hơn
câu ca dao người xưa giới thiệu rất nhiều:
Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn,
Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày
Thừa thắng xông lên, cả bọn rủ nhau phóng ghe theo giòng Cổ
Chiên, đến thị xã Trà Vinh xem màn thể thao đặc biệt “đua ghe ngo” nhân
lễ hội Ok-Om-Bok, một lễ nhằm tôn vinh thần mặt trăng theo truyền
thống đồng bào Việt gốc Miên diễn ra trên sông Long Bình vào ngày thứ
hai của lễ hội(1). Hội đua ghe ngo, tiếng Khmer, gọi là “Tuk
ngo” mang ý nghĩa thiêng liêng là đưa nước ra biển cả, trả nước về cho thần
rắn Naga, nên việc tổ chức phải mang tính chất long trọng trang nghiêm vừa
triển khai được khía cạnh tranh tài thể thao hào hứng. Kẻ hiếu kỳ
ước lượng đến hai mươi ngàn người tấp nập kéo đến, tranh nhau đứng
dài dài theo hai bên bờ sông tìm địa điểm thuận lợi quan sát cuộc
đua. Khanh đã thuê sẵn vị trí, có ghế ngồi uống nước chờ đợi, vừa có
thể dùng để đứng lên quan sát kỹ khi màn đua trở nên hào hứng. Liên
bị thu hút ngay bởi những chiếc ghe ngo trang trí sặc sở, hình dáng xinh
xắn lạ lùng với cả mũi và lái đều cong vút, thân ghe thật dài so chiều
ngang quá hẹp (2) cùng với hai hàng dầm tua tủa như chân
rết, lướt trên sông ào ạt như rồng lướt sóng, kiêu hảnh và hùng vĩ vô
cùng.
Hàng chục ghe
tranh tài bắt đầu tề tựu trong tư thế căng thẳng chuẩn bị, tiếng reo
hò ủng hộ đội nhà đã rộn rã từng cơn. Vừa có lệnh xuất phát: nhịp
cồng thúc quân vang dậy, hai hàng dầm bổ xuống đồng loạt quẫy mạnh thì
những chiếc ghe dài ngoằng đó bỗng chồm lên vun vút lao đi như tên bắn giữa
tiếng reo hò, tiếng trống thôi thúc cổ vũ náo nhiệt, vang động cả một khúc sông
dài, rộn ràng nhất là khi hai ghe so tài tranh nhau cò cưa từng ly từng
tấc ở mức đến.
Mai Liên vốn trầm
lặng, nhưng không khí vui nhộn hào hứng có sức quyến rũ mãnh liệt
quá, khiến nàng cũng cổ vũ la hét hết mình, vui không tưởng tượng nổi.
Điệp khều Phượng nói nhỏ: “Hì! hì!
Xem kìa! Chị Mai Liên quả đúng là Miên Lai phải không? Chắc chị
bắt đúng tầng số rồi nên coi bộ “giựt “ quá mạng, Phượng há!”, hai
đứa thấm ý cười ngất, khiến Liên càng vui nhộn tưởng bụng dạ chúng
cũng giống mình. Nhận thấy người chị sống ở nước ngoài tỏ vẻ
thích thú với lễ hội dân tộc Khmer, Khanh cất tiếng:
- Tiếc quá, nếu
biết chị vui như thế nầy thì mình tới đây từ hôm qua, để xem nghi lễ
cúng trăng tại chùa Miên, cùng với tục lệ thả đèn nước trên sông và
đèn gió lên trời cũng hấp dẫn lắm.
- Ờ! Kể ra cũng
hơi tiếc! Mà chẳng biết sao chị cảm thấy hạp lối lễ lạc vui vẻ hồn
nhiên của người Miên quá hà! Có chùa Miên nào ở gần đây không em?
- Ồ! Nhiều chùa lắm!
nếu chị thích hành hương thì mình viếng ngôi chùa cổ Samrong Ek
xây dựng từ năm 642, tại xã Nguyệt Hóa, cũng gần đây thôi!
- Dĩ nhiên là chị
thích! Sao chị cảm thấy thân thương gần gũi với họ quá chừng...chừng
hà!
