Trong kho tàng văn học Việt Nam nhắc nhiều đến tình mẹ, đem những hình tượng, hình dung từ
gần
gũi, thân thương, thiêng liêng nhất ví von cho tình mẹ: Mẹ là biển cả
bao dung, là bầu trời che chở, là chỗ tựa nương cho con những lúc đau
khổ trong đời, mẹ là Thần là Phật, mẹ là quê hương, là bông hồng, là
nước trong nguồn chảy ra, là chuối ba hương, là xôi nếp một, là đường
mía lau....
Do vậy mà chúng ta lơ đi vai trò của người cha, người cha nghiêm khắc khó gần, chỉ biết làm ra tiền đưa cho vợ nuôi con… Không phải thế đâu ! Tình cha không khác gì tình mẹ, cha yêu thương con cũng vô điều kiện, cũng lao vào bão tố phong ba sóng dồi gió dập để có tiền nuôi con, cha chấp nhận đổi thay hình hài nhanh theo ngày tháng để có tiền mua sữa cho con, nắng gió hiểm nguy nơi công trường bất chấp, miễn sao có tiền mua sách vở cho con, thời khó khăn của đất nước cỡi chiếc xe đạp cà tàng chở đưa đón con ngày hai buổi đến trường, trong mâm cơm miếng ngon nhất dành cho con và nói dối rằng : “ Cha no rồi không ăn nữa”…...Mới đây truyền thông đã đưa hình ảnh người cha khốn khó, cầm chiếc điện thoại trắng đen nhỏ xíu chụp điểm thi con mình với trái tim đập mạnh trong lồng ngực.
Trong những ngày gần lễ Vu Lan báo hiếu - rằm tháng bảy tôi luôn nhớ đến cha mẹ mình đã khuất, nhớ đến những kỷ niệm không thể nào quên được bên cha mẹ khi còn ấu thơ. Nhớ đến những câu chuyện tình cha dành cho con mà tôi được nghe được chứng kiến.
Cách đây hai mươi năm, một buổi chiều của tiết trời tháng bảy tôi thơ thẩn dạo chơi trên con đường đất trước chùa, thì nghe tiếng người rên ở lùm chè ven đường, tiếng rên mỗi lúc mỗi to, tôi bước tới bụi chè để xem, thì ra một người đàn ông đã lớn tuổi khoảng gần sáu mươi, nằm khoanh dưới gốc chè, quần áo ướt nhẹp, hơi thở nồng nặc mùi rượu. Thấy tôi đến hỏi thăm ông đã khóc và nói: “ Thầy ơi tôi say rồi, nhà tôi ở Tiên Sơn phải đi qua một chiếc cầu khỉ, tôi không thể nào về nhà được, tôi lạnh quá, chắc tôi chết mất. Tôi chết tôi không sợ, nhưng tôi thương con tôi quá, con tôi còn nhỏ lắm thầy", nói tới đây thì ông khóc òa lên thật to. Tôi đã nhờ phật tử đưa ông về nhà. Chuyện xảy ra đã hai mươi năm, không hiểu sao cứ ám ảnh tôi, khiến tôi nhớ mãi.
Cách đây hơn một tháng, nội trong ngày:
Buổi sáng có một người cha trẻ đem hai cây lộc vừng đến thưa tôi và xin trồng tại khuôn viên chùa với lời trình bày: “Xin thầy ghi tên dùm và cầu an cho đứa con trai, cầu mong Phật gia hộ cho cháu khỏe mạnh, học hành đến nơi đến chốn”.
Buổi chiều một người cha khác, có gương mặt thức đêm đôi mắt mệt mỏi chở hai tấn xi măng cúng chùa và thưa: “Xin thầy ghi tên cầu Phật gia hộ cho cháu đầu óc được tỉnh táo, có trí nhớ để học hành”.
Và buổi sáng hôm nay có một người cha đưa hai con trai qua chùa lễ Phật, ngồi uống nước trà trò chuyện được biết đời anh cũng ba chìm bảy nổi, gian khổ trăm bề để có tiền nuôi con ăn học. Cháu lớn đang học Đại học Y Dược tại Hà Nội, cháu nhỏ đang học Đại học kiến trúc tại TP. HCM, và cháu út đang học cấp hai. Anh tự hào và hạnh phúc về các con của mình.
Từ những câu chuyện mắt thấy tai nghe, tôi đã cảm nhận một cách sâu sắc rằng: “Tình cha không khác gì tình mẹ, cũng cao như núi Tản Viên, cũng mênh mông như trời biển, cũng bằng mọi cách để cho con ăn học nên người. cũng chấp nhận cô đơn cho con mình xa xứ lập nghiệp xứ người, miễn sao con ấm no hạnh phúc.
Ngày lễ Vu Lan báo hiếu đã cận kề, trong bối cảnh dịch covit vẫn còn đang gây sốt, chùa chiền trong rằm tháng bảy năm nay 2020, tổ chức giản đơn không tụ tập đông đảo. Ngồi viết những dòng chữ này trong đêm với tiếng dế kêu ri rỉ, tiếng tắc kè từng chặp thở ra, tiếng mưa trên mái ngói từng giọt thánh thót rơi đều, tôi nhớ cha tôi vô hạn, nhớ những người cha mà tôi đã từng gặp trong đời. Bài viết này thay cho bông hồng tôi xin được cài lên áo anh, áo chị, áo em trong mùa lễ Vu Lan năm nay, để các anh, các chị, các em …tự hào là ta đã còn cha còn mẹ, cha mẹ là Phật sống trong đời luôn che chở bảo bọc cho ta.
-----------------------------
Ngày 23/08/2020 (âm lịch 05/07/)
Thích Giác Tâm