Tổng
thể chùa Samrong Ek tọa
lạc giữa rừng cây um
tùm diện tích khoảng bốn mẫu, với
khá nhiều cổ thụ: sao và dầu cao ngất ngưởng, tạo ra cảnh thiên
nhiên êm đềm thoát tục. Kiến trúc
chùa là sự phối hợp hài hòa của ngôi chánh điện cổ kính
cùng với ngôi bảo tháp rêu phong, bên cạnh nét tân kỳ trang
nhã của những cụm tượng cảnh - ghi lại vài hình ảnh của Đức
Phật
ngày xưa - rải rác trong khuôn viên.
Nhóm hành hương
ngẫu hứng đến chùa quá sớm khi phần lớn sư sải và Phật tử địa
phương vẫn còn bận bịu ủy lạo đoàn ghe ngo nhà, nên cả khuôn viên chỉ
loáng thoáng vài bóng người đây đó, ngôi chùa vắng lặng và thanh
thoát lạ lùng. Nhờ vậy, Mai Liên mặc tình tung tăng quan sát khu chánh
điện và kiến trúc phụ thuộc, nàng háo hức chiêm ngưỡng từng pho
tượng, từng nét kiến trúc điêu khắc đặc thù của dân tộc Khmer. Rời
chánh điện, nàng tiếp tục tiến sâu vào khoảnh rừng rậm rạp, đi loanh
quanh lừng khừng không chủ đích, bất chợt, nàng thấy có vị sư cả phúc hậu, không cười mà
như thanh thoát cười đang lim dim ngồi tọa thiền dưới bóng cây sao. Không
dám làm kinh động sư, nàng khẽ thối lui, không ngờ sư bỗng mở mắt ngâm
nga bâng quơ: “Kiếp người một giấc mộng thôi! Biết buông huyễn mộng
thảnh thơi an nhàn!” Liên ngơ ngẩn chẳng biết sư lẩm bẩm một mình hay
muốn nói riêng với nàng, nàng muốn cất tiếng dò hỏi thì sư đã khép
mắt lại, bất động như một pho tượng gỗ, nên đành chắp tay xá thật
sâu rồi lui trở ra.
Liên chỉ muốn thơ
thẩn hoài ở chốn nầy, nhưng Khánh ngại lái ghe máy đi trên sông lớn vào
lúc tối trời dễ gặp nguy hiểm cho ba cô tiểu thơ, nên cứ hối thúc mãi
khiến nàng đành rời bước.
Thấu rõ tâm lý
“chân bước đi xa mà lòng còn ngoảnh lại” của Liên, Điệp gạ gẫm:
- Chùa tháp nầy
so với bên Kam pu Chia thì có nhằm nhò gì! Nếu chị thích tìm hiểu đền
đài và văn hóa truyền thống của dân tộc họ, sao không đi du lịch qua
đó một chuyến!
- Hay! Ý kiến hay
lắm! Vậy chị mời ba em cùng du lịch với chị cho vui nhé!
Điệp và Phượng kẻ
trước người sau nhiệt tình lên tiếng:
- Hoan hô! Hoan hô
chị Liên!
- Tuyệt vời quá!
chị Liên “chơi sộp” quá!
Phần Khanh, vì
quá bận rộn với cơ sở kinh doanh gia đình không thể tham gia,
nhưng anh
ta cũng liên lạc với công ty du lịch quen biết đặt một chuyến đi
sang
trọng cho ba cô tiểu thơ, theo đó, nhóm có hướng dẫn viên riêng
và
chương trình cũng co dãn hoặc thay đổi tùy thích. Đến Phnom
Penh, ba cô dành khá nhiều thời
giờ tham quan Hoàng Cung và Chùa Bạc(3), nơi tàng trử nhiều cổ
vật quí có giá trị lịch sử và
tôn giáo, đặc biệt nhất là pho tượng Phật vàng ròng và pho
tượng
cẩm thạch... Sau đó đoàn tiếp tục viếng Chùa Tháp (Wat Phnom) một
ngôi chùa xưa xây dựng tương đối tầm thường, nhưng được coi là
linh thiêng
cổ kính tượng trưng
cho vùng đất thủ đô. Trên con đường đi viếng Toul Sleng(4), địa
điểm mà bọn khát máu
Pol Pot đã dã man tra tấn và tàn sát dân lành,
bỗng nhiên Liên cảm thấy nỗi kinh hoàng tràn ngập suýt ngất
xỉu, khiến
nàng quyết định hủy bỏ ngay chương trình đi nầy, và thay thế
bằng
chuyến la cà tại khu chợ Psah Thmey (tức Central Market). Ba chị
em tung tăng mua sắm,
Liên mua cho thân hữu vài món lưu niệm, chọn cho mình cái sampot
sặc
sở bằng lụa dệt tay (5) theo
truyền thống Khmer, riêng hai cô em không thích loại y phục nầy
thì
nàng tặng mỗi cô chiếc váy đầm lụa theo thời trang Âu Mỹ đắt
giá.
Rời chợ, các cô yêu cầu cho xe đưa đi loanh quanh khắp đường phố,
xe chỉ
dừng lại Viện Đại học Hoàng Gia cho Liên ngắm nghía đôi phút,
rồi
dành phần lớn thời giờ còn lại thơ thẩn dạo dài dài trên bờ
sông dọc
đại lộ Sisowath, và đón gió mát tại Quảng trường Sông bốn mặt(6)
trước Thành Vua. Sau một ngày tung tăng du ngoạn, khi về
đến phòng đã mệt lả nên hai cô em vô tư ngả mình xuống ngủ mê
man,
riêng Mai Liên vẫn trằn trọc không yên: nàng mơ hồ như có một
cảm giác
lạ lùng nửa hân hoan nửa buồn thương chờn vờn bao phủ. Thế
rồi, bỗng
nhiên nàng bàng hoàng chồm dậy, chụp lấy bộ y phục mới mua
vận thử,
soi gương mỉm cười hài lòng với chính mình... rồi thoải mái
ngồi
trên ghế dựa ngủ an lành...
Hàng trăm lần cũng trên khoản đại lộ Sisowath
nầy, Chenda quấn quít nói cười tíu tít với người yêu Sovann như con
họa mi, nhưng lần nầy nàng lại buồn hiu nước mắt rưng rưng, trong khi
chàng trai cũng thần thờ u uất. Cả hai đều là sinh Viện Đại Học
Hoàng Gia, nàng theo học ngành Kinh Tế với mục đích sẽ hỗ trợ quản
lý cơ sở kinh doanh gia đình, còn chàng chọn khoa Lịch sử Nhân Văn với
hoài vọng khảo cứu công trình sự nghiệp của tiền nhân. Sovann có nếp
sống khắc khổ, chẳng thích giao du tán nhảm với bạn gái, nên bị các
nữ sinh viên xúm nhau chê là “thứ nghèo mà làm phách”, họ thách thức
Chenda “câu” anh ta rồi “đá đít” cho bỏ ghét. Chenda thả câu thì bắt
sống anh tức khắc, thế nhưng, nàng lại tìm thấy anh ta là người trung
hậu và lý tưởng hiếm có... nên đeo cứng, mới là chuyện dị kỳ. Mối
tình đẹp như mộng mơ nầy không dấu nối ai, gia đình nàng biết chuyện,
sau khi điều tra biết rõ gia thế kém cỏi của Sovann, đã khuyên con gái
chấm dứt liên lạc với Sovann. Nàng van xin cha mẹ cho tự do luyến ái tưởng
đâu cha mẹ lần lần sẽ chiều ý, nên vẫn yên tâm lặn ngụp trong hạnh
phúc đầu đời. Bất ngờ, vào cuối tuần qua, nhà nàng tưng bừng tổ
chức tiệc khoản đãi quan khách, sau bữa tiệc cha nàng thông báo đã
hứa gả nàng cho thiếu tá Nuon Sutho, một sĩ quan thân cận với tướng
Lon Nol, nên tương lai đương nhiên sẽ huy hoàng. Nghe hung tin, Sovann khần khoản
hẹn gặp người yêu lần chót, để cùng khoác tay nhau trên đại lộ tình
yêu lần cuối cùng: nàng khóc như mưa, chàng lặng lẽ buồn tênh, mãi
cho đến phút chia tay mới nhỏ nhẹ bên tai nàng: “Trong bất cứ tình
huống nào, anh vẫn mãi mãi yêu em!”
Sau đó, Chenda nghỉ học còn Sovann cũng biến
dạng, chẳng ai biết anh ta lưu lạc chốn nào. Chenda yên phận lên xe hoa,
khi tình hình chánh trị an ninh bắt đầu sôi động, Noun Sutho nhanh
chóng thăng chức đại tá, và được đề cử giữ chức vụ Tỉnh Trưởng
Seam Reap. Với tư cách phu nhân vị đầu tỉnh, Chenda thường tham dự các
nghi lễ chánh thức, nàng cũng cùng với cô bác Phật tử tham dự nghi
thức sớt cơm dâng sư tại các chùa quanh vùng. Một hôm, sớt cơm tại Wat
Kesararam nàng bỗng giựt mình chết sửng khám phá vị sư đang cúi gằm,
mắt nhìn xuống, chậm chậm bước tới, lại chính là chàng, là Meng
Sovann. Nàng run rẩy sớt cơm, và biết sư cũng rung động cả cõi lòng.
Thế rồi, hàng tuần nàng tự tay nấu nướng, lặng lẽ sớt cơm, rồi bùi
ngùi thả hồn theo bóng nhà sư rảo bước theo tăng đoàn.
Tình hình an ninh trong nước suy thoái rõ rệt,
lực lượng Khmer đỏ phát triển nhanh chóng đã xua quân bao vây thành
thị, đại tá Noun Sutho trong khi ngồi trực thăng thị sát mặt trận
bỗng bị hỏng máy lâm nạn từ trần. Chenda hấp tấp làm lễ hỏa táng
cho chồng, rồi chuẩn bị thu dọn đồ đạc đi ngay về Phnom Penh với cha
mẹ bằng đường sông Tonle Sap cho an toàn. Trước khi lên đường, nàng sực
nhớ đến quyển sách của nhà khảo cổ Pháp viết về công trình xây
dựng đền Ta Prohm của nhà vua Jayavarman VII mà
nàng sưu tầm được, vội biên mấy chữ thật nhỏ ở trang cuối “Xin đừng
quên! Sẽ trở lại!”, rồi nhờ người mang đến chùa tặng sư Meng Sovann.
Nàng vê đến Phnom Penh đúng tuần lễ, thì thủ
đô náo loạn vì viễn ảnh sớm thất thủ. Gia đình nàng bắt được đường
giây di tản của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, nhưng vào giờ chót địa điểm bị thay
đổi nên bất thành. Thế rồi, đến ngày 17/4/1975,
lính Pol Pot tràn tới nhà nàng, cha mẹ nàng lần lượt bị tra tấn
nhằm khai thác chỗ chôn giấu tài sản cho đến kiệt sức mà chết. Phần
nàng, chúng bắt giải lên trại tù Toul
Sleng, hành hạ tàn nhẫn dài dài, rồi lên án tử hình về tội vợ sỉ
quan chế độ cũ. Nàng chẳng còn muốn sống thêm giây phút nào nữa, nên
khi tên sát nhân hươi mã tấu chặt đầu, nàng lại cảm thấy mừng vì
sắp thoát nạn.Trong giây phút tối hậu đó, bỗng nàng thấy bóng Đức
Phật mà cũng có thể là vị sư cả chùa Samrong Ek hiện ra với nụ
cười nhẹ.
Nàng choàng tỉnh dậy, thoát khỏi cơn ác mộng để trở lại với
hình hài Mai Liên hiện tại, đang mặc
bộ sampot sặc sỡ ngủ
trên ghế dựa của khách sạn. Nhớ phơn phớt lại giấc mộng dài, nàng bỗng
cảm nghĩ rằng có lẽ kiếp trước nàng chính là Chenda đã bị đám Pol
Pot hành hạ dã man, do hình ảnh rùng rợn vẫn còn đậm nét trong tiềm
thức, nên kiếp nầy nàng mới bị dị ứng và bị nó theo đuổi hành hạ.
Vị sư cả chùa Samrong Ek đã linh cảm được điều nầy nên mới khuyên
nàng “Kiếp người một giấc mộng thôi! Biết buông huyễn mộng thảnh thơi
an nhàn!”. Thì ra, khi đã khám phá ra khối u tiềm ẩn của tiền kiếp,
dứt khoát buông bỏ nó thì cơn bệnh không cần trị cũng chấm dứt. (Có
lẽ, vì vậy mà nhà tâm linh nổi tiếng Edgar Cayce(7), đã xử dụng
phương pháp thôi miên hầu đi sâu vào tiền kiếp người bệnh truy nguyên
căn bệnh mà hóa giải). Để trắc
nghiệm lý giải của mình, Liên yêu cầu hướng dẫn viên đưa viếng Toul Sleng trước khi lên đường đi Seam
Reap. Nàng bình tỉnh bước vào chốn rùn rợn, trầm ngâm quan sát từng
phòng, từng hình cụ tra tấn... và với cả chân thành, nàng thương yêu cầu
nguyện cho các nạn nhân dù hiện đang ở cõi nào cũng được an lạc. Và
nhờ vậy khi rời bước, nàng cảm thấy mình cũng đón nhận được niềm
thanh thản vô biên trong lòng.
Đoàn du lịch tiếp tục hành
trình hướng Tây Bắc, xe dừng lại chợ quê cho ba cô gái tò mò có dịp
tròn xoe mắt trước loại thức ăn côn trùng lạ lẫm chưa từng nghe thấy:
nhện, bò cạp, dế, châu chấu... chiên dòn. Dĩ nhiên, ba cô chẳng dám
nếm thử, nhưng may mắn làm sao, họ thưởng thức được hương vị thiên
nhiên của món xôi lồ ồ thơm phức và cũng dự trữ được vài bó gương
sen tinh khiết ngon ngọt để dành nhấm nháp trên xe. Ngày đầu đến Seam
Reap, đoàn du lịch viếng Angkor Wat, ngôi đền thờ thần Visnu, kiến trúc
vĩ đại độc đáo: cổ kính trang nghiêm, mà nghệ thuật chạm khắc lại
tinh vi tuyệt vời, quả xứng đáng được tôn xưng là kỳ quan thế giới. Tuy
vậy, quần thể Angkor Thom mà đoàn thăm viếng vào ngày thứ nhì phù
hợp với nhãn quan họ hơn, nhờ mang nhiều sắc thái Phật Giáo Đại
thừa, đặc biệt nhất là ngôi đền Bayon có rất nhiều pho tượng Đức Bồ
Tát Quán Thế Âm(8), với nụ cười vô cùng khả ái. Vẻ mặt và nụ cười
phảng phất hình ảnh của vị sư cả chùa Samrong Ek, Trà Vinh khiến Liên
càng chiêm ngưỡng càng xúc động tâm can. Đền Ta Prohm(9) cũng là tu
viện Phật giáo đồng thời với Bayon, nhưng toàn thể kiến trúc nầy đã
suy cấp trầm trọng bởi nạn cây rừng xâm lăng: rễ cuồn cuộn bới xóc
nền đá, trườn lên mái, vặn vẹo tường vách lung lay. Tuy nhiên, cũng
chính đám cây rừng tai hại đã tạo nên nét thiên nhiên kỳ bí cực kỳ quyến
rũ cho phế tích, khiến du khách đổ xô tìm đến trầm trồ chiêm ngưỡng vừa
đượm chút tiếc thương. Mai Liên trầm ngâm ngắm cây bông gòn (10) kỳ cựu đứng chồm trên mái đền mà
mớ rễ khổng lồ như những cánh tay đang ôm ấp, nâng niu, chia sẻ thương
đau với ngôi đền suy sụp. Hai cô em rời bước mà Mai Liên vẫn tiếc nuối
mãi, nàng nhích lại gần hơn, dưới tàn cây râm mát để quan sát từng
chi tiết nhỏ, thế rồi nàng chợt thấy trong làn ánh sáng vàng vọt
yếu ớt, ảnh hiện lờ mờ bóng dáng một nhà sư gầy gò, mà tự thâm tâm
nàng liên tưởng ngay bóng đó chính là sư Meng Sovann. Sư mìm cười cất
tiếng:
- Chenda! Cuối
cùng rồi nàng cũng đến!
Sau một thoáng
bối rối, Liên chợt hiểu, nàng ngập ngừng lên tiếng:
- Chào sư Sovann,
bấy lâu nay sư ra sao?
- Sau khi ta nhận
được sách nàng, đọc được hàng chữ “Xin
đừng quên! Sẽ trở lại!”, Ta chôn sách dưới cội cây bông gòn rừng
nầy, và nguyện mãi mãi chờ nàng trở lại, nên chẳng bao giờ rời
chốn nầy!
- Thế bọn lính
Pol Pot chịu để sư yên thân sao?
- Ngày đó, bị đe
dọa tánh mạng nên hầu hết tu sĩ đều cởi bỏ y vàng chạy thoát thân,
riêng ta lẫn trốn về đây và vẫn giữ y. Ban ngày ta lánh vào rừng,
đói ăn rau củ hoang dại, tối lẻn về ngủ dưới cội cây, với quyển
sách cho ấm lòng. Ta sống như vậy được 12 tháng thì chúng khám phá,
truy lùng bắt được ta và hạ sát ta ngay tại địa điểm nầy!
- Con quả thật vô
cùng xúc động trước khối tình cảm thâm trọng mà sư dành cho con! Nhưng
bây giờ âm dương mỗi người mỗi ngả, con nào biết phải làm điều gì
để đền đáp khối ân tình nầy? Xin sư dạy cho con một lời đi!
- Ta... Ta... không
suy nghĩ ra điều gì cả! Ta đã phát nguyện chờ đợi và chỉ biết chờ
đợi mãi mãi mà thôi!
- Thưa sư! Mấy
tuần trước nhân viếng chùa Samrong Ek, vị sư cả có dạy con: “Kiếp
người một giấc mộng thôi! Biết buông huyễn mộng thảnh thơi an nhàn!”.
Con bỗng thức tỉnh và hiểu rằng, nếu mình tin rằng kiếp người là
thật rồi khư khư ôm ấp nó, kẹt cứng với nó, thì cứ bị nó hành hạ
dày xéo khôn nguôi, nhược bằng biết nó là huyễn mộng, thì ngay lúc
đó mình liền thảnh thơi liền siêu thoát! Sư ạ!
Sau một thoáng suy
tư, sư mỉm cười cất tiếng:
- Cảm tạ! Cảm tạ
ơn chỉ giáo! Chenda ta đi đây!
Bóng sư mờ nhạt
dần rồi biến mất trong không gian.
Mai Liên trở về
Hoa Kỳ với tinh thần sảng khoái, vui vẻ yêu đời. Nhìn vẻ mặt rạng
rỡ của con, không cần hỏi, dì Tư cũng dư biết tâm bệnh con ra sao rồi.
Tuy vậy, dì cũng âu yếm:
- Độ rày tình
trạng sức khỏe con như thế nào? Bệnh trầm cảm còn xảy ra không con?
- Con đã hoàn toàn
chấm dứt nổi buồn vẩn vơ và lo lắng bao đồng rồi! Xin má yên tâm.
- Phước đức quá!
Bà chắp lại,
kính cẩn nhìn vào khoảng không, cất tiếng: “Con xin tạ ơn Trời Phật đã
gia bị cho gia đình con!”. Rồi bà, nhìn con, nghiêm nghị lên tiếng:
- Con à chùa X có
chương trình khắc tên trên tượng Phật để cầu phước, giá mỗi tượng
chỉ có một ngàn, má mua cho con nghen?
- Uả! Hôm trước
nghe Hòa Thượng ra giá ba ngàn đồng mỗi tượng, mà còn dọa ai chậm
chạp sẽ mất cơ hội kia mà? Bộ nay Ngài ra giá khuyến mãi sao
má?
- Ơ, chỉ vì lô
tượng ba ngàn người ta mua hết rồi, nên hòa thượng thương tình cho ra thêm
đợt thứ hai nên có giá khác.
- Coi bộ chậm tay,
mà lại lời hơn người nhanh tay tới hai ngàn đồng, sướng nhỉ!
- Không phải đâu
con, tượng Phật ba ngàn được ở vị trí tốt hơn tượng một ngàn con à!
Má mua cho con nghen! Mua mau đi kẻo trễ con ạ! Ông đại hòa thượng phán dạy như vậy đó,
trễ người ta mua hết thì dẫu mình bỏ ra cả chục ngàn cũng không mua
được đâu!
Đang ăn nói với
giọng tưng tửng, bỗng Mai Liên ra vẻ nghiêm trọng cất tiếng:
- Má à! Má thấy
chuyện phước thiện nào cần làm cứ đóng góp, chùa nào cần phát
triển, cần cúng dường xin cứ cúng dường, bao nhiêu cũng tốt, con không
bao giờ cản má. Riêng cái vụ mua
Phật khắc tên để đời nầy thì xin bỏ qua dùm cho con nhờ. Con sợ vụ
nầy lắm! Con nghĩ nếu mình tham luyến cái hư danh khắc trên tượng để khoe
khoang với đời, thì phước đâu không thấy mà cái tội tham danh, tội
khoác lác thì hiện ra rõ ràng. Vã lại, nếu con lỡ dại mê đắm tượng
khắc tên mình, rồi kẹt cứng vào đó không xa rời được, đến nổi khi chết
đi cứ quanh quẩn bên đó làm hồn ma, làm con bướm, con dán ngắm nhìn dài
dài thì nguy quá chừng hà!
Thấy mẹ có vẻ
bị cụt hứng, mặt mày xụi lơ, Mai Liên nhỏ nhẹ an ủi:
- Má ơi! Mua tượng
Phật khắc tên là mua danh, chớ đâu phải cúng dường. Mà đã thật tâm
cúng dường thì phải biết buông bỏ, chớ ai bám cái danh trên đó để làm
chi?
Tháng 03.2011
Ghi
chú:
1. Chương
trình Lễ Ok-Om-Bok được diễn ra
trong hai ngày. Ngày thứ nhất bắt đầu với nghi lễ cúng
trăng tại chùa, cùng với tục lệ thả đèn nước trên sông và đèn gió
lên trời để xua tan tối tăm và mong cầu tươi sáng, và kết thúc với
Hội đua ghe ngo tưng bừng vào ngày thứ nhì.
2. Ghe ngo có chiều dài khoảng 22 đến 24m, ngang 1,2m có từ
50 đến 60 tay bơi.
3. Chùa Bạc có đặc trưng là nền Chùa được lót bởi 5329 viên gạch bằng
bạc, mỗi viên nặng 1,1kg. Trong chùa có rất nhiều tượng quí, đặc biệt là có một
tượng Phật bằng vàng ròng nặng 90kg có đính 2086 viên kim cương, cùng một tượng Phật khác
bằng Ngọc bích cao gần
một thước.
4. Hai địa điểm ghi lại tội ác của Khmer đỏ tại Phnom Penh là: Toul Sleng Genocide
Museum(Viện bảo
tàng tội diệt chủng Toul Sleng) và The Killing Fields Choeung Ek (Cánh
đồng thảm sát Choeung Ek)
5. Sampot
: váy theo truyền thống Khmer
6. Quảng trường
Sông bốn mặt: tức công viên Sisowath Quay: Công viên dọc
theo đại lộ Sisowath, ngay trước thành Vua. Từ công viên nhìn ra là
vùng nước bao la, nơi hợp lưu của ba con sông lớn: Mekong, Tonle Sap và
Bassac.
7. Edgar Cayce
(1877-1945): Ông là người có khả năng đặc biệt, thấy được tiền kiếp
của người bệnh, để tìm hiểu nguyên nhân căn bệnh, từ đó mới đưa ra
phương pháp trị bệnh. Có trường hợp hiểu rõ nguyên nhân thì không còn
bị “ám thị về một chuyện gì đó”, nên căn bệnh kiếp nầy sẽ hết, có
trường hợp trị bằng cách thay đổi nếp sống, suy tư...
8. Bồ Tát Quán
Thế Âm tức Avalokitesvara hoặc Lokesvara: Đền Bayon đã xây dựng vào
triều đại vua Javavarman VII theo thuyền thống Phật giáo Đại thừa, nên
tạc tượng Đức Quan Thế Âm.
9. Ta Prohm: là
một tu viện đại học Phật giáo Đại Thừa vào thời đại với đền Bayon,
tức khoảng TK 12. Trong thời hưng thinh, Ta Prohm từng qui tụ cả ngàn
tăng sĩ, và lãnh đạo tinh thần cho cả ba ngàn làng quanh vùng.
10. Cây lớn có
nhiều rễ ngoằn ngoèo như con rắn bám trùm ngôi đền theo nhiều nhà
nghiên cứu thuộc loại cây bông gòn (silk-cotton
tree - Ceiba pentandra), cũng có thuyết cho rằng đó là loại thitpok – etrameles
nudiflora, một chủng loại với sồi(oak).